Kinh nghiệm Singapore

Quan chức “nhảy dù”

Đó là thuật ngữ người Singapore hay dùng để chỉ trường hợp sinh viên được học bổng của chính phủ ngay sau khi tốt nghiệp được nhanh chóng đề bạt chức vụ cao trong hệ thống công vụ (civil service).

Những người này không nhất thiết phải đạt trình độ chuyên viên chính hay phụ như ở ta mà có thể khởi đầu cuộc sống nghề nghiệp với chức Trợ lý Vụ trưởng (Assistant Director) khi mới 28 tuổi, rồi lên ghế Vụ trưởng (Director) ở tuổi 34 với mức lương hàng tháng năm con số.

Một trong những điển hình quan chức nhảy dù ở Singapore là Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Lawrence Wong.

Cách đây bốn năm, Wong đã chia tay với ngành công vụ và gia nhập đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) để tham gia tranh cử quốc hội.

Sau khi “trúng” quốc hội, ông được Thủ tướng Lý Hiển Long chọn làm quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng khi mới có 38 tuổi.

Bo_truong_Lawrence_WongBộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore Lawrence Wong (phải) trong một buổi tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến viếng thăm Singapore vào tháng 5 năm nay

Câu chuyện quan chức tuổi trẻ tài cao ở Singapore có thể được ai đó ở Việt Nam ta minh họa hay biện minh cho việc vội vàng bổ nhiệm quan chức có cái bằng gì gì đó mà chưa có kinh nghiệm thực tiễn.

Nhưng so sánh bao giờ cũng là khập khiễng bởi cơ chế quản lý nhà nước ở Singapore hoàn toàn khác Việt Nam.

Ngoài ra chuyện biệt đãi người tài ở Singapore không phải là ngoại lệ mà chính phủ đã công khai cấp học bổng cho học sinh giỏi đủ mọi ngành nghề nhằm chuẩn bị đội ngũ nhân lực trí tuệ cao phục vụ cho guồng máy công quyền.

Ví dụ như học bổng của Ủy ban Công vụ (PSC) thuộc Văn phòng Chính phủ Singapore nhắm đến ba lĩnh vực đào tạo chính là hành chính công (xây dựng và thực thi chính sách), chuyên nghiệp (ngoại giao, luật pháp hay giáo dục) và vũ trang (quân đội và cảnh sát).

Nhưng chính sách chiêu hiền đãi sĩ nói trên khiến một số người Singapore cảm thấy không công bằng và thỏa đáng.

Trong một diễn đàn trên nhật báo The Straits Times (TST), một độc giả là bà Annie Koh Seok Kien cho biết bà có nhiều bạn bè và người thân làm việc trong ngành công vụ và ai có học bổng chính phủ bao giờ cũng được đảm bảo nắm giữ vị trí cấp cao mặc dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm trong khi người có bằng cấp thấp hơn hoặc không nằm trong diện quy hoạch của PSC thì khó thăng tiến hay mất nhiều thời gian hơn.

Theo bà Koh, những quan chức trẻ này không thể bằng người đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành.

Mặt khác, những người này vì đề bạt quá nhanh có thể chủ quan và kiêu căng tự phụ.

Bà đề nghị chính phủ phải để những người này có thời gian thâm nhập và đụng chạm với thực tế nhiều hơn trước khi được đề bạt.

Phản hồi ý kiến của bà Koh, Vụ trưởng về Phát triển Lãnh đạo PSC là bà Ong Toon Hui cho biết không phải cứ có học bổng tốt nghiệp xong là vào làm sếp ngay mà việc đề bạt tùy thuộc vào khả năng làm việc và thích ứng trong đó có các kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tinh thần đồng đội.

Những người có bằng cấp thấp hơn được giao những công việc có mức độ trách nhiệm và loại hình công việc khác hơn so với người có trình độ cử nhân hay thạc sĩ, tuy nhiên nếu làm việc tốt cũng sẽ được đề bạt để giữ trọng trách cao hơn.

Nói tóm lại, việc đề bạt không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn cả việc hoàn thành công việc được giao và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Bà Ong cho rằng chuyện nhân viên có kinh nghiệm phải làm việc dưới trướng của lãnh đạo nhỏ tuổi hơn mình cũng là điều bình thường trong khu vực tư nhân nhưng cũng không có nghĩa là họ không được tôn trọng.

Có lẽ do khuôn khổ tờ báo có hạn nên bà Ong chưa trình bày hết triết lý và phương cách sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước Singapore theo đó quan chức từ già xuống trẻ đều được đánh giá theo tiêu chuẩn “máy bay lên thẳng”, tức là vừa phải có tầm nhìn rộng rãi ở trên cao nhưng vẫn nắm bắt được các chi tiết dưới mặt đất. Như vậy, bằng cấp chỉ là yếu tố cần, nhưng chưa đủ mà phải có chứng minh bằng thực tiễn công việc hay nói theo ngôn ngữ thời chiến tranh là phải có chiến công.

Mặc dù có nhiều khác biệt nhưng tiêu chuẩn đánh giá và đề bạt trong ngành công vụ của Singapore và Việt Nam đều đòi hỏi thời gian tối thiểu.

Ví dụ như ở Việt Nam làm giám đốc sở hay chức vụ tương đương thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương là phải “có năm năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất ba năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao”.

Còn Bộ trưởng Wong ở phần đầu bài viết này cũng phải lăn lóc từ nhiều bộ ngành khác nhau như công thương, tài chính, y tế, thư ký thủ tướng và chứng tỏ được khả năng và bản lĩnh lãnh đạo mới được đề bạt giữ chức Bộ trưởng Bộ phát triển Quốc gia trong nội các mới của Singapore vừa công bố hôm thứ hai.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

* * *

Chiến thắng của nền dân chủ mang thương hiệu Singapore

Với gần 70% phiếu tín nhiệm trong kỳ bầu cử quốc hội của một đất nước theo thể chế dân chủ đại nghị đa đảng tổ chức vào ngày 11-9 vừa qua, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã khẳng định vị trí độc tôn của mình trên chính trường Singapore trong suốt hơn nửa thế kỷ, điều mà chỉ có thể thực hiện trong những chế độ quân chủ hay độc tài toàn trị.

Nhưng thành tích của PAP trong kỳ bầu cử lần này chỉ là bề nổi cho chiến thắng của nền dân chủ mang bản sắc đặc thù của đảo quốc Sư tử khi người dân biết khôn ngoan sử dụng lá phiếu của mình bầu chọn chính đảng đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết.

Ly_Quang_Dieu_1959Tháng 5-1959, chàng luật sư trẻ Lý Quang Diệu đã quyết định bỏ công danh sự nghiệp để dấn thân vào chính trường đầy thử thách chông gai và làm thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia bé nhỏ

Cách đây 56 năm, tháng 5-1959, Singapore đã có tổng tuyển cử lần đầu tiên với sự xuất hiện của chàng thanh niên đầy nhiệt huyết 35 tuổi Lý Quang Diệu chấp nhận bỏ nghề luật sư tham gia chính trường với tư cách ứng viên đối lập cùng các bạn đồng chí PAP du học từ Anh trở về.

Ngay sau khi lên nắm quyền, ưu tiên hàng đầu của thủ tướng Lý cùng chính phủ PAP là tạo công ăn việc làm và ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân chứ không chỉ là lời hô hào trừu tượng cao siêu.

Mặc dù không phải tất cả đều hoàn hảo nhưng các nhà lãnh đạo PAP đã thực hiện những gì mình đã hứa trong những kỳ bầu cử và giúp người dân Singapore thực hiện được mong muốn đời thường gói gọn trong bốn chữ S tiếng Anh là sống trong một xã hội an toàn (Safety), an ninh (Secutity), ổn định (Stabilty) và tiêu chuẩn sống tốt (Standard of living) như cơ hội việc làm, điều kiện giáo dục cho con cái và sở hữu nhà ở.

Trong một bài phát biểu chia sẻ quan điểm quản trị quốc gia với cộng đồng quốc tế vào tháng 11-1992 tại Tokyo, thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng người dân nước nào cũng mong muốn có chính phủ tốt.

Ông nói:

“Trước hết, một đất nước phải có phát triển kinh tế rồi dân chủ sẽ theo sau.

Cũng có ngoại lệ là dân chủ không tạo ra chính phủ tốt ở các nước đang phát triển.

Dân chủ không dẫn đến phát triển vì chính phủ không tạo lập được sự ổn định và kỷ luật cần thiết cho phát triển.”

Theo ông, một chính phủ tốt là một chính phủ trung thực, hiệu quả, biết cách bảo vệ người dân của mình, tạo cơ hội cho tất cả mọi  người thăng tiến trong một xã hội trật tự và ổn định, nơi mà họ có thể sống hạnh phúc và nuôi dạy con cái để thế hệ sau tốt hơn.

Bo_phieuTừ lúc được thực dân trao trả độc lập và giao quyền tự chủ chính quyền vào tháng 5-1959, người dân Singapore luôn có quyền lựa chọn và bỏ phiếu bầu những người lãnh đạo tài đức để thay mặt mình lãnh đạo đất nước

Nhưng dân chủ qua các kỳ bầu cử quốc hội đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống văn hóa – chính trị – xã hội – tinh thần của người dân  đảo Sư tử kể từ khi người Anh trao trả độc lập.

Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi, người dân Singapore đã thức đến 3 giờ sáng để nghe kết quả kiểm phiếu ở từng khu vực bầu cử.

Đúng một tháng sau khi tổ chức những hoạt động kỷ niệm tưng bừng mừng 50 năm ngày độc lập với đỉnh điểm là lễ diễu hành quốc khánh vào ngày 9-8-2015, cả đất nước Singapore lại bước vào những ngày hội dân chủ đầy sôi nổi với bích chương, biểu ngữ, loa phóng thanh và những buổi diễn thuyết vận động tranh cử của các ứng viên.

Khác với các kỳ bầu cử trước đây khi bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu còn sinh thời, các khu vực bầu cử trên toàn lãnh thổ Singapore đều có ứng viên đối lập tranh tài với PAP.

Một số đảng đối lập còn xây dựng được các đơn vị ứng viên tranh cử theo nhóm (GRC) trong đó có đại diện sắc tộc thiểu số như Mã Lai hay Ấn Độ, một sáng kiến của cựu tổng bí thư PAP được đưa vào thể chế từ năm 1984 để đảm bảo đoàn kết sắc tộc và cũng gây khó khăn cho đảng đối lập nào tham gia tranh cử.

Van_dong_bau_cuDân chủ qua các kỳ bầu cử quốc hội đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống văn hóa – chính trị – xã hội – tinh thần của người dân đảo Sư tử kể từ khi người Anh trao trả độc lập

Nhìn lại các cuộc bầu cử của Cộng hòa Singapore trong suốt hơn 50 năm qua, PAP nắm tất cả ghế trong quốc hội trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1981 và sau đó chưa bao giờ mất quá bốn ghế mãi cho đến kỳ bầu cử năm 2011 khi một GRC của đảng đối lập mang tên Công nhân (WP) lấy được đa số phiếu của cử tri khu vực bầu cử Aljunied khiến Singapore mất ba bộ trưởng trong đó có ngoại trưởng Georges Yeo đang trên đà thăng tiến sự nghiệp.

Cuộc bầu cử quốc hội năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt nhất là nó đánh dấu một trang sử mới trong thời kỳ hậu Lý Quang Diệu.

Nhưng sẽ là vô phúc cho người dân đảo Sư tử nếu PAP tiếp tục quyền lãnh đạo độc tôn của mình chỉ bằng cách cố gắng bám víu và thừa hưởng ánh hào quang và công lao quá khứ của Lý Quang Diệu và các bậc khai quốc công thần.

Trong kỳ bầu cử quốc hội lần này, chân lý quyền lực thuộc về nhân dân có thể được minh chứng bằng cuộc đua tranh giành lá phiếu của từng cử tri của PAP cùng với tám chính đảng khác và hai ứng viên độc lập là công dân nhập tịch ra tranh cử.

Các ứng viên đối lập và độc lập mặc dù nhiều người còn kém cỏi về bản lĩnh chính trị, hạn chế về bằng cấp và khả năng diễn thuyết đã cố gắng hết sức mình trong một tiến trình dân chủ giúp người dân suy nghĩ sâu sắc hơn về vận mệnh của đất nước mình cùng những lựa chọn mới.

Ngay_hoi_dan_chuĐúng một tháng sau khi tổ chức những hoạt động kỷ niệm tưng bừng mừng 50 năm ngày độc lập với đỉnh điểm là lễ diễu hành quốc khánh vào ngày 9-8-2015, cả đất nước Singapore lại bước vào những ngày hội dân chủ đầy sôi nổi với bích chương, biểu ngữ, loa phóng thanh và những buổi diễn thuyết vận động tranh cử của các ứng viên

Sau khi tiếp tục thất bại trong kỳ bầu cử lần này, thủ lĩnh đảng đối lập mang tên Cải cách (RP) là ông Kenneth Jeyaretnam cho rằng lá phiếu dành cho PAP là sự ủy thác cho một chính quyền độc tài và tẩy não, rằng người dân Singapore đã chọn cho mình một chính phủ mà họ đáng được nhận.

Thủ lĩnh đảng đối lập mang tên Quốc nhân vi tiên (SingFirst) với tôn chỉ đặt ưu tiên hàng đầu cho người Singapore là ông Tan Jee Say nói ông cảm thấy bất ngờ vì kết quả bầu cử không như mong đợi trong khi cử tri Singapore đã ủng hộ nhiệt tình các đảng đối lập trong các buổi diễn thuyết vận động tranh cử.

Sự thật là người dân Singapore rất muốn có tiếng nói đối lập nhiều hơn trong quốc hội nhưng cuối cùng đa số họ vẫn bỏ phiếu bầu cho chính đảng có trí tuệ, bản lĩnh chính trị cao cùng với bề dày đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và khả năng tự đổi mới đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu của người dân trong bối cảnh và vận hội mới.

Thể chế dân chủ đại nghị thừa hưởng từ chế độ thực dân Anh dựa trên những nguyên tắc căn bản về nhà nước pháp quyền cùng với các sáng kiến chính trị từ tầm nhìn sâu rộng của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu và cuộc sàng lọc tuyển chọn đại diện dân cử qua các kỳ bầu cử quốc hội đã giúp cho Singapore có một guồng máy lãnh đạo quốc gia tinh nhuệ và vững chắc.

Để có thể liên tục chiến thắng trong các kỳ bầu cử quốc hội, PAP luôn tìm cách thu hút nhân tài vào trong đội ngũ của mình.

Theo các nguồn tin truyền thông chính thức ở Singapore, kể từ năm 1984, PAP đã tạo lập cho mình cơ sở dữ liệu lưu trữ danh sách ít nhất 2.000 ứng viên, tập hợp từ các học giả trong nước, du học trở về và những người có trình độ chuyên môn.

Quá trình tìm kiếm người tài của PAP cũng tương tự như cách săn đầu người của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Ứng viên PAP tham gia tranh cử là những thành phần ưu tú về mặt học vấn hay thành đạt trong xã hội hoặc có đóng góp trong cộng đồng và được PAP sàng lọc kỹ lưỡng trước khi được tung ra trận chiến.

Bau_cu_SingaporeThể chế dân chủ đại nghị thừa hưởng từ chế độ thực dân Anh dựa trên những nguyên tắc căn bản về nhà nước pháp quyền cùng với các sáng kiến chính trị từ tầm nhìn sâu rộng của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu và cuộc sàng lọc tuyển chọn đại diện dân cử qua các kỳ bầu cử quốc hội đã giúp cho Singapore có một guồng máy lãnh đạo quốc gia tinh nhuệ và vững chắc

Vị thế thượng phong của PAP trên chính trường Singapore đã hình thành một tầng lớp quý tộc chính trị ở đẳng cấp cao trong đó nổi bật nhất là vị tổng bí thư đầu tiên PAP Lý Quang Diệu.

Nhưng những ai đã từng lên án ông Lý là nhà độc tài sẽ phải suy nghĩ lại vì chính ông là người đã mở đường cho đảng đối lập chạy vào quốc hội bằng cách tạo ra cơ chế Nghị viên dự khuyết (NCMP).

Theo cơ chế này, ứng viên thuộc đảng đối lập thua cử nhưng với số bầu cao nhất được tham gia quốc hội nhưng không có quyền biểu quyết thay đổi hiến pháp, bỏ phiếu bất tín nhiệm, trình dự án luật liên quan đến ngân sách.

Năm 1984, sau bốn kỳ bầu cử mà PAP giành được toàn bộ ghế trong quốc hội, thủ tướng Lý Quang Diệu lý luận rằng cơ chế NCMP sẽ đảm bảo rằng tất cả tiếng nói đối lập sẽ được lắng nghe trong quốc hội và điều này sẽ có lợi cho đất nước Singapore vì thế hệ trẻ sẽ có cơ hội thấy đảng đối lập có thể làm được và không làm được gì.

Hiến pháp Singapore hiện nay cho phép có tối đa chín NCMP trong quốc hội.

Phát biểu trong một diễn đàn vào năm 2004, ông Lý nói:

“Mặc dù đảng đối lập còn yếu ớt, chúng ta vẫn duy trì hệ thống chính trị vận hành theo cách như vậy để trong trường hợp đảng cầm quyền bị truất phế, chính phủ, quốc hội và bộ máy công vụ vẫn hoạt động.

Công an, quân đội sẽ gánh vác trong trường hợp cần thiết.”

Theo ông, sự tách biệt rõ ràng giữa đảng phái và chính phủ, giữa nhà nước và cơ quan hành pháp đã giúp guồng máy hành chính công quyền của Singapore vận hành bình thường và sẽ không có chuyện sụp đổ toàn hệ thống trong trường hợp xấu nhất là PAP không còn nắm quyền kiểm soát quốc hội.

Quoc_ky_SingaporeQuốc kỳ của Singapore với hai màu trắng và đỏ biểu tượng cho tình huynh đệ và sự thanh khiết, trăng lưỡi liềm thể hiện một đất nước Singapore non trẻ và năm ngôi sao tượng trưng cho lý tưởng dân chủ, công lý, công bằng, hòa bình và tiến bộ

Thắng lợi thuyết phục nhưng không kém phần gian nan của PAP trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua với những luật chơi rõ ràng, sòng phẳng, công khai, minh bạch đã khẳng định sức mạnh của nền dân chủ mang bản sắc và thương hiệu Singapore dựa trên những giá trị nền tảng mà các nhà lãnh đạo của chính đảng cầm quyền đã đưa ra trong thưở ban đầu lập quốc.

Cách đây 50 năm, người Singapore không có lựa chọn nào khác để trở thành một quốc gia độc lập sau khi bị đuổi ra khỏi Liên bang Malaysia vào tháng 8 năm 1965.

Nhưng điều may mắn là trước đó, từ lúc được thực dân trao trả độc lập và giao quyền tự chủ chính quyền vào tháng 5-1959, người dân Singapore luôn có quyền lựa chọn và bỏ phiếu bầu những người lãnh đạo tài đức để thay mặt mình lãnh đạo đất nước.

Cuối cùng, không thể không nói đến chàng luật sư trẻ Lý Quang Diệu khi đó đã quyết định bỏ công danh sự nghiệp để dấn thân vào chính trường đầy thử thách chông gai và làm thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia bé nhỏ.

Với những giá trị và lý tưởng như dân chủ, công lý, công bằng, hòa bình và tiến bộ được suy tôn và biến thành thực tiễn sống động phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc, người Singapore có quyền ngẩng cao đầu sánh vai với công dân các cường quốc năm châu mặc dù diện tích đất nước họ chỉ là một cái chấm đỏ trên bản đồ thế giới.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

Xuất khẩu mô hình Singapore

Singapore, cảng đông thứ hai của thế giới, đất nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh, đang tìm cách xuất khẩu một thứ không vận chuyển qua bến cảng:

Mô hình của chính mình.

Khi quá trình đô thị hóa đang lan khắp châu Á và thế giới, quốc đảo này đang nổi lên với vai trò mới là nhân bản những kỹ năng và mô hình của mình, từ dạy toán, xử lý nước, cho đến phát triển các sân bay hay cả một thành phố.

“Nhiều thành phố trong khu vực đang nhìn Singapore để học theo.”

TS. Malone-Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm các thành phố châu Á bền vững của Đại học Quốc gia Singapore, nói.

Các thành phố này quan tâm đến nhiều lĩnh vực chuyên biệt của Singapore, từ cách xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước, cho đến việc quy hoạch đô thị.

Các quan chức Myanmar rất chú trọng áp dụng mô hình vườn trên mái của Singapore cho các đường phố cũ của Yangon.

Steve Leonard, Trưởng bộ phận của chính phủ phụ trách tiến hành các khởi xướng biến nước này thành quốc gia kỹ thuật số tiên phong của thế giới, chỉ ra những thách thức tương đồng mà thế giới đang đối mặt, từ việc kẹt đường đến việc thiếu giường bệnh trong các bệnh viện.

Làm sạch nguồn nước, ông nói, “là điều Singapore đã đưa đến nhiều quốc gia.

Đó là cái ai cũng cần và cũng là vấn đề nhiều nước đang gặp phải.

Và nay chúng tôi làm điều tương tự với công nghệ liên quan đến sức khỏe.”

singaporeSingapore vừa kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh

Singapore cũng “kinh doanh” chuyên môn về hàng không.

Công nghiệp hàng không nội địa khởi đầu từ không quân năm 1929; vào năm ngoái có hơn 54 triệu hành khách lưu chuyển qua sân bay quốc tế Changi.

Với thành công liên tiếp, các nhà điều hành bay đã lập một đội tư vấn và đầu tư hàng không.

Tập đoàn sân bay Changi đang làm việc tại 40 dự án ở 20 nước, từ Maldives đến Uganda, với mọi lĩnh vực từ quy hoạch sân bay và kỹ thuật hàng không cho đến các không gian thương mại.

Việc các chính phủ đã bị thu hút bởi một đất nước Singapore nhỏ bé nhưng hiệu quả và thịnh vượng có một lịch sử lâu dài hơn.

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế đất nước này những năm 1970-1980, từng là người hâm mộ Singapore.

Ông nói:

“Singapore có trật tự xã hội tốt và quản lý chặt chẽ.

Chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm này và sẽ quản lý tốt hơn cả họ.”

Tuy nhiên, bài học đó lại được áp dụng ở thành phố tiên phong ở khu công nghiệp Tô Châu đầu những năm 1990, một nỗ lực để một góc nhỏ của Trung Quốc sẽ trở thành Singapore mãi mãi.

Đã có những tranh luận giữa nhà lãnh đạo tiền bối của Singapore, ông Lý Quang Diệu – người đã làm nên Singapore ngày nay, và các quan chức địa phương về một khu kinh tế cạnh tranh chỉ toàn người Trung Quốc đó.

Một làn sóng bắt chước đã kéo theo một làn sóng thất bại, tính theo những chỉ tiêu về lợi nhuận hay đầu ra.

John Thomas, nguyên giảng viên chính sách công của trường Kennedy (Đại học Harvard) và đồng tác giả đã nhận định trong một tham luận:

“Đơn giản là họ không hiểu mọi việc không diễn ra ở nơi khác như cách người ta làm ở Singapore.”

Những gì có thể làm ở một quốc đảo nhỏ bé và được quản lý chặt như Singapore không thể bê nguyên xi qua một nơi lớn hơn như Tô Châu.

“Họ đã hoàn toàn bỏ qua các yếu tố lịch sử văn hóa, xã hội. Họ không thể tạo ra một thành phố ốc đảo như thế trong lòng Trung Quốc.”

Những thành phố sau đó có kết thúc có hậu hơn.

Khu sinh thái đô thị Thiên Tân, do Trung Quốc và Singapore đồng quản trị, tập trung vào vận chuyển, xây dựng xanh và nước sạch.

Nhưng trong một bài phát biểu năm ngoái, Khaw Boon Wan, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore, đi xa hơn, nhắc đến một “trái tim xanh”.

“Nghĩa là ý thức sinh thái của những cư dân sống ở khu sinh thái đô thị.”

Ông giải thích.

“Họ có “xanh” từ trong tim, họ có thực sự tích cực tái chế, có tích cực bảo vệ môi trường?

Tóm lại, chính họ có phải là những quán quân về lối sống xanh?”

Điều này đi vào cốt lõi của vấn đề: sự khác biệt giữa những tòa nhà và những quy trình.

Cái thứ hai, theo những nhà quan sát, dễ thực hiện trong một đất nước đô thị có 6 triệu dân do một đảng dẫn dắt không thay đổi suốt từ khi độc lập vào năm 1965.

“Tôi luôn nghĩ rằng mô hình Singapore không thể áp dụng được.”

Ông Thomas nói.

“Có những phần của Singapore mà người ta có thể bắt chước, rập khuôn, nhưng kiểm soát cỡ toàn bộ một Singapore như thế thì không nơi nào khác có thể làm được.”

Với TS. Malone-Lee, rất nhiều nhà chuyên môn của Singapore có thể và đã chuyển giao.

Như các nhà làm luật, kiến trúc sư, các nhà tư vấn xử lý rác hay thiết kế cảnh quan.

Thậm chí những chuyên môn này đã trở thành những ngành kinh doanh quốc tế mang lại nhiều lợi nhuận.

Mới đây, Singapore đưa sang Anh một trong những kỹ năng hiển nhiên nhất của mình:

Hệ thống giáo dục, đã đưa nước này trở thành hàng đầu trong bảng xếp hạng về toán.

Những khởi xướng ở mức độ chính phủ và kết quả cải thiện thấy rõ chỉ sau một năm.

Ngoài lớp học, Giáo sư Thomas tỏ ra thận trọng.

Ông nói khi quay trở lại từ Singapore ông được mời nói chuyện ở Puerto Rico về việc làm sao để áp dụng mô hình Singapore.

“Điều đầu tiên tôi nói ngay là, các bạn không thể làm thế được.”

Ông nói.

Khong_gian_cong_cong_SingaporeMột góc không gian công cộng dưới khu nhà tập thể do nhà nước Singapore xây 

Vì sao Singapore phải sạch và xanh?

Không gian công cộng sạch và xanh nổi tiếng của Singapore không phải tự nhiên mà có, mà nó được hình thành từ ý tưởng của ông Lý Quang Diệu sau chuyến đi công tác ở Boston, Hoa Kỳ năm 1968.

Ông Lý đã học hỏi kinh nghiệm quản lý ô nhiễm của người Mỹ trong việc kiểm tra xe hơi định kỳ để khói xe không làm bẩn đường phố và cây xanh.

Hiện nay, tại Singapore xe hơi từ 3-10 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần; xe trên 10 năm phải kiểm định hàng năm. Xe tải chở hàng từ Malaysia sang cũng bị đóng phí môi trường rất cao nếu không tuân thủ tiêu chuẩn của Singapore.

Trả lời phỏng vấn với nhật báo The Straits Times, ông Lý tiết lộ:

“Tình trạng cây cối của chúng ta đã cho tôi một chỉ báo về mức độ ô nhiễm.

Tôi đã cho lắp đặt máy đo ô nhiễm và đó là cách để siết chặt kỷ cương môi trường đối với xe tải và xe buýt chạy dầu diesel”.

Theo ông Lý, quyết tâm biến cả Singapore thành một quốc gia sạch và xanh không chỉ đơn thuần là chuyện môi trường mà còn kéo theo những hệ lụy về chính trị – xã hội.

Ông cho rằng nếu chính phủ không gầy dựng Singapore thành một đảo quốc sạch sẽ thì đất nước này sẽ có hai giai cấp:

Giai cấp thượng lưu và trung lưu được hưởng cơ sở vật chất tiện nghi; giai cấp hạ lưu và tầng lớp lao động sống trong điều kiện tồi tệ.

Ông khẳng định một xã hội như vậy sẽ không thể nào thịnh vượng.

Ông nhìn nhận với cơ chế nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam thanh niên bước vào tuổi 18, chẳng có gia đình Singapore nào muốn con em của mình hy sinh cho những kẻ sống trong nhà cao cửa rộng hay sở hữu tòa tháp nhà cao tầng.

Do đó, cả đảo quốc phải sạch và xanh và mọi người đều cảm thấy mình là người sở hữu.

Ông nói:

“Xã hội sẽ có chênh lệch về thu nhập nhưng cho dù bạn sống trong căn hộ HDB (khu nhà tập thể do nhà nước Singapore xây) nhỏ hay to, cao cấp hay biệt thự, Singapore luôn sạch sẽ với không gian công cộng dành cho tất cả mọi người”.

THANH HƯƠNG – LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

* * *

Vị thế của Singapore và Đông Nam Á qua nhận định và viễn kiến của Lý Quang Diệu về chiến tranh Việt Nam

Trong lúc xe tăng của quân giải phóng miền Bắc tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 thì thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu đang dự cuộc họp các nguyên thủ quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung diễn ra tại Jamaica từ ngày 29/4 đến 6/5/1975.

Phát biểu với các đồng sự trước hội nghị tại Kingston, Jamaica vào ngày 30/4, ông Lý nói:

“Quả là bất ngờ, nhưng tôi hy vọng đây không phải là điều không may mắn cho Đông Nam Á, rằng tôi lại được yêu cầu phát biểu vào cái ngày những người cộng sản đã tiến chiếm Sài Gòn.

Sự kiện này đã đánh dấu một cách kịch tính sự suy sụp của vị thế thống trị phương Tây đối với những người cộng sản, Liên Xô và Trung Quốc.

Với sự thất bại của chiến tranh Đông Dương, khoảng hai, ba triệu USD tương đương với giá trị vũ khí mới nhất của Hoa Kỳ có thể trở thành mối nguy hại không thể tính được, không chỉ đối với phần còn lại của Đông Nam Á, mà còn với cả phần còn lại của thế giới.

Hôm nay, bạn có thể mua một khẩu súng M16, một trong loại súng trường tốt nhất ngoài chiến trường với giá 2 nghìn baht tiền Thái, tương đương 200 USD.

Giờ đây, cái giá đó có lẽ xuống còn khoảng 1000 baht hay 100 USD, sau khi Sài Gòn đã đầu hàng.

Chính trong bối cảnh đó mà tôi tin rằng sẽ không tránh khỏi tình trạng xung đột diễn ra nhiều ở miền Nam châu Phi.

Bởi lẽ những người định cư da trắng ở châu Phi sẽ chiến đấu để bảo vệ cơ sở đồn thủ của mình.

Liên Xô và bây giờ với xung lực bổ sung là Trung Quốc, là hai nhà cung cấp vũ khí và chiến thuật sẽ thấy những cơ sở đồn thủ này được thanh lý, với chi phí thấp.

Nhưng cái giá phải trả là máu của chính người da đen.”

30April1975Sự kiện 30/4/1975 đã đánh dấu một cách kịch tính sự suy sụp của với vị thế thống trị phương Tây đối với những người cộng sản, Liên Xô và Trung Quốc

Kết thúc bài phát biểu nói nhiều về vai trò và ảnh hưởng của Liên Xô của Trung Quốc trước và sau Chiến tranh Việt Nam, ông Lý dẫn lời của chiến lược gia Tôn Tử là “biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng.”

Ông cho rằng ông hiểu được phía bên kia, những người cộng sản và hậu thuẫn là ai, tuy nhiên ông không biết được những thành trì của dân chủ lại không sánh được quyết tâm của những người cộng sản.

Giờ đây, Đông Dương đã rơi vào tay của những người cộng sản, một trật tự thế giới mới đã được hình thành.

Ông nhận định:

“Người Mỹ không muốn đánh nhau với người Nga và ngược lại.

Người Trung Quốc có đủ năng lực hạt nhân khiến người Nga cũng không muốn đánh nhau với người Trung Quốc.

Họ không muốn va chạm hay xung đột với nhau.

Nhưng xung đột sẽ thông qua bên thứ ba, những kẻ được ủy quyền.”

Ông khuyên các đồng sự trong hội nghị đừng làm những kẻ được ủy quyền điên rồ mà hãy bình tĩnh chờ đón những cơ hội kinh tế mới trong thực tiễn quyền lực của Mỹ và Liên Xô và sau này của Trung Quốc và quan hệ với các đồng minh sẽ quyết định khuôn khổ hòa bình cộng với cạnh tranh để ảnh hưởng.

Như vậy, trong bối cảnh Đông Nam Á, các nước thuộc khối Thịnh vượng chung phải vạch ra hướng đi tương lai của mình, nhất là sau chiến tranh Việt Nam.”

Phát biểu trên đây của ông Lý cho thấy chiến tranh Việt Nam kết thúc đã mở ra một chân trời mới cho các nước trong khối Thịnh vượng chung và nhất là Singapore đã thoát khỏi những mối âu lo về an ninh quốc phòng khi chiến sự leo thang ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trong một buổi nói chuyện với sinh viên tốt nghiệp Đại học Nanyang vào đầu năm 1966, ông Lý đã thẳng thắn nêu lên thực tế về vị trí của Singapore trên bàn cờ khu vực với những diễn tiến khó lường tại hai nước láng giềng Indonesia và Malaysia:

“Giả sử người Anh quyết định rút khỏi Đông Nam Á và Singapore, và để cho các nước Đông Nam Á quyết định quan hệ giữa chúng ta với nhau.

Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta, với năng lực quốc phòng hiện nay của chúng ta?

Indonesia có quân đội 400.000 người và các nước láng giềng khác đều mạnh hơn Singapore.

Do đó, chúng ta phải tính toán thật kỹ lưỡng, xem xét cân nhắc tất cả mọi vấn đề.

Tất cả đều phải hiểu rằng đây không còn là sự sống còn của một cá nhân, mà là vấn đề sống còn của hàng triệu con người.”

Nhưng thật ra chiến tranh Việt Nam và những áp lực an ninh quốc phòng từ các nước trong khu vực chỉ là cái cớ cho vị thủ tướng trẻ tuổi họ Lý vận động người dân Singapore đoàn kết gắn sức xây dựng một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và không để đảo quốc có đa số người dân gốc Hoa bị biến thành tiền đồn của Trung Quốc.

Ông hiểu rõ những tương quan quyền lực trên bàn cờ an ninh quân sự quốc tế và Singapore cần phải làm gì để tồn tại trong bối cảnh quần ngư tranh thực.

Năm 1965, sau khi gặp thượng nghị sĩ Mỹ Robert Kennedy, người vận động ý tưởng “Hãy để người châu Á giải quyết các vấn đề của châu Á” trong chuyến công du Viễn Đông, ông Lý đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình thông qua tạp chí Time.

Ông đặt câu hỏi phải chăng xung đột giữa Indonesia và Malaysia vào thời điểm đó là vấn đề của châu Á.

Ai đưa cho người Indonesia súng ống, tàu bè, máy bay và tàu ngầm để tạo ra vấn đề châu Á.

Phải chăng người châu Á đưa cho họ, hay người Nga?

Và chính xác một giải pháp châu Á cho một vấn đề châu Á có nghĩa là gì.

Ông Lý đưa ra một loạt các câu hỏi:

“Nếu một giải pháp châu Á cho một vấn đề châu Á được áp dụng cho miền Nam Việt Nam, ông Kennedy sẽ đứng ở đâu trong Thượng viện Hoa Kỳ?

Làm sao ông ta có thể bào chữa cho những điều Tổng thống Johnson đang làm ở Việt Nam?

Hãy giả định rằng mọi người chấp nhận đó thật sự là ý định của Hoa Kỳ – đem đến hòa bình chứ không phải xâm lược miền Nam Việt Nam, không phải để thuộc địa hóa, mà chỉ để ngăn ngừa nguy cơ suy yếu của các nước không theo cộng sản do tác động bởi các thế lực cộng sản, làm thế nào để một giải pháp châu Á  cho một vấn đề châu Á ở đó thực hiện được?

Có nghĩa là đầu tiên, người Mỹ hãy bước ra ngoài.

Được rồi.

Vậy người miền Bắc Việt Nam có bước ra ngoài không.

Họ là người châu Á, phải không?

Được rồi.

Thế còn người Trung Quốc và người Ấn Độ?

Họ trong cuộc hay ngoài cuộc?

Họ trong cuộc, tôi cho là vậy, bởi vì họ là người châu Á.

Vậy người Ấn sẽ ủng hộ người miền Nam Việt Nam, đảm trách vai trò của Hoa Kỳ?

Tôi không thấy họ sẽ làm điều đó.

Họ không ngã theo hướng đó.

Vậy ai sẽ cân đối tương quan này?

Dù sao đi nữa ai đã cung cấp máy bay chiến đấu MIG cho miền Bắc Việt Nam?

Phải chăng chúng đã được sản xuất bởi miền Bắc Việt Nam?

Liệu đây có phải là vấn đề thuần túy châu Á?”

Asia_LyLý Quang Diệu được xem là cố vấn của nhiều quốc gia Đông Nam Á 

Viễn kiến của Lý Quang Diệu về cuộc chiến Việt Nam có lẽ được thể hiện rõ hơn trong buổi trả lời phỏng vấn tạp chí Time vào tháng 4 năm 1967.

Được hỏi về cảm nhận của ông về vai trò và vị thế của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Lý cho rằng điều đáng lo là liệu xã hội cởi mở của Mỹ có cho phép chính phủ tiếp hành chiến tranh như kiểu ở Việt Nam, một cuộc chiến triền miên, cay đắng và chẳng cho thấy triển vọng chiến thắng vẻ vang và dứt khoát.

Đặc biệt, áp lực chiến thắng nhanh chóng và dứt khoát đối với Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ đẩy nước Mỹ vào tình thế hết sức nguy hiểm.

Ông nói:

“Nếu các ông có thể chỉ duy trì tình hình và khiến phía bên kia không chiến thắng, các ông sẽ có đóng góp quý báu vào ổn định lâu dài của khu vực.

Nếu các ông không thể cầm cự nổi trước những áp lực căng thẳng  để có kết quả nhanh chóng, thì tôi cho rằng sẽ là phiền toái nghiêm trọng cho cả châu Á, cho cả thế giới.”

Theo Lý Quang Diệu, sẽ không có ai có thể dự đoán được vai trò lâu dài của Hoa Kỳ ở châu Á và điều gì sẽ xảy ra trong những năm cuối của thập niên 1970.

Tầm nhìn châu Á của ông Lý trở nên cụ thể và rõ ràng hơn với vai trò của Trung Quốc khi ông phát biểu với sinh viên trường Đại học Auckland trong chuyến viếng thăm Australia và New Zealand vào tháng 3 năm 1965:

“Điều gì sẽ xảy ra vào năm 1975?

Diện mạo của Đông Nam Á với thế giới sẽ như thế nào vào thời điểm này?

Nếu các bạn nhìn lại 30 năm vừa qua, một điều mà ai cũng phải thừa nhận – đó là tốc độ thay đổi đã diễn ra nhanh chóng đến mức không ai dự đoán được.”

Ông Lý nói ông không biết đích xác ảnh hưởng của Trung Quốc với vị thế của một cường quốc về công nghiệp, sau đó là thương mại, và quân sự đối với cả khu vực sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, ông tin rằng nếu các nước Đông Nam Á không nhanh chóng học hỏi để hành xử theo quyền lợi tập thể của riêng mình, trước hết với tư cách là những quốc gia, và rồi  có sự phối hợp giữa họ với nhau thì bức tranh của cả khu vực sẽ khả quan hơn.

Theo ông Lý, nếu Hoa Kỳ không can thiệp vào nội bộ Việt Nam năm 1954 và những điều khoản của Hiệp định Geneva được tôn trọng đầy đủ theo tinh thần và câu chữ, miền Nam Việt Nam lẽ ra đã thống nhất với miền Bắc và giờ đây nằm dưới quyền kiểm soát của một chính phủ mặt trận quốc gia, hay biết đâu chừng là một chính quyền cộng sản hoàn toàn.

Nhưng thậm chí trong tình huống đó, các bạn sẽ thấy Thái Lan cũng vẫn cãi cọ với nước láng giềng là Campuchia, còn Campuchia lại sợ Thái Lan và Nam Việt Nam hơn bất cứ ai khác.

Ấn Độ xung đột sâu sắc với Pakistan về vấn đề lãnh thổ ở Kashmir còn người Indonesia thì lại vì lý do không thể tin được đã cấu kết chặt chẽ với Trung Quốc nhằm nghiền nát Malaysia.

Philippines tranh chấp chủ quyền với Malaysia về chủ quyền ở tiểu bang Sabah…

Nói chung, cả Đông Nam Á đang ở trong tình trạng xáo trộn và bất hòa.

Đối với Việt Nam, ông Lý cho rằng người Mỹ đã lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi cả hai miền Nam Bắc đều được sự hậu thuẫn của các thế lực để có đủ khả năng làm ngưng trệ hoạt động kinh tế của một đất nước và đặc biệt khiến miền Nam lệ thuộc hoàn toàn vào sự nuôi dưỡng của Hoa Kỳ.

Chientranh

“Sẽ là vô ích khi nói về những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ khi tình hình  ngày càng tồi tệ hơn dẫn đến thực tế bạo lực tàn nhẫn giữa các khổi quyền lực như ở miền Nam Việt Nam, với cả hai phía đều dấn sâu vào cuộc xung đột thảm khốc nhân danh những lý tưởng cao cả vì tự do và giải phóng nhân loại”

Chiến tranh Việt Nam cũng là dịp để Lý Quang Diệu bày tỏ quan điểm về khát vọng xã hội chủ nghĩa dân chủ mà Singapore và nhiều nước trong khối Thịnh vượng chung hướng tới.

Trong Hội nghị các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa châu Á tổ chức tại Bombay, Ấn Độ vào ngày 6/5/1965, ông tâm tư:

“Tôi là một người ngoan cố theo chủ nghĩa xã hội (an unrepentant socialist).

Nhưng trong bối cảnh của đất nước tôi, tôi phải thú nhận rằng, bởi lẽ phải mất một thời gian dài để thấm nhuần những giá trị cao cả về trách nhiệm công cộng và cảm nhận phục vụ cộng đồng, năng suất chỉ đạt mức cao nhất khi người lao động được khích lệ bằng những phần thưởng ở mức cao nhằm đạt năng suất cao…

Chúng tôi đã nhận ra những khiếm khuyết này nhưng điều đó không làm thay đổi niềm tin của chúng tôi vào nguyên lý căn bản là con người không nên bóc lột đồng loại.

Chúng tôi tin rằng sẽ là vô đạo đức nếu sở hữu tài sản sẽ cho phép bóc lột người khác.

Nhưng để làm kinh tế tăng trưởng chúng tôi đã phải đưa ra  các chính sách dựa trên nguyên tắc “tiền nào, của đó”.

Còn lý tưởng cao đẹp “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” chỉ có thể phù hợp một khi người dân chúng ta đã thoát khỏi tình trạng ngu dốt, mù chữ, nghèo đói và tụt hậu về kinh tế.”

Sau khi bày tỏ quan điểm về các giá trị của chủ nghĩa xã hội cũng như khuyến nghị những giải pháp hợp tác giữa các nước hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Lý Quang Diệu lên án cuộc chiến đang diễn ra  tại Việt Nam:

“Nhưng sẽ là vô ích khi nói về những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ khi tình hình  ngày càng tồi tệ hơn dẫn đến thực tế bạo lực tàn nhẫn giữa các thế lực như ở miền Nam Việt Nam, với cả hai phía đều dấn sâu vào cuộc xung đột thảm khốc nhân danh những lý tưởng cao cả vì tự do và giải phóng nhân loại.

Thậm chí ngay cả ở đây, ở Bombay, bóng tối u ám của những gì đang diễn ta ở phương trời phía Nam châu Á này đã làm tất cả chúng ta cảm thấy bầu không khí ảm đạm.

Chúng ta biết điều đang diễn ra là sai.

Chúng ta biết rằng nếu người cộng sản có thể tiến quân vượt qua biên giới bao vây miền Nam Việt Nam, thì đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tiến trình suy yếu diễn ra do các yếu tố quân sự và chính trị sẽ xảy đến các nước láng giềng.”

Mặt khác, theo ông Lý, nguy cơ leo thang chiến tranh cũng đi ngược lại những lý tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Singapore và nhiều nước đang cổ súy.

Ông hy vọng tiến trình thương thuyết hòa bình sẽ dẫn đến một miền Nam Việt Nam trung lập và không cộng sản:

“Là người châu Á, chúng ta phải ủng hộ quyền tự quyết của người Việt Nam và không bị chi phối bởi bất cứ gợi ý mang tính đô hộ của châu Âu.

Là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, chúng ta phải khăng khăng đòi hỏi rằng người miền Nam Việt Nam được quyền không bị áp lực qua sức mạnh quân sự và khủng bố có tổ chức và cuối cùng bị chủ nghĩa cộng sản lấn át.

Như vậy, chúng ta phải tìm ra một công thức trước hết sẽ cho phép người miền Nam Việt Nam lấy lại quyền tự do chọn lựa, cái mà hiện nay chỉ hạn hẹp trong sự chiếm đoạt của người cộng sản và các cuộc hành quân liên miên của người Mỹ.

Kế đó, sau khi người miền Nam Việt Nam có thể thực hiện ý muốn tập thể mà không bị cưỡng ép từ cả hai bên, chung quy lại, cho dù đó là 5, 10 hay 20 năm, chắc hẳn họ sẽ có quyền quyết định vận mệnh cuối cùng của mình, cho dù họ có chọn hay không lựa chọn giải pháp tái thống nhất với miền Bắc, và nếu như vậy, dựa trên những điều khoản gì…”

Khát vọng xã hội chủ nghĩa dân chủ và mong muốn hòa bình cho khu vực bằng các đề nghị và giải pháp chấm dứt các hành động bạo lực trong xung đột hay chiến tranh như ở Việt Nam của Lý Quang Diệu có lẽ đã có phản hồi tích cực từ các nước láng giềng.

Chẳng bao lâu sau khi Singapore bị tách ra khỏi Malaysia và trở thành quốc gia độc lập vào ngày 9/8/1965, chính phủ Indonesia đã có những động thái thân thiện đối với Singapore và điều này lại gây ra những nghi ngờ của các nhà lãnh đạo Malaysia.

Tuy nhiên, kết quả mà ông Lý không ngờ tới là các quan chức hai phía Indonesia và Malaysia đã đi ngày đi đêm riêng với nhau  để thảo luận việc chấm dứt chính sách đối đầu (Konfrontasi) từ phía Indonesia.

Lý Quang Diệu đã rất cẩn trọng khi xử lý động thái “diễn biến hòa bình” phát sinh từ người anh láng giềng Indonesia.

Mặc dù luôn phát biểu nhấn mạnh vị thế của Singapore như một quốc gia độc lập có chủ quyền, ông cũng công khai bày tỏ với người anh cả Malaysia cam đoan từ phía Singapore sẽ không làm gì làm tổn hại đến an ninh hay quyền lợi của Malaysia.

Thế nhưng điều này cũng không làm giảm đi nghi ngại của phía Malaysia, và đến nỗi có lúc thủ tướng Malaysia là Tunku Abdul Rahman đã yêu cầu huỵch toẹt rằng:

“Singapore phải chọn bạn mà chơi.”

Vào thời điểm đó, các quan chức ngoại giao của Malaysia đang gặp gỡ quan chức quốc phòng Indonesia ở Bangkok và Kuala Lumpur mà không thèm nói cho phía Singapore biết.

Chính trong không khí đó mà vào tháng 4 năm 1966 mà Lý Quang Diệu đã quyết định tham dự Đại hội Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển và sau đó tiếp tục công du chớp nhoáng nhưng khá đầy đủ các nước Đông Âu.

Trước tiên, ông bay sang Campuchia, Thái Lan, Cộng hòa Ả rập Thống nhất rồi sau đó mới tới London.

Ý định của ông Lý lúc đó là cộng đồng quốc tế biết là có một Singapore trên bản đồ thế giới và tìm kiếm cơ hội phát triển thương mại và đầu tư với tất cả các nước.

Phát biểu cảm ơn Thái tử Sihanook cũng là Quốc trưởng Campuchia trong buổi tiệc chiêu đãi  vào ngày 12/4/1966 tại thủ đô Phnom-Penh, ông Lý thẳng thắn chia sẻ một số nét tương đồng trong chính sách đối ngoại của hai nước, tuy nhiên nếu so với Campuchia thì tình thế của Singapore ngặt nghèo hơn vì có những người láng giềng lớn hơn.

Ông nói:

“Tôi muốn làm bạn với tất cả họ, và không có nghi ngờ gì cả, về phía Ngài, Ngài cũng muốn làm bạn với các nước láng giềng.

Nhưng vấn đề là:

Liệu chúng ta có thể làm được điều đó không?”

Chia sẻ thân tình nói trên của Lý Quang Diệu đã khiến Quốc vương Sihanook nảy ra ý tưởng đề nghị Lý Quang Diệu có thể làm người trung gian (a go-between) trong cuộc chiến đang xảy ra ở Việt Nam.

Trả lời bằng giọng điệu ngoại giao, Lý Quang Diệu cho biết ông có thể làm theo gợi ý của Quốc vương, tuy nhiên điều nguy hiểm của kẻ trung gian thường là bị hai phía đang xung đột nghiền nát.

Ông nói bóng gió rằng trong lúc hai trong số các nước lớn ở châu Á lâm vào thế xung đột trong năm ngoái thì lại có hai thế lực khác một ở châu Á và một ở châu Âu lại cố ý không tìm giải pháp giảm bớt tình hình căng thẳng.

Ông bộc bạch:

“Tôi tự hỏi chúng ta là những quốc gia bé nhỏ có thể làm được gì khi đối phó với những vấn đề của các quốc gia bị chia cắt, bị chia cắt, như trong trường hợp của Bắc Việt và Nam Việt, Bắc Hàn và Nam Hàn, bởi những ranh giới địa lý rõ ràng và những chế độ có ý thức hệ đối nghịch nhau.

Nhưng tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ với chính đất nước mình, với châu Á và nhân loại, phải cố gắng trước hết giảm bớt căng thẳng tại miền Nam Việt Nam.

Điều đang xảy ra ở đó là một tội ác với nhân loại.

Nhưng nói ai là tội phạm tội thì hóa ra chúng ta đang nghiêng về một phía.

Dù vậy chúng ta cũng không thể đứng ở vị trí trung lập mãi khi nhân loại và sự sống còn của những quốc gia bé nhỏ hơn ở Đông Nam Á bị đe dọa.”

Một lần nữa, ông thể hiện mong muốn đối thoại và giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam nhưng lại không tin rằng vấn đề của miền Nam Việt Nam có thể được giải quyết ở miền Nam Việt Nam.

Lee Kuan Yew and Lyndon JohnsonLý Quang Diệu và Tổng thống Mỹ Johnson (phải) trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1968

Nhận định của Lý Quang Diệu về vai trò của các cường quốc trong xung đột ở châu Á được nêu rõ trong phát biểu của ông tại trường Đại học Havard trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1968.

Sau khi phân tích các yếu tố về lịch sử, địa lý, nhân chủng học và văn hóa của các nước trong khu vực, ông kết luận rằng tương lai lâu dài của Đông Nam Á sẽ được định đoạt bởi các chính sách của các thế lực lớn nằm bên ngoài khu vực, cũng như những sáng kiến của chính phủ các nước trong khu vực.

Đây là một vùng đất có thể tạo ra sự giàu có thịnh vượng như là các cường quốc châu Âu đã từng chứng minh trong thời kỳ họ nắm quyền cai quản.

Nếu được giúp đỡ, chính phủ  mới của nước trong khu vực có thể học cách xây dựng những khuôn khổ quản trị nhà nước hiệu quả, đồng tiền mạnh, các điều kiện xã hội có quy củ và kỷ luật làm việc, như vậy lao động đạt năng suất cao, doanh nghiệp làm ăn có lãi, và nguồn thu ít nhiều cũng đáp ứng nhu cầu ngân sách cho một quốc gia đang phát triển.”

Theo ông Lý, trong thời điểm này đã bắt đầu hình thành hai luồn quan điểm về tương lai Đông Nam Á.

Một bên khá bi quan khi dùng hình ảnh ảnh đạm của hai thập kỷ vừa qua để chiếu rọi vào hai thập kỷ sắp tới với tự do được hứa hẹn nhưng không thành hiện thực, dân chủ được rao giảng mà không được thực thi.

Mặt khác, các mối cựu thù lại hồi sinh, và những kẻ thù mới lại được tạo dựng và truy đuổi.

Rồi lại nổi lên tình trạng oán thù đối với những nhóm sắc tộc di dân như người Hoa hay người Ấn và phát sinh xu hướng ly khai xã hội tại nhiều nước.

Luồng quan điểm lạc quan nhưng dè dặt được ông Lý trình bày như sau:

“Mặc dù đây không phải lĩnh vực gây tranh cãi như câu chuyện giữa thế giới cộng sản và không cộng sản ở Tây Âu và Đông Âu, nhưng từ những bài học của Việt Nam, tất cả các bên đối đầu  có thể nhận ra những hiểm nguy của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có thể lan rộng thành những cuộc xung đột đầy tai họa.

Các quốc gia có thể học cách làm thăng hoa những cơn bốc đồng không thể cưỡng lại  nhằm phô trương uy lực hay bành trướng ảnh hưởng của mình, bằng cách cạnh tranh trên bình diện kinh tế hay ý thức hệ.

Điều này có thể sẽ cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thuộc thế hệ thứ hai có thêm thời gian học hỏi từ những sai làm của quá khứ – thời gian để đưa các sự việc vào đường lối mang tính xây dựng, hiện đại hóa xã hội, và thông qua hợp tác giữa các nước trong khu vực và với các nước phát triển, đạt được tăng trưởng kinh tế và chất lượng sống tốt hơn cho người dân.

Khi đó, sẽ xã hội sẽ ổn định hơn, khu vực sẽ an ninh hơn, dẫn đến những luồng đầu tư cao hơn, tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, và vươn tới những đỉnh cao mới của văn minh nhân loại.

Lẽ đương nhiên, là một con người thực tiễn, tôi phải đi theo luồng quan điểm lạc quan.”

Những vấn đề nói trên cũng được Lý Quang Diệu nhắc lại trong bài phát biểu tại trường Đại học Columbia ở New York vào ngày 12/12/1968.

Trước đó một hôm, ông đã có một cuộc viếng thăm mang tính chất cá nhân (private visit) với Tổng thống Mỹ Johnson và đã trao đổi về tình hình an ninh Đông Nam Á.

Không có tuyên bố gì sau cuộc gặp gỡ này vì theo lời của phát ngôn viên Nhà Trắng, cuộc viếng thăm này hoàn toàn mang tính không chính thức theo đề nghị của Thủ tướng Singapore…

Trước khi rời New York để trở về Singapore, ông Lý cũng lại có cuộc gặp gỡ với báo chí Mỹ vào ngày 14/12/1968 tại khách sạn nơi ông lưu trú.

Ông cho biết giờ đây ông đã có cảm nhận rõ ràng hơn về những dòng hải lưu ngầm của các chính sách và chính trị của Hoa Kỳ.

Được hỏi về ở Việt Nam, ông nói rằng người Mỹ cả trẻ lẫn già đều mong muốn kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Về lại Singapore, Lý Quang Diệu lại bị báo chí săn đuổi và trong buổi phỏng vấn ngày 21/12/1968 phóng viên Ray Herndon của hãng thông tấn UPI đã nói khích rằng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa rồi, thủ tướng Singapore đã đưa ra cảm tưởng rằng ông ta không đánh giá cao nước Mỹ, hay những gì thuộc về Mỹ.

Liệu chuyến đi này đã làm thay đổi cái nhìn từ trước đến nay của ông chăng?

Ông Lý cho biết ngược lại là đằng khác, ông đánh giá rất cao Hoa Kỳ về mặt công nghệ, đồ dùng, động lực, khả năng tiếp thị, kỹ năng quản lý và nhiều thứ khác gắn liền với xã hội công nghiệp và công nghệ mà chúng ta đang sống:

“Tôi thật sự ngưỡng mộ chương trình không gian mà các bạn đang cạnh tranh một cách hữu nghị với người Nga.

Tôi cảm thấy, có lẽ cần thêm nhiều năm trong lịch sử để có khôn ngoan và phán xét, đây là lĩnh vực mà chính phủ Hoa Kỳ cần tham gia liên quan đến những vấn đề mang tính nhân văn, đặc biệt những tình huống liên quan đến con người ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ – như ở Đông Nam Á và nhất là ở Việt Nam.

Đây là một vấn đề nhân văn, không phải là vấn đề công nghệ.

Đây không phải chuyện dò tìm một tia sáng nào đó để phát hiện một người lính du kích trong bóng đêm nhằm bắn hạ gục anh ta hay tạo ra chất diệt cỏ làm rụng lá cây ở vùng nông thôn.

Tôi nghĩ vấn đề nằm sâu trong trái tim của người Việt Nam và trong suy nghĩ của người miền Nam Việt Nam.”

Trả lời câu hỏi cũng của phóng viên Ray Herndon liệu Tổng thống kế nhiệm của Mỹ là Nixon sẽ quyết tâm tiếp tục những nỗ lực ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung, ông Lý cho rằng điều này cũng không quyết định kết cục hay phương cách kết thúc của chiến tranh.

Sau chuyến đi vừa rồi, ông cảm thấy tâm trạng của người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ đã hoàn toàn ngán ngẩm về sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam:

“Họ đã mất kiên nhẫn với điều họ xem là một chính quyền kém hiệu quả và tham nhũng và họ tin rằng nếu miền Nam Việt Nam muốn còn là một chính thể không cộng sản thì người dân miền Nam phải chiến đấu vì lý do đó.

Nhưng tôi cũng phải nói rằng tôi không hoàn toàn vô cảm với quan điểm đó rằng nếu miền Nam Việt Nam muốn tồn tại như là một nhà nước không cộng sản, thì phải có đủ số người miền Nam Việt Nam tập hợp lại xung quang một đội ngũ lãnh đạo tận tụy và hiệu quả.”

Với các câu hỏi khác liên quan đến Việt Nam, Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất, giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Việt Nam là cuộc cạnh tranh mang tính chính trị và ôn hòa để ủng hộ đa số người dân miền Nam Việt Nam.

Ông đề nghị Hoa Kỳ hãy góp phần tạo nên tình thế ổn định và an ninh để cho phép các nhóm chính trị cạnh tranh với nhau:

“Nếu người dân miền Nam Việt Nam chọn con đường không cộng sản, thì hãy chúc họ may mắn và tôi nghĩ rằng phần còn lại ở châu Á sẽ reo hò và thở phào.

Nếu người dân miền Nam quyết định theo cộng sản và thống nhất với miền Bắc, Tổng thống Hoa Kỳ có thể thành tâm mà nói bản thân ông đã làm hết sức mình thay mặt thế giới tự do và đã cho phép người miền Nam Việt Nam làm điều tốt nhất cho bản thân và người dân miền Nam chẳng qua là đã không tin tưởng rằng chính quyền không cộng sản của miền Nam Việt Nam không đủ khả năng lãnh đạo.”

Gần 5 tháng sau cuộc phỏng vấn nói trên, Lý Quang Diệu lại thông qua tờ New York Times tuyên bố rằng Hoa Kỳ không nên rút lui quá nhanh khỏi cuộc chiến mà hãy giúp cho chính quyền miền Nam Việt Nam có đủ thời gian đứng vững trên đôi chân của mình.

Thế nhưng, theo tờ New York Times số ra ngày 14/5/1969, sau cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ mới là Nixon và Bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laid, Lý Quang Diệu đã nói thẳng thừng rằng vấn đề trước mắt của chính quyền miền Nam Việt Nam, tức là “trách nhiệm” lẽ ra phải được tự gánh vác từ lâu.

12 tiếng đồng hồ trước khi tổng thống Nixon phát biểu trên truyền hình toàn nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Lý Quang Diệu nói:

“Tôi tin là Nixon đã làm điều đúng – Tôi thích cái cách hoàn toàn chủ động mà ông ấy tiếp cận vấn đề.”

Ông bày tỏ sự dè đạt về ý định giải giáp lực lượng quân đội Hoa Kỳ:

“Nếu quá trình giải giáp quân sự được tiến hành từng bước và có trật tự thì lòng tin vào sự cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ được duy trì.”

Điều ngạc nhiên và cũng không kém phần thú vị là Lý Quang Diệu đã công kích Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS về “sự ngông cuồng và thiếu nhạy cảm với người dân của mình”.

Ông nói:

“Các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam phải hiểu tâm trạng đang diễn ra tại Hoa Kỳ.

Nếu họ không thể hiện năng lực – chứ không chỉ là ý chí – năng lực đứng lên vì bản thân mình và vì những điều mình tin tưởng, thì cơ hội cuối cùng này sẽ bị vuột mất.

Hoặc là họ có được bây giờ hay sẽ chẳng bao giờ có – họ phải trải qua thử thách.

Trong khi đó, trong bản phúc trình trên vô tuyến về chiến tranh Việt Nam nói trên, Tổng thống Nixon cho biết Hoa Kỳ đã loại trừ khả năng áp đặt một giải pháp thuần túy quân sự trên chiến trường, và cũng loại trừ việc đơn phương rút lui khỏi Việt Nam, hay chấp nhận ở Paris những điều khoản giống như một cuộc bại trận trá hình.

Ông nói thêm:

“Nếu chúng ta chỉ đơn thuần từ bỏ nỗ lực tại Việt Nam, sự nghiệp hòa bình sẽ tổn hại và các nước khác sẽ mất lòng tin vào Hoa Kỳ.”

Trong một lời bình luận với báo giới vài ngày 15/5/1968, Lý Quang Diệu đề nghị nếu thương thuyết được dàn xếp phải điều này phải được thực hiện công bằng và danh dự.

Ông nói:

“Phải vừa công bằng cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc cũng như chính quyền Nam Việt Nam ở Sài Gòn, cho phép cả hai bên cơ hội quyền lực ngang bằng thông qua việc thể hiện ý nguyện của người dân miền Nam Việt Nam.

Đây cũng sẽ là cách thức danh dự cho hai chính phủ miền Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ rút lực lượng ra khỏi miền Nam Việt Nam.”

Vấn đề giờ đây là, ông Lý nói thêm, phải tạo lập những điều kiện ổn định và an ninh sao cho người dân miền Nam Việt Nam có thể diễn đạt ý nguyện của mình trong những cuộc bầu cử tự do mà không bị đe dọa hay khủng bố.

Một tháng sau, tờ Washington Post đã có bài xã luận nhắc đến ý kiến nói trên của ông Lý.

Tờ báo cho rằng Thủ tướng Singapore đã có cái nhìn đúng đắn và thực tế về vị thế của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bài xã luận viết:

“Đã nhiều năm đất nước này chưa có người nào ủng hộ những nỗ lực của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam như Lý Quang Diệu, Thủ tướng của Singapore, và khi ông Lý có mặt ở Hoa Kỳ cách đây không lâu, ông ấy không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta, trong cuộc đối thoại riêng tư với những người bạn cũ, như chúng ta đặt câu hỏi với chính chúng ta.

Ông ấy đã nắm bắt dư luận Hoa Kỳ một cách đúng mức, và, trong lúc bối rối và phiền muộn, ông ấy tỏ ra rất thực tế.

Nếu người dân Hoa Kỳ không thấy rõ bản chất vấn đề, giờ đây đã đến lúc từng bước rút lực lượng quân sự đi – để Việt Nam hóa chiến tranh.

Và nếu miền Nam Việt Nam không có đủ khả năng gánh vác trọng trách ngày càng nặng nề và không kháng cự nổi sự kiểm soát của cộng sản, điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến các nước khác ở châu Á?

Có thể họ không suy nghĩ nghiêm túc  – vị trí của Hoa Kỳ sẽ không sụp đổ.

Miễn là miền Nam Việt Nam được thấy là đã được cho cơ hội hợp lý để tự cứu lấy mình, miễn là chúng ta thành thật với điều đó, và không rút lui đột ngột, miễn là một cách dễ hiểu rằng chúng ta đã làm hết sức mình như bất cứ sức mạnh bên ngoài nào có thể được kỳ vọng khống chế sự xâm chiếm của cộng sản bằng vũ lực.”

Cục diện chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi kể từ khi tổng thống Mỹ Nixon lên nắm quyền thay Johnson.

Với những chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 2/1972 và Matxcơva vào tháng 5/1972, Nixon đã khiến cho nhiều nước phải xem xét và đánh giá lại vị thế của mình.

Những giả định dễ dàng về chính trị chiến tranh lạnh không còn giá trị nữa nhưng điều đó cũng không nhất thiết kéo theo những thay đổi tức thời hay đột ngột trong bầu không khí chính trị và an ninh ở khu vực Đông Nam Á nằm ngoài Đông Dương.

Một loạt những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã củng cố xu thế hướng đến việc các siêu cường chấp nhận chính sách tránh đối đầu với nhau.

Họ đã chấp nhận việc phân chia châu Âu, kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, như một thực tế cuộc sống vì tương lai có thể đoán trước được.

Đó là cũng là nhận định của Lý Quang Diệu khi phát biểu trong buổi ăn tối chiêu đãi Thủ tướng Úc William McMahon khi ông này viếng thăm Singapore vào ngày 9/6/1972.

Theo ông, một trong những kết quả có thể hình thành sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nixon tại Bắc Kinh là làm giảm nhẹ sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thế nhưng cũng phải kể đến những thế lực lớn khác có quyền lợi lâu dài ở châu Á, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và họ lại không có mặt trong các buổi thảo luận tại Bắc Kinh.

Trong lúc đó, chiến sự tại Đông Dương vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt.

Một lần nữa, ông Lý bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc dàn xếp hòa bình cho phép lực lượng quân sự Hoa Kỳ rút lui, nhưng không phải trong tình thế nhục nhã, và một khi các lực lượng này rút đi, miền Nam Việt Nam sẽ được phép quyết định tương lai của mình mà không bị tác động bên ngoài bằng vũ lực.

Nếu điều này có thể xảy ra, thì một Thái Lan tự tin sẽ giữ vai trò làm vật đệm (buffer) cho Malaysia và Singapore.

Khi đó, Úc và Singapore sẽ có nhiều thời gian hơn để tự điều chỉnh theo động thái thay đổi của các thế lực đối với châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chia sẻ nói trên của ông Lý với người đồng nhiệm Úc châu đã được báo chí phương Tây quan tâm theo dõi và chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 24/7/1972, tờ Newsweek đã phỏng vấn Thủ tướng Singapore với câu hỏi:

”Phải chăng Chiến tranh Việt Nam đã thật sự cho Singapore và các nước Đông Nam Á có nhiều thời gian chuẩn bị hơn?”

Ông Lý không ngần ngại trả lời:

“Chắc chắn là cho chúng tôi thêm thời gian.

Nhưng thêm thời gian thì được cái gì?

Điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước; nhưng tôi hy vọng tôi đã tận dụng được một phần thời gian này, nếu cuối cùng người Thái bị áp lực từ một Đông Dương bị cộng sản hóa, và rồi người Malaysia ở phía tây cũng bị áp lực, còn chúng tôi thì sao?”

Được hỏi liệu ông có nghĩ điều đó có thể xảy ra, ông Lý đáp:

“Ồ, tôi nghĩ điều đó dám xảy ra lắm chứ.”

Phóng viên tờ Newsweek  châm chọc:

“Ông vừa nhắc lại học thuyết domino.”

Lý Quang Diệu quật lại:

“Không, tôi không quan tâm đến chuyện chơi cờ domino.

Tôi chỉ quan tâm đến việc nhận ra những điều phiền toái của tôi sẽ phát xuất từ đâu và làm sao tránh được chúng.

Tôi không tin có một phong trào cộng sản chỉ theo một khối (monolithic communist movement), đó là cơ sở của cái gọi là học thuyết domino.

Như Việt Cộng và Bắc Việt đã thể hiện, có một xung lượng trong một phong trào giải phóng tự thân vận động.

Cũng như mới đây người Trung Quốc và người Nga đã vỡ lẽ ra, cuối cùng thì chính những nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam sẽ quyết định cuộc chơi theo kiểu gì.”

Đúng như mong mỏi và kỳ vọng của Lý Quang Diệu, chiến trường Đông Dương đã tạm thời im tiếng súng sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Theo ông, chiến tranh Việt Nam kết thúc đánh dấu một giai đoạn mới trong tình hình chính trị khu vực và thế giới.

Thỏa ước hòa bình về Việt Nam là kết quả của những quan hệ trực tiếp mới mà các cường quốc đang thiết lập với nhau.

Trong buổi tiếp ông Dzermal Bijedic, Chủ tịch của Hội đồng Chấp hành Liên bang của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư vào ngày 17/3/1973, ông đánh giá đây là thời điểm thích hợp cho chuyến viếng thăm của một quốc gia xã hội chủ nghĩa đến Đông Nam Á:

“Sau một phần tư thế kỷ chính trị lưỡng cực, các cường quốc đã từ bỏ hệ thống cũ theo đó lôi kéo các nước nhỏ liên minh với họ, hay đồng cảm với sự nghiệp của họ về các vấn đề lưỡng cực.

Trong thập niên vừa qua, họ tin rằng cạnh tranh bằng cách hậu thuẫn những nước nhỏ hơn đã làm tổn hại đến, chứ không giúp gì được cho, việc giải quyết các vấn đề quan trọng của chiến tranh và hòa bình.

Như vậy, hai vấn đề quan trọng chính – vấn đề của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chiến tranh Việt Nam – đã được giải quyết không phải qua sự hợp tác hay tham vấn với khoảng 130 quốc gia tại Liên hiệp quốc, mà qua những thương thuyết bí mật giữa Washington và Bắc Kinh, and Washington, Matscơva và Bắc Kinh.”

Theo ông Lý, giai đoạn mới này đã khởi đầu nhờ những thay đổi về tương quan sức mạnh giữa Hoa Kỳ, Liên Xô, Tây Âu, Nhật và sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc mới với khả năng hạt nhân ngày càng tăng.

Như vậy, từ những liên kết lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, những nước lớn này đã chuyển sang những động thái linh hoạt để cùng tồn tại cân bằng.

Nhưng điều có ý nghĩa đối với các nước nhỏ là các thế lực nước lớn không còn bị lay động bởi các suy xét mang tính ý thức hệ.

Họ không còn nhiệt thành như cách đây một thập kỷ rằng họ có sứ mệnh phải làm cho thế giới an toàn vì chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.

Quan tâm hàng đầu của họ là bảo vệ và tối ưu hóa quyền lợi quốc gia.

Sự thay đổi căn bản từ quan điểm Chiến tranh Lạnh đòi hỏi phải tư duy lại và định hình lại nội dung cũng những khái niệm không liên kết.

Ông cho rằng đối với những quốc gia nhỏ bé, vấn đề giờ đây không phải là tránh bị cuốn vào phe đánh nhau của hai thế lực lớn, mà là làm sao biến quyền lợi của mình thành nội dung xem xét khi các nước lớn đạt đến thỏa hiệp.”

Nhận định và viễn kiến nói trên cũng là một trong những động cơ khiến Lý Quang Diệu bay sang Hoa Kỳ vào ngày 24/3/1973 để tham gia hội thảo và sau đó gặp Tổng thống Nixon, Tiến sĩ Henry Kissinger và các nhà công nghiệp Mỹ.

Tại Đại học Le High ở tiểu bang Pennsylvania, với bài phát biểu mang tựa đề “Cái nhìn Đông Nam Á về cân bằng quyền lực thế giới mới đang hình thành”, ông nói:

“Chúng ta đang chứng kiến những chuyển động về cán cân quyền lực với tỷ trọng thay đổi.

Và các nước lớn đang học cách sống hòa bình với nhau, bất chấp thôi thúc muốn tạo ảnh hưởng nhiều hơn kẻ khác.

Và vào thời điểm bước ngoặt này trong lịch sử sau Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, tôi mạo muội đưa ra cái nhìn của Đông Nam Á về cán cân quyền lực thế giới mới đang hình thành, và những ảnh hưởng của chúng đối với những nước nhỏ hơn của châu Á.”

Theo ông, hai năm 1972-1973 cho thấy những bước ngoặc đáng kể trong cục diện đầy màu sắc của các quan hệ quốc tế.

Các cuộc thảo luận của Tổng thống Nixon tại Bắc Kinh và Matsccơva đã làm Hà Nội thay đổi kịch bản chiến tranh.

Hà Nội hiểu rằng vị thế của mình đã bị yếu đi và do đó và tháng 10/1972, chính Hà Nội đã đưa ra thỏa thuận 9 điểm mà Tiến sĩ Kissinger đã đồng ý.

Hòa bình đã gần kề nhưng phải chờ đến thời điểm sau khi Tổng thống Nixon tái tranh cử, và sau một thời gian ném bom khốc liệt miền Bắc Việt Nam, từ ngày 18/12/1972 đến khi hoãn đến trước năm mới Dương lịch 1973. Hoa Kỳ và Hà Nội lại tiếp tục đối thoại và Hiệp định Paris mới được ký kết vào ngày 27/1/1973.

Sau thỏa thuận nói trên, Thủ tướng miền Bắc Việt Nam là Phạm Văn Đồng mới thân mật mời Tiến sĩ Kissinger đến Hà Nội vào ngày 11/2/1973.

Những sự phân chia cũ trước đây và định hình của Chiến trang Lạnh đã trở nên lỏng lẻo và mờ đục và Washington đã chuyển từ đối đầu thành đối thoại với cả Bắc Kinh và Matsccơva.

Cho dù khác biệt như thế nào đi chăng nữa, cả hai cường quốc cộng sản là Trung Quốc và Liên Xô đều muốn thu hẹp phạm vi chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ được phép rút lui trong danh dự.

Như vậy Tổng thống của miền Nam Việt Nam là Nguyễn Văn Thiệu vẫn tiếp tục tại vị và nắm quyền kiểm soát Việt Nam Cộng hòa, để rồi các viên chức của miền Bắc Việt Nam và Việt Cộng đến Sài Gòn để thành lập Ủy ban Quân sự Liên hợp.

Và bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời  đã dự buổi chiêu đãi của Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa là Trần Văn Lắm và đến bắt tay ông này.

Kẻ thù nay bề ngoài đã trở thành bạn.

Hoa Kỳ đã thân thiện hơn với Trung Quốc, một nhà nước Mao-ít – Lêninít, hơn cả Ấn Độ, một nhà nước dân chủ có một hệ thống chính quyền đại diện tự do.

Về phần mình, Trung Quốc đã thể hiện nhiều hơn sự thân thiện với các nước theo chủ nghĩa tư bản là Hoa Kỳ và Nhật, nhiều hơn so với Liên Xô theo chủ nghĩa cộng sản.

Nghe có vẻ phi lý, Ấn Độ lại trở nên gần hơn với Liên Xô.

Những sự phân chia về ý thức hệ có vẻ đã không còn phù hợp nữa.

Và hiện nay, quyền lợi quốc gia có vẻ là kim chỉ nam đáng tin cậy nhất đối với hành động và chính sách của chính phủ các nước.”

Ford_LyLý Quang Diệu (trái) tiếp kiến Tổng thống Mỹ Gerald R. Ford trong chuyến thăm Mỹ tháng 8 năm 1975

Các nước Đông Nam Á trong đó có Singapore đã hưởng lợi như thế nào từ cuộc tham chiến của Mỹ ở Việt Nam có lẽ là một câu chuyện dài nhưng không có nghĩa chiến tranh kết thúc thì kinh tế Singapore sẽ đi xuống.

Đúng một năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, trong thông điệp của thủ tướng gửi người dân Singapore nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1976, Lý Quang Diệu  dõng dạc tuyên bố triển vọng kinh tế của đảo quốc Sư Tử trong năm 1976-1977 là rất khả quan.

Nếu so với con số âm trong 6 tháng đầu năm 1975, tăng trưởng kinh tế của Singapore đạt 7% trong 6 tháng đầu năm 1976.

Kỳ vọng của cả năm 1976 có thể sẽ từ 6-8% so với 4% trong năm 1975.

Đầu tư nước ngoài tăng gần gấp đôi với cam kết 155 triệu đô la trong 6 tháng đầu năm 1976, so với 6 tháng trước đó chỉ có 85 triệu.

Tuy nhiên, ông Lý vẫn chưa hài lòng với thành tựu vừa đạt được.

Ông cho biết những cam kết đầu tư nói trên đều nằm trong các dự án nhỏ và vừa.

Những dự án lớn vẫn còn đang tạm hoãn, một phần do năng lực sản xuất dư thừa tại Hoa Kỳ, Nhật và Tây Âu và một phần cũng do sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Họ muốn đánh giá khả năng ổn định của một Đông Nam Á không cộng sản sau khi người cộng sản đã chiếm được Đông Dương vào năm 1975.

Tuy nhiên, ông trấn an người dân mặc dù có nổi lên một vài hoạt động của một số phe nhóm cộng sản ở Thái Lan và bán đảo Malaysia nhưng tình hình vẫn còn ổn định.

Ông Lý lạc quan khi nói về quan hệ giữa Singapore và các nước láng giềng thuộc ASEAN vẫn luôn được duy trì và phát triển tốt trên cơ sở  tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau từ nhiều năm qua.

Singapore đã bắt đầu nghĩ đến việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Campuchia.

Ông khẳng định:

“Chúng ta muốn có hòa bình ở Đông Nam Á.”

Trong suốt 11 năm, Singapore đã mở rộng cơ sở kinh tế của mình.

Người lao động Singapore giờ đây có thu nhập gấp ba lần thu nhập tính bằng đô la vào năm 1965, hơn gấp đôi sức mua của họ. Tất cả đều có chỗ ở tốt hơn.

Hơn 112.000 gia đình sở hữu căn hộ chung cư do nhà nước xây.

Ai cũng có cơ hội giáo dục và tuyển dụng ngang nhau.

Tuy nhiên, mặc dù mọi thứ diễn ra tốt đẹp, ông Lý cũng lưu ý người dân Singapore phải luôn sẵn sàng cho những tình thế không ngờ tới được.

Ông Lý cho biết tình hình quốc tế đang ở đêm trước của những thay đổi.

Cho dù bất cứ ai trở thành tổng thống Hoa Kỳ thì cũng sẽ có những nhân vật mới trong các chức vụ chủ chốt để tư vấn về chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Tại Trung Quốc đang diễn ra quá trình chọn người kế vị các vị lãnh đạo khai quốc công thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tương tác giữa Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc sẽ khác trước với sự có mặt của các nhà lãnh đạo mới.

Trong suốt một thập niên qua, Singapore đã phát triển tốt và đã vượt qua những cản ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi.

Giờ đây, những vấn đề và thách thức khác nhau đang ở chân trời mới và người Singapore phải tiếp tục ủng hộ chính phủ như trước đây.

Liệu Việt Nam, Campuchia và Lào sẽ tập trung vào công cuộc xây dựng lại đất nước?

Rất có thể là như vậy, ông Lý nhận định.

Dong_LyLý Quang Diệu (phải) tiếp Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đến thăm Singapore vào tháng 10 năm 1978

Trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng thông tấn BBC Adrian Porter vào ngày 14/9/1976, ông Lý cho biết Việt Nam muốn thiết lập quan hệ bình thường với từng quốc gia Đông Nam Á, chứ không phải với cả khối ASEAN.

Cách tiếp cận của Việt Nam cũng tương tự Trung Quốc và Singapore phải hết sức lưu ý ý định của Việt Nam trong vai trò người cầm đuốc cách mạng và truyền lửa cho các nước khác.

Tuy nhiên, theo ông Lý, những âu lo về học thuyết domino không có chỗ đứng trong bối cảnh đặc thù ở Đông Nam Á.

Vào thời điểm hiện tại, những quốc gia có chung biên giới với các nước cộng sản là Thái Lan – chung biên giới với Campuchia và Lào, và Miến Điện có chung biên giới với Trung Quốc.

Không có dấu hiệu gì cho thấy Khơ-me đỏ sẽ có xu hướng hay nguồn lực để châm ngòi cho một cuộc cách mạng ở Thái Lan.

Thật ra, lịch sử của Đảng Cộng sản Thái cho thấy sự giúp đỡ đến từ nơi khác.

Giờ đây, câu hỏi liệu từ biên giới Lào anh có thể phát động phong trào cách mạng sang các tỉnh Thái Lan có người Lào sinh sống hay không thì phải xem lại. Không có chứng cứ về việc người Lào sẽ hành động thay mặt Liên Xô còn Trung Quốc thì vào thời điểm này sẽ thấy bất tiện nếu đẩy mạnh hoạt động cách mạng ở khu vực này.

Thế nhưng, một tuần sau đó, tờ London Times số ra ngày 22/9/1978 có bài viết cho biết có ít nhất một nhà lãnh đạo châu Á vẫn còn “ít nhiều hoài nghi” về những lời đề nghị của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình với các nước ASEAN:

“Ông ấy là vị Thủ tướng của Singapore có khả năng ăn nói lưu loát và thẳng thắn, Lý Quang Diệu, người đã tiến hành cuộc chiến đấu ác liệt chống sự nổi dậy của cộng sản trong suốt hai thập kỷ qua.

Trình bày quan điểm của mình với phóng viên của báo, ông Lý cho biết ông không bị thuyết phục bởi luận điểm cho rằng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn toàn loại bỏ bóng ma của học thuyết domino…

Ông Lý tin rằng các quốc gia cộng sản vẫn chưa từ bỏ những kế hoạch ngấm ngầm nhằm làm suy yếu các chính phủ ASEAN.”

Bài báo viết tiếp:

“Vẫn thường bị chỉ trích bởi vì ông không chịu khoan dung một thế lực chính trị đối lập, ông Lý đã chuyển hóa Singapore thành một thành phố hiện đại và thịnh vượng.

Được hỏi liệu ông có thể đã đạt được nhiều thứ trong một hệ thống dân chủ tự do  theo kiểu của người Anh, thì ông đáp:

“Nếu ý bạn nói theo đó chúng tôi đã có thể đạt được điều mà chúng tôi mong muốn bằng cách cho người cộng sản chạy loanh quanh và tổ chức đình công trong các nghiệp đoàn để làm gián đoạn sản xuất – không, như vậy thì chúng tôi có lẽ đã không làm được.

Nếu chúng tôi cho phép người cộng sản tự do hoạt động trong các nghiệp đoàn như họ đã hoạt động bên Anh, thì có lẽ chúng tôi đã thất bại rồi.”

Nói về vị thế của Đông Nam Á và Singapore sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, có lẽ báo chí quốc tế sẽ không bỏ qua bài phát biểu của Lý Quang Diệu mang tựa đề “Ngoại suy từ kinh nghiệm Singapore” tại Đại hội Thế giới lần thứ 26 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế tổ chức tại Orlando, Hoa Kỳ vào ngày 5/10/1978.

Sau khi được cử tọa đứng lên vỗ tay tung hô, ông Lý cho biết cách đây ba năm, sau chiến thắng của người cộng sản tại Campuchia và Việt Nam, tương lai có vẻ thật sự ảm đạm đối với các nước Đông Nam Á không cộng sản.

Xã hội được tổ chức chặt chẽ ở miền Bắc Việt Nam đã dốc hết tâm lực và vượt qua tất cả những điều mà người Mỹ có thể làm để ngăn cản họ chiến thắng.

Có vẻ như không có gì có thể ngăn cản được nghị lực và lòng hăng hái của người Việt nhằm nhanh chóng khắc phục những tàn phá của chiến tranh và tái thiết kinh tế.

Và trong vòng mười, mười lăm năm nữa, Việt Nam có thể trở thành một xã hội cộng sản công nghiệp hóa và dư khả năng lan truyền cách mạng và giải phóng cho tất cả các nước còn chưa giác ngộ và đang bám lưng chủ nghĩa tư bản xung quanh họ.

Nhưng lịch sử lại có tính không liên tục của nó.

Sau 30 năm chiến tranh du kích không ngơi nghỉ, chiến thắng tại Việt Nam và Campuchia lại không dẫn đến hòa bình và tái thiết.

Ngược lại, đã phát sinh những xung đột bạo lực giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biên giới hai nước, làm chết và bị thương lính tráng và dân thường và gây tổn hại vật chất. Trên biên giới Campuchia và Thái Lan, dân làng người Thái vô tội đã bị mổ thịt và moi ruột. Trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cả binh sĩ và dân thường cũng bị giết.

Không ai có thể đoán trước được rằng sau hơn 20 năm ngoại giao khéo léo giữ vị thế trung lập trong xung đột Trung – Xô, và nhận viện trợ từ cả Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam có thể trở thành thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) vào tháng 6/1978.

Và rồi vào tháng 7, Việt Nam lại bắt đầu xung đột với Trung Quốc, dính vào những điều tiếng om sòm và gay gắt về số phận của sắc tộc người Hoa tại Việt Nam.

Ông Lý nói tiếp:

“Phải thừa nhận những nhà lãnh đạo cộng sản ở Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc biết  rằng những hành vị thù hận và giết chóc sẽ không giúp các đảng cộng sản và lực lượng giải phóng ở các nước Đông Nam Á không cộng sản.

Thế nhưng, có vẻ như họ không cưỡng lại nổi những thôi thúc muốn giành nhau vai trò và ảnh hưởng trong tương lai ở Đông Nam Á.

Ảnh hưởng của diễn tiến không lường nói trên đối với người dân ở các nước châu Á không cộng sản quả là sâu rộng, và họ canh phòng với sự hoang mang, nếu không nói là hoài nghi.

Chủ nghĩa cộng sản là cái gì đó tàn nhẫn hơn, kinh khủng hơn những hình ảnh đầy màu sắc mô tả công nhân và nông dân hạnh phúc vinh quanh cùng nhau làm việc và tận hưởng hạnh phúc công bằng và sự thoải mái về vật chất trong một xã hội không giai cấp.”

Dang_LyLý Quang Diệu (phải) đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tại sân bay Changi trong chuyến viếng thăm Singapore vào tháng 11 năm 1978

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thắng lợi ở Trung Quốc, chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với cải cách ruộng đất, tức là mang tính nhân đạo, tiệm tiến và linh hoạt.

Chủ nghĩa cộng sản cũng được cho là đã tạo ra phép lạ.

Thay vì hỗn loạn, tham nhũng, lạm phát phi mã và tan rã, chủ nghĩa cộng sản cũng được nói đến như là tác nhân ổn định xã hội ở Trung Quốc và nâng cao phẩm giá con người.

Phát triển kinh tế và sự chuyển đổi mang tính xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc được người ta tin là đã làm nên một xã hội ưu việt về đạo đức.

Thậm chí có một số người còn tin rằng điều đó đã giúp người Trung Quốc thành những chiến binh thượng thặng, bởi điều gì đã khiến quân đội Trung Quốc chỉ với trang bị vũ khí nghèo nàn có thể vượt dòng Áp Lục Giang vào năm 1950 dẫn dắt các toán quân của  Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc tiến vào bán đảo Triều Tiên?

Trong suốt hai thập kỷ, Trung Quốc đã dấu mình một cách bí ẩn.

Thế giới bên ngoài tin rằng một sự chuyển hóa xã hội chủ nghĩa và công nghiệp vĩ đại đang diễn ra.

Năm 1964, Trung Quốc cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên.

Nhiều tin tức tiếp sau đó về những thắng lợi khoa học trong chất nổ hạt nhân tiên tiến.

Ai, ngoài Trung Quốc, có thể thật sự biết rằng vào năm 1966, Trung Quốc xảy ra biến động lớn trong nước?

Một số người vẫn cho rằng Cách mạng Văn hóa diễn ra trong suốt hơn mười năm, gây ra tổn hại lớn lao về xã hội và kinh tế, cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976.

Người dân ở thế giới bên ngoài phải đợi đến lúc sau khi Tổng thống Nixon viếng thăm Trung Quốc vào năm 1972 trước khi họ có thể dần dần ghép lại với nhau những mảng sự thật trong bức tranh chiến thắng và thất bại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại Đông Dương, chiến thắng của cộng sản vào năm 1975 đã được nối tiếp bằng tình trạng di chuyển hàng loạt đáng sợ của người dân, sự phân tán vô nhân đạo đối với dân thành thị, nghèo khổ, thiếu thốn, tuyệt vọng và di cư.

Chủ nghĩa cộng sản đã có một ý nghĩa khác với thế giới bên ngoài.

Không có nơi nào khác mà ảnh hưởng từ những bị kịch này lại được cảm nhận nhiều hơn ở các nước Đông Nam Á láng giềng không cộng sản.

Người tỵ nạn cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện, cho đến nay con số này đã hơn 350.000 người, và tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

Cả gia đình, cả dòng họ, bất chấp mọi gian nguy để trốn khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, mặc dù họ biết rằng thậm chí thoát khỏi nghĩa địa trên biển, có thể sẽ họ mất hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm, phải nằm rũ chờ ở các trại tỵ nạn ở Thái Lan, Malaysia hay nơi khác.

Sau cú sốc sụp đổ của các chế độ không cộng sản ở miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, các chính phủ không cộng sản khác của Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trong khối ASEAN.

Những sự khác biệt đã được hòa giải hay không nói đến vì mong mỏi hòa bình và hòa hợp, vì sự sống còn của những xã hội không cộng sản.

Tất cả đều theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, thông qua ổn định, nhất trí và phương cách hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

Trong khi đó, các nước cộng sản Việt Nam và Campuchia, và Trung Quốc và Việt Nam lại bị ngập chìm trong xung đột.

Nếu họ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết mà Marx đã quy cho các giai cấp lao động trên thế giới, như họ đã có vẻ làm được điều đó trong những năm tháng dài chiến tranh chống Mỹ, đây có thể làm điềm xấu cho tương lai Đông Nam Á không cộng sản.

Nhưng những năm tháng dài chiến tranh đã làm họ trở thành kẻ sùng bái Marx hơn cả chính Marx.

Giờ đây, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tìm kiếm tình hữu nghị và sự hiểu biết của từng quốc gia ASEAN, và của cả ASEAN như là một tổ chức kinh tế khu vực.

Cả hai ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam và ông Đặng Tiểu Bình, Phó Thủ tướng Trung Quốc đều lên chương trình thăm các nước ASEAN lần lượt vào tháng 10 và tháng 11 năm 1978.

Chiếc kính vạn hoa trên bàn cờ quốc tế lại một lần nữa xoay chiều, và một cục diện hấp dẫn, nếu không muốn nói là phức tạp đang được mở ra.

Điều này hứa hẹn những năm tháng tương đối hòa bình và ổn định của các quốc gia Đông Nam Á không cộng sản.

Có nhiều thời gian hơn để đạt được phát triển kinh tế, và làm cho nhiều vấn đề xã hội và chính trị bớt trầm trọng, nếu không muốn nói là được giải quyết.”

Nixon_LyLý Quang Diệu được Tổng thống Mỹ Nixon (phải) tiếp tại Nhà Trắng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng 4/1973

* * *

Như là một ngẫu nhiên của lịch sử, câu chuyện thành công của Singapore không thể tách rời với những năm tháng đau thương và lo lắng của người Việt và người dân các nước trong khu vực.

Những nhận định và viễn kiến trên đây về vị thế và tương lai của ASEAN trước và sau chiến tranh Việt Nam của vị cha già lập quốc Singapore Lý Quang Diệu  chắc hẳn sẽ được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và phân tích để rút tỉa và đưa ra những bài học kinh nghiệm cho thế hệ sau, đặc biệt về nghệ thuật ngoại giao, cam kết quốc tế và chiến lược bảo vệ quyền lợi quốc gia và xây dựng đất nước hòa bình và thịnh vượng.

Óc thực tiễn, nhãn quan sâu rộng cùng nhận thức rõ ràng về vị thế của ASEAN trong đó có Singapore đã cho phép Lý Quang Diệu đưa ra các kịch bản có thể xảy ra trong đó có câu hỏi các “diễn viên” trên sân khấu chính trị quốc tế sẽ hành xử như thế nào vì lợi ích dân tộc, quốc gia, chủ nghĩa giáo điều, niềm tin mù quáng hay quyền lợi phe nhóm và cá nhân.

Sự sụp đổ và đầu hàng nhanh chóng của chính quyền miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975 là điều mà Lý Quang Diệu và các đồng sự ASEAN của ông không ngờ tới.

Thế nhưng không thể quên trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trước đó hai năm, ông đã dự báo với phía Mỹ như sau:

“Đối với Đông Dương, tôi có thể đưa ra ba kịch bản.

Thứ nhất, mặc dù có thể có bạo lực mức độ thấp và xảy ra những vi phạm nhỏ của Hiệp định Paris, các điều khoản hòa bình xét về tổng thể đều được tôn trọng bởi người miền Nam Việt Nam, người miền Bắc Việt Nam và Việt Cộng.

Trong trường hợp này, cuộc giao tranh diễn ra chủ yếu về mặt chính trị.

Kết quả sẽ tùy thuộc vào khả năng điều hành xã hội và kinh tế của chính phủ miền Nam Việt Nam để tiếp tục nắm giữ vị thế chính trị của mình.

Trong tình hình đó, việc ngừng bắn ở Lào sẽ tiếp tục và chiến sự ở Campuchia sẽ nguôi dần với khả năng tiến tới dàn xếp chính trị.

Kịch bản thứ hai là  cuộc tấn công toàn lực của cả miền Bắc Việt Nam và Việt Cộng một khi họ tin rằng họ có thể đè bẹp lực lượng quân sự của chính phủ miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, miền Bắc Việt Nam sẽ phải luôn cân nhắc khả năng phản ứng của Hoa Kỳ đối với việc vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris mà lực lượng quân sự Bắc Việt công khai can dự.

Kịch bản thứ ba là Bắc Việt, nhắm tránh những rủi ro không cần thiết, bề ngoài sẽ cam kết thực hiện tất cả yêu cầu họ phải làm trong Hiệp định Paris.

Họ sẽ để cho Việt Cộng ở lại miền Nam Việt Nam, với những toán quân đột nhập hỗ trợ từ miền Bắc, trước tiên là tạo thanh thế, rồi dùng các phương thức chính trị,

rồi lại tăng dần vũ lực và nổi dậy để ngăn chặn mọi nỗ lực củng cố về kinh tế và chính trị của chính phủ miền Nam Việt Nam.”

Theo ông Lý, nếu Việt Cộng kiểm soát được miền Nam và miền Nam dần dần thống nhất với miền Bắc, điều đó cũng không nhất thiết dẫn đến nguy cơ phần còn lại của châu Á sẽ theo cộng sản.

Người Thái đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối đầu với tình huống đó.

Giờ đây, khả năng hình thảnh những chính phủ thậm chí trung lập hơn, hay thậm chí thân cộng hơn ở Lào và Campuchia là điều mà người Thái đã tính toán.

Tuy nhiên, yếu tố mấu chốt là câu hỏi liệu  họ có cảm thấy họ phải dựa vào viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ, theo như nhận định của học thuyết Nixon.

Nếu có thể thì họ sẽ tự tin. Với những lợi ích lan rộng nhờ phát triển kinh tế mà Thái Lan đã hưởng từ 20 năm qua, không chắc bất cứ cuộc nổi loạn du kích của người bản địa Thái sẽ lật đổ chính quyền đang có.

Bởi lẽ về mặt văn hóa, những người cộng sản Thái có cảm xúc kém mãnh liệt hơn các sắc dân Đông Nam Á khác, cũng không phải là người Đông Á mãnh liệt như người Bắc Việt hay Việt Cộng…

Những nhận định và viễn kiến về chiến tranh Việt Nam của Thủ tướng một thị quốc nhỏ bé như Singapore đã được phía tham chiến là Hoa Kỳ đánh giá cao.

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ nói trên, Lý Quang Diệu đã được đích thân Tổng thống Nixon mời dùng cơm tối tại Nhà Trắng vào ngày 10/3/1973.

Tổng thống Nixon nói:

“Tối nay, chúng ta tôn vinh và chào đón nơi đây một nhà lãnh đạo đẳng cấp hàng đầu thế giới, người đã bằng trí thông minh, sự hiểu biết của mình đóng góp vào việc giúp đỡ chúng ta phát triển những chính sách nhằm duy trì một thế giới trong đó tự do có thể tồn tại ở những nước lớn hơn như Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, và những nước nhỏ hơn như Singapore.

Không có người nào có thể phát biểu lưu loát và thông minh cho điều mà tôi gọi là xã hội tự do trên thế giới hơn Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu.”

Trong buổi ăn tối lịch sử đó, Tổng thống Mỹ đã được ông Lý chúc mừng  về những cuộc thương thuyết tại Bắc Kinh và Matscơva, về sự rút lui danh dự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Lý cũng chia sẻ rằng hòa bình và thịnh vượng không có chiến tranh không chỉ là giấc mơ của người Mỹ mà cũng là tầm nhìn của thế giới trong tương lai, đảm bảo cho cả những ai phải sống trong một thế giới nhỏ hơn, liên hệ với nhau nhiều hơn và lệ thuộc với nhau hơn.

Lời chúc của ông Lý trong bữa tiệc cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nixon đã không trở thành hiện thực vì chẳng bao lâu sau ông này phải từ chức sau những lùm xùm từ xì-căng-đan Watergate.

Nhưng có lẽ các nhà sử học Mỹ sẽ không thể quên câu trả lời của Lý Quang Diệu với hãng truyền hình NBC vào ngày 11/4/1073 với câu hỏi liệu Hoa Kỳ đã  đạt được mục tiêu hòa bình trong danh dự qua chiến tranh Việt Nam hay chưa:

”Người Mỹ đã rút lui khỏi cuộc chiến ở Việt Nam một cách danh dự.

Nhưng liệu Việt Nam có hòa bình hay không thì đó là một vấn đề khác.”

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

NGÂN HÀNG “HỒI CỰU – NGHINH TÂN”

Mời cán bộ từng làm việc trước đây hoặc đã về hưu hỗ trợ việc huấn luyện và đào tạo nhân viên mới là chiến lược đào tạo nhân sự của chi nhánh ngân hàng Anh Standard Chartered Bank (Stanchart) tại Singapore.

Những cán bộ thuộc tầng lớp “cựu trào”, có nhiều kinh nghiệm giao dịch với khách hàng khó tính, giờ đây sẽ trở thành “giảng viên” nhưng đóng vai “khách hàng” trong một trung tâm đào tạo có mô hình giống như một ngân hàng.

Tọa lạc tại khu dân cư Commonwealth với tên gọi Learning Hub @ Commonwealth và kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 120.000 đô la Singapore (SGD), ngân hàng mô phỏng này sẽ cho ra lò các chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân hay nhân viên giao dịch tại quầy.

Theo thông cáo báo chí của Stanchart Singapore, trung tâm này dự kiến sẽ đào tạo khoảng 600 nhân viên mới trong vòng ba năm tới.

SCBBên ngoài trụ sở chính Standard Chartered Bank tại Singapore

Mang tiếng hoạt động tại một trung tâm tài chính vững mạnh trong khu vực châu Á và thế giới nhưng từ trước đến nay, các ngân hàng tại Singapore đều đào tạo nhân viên chủ yếu về mặt lý thuyết như các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác nhau hoặc thao tác hay thủ tục nghiệp vụ cần tuân thủ.

Giờ đây, với phương cách đào tạo theo mô hình mới Learning Hub @ Commonwealth nhân viên mới sẽ được trang bị những kỹ năng thực tế, tự tin hơn và nhờ đó giảm thiểu sai sót khi giao dịch với khách hàng, nhất là có thể xử lý được những tình huống khó khăn.

Giảng viên của Learning Hub @ Commonwealth chính là những cán bộ đã dày dạn kinh nghiệm của Stanchart đóng vai khách hàng, còn sinh viên-nhân viên ngân hàng tương lai sẽ trực tiếp “phục vụ khách hàng” theo các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong thực tiễn công việc.

Điều này hoàn toàn khác với cách đào tạo truyền thống chỉ diễn ra trong lớp học với nội dung chủ yếu là lý thuyết.

Theo ông Ajay Kanwal, Giám đốc kinh doanh dịch vụ ngân hàng cho người tiêu dùng  (consumer banking) của Stanchart Singapore, có thể ví quá trình phục vụ khách hàng như lái một chiếc xe hơi:

“Nếu muốn lái xe, bạn phải chịu khó cầm tay lái.”

Việc huấn luyện nghiệp vụ tại  Learning Hub @ Commonwealth sẽ cho phép nhân viên mới thực sự thâm nhập vào nghiệp vụ ngân hàng và học hỏi kinh nghiệm xử lý từ những người đi trước.

Chi phí đào tạo tại Learning Hub @ Commonwealth  không rẻ chút nào.

Theo báo The Straits Times, trước mắt Stanchart Singapore đặt kế hoạch mỗi tháng đào tạo khoảng 20-25 nhân viên mới với chi phí cho mỗi nhân viên từ 3.000- 5.000 SGD/tháng.

Có thể quá tốn kém nhưng đây chính là khoản đầu tư cần thiết để mua lòng tin của khách hàng, làm cho họ cảm thấy thoải mái được những cán bộ ngân hàng hiểu biết đầy đủ về nghiệp vụ phục vụ chu đáo.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

* * *

CẢI CÁCH ĐẤT ĐAI TẠI SINGAPORE VÀ NHỮNG THÀNH TỰU AN SINH XÃ HỘI CỦA ĐẢNG HÀNH ĐỘNG NHÂN DÂN

Với quyết tâm giải quyết vấn đề nhà ở của người dân sau khi thắng cử và tiếp quản chính quyền từ tay thực dân Anh vào năm 1959, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do Lý Quang Diệu làm tổng bí thư mới phát hiện rằng nhà nước Singapore sở hữu không quá phân nửa quỹ đất trên toàn lãnh thổ, nhất là đất ở khu trung tâm tài chính thương mại thì không quá 10%.

Do đó, một trong những việc đầu tiên chính phủ Singapore phải làm là sửa đổi Sắc lệnh Trưng mua Đất (Land Acquisition Ordinance) theo luật của người Anh có hiệu lực từ năm 1920 vốn chỉ điều chỉnh việc sử dụng đất hoang và đất nông nghiệp và không cho chủ đất kiếm lợi nhờ đòi đền bù các tai nạn hỏa hoạn dễ xảy ra hay đất gần bờ biển bị sạt lở.

PAPTổng Bí thư PAP Lý Quang Diệu với cam kết xây dựng một đất nước Singapore thịnh vượng và công bằng

Luật trưng mua đất đai

Những thay đổi về sắc lệnh nói trên đã giúp cho chính phủ Singapore có nhiều quyền hạn hơn trong quá trình trưng mua đất dẫn đến việc quốc hội Singapore thông qua Luật Trưng mua Đất đai (Land Acquisition Act – LAA) vào năm 1966.

Theo LAA, bất cứ chủ sở hữu tư nhân nào cũng buộc phải bán lại đất hay bất động sản cho nhà nước sử dụng vì mục đích công.

Nguyên tắc đền bù của chính phủ Singapore cũng rất đơn giản là dựa theo giá thị trường vào thời điểm trưng mua chứ không phải là giá trị tương lai sau khi mảnh đất đã được khai thác.

Điều này đã dấy lên phản ứng của một bộ phận không nhỏ của dư luận Singapore, thậm chí có một số người lên án chính phủ “cướp” đất người giàu bằng thứ luật của anh hùng Robin Hood.

Một trong những “nạn nhân” được báo chí nhắc đến vào thời đó là đại gia khách sạn Goodwood, ông Khoo Teck Phuat với 13 ha đất.

Rồi chủ các đồn điền cao su, các công ty lớn sở hữu nhiều đất như Straits Trading, Lee Rubber và cả tập đoàn ngân hàng OCBC cũng buộc phải bán đất cho chính phủ theo quy định của luật.

Tính đến năm 1976, tức là 10 năm sau LAA có hiệu lực, chính phủ Singapore đã sở hữu được 67% quỹ đất trên toàn lãnh thổ.

Năm 1985, con số này là 76% và đến năm 2004, theo công bố chính thức của Cục Đất đai Singapore, 90% đất ở Singapore thuộc sở hữu nhà nước hay các cơ quan tác nghiệp của chính phủ.

An cư lạc nghiệp

Cùng với quá trình gầy dựng quỹ đất công qua việc trưng mua theo quy định của luật pháp, chính phủ Singapore đã thành lập Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) vào năm 1960 để phục vụ yêu cầu an cư lạc nghiệp của người dân Singapore.

Tính đến tháng 3-1963, có khoảng 350.000 người dân tương đương 20% dân số Singapore vào thời điểm đó được ở trong những căn hộ thuộc các khu nhà ở tập thể do HDB xây dựng với giá thuê ưu đãi hàng tháng từ 20-60 đô la Singapore (SGD).

Số tiền thuê này nằm trong khả năng chi trả của khoảng 75% dân số lao động có thu nhập hàng tháng từ 100-500 SGD.

Trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi thành lập, HDB đã xây được khoảng 26.000 căn hộ và điều này có ý nghĩa to lớn so với 23.019 căn hộ được cơ quan Singapore Inprovenment Trust của chính quyền thực dân Anh mà chính phủ PAP tiếp quản đã được xây dựng trong vòng…32 năm.

Với PAP, ổn định chỗ ở, tạo công ăn việc làm sẽ giúp cho người nghèo nhận thức được nhân phẩm của mình trong xã hội, lập gia đình, sinh con đẻ cái, gửi con em của mình đến trường với mong muốn thế hệ sau sẽ tốt hơn.

PAP tin rằng nhà ở và công ăn việc làm sẽ là cơ sở nền tảng cho người dân Singapore tin tưởng vào chính phủ và bỏ lá phiếu bầu chọn chính đảng cầm quyền qua các kỳ bầu cử.

raffles_placeNhà ở và công ăn việc làm là cơ sở nền tảng cho người Singapore tin tưởng vào chính phủ và bỏ lá phiếu bầu chọn chính đảng cầm quyền qua các kỳ bầu cử

Chia sẻ phúc lợi từ nhà ở 

Năm 1969, anh thợ máy Leong Yin cưới vợ và mua một căn hộ HDB 2 phòng ngủ ở khu Toa Payoh với giá tiền 7.800 SGD và cùng với đà phát triển kinh tế của kinh tế Singapore, giá trị căn hộ của anh tăng đều đặn hàng năm.

Năm 2000, căn hộ của gia đình họ Leong được HDB chọn trong chương trình thay mới nhà tập thể (Selective En-bloc Redeveloment Scheme – SERS).

Theo SERS, khu nhà tập thể của ông Leong sẽ bị đập bỏ để xây chung cư mới trên nền đất cũ để tối ưu hóa việc sử dụng đất và cư dân sẽ được dọn đến nơi ở mới trong khu lân cận.

Khi khu nhà ở mới được xây xong, hai vợ chồng ông Leong cùng với 4 người con được cấp một căn hộ to hơn với 3 phòng ngủ trên tầng 35.

Với trợ cấp 30.000 SGD từ HDB, gia đình ông chỉ cần bỏ thêm 30.000 SGD là được sở hữu căn hộ mới với cảnh quan đẹp nhìn từ trên cao.

6 năm sau đó, căn hộ này có giá thị trường khoảng 250.000 SGD và vào thời điểm tác giả viết bài báo này (cuối tháng 12/2014), bất chấp những biện pháp làm nguội thị trường bất động sản của chính phủ trong nhiều năm qua, căn hộ của gia đình ông Leong có thể được bán với giá không dưới nửa triệu SGD.

Câu chuyện nói trên cho thấy người dân thường Singapore đã hưởng lợi từ chính sách nhà ở tập thể có trợ giá và giá trị gia tăng của bất động sản mà họ sở hữu trong gần sáu thập niên qua dưới sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền PAP.

Nhiều người dân Singapore đã đổi đời nhờ bán căn hộ HDB có giá và lấy tiền mua căn hộ tư nhân và trở thành người giàu có.

Sở hữu toàn dân về nhà ở

Nếu như năm 1960 chỉ có 9% dân số Singapore sống trong nhà ở tập thể thì cho đến nay hơn 80% người dân đang sống trong hơn 1 triệu căn hộ HDB.

Theo Liu Thai Kher, kiến trúc sư trưởng kiêm tổng giám đốc HDB từ năm 1979 đến 1989, người dân Singapore đã hưởng lợi rất nhiều từ chính phủ từ việc chính phủ bỏ công sức quy hoạch đô thị  cho đến hỗ trợ chi phí xây dựng.

Từ năm 1960 cho đến nay, giá thuê căn hộ một phòng ngủ của HDB cho đối tượng khó khăn vẫn là 40 SGD và theo ông Liu, điều này cho thấy chính phủ đã đảm bảo rằng bất cứ người dân cũng có chỗ ở.

Nhưng thành tựu công bằng xã hội ở Singapore mà chưa có quốc gia nào trên thế giới vận hành theo cơ chế thị trường làm được chính là tỷ lệ sở hữu nhà ở tập thể.

Theo thống kê vào năm 2008, khoảng 95% căn hộ HDB được người dân sở hữu, tức là hầu như công dân Singapore nào cũng có một phần hùn (stake) hữu hình trong quốc gia, phần hùn này dĩ nhiên tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trong hiện tại và tương lai.

Theo một khảo sát chính thức vào năm 2006, mỗi hộ gia đình HDB có giá trị tài sản trung bình khoảng 154.000 SGD.

Nếu khảo sát này được thực hiện trong năm 2014, con số này chắc chắn sẽ cao hơn.

Singapore_MapHơn 80% người Singapore sống trong hơn 1 triệu căn hộ HDB trên khắp đảo quốc 

Công bằng xã hội về nhà ở 

Nhưng nỗ lực của chính phủ trong thực thi công bằng xã hội không dừng lại ở việc bán căn hộ cho người dân với giá ưu đãi.

Tại Singapore, các khu nhà ở tập thể được liên tục chăm sóc cảnh quan, vệ sinh và định kỳ nâng cấp để giữ vững giá trị.

Một điểm cần lưu ý là trong quy hoạch HDB đã xây các khu căn hộ lớn nhỏ đều gần bên nhau để cho phép người dân chênh lệch về trình độ học vấn hay thu nhập có điều kiện ở gần nhau.

Điều này cũng tạo điều kiện cho cán bộ đảng viên PAP nói riêng có cơ hội tiếp cận người dân thuộc mọi tầng lớp và lãnh đạo các tổ chức quần chúng sau khi thắng cử.

Theo ông Dhanabalan, cựu bộ trưởng phát triển quốc gia Singapore, trong quy hoạch và tái định cư người ta có thể thấy sáng kiến của HDB trong các biện pháp xử lý tình trạng phân hóa xã hội (social stratification).

Ông cho biết một giảng viên từ Ấn Độ đã chia sẻ với ông câu chuyện về nhà ở tập thể của chính phủ ở New Delhi phân biệt rõ cư dân thuộc từng ngành nghề lao động cụ thể.

Những người làm công việc lao động chân tay thì ở một khu riêng và đi xe buýt theo tuyến riêng.

Như vậy, nếu bạn xếp hàng theo xe buýt này, người ta sẽ biết bạn thuộc đẳng cấp xã hội sống trong khu nhà đó.

Chính sách trợ giá 

Trong những năm gần đây, yếu tố công bằng xã hội trong nhà ở lại là vấn đề gây tranh cãi trên các diễn đàn xã hội chính thức hay không chính thức ở Singapore.

Nguyên nhân do chính phủ đã chuyển việc trợ giá mua nhà HDB từ cơ sở dựa vào chi phí (cost-based) sang tham chiếu giá trị thị trường (market-based) trong những năm 1990.

Người dân Singapore phát hiện ra rằng giá HDB nay được bán dựa trên giá thị trường chứ không phải là dựa vào chi phí xây dựng.

Dư luận đặt dấu hỏi vì sao chính phủ trưng mua với giá thấp (giá chưa tính đến yếu tố phát triển) còn giá nhà thì cứ tăng, vậy thì trợ cấp nằm ở đâu.

Những chỉ trích như thế này càng gay gắt hơn khi có một số người mua HDB rồi vài năm sau đó bán lại thì chênh lệch là một con số âm.

Nhưng quan điểm về trợ giá dựa trên yếu tố thị trường đã được đích thân thủ tướng Lý Quang Diệu giải thích cho người dân vào năm 1985.

Ông nói:

“Mỗi khu nhà ở đều phải được định mức giá khác nhau vì chúng ta đều biết khi người ta bán thì từng căn hộ sẽ được mua với giá khác nhau.”

Còn theo ông Dhanabalan, cách duy nhất để giữ giá trị cho HDB là phải định giá theo thị trường.

Miễn sao HDB bán căn hộ thấp hơn các căn hộ tương đương về kích cỡ hay vị trí vào thời điểm bán, thì xem như người được hưởng trợ giá.

SingaporeNgười Singapore cảm thấy bản thân mình là chủ sở hữu thật sự của những tài sản có giá trị ở đảo quốc, nỗ lực học tập làm việc và đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà mình là một công dân, gắn bó với những lý tưởng giá trị cao cả mà PAP đề xướng như dân chủ, công bằng, hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng

Bài học cho Việt Nam 

Thông qua việc thông qua và thực thi LAA, tiến trình cải cách đất đai tại Singapore không phủ nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng trên thực tế ở Singapore, chính phủ mới chính là ông chủ đất lớn nhất có toàn quyền quản lý và sử dụng đất phục vụ nhu cầu quốc kế dân sinh.

Nhờ có quỹ đất dồi dào, chính phủ PAP mới có thể xây nhà tập thể cho người dân và qua đó tái phân phối phúc lợi cho người dân.

Mặc dù nhà ở tập thể được sở hữu có thời hạn chỉ có 99 năm nhưng nhờ những chương trình thay mới hay nâng cấp, nhưng người dân Singapore cảm thấy an tâm vì của chúng luôn được giữ vững theo giá thị trường, được chăm sóc thường xuyên dưới sự lãnh đạo của các đại biểu quốc hội sau các kỳ bẩu cử.

Người dân Singapore cảm thấy bản thân và gia đình mình là sở hữu thật sự của những tài sản có giá trị ở đảo quốc, nỗ lực học tập làm việc và đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà mình là một công dân, gắn bó với những lý tưởng giá trị cao cả mà PAP đề xướng như dân chủ, công bằng, hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng.

Nhưng nhà ở tập thể chỉ là điều kiện cần bởi lẽ với chính phủ Singapore, chỉ có công ăn việc làm và tăng thu nhập thì mới là cách tốt nhất để vươn tới công bằng xã hội.

Lý luận của các nhà lãnh đạo PAP trong thưở ban đầu lập quốc nghe rất đơn giản:

Nếu có việc làm, bạn có thể nuôi sống gia đình và nếu kinh tế phát triển nhanh thì thu nhập của bạn sẽ tăng cao hơn lạm phát.

Theo phân tích của giáo sư Neo Boon Siong của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhà cửa và y tế là cơ sở căn bản của chính sách công bằng xã hội tại Singapore nhưng giáo dục và công ăn việc làm mới giúp cho người dân vươn lên bất chấp vị thế xã hội hay điểm phát xuất của họ như thế nào.

Cuối cùng, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của PAP dưới sự dẫn dắt của vị tổng bí thư đầu tiên Lý Quang Diệu và công thức thành công của Singapore có thể được tóm tắt qua phát biểu của ông với các đồng chí của mình 13 năm sau khi PAP nắm chính quyền như sau:

“Kể từ năm 1959 khi PAP lên cầm quyền, cuộc sống của người Singapore đã được cải thiện, nhà ở, công ăn việc làm tốt hơn trước.

Có ba nhân tố giúp cho những điều này biến thành hiện thực.

Thứ nhất, người Singapore luôn cố gắng hết sức mình trong công việc, làm một điều gì đó hướng về phía trước.

Chúng ta không nằm dưới gốc cây chờ sung rụng.

Thứ hai, với tư cách là đảng cầm quyền, chúng ta đã không ngần ngại áp dụng những chính sách không hợp lòng dân nhưng phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Chúng ta đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của đảng.

Và nhân tố thứ ba đó là chúng ta đã biết cách tổ chức tốt, không chỉ chính phủ hay PAP mà toàn xã hội Singapore đã biết cách tổ chức để mọi việc chạy tốt.

Điều may mắn là người Singapore sẵn sàng làm việc và trả giá cho một cuộc sống mà mình muốn tốt hơn.”

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

DỊCH VỤ PHÁP LÝ MIỄN PHÍ Ở SINGAPORE

Dịch vụ pháp lý miễn phí ở nhiều nước trên thế giới không phải là chuyện gì mới nhưng ở Singapore đó là một cơ chế hình thành với sự quan tâm của quốc hội, các cơ quan công quyền và sự ủng hộ cụ thể của các tổ chức xã hội trong đó đi đầu là Hội Luật sư Singapore (LSS).

Năm 2007, LSS đã lập hẳn riêng một văn phòng dịch vụ có cái tên La tinh nghe dễ thương là “Pro Bono Services Office” (tạm dịch là Văn phòng Dịch vụ Pháp lý Miễn phí) cung cấp các hỗ trợ  pháp lý miễn phí cho những đối tượng khó khăn trong cộng đồng.

Theo LSS, đây cũng là một phần trong sứ mệnh của hội là đảm bảo mọi người dân ở Singapore được tiếp cận với công lý.

Nhưng dịch vụ Pro Bono không chỉ giới hạn trong bốn bức tường văn phòng bởi mỗi luật sư hội viên LSS cam kết sẽ làm việc miễn phí 25 tiếng đồng hồ hàng năm.

Như vậy, với đội ngũ hội viên hơn 3.500 luật sư, LSS có thể tổng cộng quỹ thời gian không dưới ít nhất 80.000 tiếng đồng hồ công quả hàng năm phục vụ lợi ích cộng đồng.

Mà luật sư thì phải theo luật cho nên văn phòng Pro Bono của LSS đã được đăng ký theo quy chế của một tổ chức từ thiện phù hợp với quy định luật pháp hiện hành.

Dich_vu_phap_ly_Singapore

Quyển sách “Know the Law Now!” (tạm dịch “Hãy hiểu biết luật pháp từ bây giờ!”) nhằm làm sáng tỏ những thắc mắc về luật pháp, danh mục các dịch vụ pháp lý miễn phí ở Singapore

Dù là từ thiện nhưng văn phòng Pro Bono cũng có lắm chuyện để làm như triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho cá nhân, tổ chức cộng đồng hay toàn xã hội nói chung.

Công dân hay thường trú nhân Singapore gặp khó khăn về pháp lý mà không có tiền để trả luật sư có thể tham gia vào các chương trình này.

Đặc biệt, các đối tượng phạm tội hình sự không có quốc tịch Singapore cũng được hưởng lợi ích từ cơ chế mang tên Criminal Legail Aid Scheme (CLAS).

Hồi đầu năm nay, Th., một cô bạn người Việt của tôi làm nghề phiên dịch tại tòa cho tôi biết cũng tham gia vào CLAS.

Vì lý do nghề nghiệp, tôi không thể nói nhiều về công việc cụ thể của cô nhưng tôi cũng cảm thấy vui vì cô đã thầm lặng hỗ trợ người Việt dù cho họ có phạm tội nặng hay nhẹ.

Ngoài ra, cũng xin được nói thêm là ở Singapore, hầu hết các đối tượng phạm tội dân sự hay hình sự người nước ngoài trong đó có người Việt đều có thể cung cấp lời khai bằng tiếng mẹ đẻ và hiểu được tội trạng và hình phạt của mình thông qua phiên dịch.

Dịch vụ Pro Bono của LSS còn vươn đến những tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội với các chương trình đào tạo kiến thức luật pháp, tư vấn pháp lý hay hỗ trợ những vụ việc tuy không có tranh chấp nhưng cần có sự tham gia của luật sư.

Khách hàng hay đối tác lớn của Pro Bono có thể kể đến Hiệp hội người tiêu dùng Singapore, Bộ Thanh niên và Thể thao, Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia, Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia, Hội đồng các tổ chức phụ nữ Singapore…

Nhưng vấn đề hiện nay ở Singapore là liệu nhà nước chỉ nên khuyến khích hay bắt buộc luật sư hàng năm phải cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Theo cựu chủ tịch LSS là ông Wong Meng Meng, chính phủ có thể hỗ trợ tài chính để khuyến khích luật sư làm việc thiện nhiều hơn.

Ví dụ như mỗi một vụ kiện có thể “bồi dưỡng” cho luật sư từ 2.000 – 2.500 đô la Singapore (SGD) ngoài số tiền tối đa 1000 SGD mà người này nhận được từ hóa đơn không phải đóng thuế (non-taxed bill) với thân chủ.

Theo Chánh án Sundaresh Menon, Singapore vẫn chưa thể bắt buộc luật sư làm dịch vụ miễn phí như một số nước và ngay cả như New York đến 2015 mới bắt đầu triển khai.

Trước mắt thì luật sư phải báo cáo số giờ làm dịch vụ pháp lý miễn phí hàng năm và cho biết số giờ có thể sẽ làm trong năm kế tiếp.

Nhưng đáng lưu tâm là người dân vẫn chưa biết tận dụng dịch vụ pháp lý miễn phí như thế nào và kiến thức về luật pháp của họ vẫn còn hạn chế.

Do đó, LSS và Viện Luật pháp Singapore (SAL) đã xuất bản một quyển sách dày 162 trang mang tên “Know the Law Now!” (tạm dịch “Hãy hiểu biết luật pháp từ bây giờ!”) nhằm làm sáng tỏ những thắc mắc về luật pháp, danh mục các dịch vụ pháp lý miễn phí và cả một trang web www.legalhelp.com.sg cho công chúng đặt câu hỏi và nhanh chóng tiếp cận thông tin thường thức về luật pháp.

Thật vật, văn phòng Pro Bono của LSS không phải là cơ chế duy nhất cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân.

Trên tầng 1 của tòa án cấp dưới (Subordinate Court) vào cuối năm 2013 đã xuất hiện một Trung tâm Công lý Cộng đồng chuyên cung cấp những thông tin liên quan đến thủ tục pháp lý tại tòa dành cho những ai không có luật sư.

Tình nguyện viên của trung tâm có thể cùng tham dự tòa và giới thiệu họ đến dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí khi cần thiết.

Hoạt động của trung tâm được hình thành từ cam kết phối hợp của  là Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình, Bộ Luật pháp,  Tòa án cấp dưới, LSS và Quỹ từ thiện Tan Chin Tuan với số tiền 250.000 SGD hàng năm cho ba năm đầu tiên.

Theo ông Lim Tanguy,  giám đốc của văn phòng Pro Bono thuộc LSS, với người dân Singapore, đến tòa án mà không có luật sư giống như bước vào võ đài với vận động viên đấm bốc chuyên nghiệp, nhất là với người nghèo hay có trình độ học vấn thấp thì thật đáng sợ.

Thống kê năm 2011 cho thấy khoảng 78,000 người bị Tòa cấp dưới kết án hình sự mà không có luật sư, chiếm 1/3 tổng số vụ án, không rõ có bao nhiêu người không có tiền thuê luật sư và cũng bởi có một số người tự bào chữa.

Theo ý kiến của đa số luật sư, người bị kết án tại tòa mà không có luật sư thường ở vào thế bất lợi, nhất là người có thu nhập thấp.

Giảng viên luật hình sự Michael Hor của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, so với những ai có tiền thuê luật sư thì những người tự bào chữa cho mình thường có xác suất trắng án hay nhẹ tội thấp hơn.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ ỨNG DỤNG TAXI UBER

Cục giao thông đường bộ của Singapore (LTA) vừa đưa ra khung quy định nhằm “bảo vệ lợi ích và sự an toàn của người đi xe taxi” trước sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của các ứng dụng như Uber, Hailo, GrabTaxi và Easy Taxi.

Các quy định mới này có thể sẽ có hiệu lực trong nửa đầu của năm sau.

Singapore là một quốc gia tương đối nhỏ, với số dân khoảng 5 triệu người, nhưng có gần 30.000 xe đăng ký kinh doanh dịch vụ taxi, ngoài ra việc sở hữu xe hơi riêng tại Singapore khá đắt đỏ.

Khung quy định mới có thể không gây nhiều biến động cho các hãng taxi hiện nay.

Theo khung quy định mới này, tất cả các dịch vụ ứng dụng đặt taxi của bên thứ ba sẽ phải tuân thủ các điều kiện sau:

– Đăng ký dịch vụ với LTA.

– Chỉ phân phát lệnh đặt chỗ cho những xe taxi đã được cấp phép.

– Mọi lái xe phải có Giấy phép hành nghề taxi hợp pháp.

– Cung cấp giá cước vận tải rõ ràng.

– Dịch vụ đặt xe taxi không được yêu cầu hành khách phải thông báo rõ hành trình trước khi đặt chỗ.

– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng cho hành khách.

Uber_SingaporeMặc dù đến quý II/2015 quy định mới của Singapore về các ứng dụng đặt xe taxi như Uber mới có hiệu lực song ít nhất ở thời điểm hiện tại Singapore xem Uber là ngành kinh doanh hợp pháp và được khuyến khích

Như vậy, theo quy định này, tất cả các dịch vụ đặt xe taxi thứ ba đều phải đăng ký với LTA mới được phép hoạt động, và chỉ những lái xe có giấy phép mới được cấp chứng nhận đăng ký hiệu lực trong 3 năm.

Các dịch vụ đặt xe cũng phải đảm bảo hành khách sẽ được hãng taxi và lái xe taxi hoạt động hợp pháp phục vụ.

Các dịch vụ đặt xe cũng phải cung cấp trước cho hành khách tất cả thông tin về cước phí, phụ phí và mức phí phải trả cho hành trình – bao gồm cả trong thời gian cao điểm và số tiền tính thêm theo địa điểm.

“Các quy định mới này dự kiến sẽ có hiệu lực vào quý II/2015 sau khi hoàn thành mọi thủ tục pháp lý cần thiết, song các dịch vụ đặt xe taxi và các công ty taxi được khuyến khích chuẩn bị để tuân thủ theo những quy định này.”

LTA nói.

Theo bình luận của trang Tech Crunch, có một điều khoản có thể gây khó khăn cho các ứng dụng taxi như Uber, GrabTaxi và Easy Taxi.

Đó là điều khoản quy định hành khách không phải tiết lộ hành trình dự kiến của họ khi đặt xe.

Theo công bố của LTA, mọi dịch vụ đặt xe taxi không thể yêu cầu hành khách nói rõ hành trình của họ trước khi đặt chỗ.

Bởi vì dù ngành công nghiệp taxi chia sẻ rằng biết trước hành trình của hành khách có thể khuyến khích các lái xe chấp nhận đặt chỗ, song lại có những lo ngại rằng một số lái xe taxi có thể “kén chọn” hành khách và tránh những lệnh đặt xe đến một số hành trình.

LTA vì thế đã quyết định hành khách được quyền quyết định có muốn cung cấp thông tin về hành trình hay không.

Đại diện dịch vụ Uber cho biết họ “vui mừng chào đón tuyên bố của LTA khi đưa ra khung quy định mới cho các ứng dụng đặt chỗ taxi của bên thứ ba”.

Mike Brown, giám đốc điều hành của Uber ở khu vực Đông Nam Á, nói:

“Đây là tin tốt lành cho các công dân Singapore và du khách đến Singapore, và đặc biệt là với các lái xe taxi”.

Trang Channel News Asia cho biết một nhà phân tích nói rằng phương pháp quản lý trên của Singapore cho thấy những dịch vụ như Uber hiện được xem là một ngành kinh doanh hợp pháp tại đây.

Tiến sỹ Park Byung Joon, giám đốc chương trình quản lý vận tải đô thị tại trường Đại học SIM, nói:

“Gần đây, có nhiều tranh cãi về loại hình dịch vụ như Uber là hợp pháp hay bất hợp pháp.

Vì thế, người ta chưa thể biết chính xác liệu các lái xe taxi và người dân có nên đăng ký dùng dịch vụ này.

Thậm chí với nhà đầu tư, liệu có nên đầu tư vào loại hình kinh doanh này?

Giờ đây, điều quan trọng nhất với khung pháp lý mới là các dịch vụ ứng dụng đặt chỗ taxi như Uber đã được xem là ngành kinh doanh hợp pháp”.

Tiến sỹ Park cho rằng dù khung pháp lý mới được đưa ra nhằm bảo vệ hành khách, nhưng nó cũng là sự cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp taxi, các lái xe – đặc biệt nếu các ứng dụng đặt taxi thứ 3 tiếp tục phát triển mạnh.

Ông cho rằng các hãng taxi có thể cần xem xét nâng cấp ứng dụng đặt chỗ của họ để có thể cạnh tranh.

Nguồn: Diễn đàn đầu tư

* * *

SỨC KHỎE TÂM THẦN

Đề xuất mới đây trên nghị trường Việt Nam về việc người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) cần có chứng nhận về sức khoẻ tâm thần (SKTT) có thể gây sốc với ai đó, nhưng bình tâm lại đây là vấn đề đặt ra cho ngành y tế trong thực tiễn kinh tế chính trị xã hội đầy phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới.

Thật vậy, theo nghiên cứu mới đây của Phó Giáo sư Bác sĩ tâm lý Chong Siow Ann cùng các đồng nghiệp của ông thuộc Viện SKTT Singapore (IMH), chăm sóc SKTT trên toàn cầu vẫn còn nhiều bất cập bởi nhiều người có thể trạng bên ngoài bình thường nhưng bị bệnh tâm thần mà không được điều trị đúng mức.

Đơn cử như tại quốc gia có điều kiện chăm sóc y tế nhất nhì thế giới là Hoa Kỳ, theo ước tính hàng năm có 34% dân số bị bệnh tâm thần – trong đó 67%  không được  điều trị.

Tại châu Âu nơi 27% người dân bị bệnh tâm thần hàng năm, 74% không được chạy chữa.

Còn tại Singapore, 6 trong số 10 người bị suy nhược tinh thần (depression) không có cơ hội gặp bác sĩ.

Đặc biệt với những rối loạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder)rối loạn lạm dụng bia rượu (alcohol abuse disorder) thì 9/10 đối tượng không tìm cách điều trị.

Suc_khoe_tam_thanNếu bạn có người thân trong gia đình có dấu hiệu tâm thần, hãy chia sẻ với những ai đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như bác sĩ hay chuyên gia SKTT

Theo Giáo sư Chong, bệnh nhân được điều trị cần phải qua các bước như nhận thức về bệnh trạng, hiểu nhu cầu điều trị và cuối cùng chủ động tìm cách điều trị.

Nhưng quy trình này lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, sắc tộc, học vấn, tôn giáo, tín ngưỡng và thái độ của gia đình và bạn bè, văn hóa đặc thù, tính sẵn có và khả năng tiếp cận   các dịch vụ SKTT, nguồn lực tài chính và mức độ bảo hiểm.

Đáng lưu ý là người châu Á thường có xu hướng tập trung vào các đặc tính sức khỏe thể trạng bên ngoài hơn là cảm xúc hay tâm lý, dẫn đến thái độ rụt rè khi cần đến sự trợ giúp của cá nhà chuyên môn SKTT.

Ngoài ra, người bệnh cũng sợ bị phân biệt đối xử và ảnh hưởng đến uy tín xã hội của bản thân.

Giáo sư Chong cho biết trong sau một hội thảo về SKTT, một vài người từ ghế cử tọa đã nhờ ông giúp một vài người thân trong gia đình có triệu chứng tâm thần nhưng không muốn điều trị.

Bị bệnh mà không nhận thức được mình bệnh thì thuật ngữ y khoa tiếng Anh gọi làanosognosia và triệu chứng này cũng được thấy qua bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia).

Để xử lý được những thách thức như trên, giáo sư Chong cho biết ngành y tế Singapore đã có nhiều sáng kiến trong kế hoạch tổng thể và chính sách về SKTT quốc gia như thiết kế và xây dựng những hệ thống phát hiện bệnh tâm thần trong cộng đồng và bệnh viện đa khoa.

Việc huấn luyện để nhận biết và quản lý những rối loạn tâm thần đã được tiến hành cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe của các tổ chức công tác xã hội hay cộng đồng.

Các cơ chế bảo hiểm y tế từ trước đến nay của nhà nước như Medisave hay Medishield nay cũng có thêm các lợi ích về SKTT.

Tuy nhiên, theo giáo sư Chong, những cơ chế và biện pháp nói trên vẫn chưa đủ.

Ví dụ như nhà trường là một trong những nơi cổ động SKTT và thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất bởi nhiều loại bệnh tâm thần thường có biểu hiện sớm từ tuổi thiếu niên hay trước khi thành niên.

Các chương trình kiểm tra và dạy trẻ em biết các quản lý stress và một vài sắc thái của bệnh tâm thần cũng có tác dụng tốt.

Giáo viên và các bậc làm cha mẹ cũng phải được dạy cách nhận biết dấu hiệu bệnh tâm thần nơi trẻ em, nhất là nhiều người lầm lẫn chúng với những biểu hiện của trẻ em trong quá trình trưởng thành..

Giáo sư Chong cũng cho rằng:

Tại nơi làm việc, cần có những chương trình kiểm tra và phát hiện sớm biểu hiện tâm thần, và thiết lập các quy trình để đảm bảo người lao động bị rối loạn tâm thần không bị phân biệt đối xử mà được hưởng những hỗ trợ cần thiết để gìn giữ kỹ năng và trở lại với lực lượng lao động trong tương lai.

Ngoài ra, cũng có thể cung cấp dịch vụ tâm lý trị liệu cho người bệnh qua Internet hay điện thoại hay kết hợp với người chữa bệnh truyền thống hay tâm linh…

Nhưng theo giáo sư Chong, cách tốt nhất đối với tình trạng người bệnh tâm thần chưa được điều trị vẫn là người dân phải luôn cảnh giác (vigilance).

Nếu bạn có người thân trong gia đình có dấu hiệu tâm thần, hãy chia sẻ với những ai đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như bác sĩ hay chuyên gia SKTT.

Thậm chí trong trường hợp người bệnh từ chối điều trị, người thân cũng nên tìm mọi cách để được tư vấn.

Tại Singapore, IMH và một số tổ chức thiện nguyện cũng đã có đường dây nóng để người dân có thể liên lạc khi cần thiết. SKTT được sự quan tâm khá toàn diện của nhà nước cùng xã hội  và được luật pháp kịp thời bổ sung và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Năm 2008, Quốc hội Singapore cũng đã thông qua Luật Chăm sóc và Điều trị SKTT có hiệu lực vào năm 2010.

Theo điều 45 của Hiến pháp Singapore, một trong những lý do quan trọng nhất để bãi miễn ĐBQH là người “được phát hiện hay tuyên bố bị rối loạn tâm thần”  (found or declared to be of unsound mind).

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

TOILET 5 SAO

Toilet là một trong những phát kiến tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại vào cuối thế kỷ 19.

Chỉ cần một cái giật nước, chất lượng cuộc sống con người đã tốt hơn và tuổi thọ cũng cao hơn.

Mới đây, độc giả của Tập san Y khoa Anh quốc đã bầu chọn hệ thống vệ sinh nối kết với toilet là tiến bộ y khoa vĩ đại nhất trong suốt 150 năm qua.

Thế nhưng, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 40% dân số toàn cầu (khoảng 2,6 tỷ người) không có cơ hội sử dụng tiện ích vệ sinh tối thiểu này.

Hậu quả là các căn bệnh từ đường tiêu hóa như tiêu chảy đã làm hơn 2 triệu người tại các nước đang phát triển tử vong mỗi năm.

Cách đây không lâu, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã tài trợ cho 8 trường đại học Hoa Kỳ thiết kế các loại toilet xử lý hiệu quả nước tiểu nhưng không làm hao tốn nước hay tạo ra năng lượng mới bằng cách chuyển hóa chất thải từ người thành than hoặc gas.

Quỹ yêu cầu chi phí xây dựng một toilet trong tương lai, kể cả bảo dưỡng sẽ không quá 0,05USD/người sử dụng/ngày – đây là giá người tiêu dùng tại các nước đang phát triển có thể trả được.

Điều này cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư tư nhân đẩy mạnh sản xuất và phân phối các kiểu dáng toilet sáng tạo mới.

Một nghiên cứu của WHO cũng cho rằng cứ mỗi USD đầu tư cho việc cải thiện vệ sinh và nước uống sẽ tạo ra những lợi ích về kinh tế từ 3-34USD nhờ tiết kiệm chi phí y tế, tránh tử vong, tăng năng suất và tỷ lệ học sinh đến trường…

Tôi được biết TPHCM sẽ mời gọi đầu tư hơn 100 toilet tiêu chuẩn 4-5 sao tại 24 quận, huyện của TP để phục vụ miễn phí người dân và khách du lịch.

Trước đó, 10 toilet 5 sao tại khu trung tâm TP đưa vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Không rõ toilet 5 sao công cộng này có thật sự tương đương với tiêu chuẩn khách sạn 5 sao hay không, nhưng theo tôi, toilet không nhất thiết phải là 4-5 sao mà chỉ cần đảm bảo những tiện ích tối thiểu như nước rửa tay, xà bông, giấy vệ sinh, xử lý chất thải và thông thoáng.

Ngoài ra, để toilet luôn sạch, bên cạnh việc quản lý cũng phải có thêm sự hợp tác của người sử dụng với ý thức giữ vệ sinh chung.

toiletÁp phích cổ động giữ gìn vệ sinh công cộng trong toilet của Cục Môi trường Quốc gia Singapore 

Tại Singapore, Cục Quản lý Môi trường (NEA) thậm chí còn có những áp phích giáo dục người dân sử dụng toilet đúng cách ngay tại “địa bàn”.

Thậm chí có bích chương nói rõ “tư thế” của quý ông trong lúc “tác nghiệp” là “nhằm đúng mục tiêu” để giúp tránh làm dơ sàn toilet.

Dẫu hiện đại đến mấy, toilet 5 sao ở Singapore cũng có nhiều lựa chọn cho người dùng như xí xổm, xí bẹt và cả thiết kế đặc thù dành cho trẻ con, phụ nữ mang thai và người tàn tật.

Điều đáng tiếc trong toilet công cộng ở Singapore là tình trạng hút thuốc của một số quý ông mặc dù đã có bảng cấm.

Tệ hơn nữa là tình trạng viết, vẽ bậy của một số đối tượng vô ý thức vẫn còn rải rác đây đó.

Nhưng đáng học hỏi từ Singapore là nhiều nơi đã cho phép quảng cáo cả trong lẫn ngoài.

Nguồn thu từ quảng cáo có thể giúp doanh nghiệp tái đầu tư nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi khác.

Theo khảo sát của Tổ chức Toilet Thế giới, người dùng toilet cũng cảm thấy thoải mái khi nhìn bản quảng cáo khi vào toilet.

Nhiều khu mua sắm lớn ở Singapore đã có nhiều pa nô hay clip quảng cáo khá thú vị và tao nhã tạo “hứng khởi” cho người dùng.

Tại sân bay Changi, sau khi “hành sự” xong, người sử dụng toilet có thể nhất nút cho điểm người phụ trách quét dọn trong ca hay trong ngày.

Xem ra cái nội hàm “xã hội hóa” đã được áp dụng triệt để ở một đảo quốc có tỷ lệ toilet tính trên đầu người cao nhất thế giới.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

HÀNG KHÔNG, SÂN BAY VÀ BIỂU TƯỢNG QUỐC GIA

Năm 1975, do sân bay Payar Lebar bị quá tải với trên dưới 4 triệu hành khách hàng năm, chính phủ Singapore đã quyết định xây một sân bay mới mang tên Changi với số tiền đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ đô la Singapore (SGD).

Có nhiều lý do khiến Singapore phải cấp thiết có sân bay mới nhưng một trong những “thủ phạm” dẫn đến quyết định quan trọng này là hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA).

Trong bài phát biểu nhân 30 năm thành lập SIA vào ngày 1/5/1977, thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu cho biết trong năm 1976 SIA đã vận chuyển 1,9 hành khách sang châu Âu.

Trong năm 1976, có khoảng 4,5 triệu hành khách qua lại sân bay Singapore trong đó một phần ba đi bằng máy bay của SIA.

Hành khách quá cảnh (transit) là 0,9 triệu và số lượng vào ra là 3,6 triệu.

Ông nói:

“Chia làm đôi, số khách nhập cảnh Singapore là 1,8 triệu – 1,5 triệu là du khách và 0,3 triệu là người dân Singapore.”

Dự đoán khá dè dặt của ông Lý cho năm 1981 là chu chuyển hành khách sẽ là 8,8 triệu trong đó 1,6 triệu là quá cảnh.

Cũng với cách tính như trên, số khách thực vào Singapore sẽ là 3,6 triệu – 2,8 triệu du khách và 0,8 triệu công dân và thường trú nhân Singapore.

Những con số nói trên có vẻ như không hoành tráng như dự án xây sân bay Long Thành 18,7 tỷ USD cùng với kỳ vọng 100 triệu hành khách hàng năm của Việt Nam, nhưng cái đáng nói ở đây là cách phân tích của thủ tướng Lý về yếu tố hiệu quả và đối tượng sử dụng sân bay sẽ là ai.

Theo ông Lý, nhờ phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông vận tải, Singapore có thể trở thành một đầu mối hàng không và hàng hải.

Nếu chỉ nhắm vào vị trí chiến lược thì không đủ bởi chính những tiện ích về hạ tầng và tính hiệu quả nghiệp vụ mới đảm bảo vai trò đầu mối hàng không và hàng hải của Singapore.

Ông Lý nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của chính phủ khi đầu tư xây dựng sân bay mới là Singapore phải thành công với vị trí của một đầu mối hàng không (air junction) và SIA cũng đóng vai trò quan trọng bằng cách có thêm nhiều thương quyền vận tải (traffic right) từ các nước khác và nhiều hãng hàng không cũng muốn muốn bay đến Singapore, kéo theo nhiều lợi ích bổ sung.

Ông muốn guồng máy lãnh đạo và đội ngũ nhân viên SIA phải quán triệt mục tiêu nói trên vì một đầu mối hàng không thông gắn liền với du lịch hiện chiếm 4% GDP nhờ những nguồn thu từ khách sạn, mua sắm, giải trí, vv.

Singapore-AirLine1SIA là biểu tượng thành công của Singapore

Ông Lý khen ngợi những thành tựu đã đạt được của SIA trong 30 qua hình thành và phát triển nhưng cũng cảnh báo SIA sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực vì chi phí nhân công thấp và khát vọng vươn lên.

Ông cho rằng tất cả các hãng hàng không đều sử dụng máy bay có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự nhưng các hãng châu Âu, Úc và Nhật thì dùng máy bay to hơn, như vậy chi phí bảo dưỡng tính theo đơn vị của họ thì thấp hơn.

Ông chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi đến những sân bay châu Á vào thập niên 60-70, cụ thể như ở Dehli (Ấn Độ) nơi hành khách chứng kiến tình trạng cẩu thả, mất vệ sinh, cử chỉ, hành vi, cung cách phục vụ thiếu chuẩn mực.

Với ông, phải  làm sao đảm bảo rằng hành khách có thể cảm nhận từ máy bay, phi công, tiếp viên hàng không/mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng dưới đất của SIA ở sân bay Singapore và các nước những chuẩn mực an toàn, hiệu quả, lịch sự và nhã nhặn.

Nói vắn tắt, SIA có thể giúp chính phủ Singapore thành công trong việc thực hiện được mục tiêu nói trên.

Theo nhận định của ông Lý, đa số hành khách sử dụng sân bay Singapore là người nước ngoài.

Trong năm 1976, tỷ lệ này là 5:1 và 5 người nước ngoài này có thể sẽ chẳng bay tới Singapore bao giờ nữa nếu đảo quốc này không phải là nơi phục vụ kinh doanh và giải trí.

Singapore cũng chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của hành khách như London, Tokyo hay Sydney.

Singapore không có dân số đông hay mức sống cao mà các nước công nghiệp hóa phát triển có thể dành cho người lao động.

Ông tâm tư:

“Thế mạnh của chúng ta là chi phí nhân công thấp, ý chí học hỏi và làm việc, để phục vụ hiệu quả với nụ cười trên môi, làm hành khách thoải mái và vui vẻ và, quan trọng hơn hết là giúp họ đến nơi an toàn và đúng giờ.

Nói cách khác, nếu  không giữ được kỷ luật, từ lãnh đạo cao nhất và bộ máy làm việc ở tổng hành dinh cho đến công nhân kỹ thuật dưới mặt đất, phi công, điều phối viên không lưu hay tiếp viên hàng không,  SIA sẽ thua cuộc.

Hành khách có thể vẫn sẽ đến Singapore, nhưng đi bằng máy bay khác.

Chúng ta có thể vận hành sân bay Singapore hiệu quả và lịch sự với những tiện ích hiện đại, bảo dưỡng tốt, sạch sẽ không tì vết, xử lý nhanh chóng thủ tục hải quan, y tế và xuất nhập cảnh.”     

Singapore-AirLineThế mạnh của SIA là cung cách phục vụ hiệu quả với nụ cười trên môi, làm hành khách thoải mái và vui vẻ 

Ông Lý cũng cảnh báo rằng để thành công SIA phải chinh phục khách hàng bằng khả năng cạnh tranh của mình chứ không phải nhờ cơ chế bảo hộ (protection).

Với lưu lượng hành khách ngày càng tăng SIA có thể khai thác và tận dụng các thương quyền vận tải đa dạng.

Nếu Singapore càng hấp dẫn hơn như là điểm đến cho kinh doanh và giải trí thì sẽ có nhiều hơn cơ hội làm việc cho người lao động như lái xe taxi, nhân viên làm việc trong khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm và sân bay.

Một trong những nhân tố thành công trong lịch sử phát triển của Singapore là cạnh tranh tự do và công khai.

Cuối cùng, ông nói:

“Cho phép tôi bày tỏ niểm hy vọng khi ngồi trên máy bay SIA, tôi sẽ thấy và cảm nhận hương vị biểu trưng của Singapore.

Các bạn phải làm sao để SIA thành biểu tượng của Singapore, một xã hội dựa trên giá trị và thành tích của một con người, những phẩm chất chẳng có liên quan gì đến sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hay thân thế gia tộc, hoặc quan hệ thân quen.”

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

XÂY THƯ VIỆN ĐỂ LÀM GÌ?

Mười năm sau khi giành được quyền tự chủ chính quyền từ tay thực dân Anh, tính từ năm 1959-1969 thu nhập đầu người Singapore tăng gấp đôi và tổng thu nhập quốc dân (GNP) tăng gấp 2,5 lần.

Sự thịnh vượng của đảo quốc Sư tử đã bắt đầu ló dạng với các công trình công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện, nhà ở, cầu cảng, sân bay, các ngành công nghiệp và dự trữ ngoại tệ…

Tuy nhiên, với vị Thủ tướng trẻ Lý Quang Diệu, lúc đó 47 tuổi, thì sự giàu có về vật chất không quan trọng bằng những tiến bộ đáng kể về nguồn nhân lực.

Trong thông điệp đầu năm 1970 với người dân Singapore, ông nói:

“Cách đây 10 năm, chúng ta còn là những cá nhân lo toan cho bản thân hay gia đình thì nay đã có gắn kết xã hội.

Chúng ta đã học cách suy nghĩ và hành động như một cộng đồng để bảo vệ và phát triển các lợi ích nhóm (group interests).

Chúng ta đã đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ và nâng cao năng lực của họ trong việc tận dụng những công cụ của công nghệ hiện đại để tạo nên sự thịnh vượng”.

Nhưng ông lại cảnh báo người dân Singapore về những nguy cơ khói bụi ảnh hưởng đến môi trường sống do hậu quả của quá trình đô thị hóa, đặc biệt những hành vi cá nhân ảnh hưởng đến cộng đồng như việc mở radio lớn quá mức:

“Bạn thích loại nhạc này nhưng cũng phải điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe vì người hàng xóm của mình có thể thích thứ khác. Và cuộc sống của chúng ta không thể chỉ đơn thuần là ăn uống, xem ti vi hay phim ảnh”.

Và rồi sau một chuyến đi thăm và gặp gỡ 10 hộ gia đình ở khu dân cư Queenstown, đô thị vệ tinh đầu tiên của Singapore, ông cho biết chỉ có hai gia đình có sách báo và tranh ảnh.

Ông ưu tư:

“Ở trường học, chúng ta cố gắng dạy học sinh âm nhạc, hội họa, nghệ thuật để sau này lớn lên các em sẽ biết làm nhiều việc chứ không chỉ đơn thuần là nhấn nút, nhìn ngó hay nghe ngóng.

Điều này tuyệt đối quan trọng bởi vì như thế chúng ta mới có một xã hội sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.

Muốn tiến bộ thì trí óc con người phải có óc sáng tạo, có khả năng tự tạo ra cái mới (self-generating) chứ không thể thụ động giải trí bằng máy móc”.

Thu_vienGóc thiếu nhi trong một thư viện công cộng ở Singapore

Với quan điểm đó, Chính phủ Singapore đã quyết định xây dựng một thư viện ngoại ô đầu tiên ở Queenstown và đích thân Thủ tướng Lý đã đến cắt băng khánh thành vào một ngày đẹp trời cuối tháng 4-1970.

Ông Lý nhấn mạnh một trong những dấu hiệu của một xã hội có giáo dục (educated) là số lượng sách được người dân đọc.

“Sau hơn 10 năm phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc, giờ đây chúng ta đã có một xã hội biết đọc (literate). Nhưng một xã hội biết đọc không có nghĩa là một xã hội có giáo dục.

Một thử thách đối với người có giáo dục là khả năng tiếp tục đọc sách và học hỏi trong suốt cuộc đời mình”.

Ông Lý cho biết ngoài Queenstown, chính phủ sẽ xây thêm nhiều thư viện nữa trên khắp đảo quốc Singapore.

Điều này sẽ cho phép người dân Singapore tiếp cận bất cứ loại sách nào mà họ không có đủ tiền mua và điều quan trọng là thư viện sẽ trở thành những thánh đường bình yên (sanctuary of peace) giúp người dân tập trung và làm việc tốt hơn, nhất là những nơi mà những hàng xóm láng giềng chưa biết điều với nhau:

“Khác với những nước có khí hậu ôn đới, các ngôi nhà của chúng ta đều phải mở cửa sổ và phải hứng lấy tiếng ồn và như vậy thư viện sẽ giúp cho người Singapore đến đó thư giãn thay vì nghe đài, ngồi coi ti vi, đánh mạt chược, nghe nhạc hifi hay trò chuyện ồn ào”.

Ông tin rằng nhờ có thư viện, cùng với những biện pháp quản lý đô thị khác, thành phố sẽ bớt tiếng ồn và người Singapore sẽ dần dần điều chỉnh hành vi, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác…

Quan điểm nói trên của vị cha già lập quốc họ Lý có thể không có gì mới với các nhà làm giáo dục hay đã được bậc lãnh đạo nhiều nước phát biểu đây đó, nhưng những quyết tâm của ông đã biến thành hiện thực và ngày nay Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ thư viện tính trên đầu người nhất nhì thế giới.

Mặc dù đất đai hạn chế trên hòn đảo trên dưới 600 ki lô mét vuông lúc chưa lấn biển, Chính phủ Singapore đã dành quỹ đất để xây thư viện và cho đến nay, chưa tính hệ thống thư viện của bốn trường đại học công lập, đã có gần 30 thư viện công cộng nằm trên khắp đảo quốc Singapore.

Cho dù giờ đây nhà nhà đã nối mạng Internet, Cục Thư viện Quốc gia Singapore từ năm 2005 cho đến nay đã xây dựng và lưu trữ hơn 3 triệu đầu sách điện tử nhưng người dân vẫn thích đến thư viện đọc sách in.

Vào mùa thi, thư viện Singapore lúc nào cũng đông đúc vì học sinh đến đây kiếm chỗ học bài.

Doanh nhân mới khởi nghiệp như tôi cách đây 10 năm chưa có nhiều tiền mua sách cũng vô thư viện tìm ý tưởng hay tư liệu về kinh doanh.

Và đúng như tầm nhìn của Lý Quang Diệu cách đây 40 năm, giờ đây người Singapore đến thư viện không chỉ để đọc sách, sạc pin điện thoại hay máy tính, truy cập Internet…, mà còn để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng sự bình yên.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG

* * *

TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA

KINH NGHIỆM THỰC TIỄN TẠI SINGAPORE

Ngoaithuong

 Giới thiệu:

Singapore là một trong những đầu mối giao lưu thương mại quốc tế quan trọng với cảng biển lớn và tấp nập nhất thế giới.

Trong khóa học này, học viên sẽ có điều kiện tiếp cận các kiến thức, thông tin và kỹ năng trong hoạt động xuất nhập khẩu tại Singapore để từ đó xác định chủng loại, thương hiệu hàng hoá phù hợp cho thị trường Việt Nam, tìm kiếm bạn hàng, đối tác, giao dịch…

Nội dung đào tạo:

Buổi sáng: Nghiên cứu và thảo luận trong lớp

1/ Hoạt động thương mại Singapore và quan hệ với Việt Nam 2013-2014

2/ Xu hướng hiện tại và tương lai của hoạt động thương mại tại Singapore

3/ Thực tiễn nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Singapore

4/ Khả năng tiếp cận và thâm nhập của hàng Việt Nam vào thị trường Singapore

5/ Cơ hội và thách thức trong việc xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Singapore

6/ Các kênh thông tin / bán hàng chính thức  và không chính thức

7/ Các chiến lược chọn lựa và xây dựng chiến lược sản phẩm và thương hiệu

8/ Các phương thức và mô hình hợp tác kinh doanh chiến lược

Buổi chiều: Tham quan thực tế

Siêu thị có hàng Việt Nam bán tại Singapore

Đơn vị đào tạo:

Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Thông tin giảng viên:

Ông Lê Hữu Huy là Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Vietnam Global Network chuyên cổ động và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, phục vụ nhu cầu giao lưu kinh doanh và tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ông từng làm Trưởng Đại diện của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Singapore và là chuyên gia tư vấn tiếp thị và bán hàng  cho nhiều tập đoàn nước ngoài đóng tại Singapore.

Từ hơn 17 năm qua, ông là cộng tác viên ngoài nước của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một trong những tạp chí chuyên về kinh doanh có uy tín tại Việt Nam với các bài viết dưới dạng “Thư  Singapore” được đông đảo độc giả quan tâm.

Ông cũng xuất hiện thường xuyên trên Sài Gòn Đầu tư – Tài chính, ấn phẩm chuyên ngành của nhật báo Sài Gòn Giải phóng –  bạn đồng hành, nhà tư vấn của giới đầu tư và kinh doanh bằng những bài viết chia sẻ kinh nghiệm quản lý và kinh doanh của khu vực nhà nước và doanh nghiệp Singapore.

Ông lấy bằng Thạc sĩ Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) năm 2002 và tốt nghiệp Cử nhân tiếng Pháp Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 1990.

Ông thông thạo hai ngoại ngữ Anh – Pháp và có thể giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Hoa, Mã Lai và tiếng Thái.

* * *

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

KINH NGHIỆM THỰC TIỄN TẠI SINGAPORE

Giới thiệu:

Singapore là mẫu mực của một thành phố đẳng cấp thế giới với môi trường xanh, sạch và một hệ thống giao thông đô thị hiện đại và hiệu quả.

Trong khóa học này, học viên sẽ có điều kiện tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm của Singapore trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đô thị và qua đó rút ra những bài học có thể ứng dụng ở Việt Nam

Nội dung đào tạo:

1/ Khái quát về tình hình và xu hướng giao thông đô thị trên thế giới

2/ Tình hình và xu hướng giao thông đô thị tại các nước Đông Nam Á

3/ Kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đô thị tại Singapore

4/ Bài học cho Việt Nam

5/ Hỏi và trả lời

Đơn vị đào tạo:

Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Thông tin giảng viên:

Ông Lê Hữu Huy là giảng viên, biên/phiên dịch viên cho nhiều định chế nhà nước và tư nhân có uy tín tại Singapore như Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Bộ Ngoại giao Singapore (MFA), Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Singapore (MCYS), Cục Phát triển Thương mại Quốc tế IE Singapore…

Là nhà báo nghiệp dư, ông cộng tác viên thường xuyên với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (thuộc Sở Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh) và báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính thuộc Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Với các bài viết dưới dạng “Thư Singapore”, ông chia sẻ với độc giả Việt Nam những kinh nghiệm, quan điểm của mình về quản lý nhà nước, chính sách công, quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.

Ông từng làm Trưởng Đại diện của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Singapore và giữ nhiều trọng trách cho nhiều tập đoàn nước ngoài đóng tại Singapore trong hơn mười năm qua.

Ông Huy lấy bằng Thạc sĩ Đông Nam Á học của trường Đại học Quốc gia Singapore, Cử nhân tiếng Pháp của trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và có thể giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Hoa và tiếng Thái.

– – – – –

Muốn biết thêm chi tiết các hội thảo về kinh nghiệm Singapore, xin vui lòng liên hệVietnam Global Network, 111 North Bridge Road, #27-01 Peninsula Plaza, Singapore 179098  ĐT: (65) 6389 1677 DĐ: (65) 9062 5169 Email: vbcsing@singnet.com.sg / vietnamcentre@gmail.com 

* * *

TRƯỜNG HỌC CỦA TƯƠNG LAI

Trước khi bàn chuyện “tương lai”, tôi xin được chia sẻ nỗi khổ hiện tại của vợ chồng tôi về “hiện trạng” đứa con gái đang học năm đầu tiên của chương trình trung học (thường gọi là Secondary 1 hay Sec 1, tương đương lớp 7 của ta).

Cứ về nhà sau khi vệ sinh cá nhân, ăn uống xong là chúi mắt chúi mũi vào iPhone, kể cả lúc ngồi bên bàn học.

Khi được ba mẹ nhắc nhở thì cháu bảo phải cần iPhone để liên lạc thường xuyên với thầy cô với bạn bè trong lớp, nhất là trong việc cập nhật thông tin và yêu cầu làm bài tập và dự án theo nhóm…

Sau khi được nhà trường và cô giáo chủ nhiệm xác nhận lại việc này, chúng tôi đành phải dành nhiều thời gian hơn trong việc theo dõi việc học tập và sinh hoạt của con mình, nắm rõ các số điện thoại liên hệ, khuyến khích con sử dụng iPad hay máy tính để bàn vì màn hình rộng đỡ hại mắt hơn…

Thật ra, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục bậc tiểu học và trung học trên đảo Sư tử đã được triển khai từ hơn năm năm nay với sáng kiến mang tên gọi FutureSchools@Singapore (tạm dịch là Trường học tương lai ở Singapore) của Cục Phát triển truyền thông (IDA) thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin (MCI) và Bộ Giáo dục Singapore (MOE) với mục tiêu tạo ra một môi trường huấn luyện kỹ năng mới và khuyến khích óc sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp trong trường phổ thông.

Giai đoạn thử nghiệm ban đầu chỉ được tiến hành ở sáu trường được MOE tuyển chọn gồm hai trường tiểu học, ba trung học và một cao đẳng.

Học sinh trung học (từ Sec 1 trở nên) trong các giờ học về địa lý hay khoa học có thể tận dụng các công cụ tương tác như thật qua các cổng thông tin mạng xã hội thiết kế cho giáo viên và học sinh.

Nhưng theo giới truyền thông ở Singapore, hồ hởi nhất sẽ là các nhà cung cấp vì chính phủ Singapore đã dành hơn 8,7 tỉ đô la Singapore cho việc đầu tư vào giáo dục trong đó có sáng kiến Trường học tương lai ở Singapore cùng những dự án ứng dụng CNTT khác.

May_tinh_bangCác em học sinh ở Singapore đang sử dụng iPad vào việc học

Theo bà Tan Yen Yen, Giám đốc điều hành Công ty Máy tính HP tại Singapore, CNTT sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng giáo trình, đánh giá việc dạy và học, phương pháp sư phạm, phát triển chuyên môn cho giáo viên, chia sẻ những kinh nghiệm hay thông lệ tốt nhất.

Học sinh sẽ biết cách sử dụng CNTT qua các trải nghiệm học tập, thi cử, tiếp cận thông tin mới, biết cách làm báo cáo, có ý kiến phản hồi với bài làm của bạn bè cùng lớp, cùng trường, thậm chí với các trường khác.

CNTT cũng sẽ giúp giáo viên bớt thời gian vào hành chính sự vụ và tập trung vào giảng dạy nhiều hơn trước.

Theo ông Lee Fook Sun, Tổng giám đốc ST Electronics, sẽ có các giải pháp ứng dụng giúp giáo viên và các nhà quản lý giáo dục xây dựng quy trình chuẩn bị giáo trình và tài liệu học tập, báo cáo và đánh giá thành tích.

Ông cho rằng với sự có mặt của các loại điện thoại thông minh, sẽ phát triển xu hướng học tập di động (mobile learning) với việc tăng cường các khái niệm “học mọi nơi mọi lúc’’ (learn-anywhere-anytime) hay “học ngay những gì cần” (just-in-time-learning).

Giáo viên và học sinh cũng sử dụng blog, nhắn tin Twitter, Wikis hay các ứng dụng chia sẻ hình ảnh hay âm thanh…

Tuy nhiên, theo bà Eugene Lim, Hiệu trưởng của Crescent Girls’ School, một trong những trường trung học được MOE tuyển chọn làm tiên phong trong dự án, thách thức của nhà trường giờ đây là phải làm sao trang bị cho đội ngũ quản lý, giáo viên những kiến thức và kỹ năng CNTT để ứng dụng trong công việc và đối đầu với những hiểm họa từ mặt trái của Internet.

Thời gian lướt web với việc giao tiếp trên mạng xã hội nhiều hơn sẽ làm phát sinh những vấn đề như nghiện game, hình ảnh khiêu dâm hay xâm phạm bản quyền trí tuệ.

Theo bà Lim, nhà trường phải làm việc chặt chẽ hơn với phụ huynh để xây dựng những thông lệ an toàn trong việc sử dụng Internet cho học sinh ngay từ lúc các em bước vào lớp 1.

Đồng thời nhà trường cũng có chương trình giáo dục Internet (Cyber Education) và có chính sách sử dụng Internet trong nhà trường…

Thời gian sẽ là câu trả lời cho dự án trường học tương lai nói trên của Singapore.

Được biết trung bình trên thế giới có 1,23 tỉ người truy cập Facebook 17 phút mỗi ngày.

Và người lớn ở độ tuổi từ 18 đến 50 dành 3-4 tiếng đồng hồ truy cập Internet.

Trong thời buổi phát triển CNTT và cạnh tranh toàn cầu, nếu bạn không cần máy tính và Internet để xử lý công việc và học tập thì tôi xin chúc bạn may mắn.

Tuy nhiên, tôi cũng tự hứa phải dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, lập thời gian biểu làm việc hiệu quả thậm chí cho những cả sinh hoạt cỏn con ở nhà, khuyến khích con gái đọc sách và cha mẹ thì phải làm gương.

Nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói với giáo viên Singapore trong một hội thảo về giáo dục cách đây gần nửa thế kỷ, khi Singapore vừa bị tách ra khỏi Liên bang Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập:

“Rồi đây các trường học Singapore sẽ được trang bị thư viện hoàn chỉnh, cơ sở vật chất và thiết bị giảng dạy khoa học hiện đại, nhưng cuối cùng các bạn cũng sẽ quay lại với yếu tố quan trọng nhất là người thầy.

Nếu người này ngồi trong lớp học mà chỉ nghĩ công việc của mình như một công nhân trong nhà máy nhìn học trò mình như những cái chai trong dây chuyền sản xuất và nhồi nhét kiến thức vào đầu học trò như bỏ chất lỏng vào chai, thì xem như chúng ta đã thất bại”.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG Online

* * *

MẶT TRÁI CASINO: KINH NGHIỆM QUẢN LÝ SINGAPORE

Năm 1923, chính quyền thực dân Anh đã cho phép người dân Singapore đánh bạc và từ khi bắt đầu trở thành quốc gia độc lập cách đây 49 năm, chính phủ của thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu đã có luật quy định các hình thức cá cược như đua ngựa hay xổ số.

Nhưng phải đến năm 2004, ý tưởng mở casino mới được chính phủ của ông Lý Hiển Long bật đèn xanh cho người dân bàn luận công khai.

Ly_Quang_Dieu

Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu (giữa) trong một chuyến “thị sát” casino 

Do cơ quan công an trực tiếp quản lý

Ngày 18-4-2005, sau 6 tháng để người dân Singapore thuộc mọi tầng lớp xã hội thảo luận nên hay không nên, Thủ tướng Lý Hiển Long chính thức công bố quyết định sẽ xây dựng 2 khu nghỉ dưỡng liên hợp (IR) tại khu vực vịnh Marina và đảo Sentosa.

Đây là 2 quần thể gồm khách sạn, khu mua sắm, trung tâm hội nghị quốc tế và các tiện ích khác, trong đó có casino.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lý giải thích về sự thay đổi trong quan điểm và chính sách của chính phủ đối với casino do những quan ngại về nguy cơ mất cạnh tranh về kinh tế và du lịch với các thành phố khác trong khu vực.

Nói cách khác, thông điệp mà chính phủ đưa ra cho người dân đảo Sư tử đó là quyết định mở casino mang tính sống còn về mặt kinh tế, tạo yếu tố tâm lý đòn bẩy cho tăng trưởng quốc dân và tạo công ăn việc làm cho người Singapore.

Nhưng chính phủ Singapore không vội vàng cho mở casino ngay, mà huy động nguồn lực từ các bộ, ngành và cả xã hội xây dựng một “khuôn khổ quốc gia” với các biện pháp nhằm xử lý những vấn đề phát sinh do nạn cờ bạc.

Theo đó, Cục Quản lý Casino (CRA) trực thuộc Bộ Nội vụ Singapore – MHA (giống như Bộ Công an của Việt Nam) – cơ quan chủ quản quản lý casino – thiết kế những quy chế và biện pháp chế tài phù hợp.

Ngày 16-1-2006, ông Wong Kan Seng, Bộ trưởng Nội vụ đã đệ trình Quốc hội Singapore lần đầu tiên Dự luật về kiểm soát casino (CCA).

Sau gần 1 tháng nghị trường, CCA đã được thông qua vào ngày 14-2-2006, với việc cho phép mở tối đa 2 casino trong thời hạn 10 năm.

Kế thừa và điều chỉnh những bộ luật kiểm soát casino của các tiểu bang có casino ở Australia và Hoa Kỳ, CCA đưa ra những nền tảng cho việc hình thành CRA đặt dưới sự giám sát của MHA để cấp phép và quy định hoạt động, chấp thuận các hệ thống kiểm soát, quản lý casino và điều tra các vi phạm phát sinh.

CCA cũng đưa ra chế độ kiểm soát nhà điều hành casino và các đối tượng kinh doanh có liên quan, như kiểm soát nội bộ, hành chính và kế toán, các rào cản xã hội…

Theo đó công dân và thường trú nhân tại Singapore vào casino phải trên 21 tuổi, đóng lệ phí 100 đô la Singapore (SGD) cho một lượt 24 tiếng đồng hồ, hay 2.000SGD cho thời gian không hạn chế trong 12 tháng.

CRA được quản lý bởi hội đồng quản trị (HĐQT) gồm 12 thành viên, trong đó có 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch.

Đáng lưu ý, 2 lãnh đạo của một cơ quan thuộc ngành an ninh nội vụ không phải là tướng công an mà lại xuất thân từ ngành nghề khác.

Như Chủ tịch Richard R Magnus hành nghề luật và đã từng là thẩm phán, còn ông Lee Tzu Yang, Phó chủ tịch, là một doanh nhân có bằng về kinh tế.

Có dịp vào trang web của CRA, độc giả có thể thấy trong số 10 thành viên khác của hội đồng chỉ có 2 người làm việc đúng ngành, còn những người khác mỗi người mỗi vẻ trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, luật sư, y tế, kỹ thuật công nghệ và xã hội học.

Singapore opens first casino on auspicious start of Chinese New YearCasino là một trong những điểm tham quan của du khách khi đến Singapore

Các tổ chức xã hội cũng vào cuộc

Được sự hỗ trợ của các tiểu ban như kiểm toán, ngân sách, kỷ luật, luật pháp và quy chế, tư vấn công nghệ, các thành viên HĐQT của CRA có nhiệm vụ tư vấn và đưa ra hướng dẫn chiến lược giúp ban quản lý CRA đạt được sứ mệnh của mình, là đảm bảo việc quản lý và điều hành casino không bị ảnh hưởng hay thao túng bởi các băng nhóm tội phạm hay tổ chức hình sự.

Việc đánh bạc được tiến hành sòng phẳng, nhưng hạn chế và kiểm soát nguy cơ casino có thể gây hại đến đối tượng vị thành niên,  người dễ bị tổn thương hay xã hội nói chung.

Như đã nói ở trên, nhiệm vụ của CRA chủ yếu đảm bảo các nhà điều hành casino và người vào chơi  thực hiện theo đúng luật, còn những hoạt động tác nghiệp đặc thù như cưỡng chế hay bắt giữ dĩ nhiên sẽ do lực lượng công an đảm trách.

Chấp nhận mở casino, chính phủ Singapore đã gặp phải thách thức từ áp lực của dư luận xã hội, nhất là khi số lượng người vào chơi ở casino ngày càng tăng.

Chỉ 3 tháng sau khi casino đầu tiên tại Singapore là Resort World Sentosa chính thức mở cửa, tính đến tháng 5-2010, lệ phí vào cửa chính phủ thu được là 70 triệu SGD.

7 tháng sau khi cả 2 casino đi vào hoạt động, số người vào chơi đã vượt quá 1 triệu lượt.

Số tiền 100SGD chẳng đáng là bao với dân Singapore đam mê cờ bạc, nên đã có ý kiến cho rằng vì đã lỡ tốn tiền, “các bác thằng bần” này lại càng quyết chí ăn thua.

Đã có ý kiến rằng biện pháp hạn chế người dân vào casino theo kiểu thu thêm phí lại phản tác dụng và càng làm người Singapore thua bạc nhiều hơn.

Vì thế, ngoài CRA, Singapore còn có một tổ chức xã hội khác có tên là  Hội đồng Quốc gia về các vấn đề cờ bạc (NCPG) gồm 15 thành viên có chuyên môn trong các lĩnh vực như tâm lý học, công tác xã hội, tư vấn, pháp lý, phục hồi chức năng và cả tôn giáo.

Nhiều tổ chức xã hội khác đã tham gia việc hạn chế và ngăn ngừa cờ bạc, như Viện Sức khỏe tâm thần đã mở dịch vụ quản lý nạn nghiện cờ bạc quốc gia, các trung tâm dịch vụ gia đình có cơ sở trên toàn đảo quốc được sự hậu thuẫn của Bộ Phát triển xã hội và gia đình cũng cung cấp những hỗ trợ và tư vấn cho những gia đình có người thân nghiện cờ bạc. Các hội đoàn tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc.

Đi xa hơn, những ai cảm thấy bản thân hay người thân của mình nghiện cờ bạc có thể đăng ký nói “không” với casino qua trang web của NCPG.

Chiến lược dùng casino phục vụ tăng trưởng kinh tế và du lịch đã được chính phủ Singapore tung ra cùng với cuộc chiến không ngơi nghỉ đối với nạn cờ bạc và những tệ nạn xã hội phát sinh.

Việc quản lý casino đã được chính phủ thể chế hóa cùng những biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực xã hội.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Báo SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

TẬN DỤNG NGUỒN LỰC “THỨ BA”

Những lời khuyên đáng được Việt Nam ghi nhận và tham khảo trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông:

Trong khi Việt Nam đã có sẵn nhiều bằng chứng lịch sử và khoa học về chủ quyền thì Trung Quốc chẳng bao giờ muốn quốc tế hóa tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa với Việt Nam.

Trong hai năm 1961 và 1962, Cục Quản lý điện nước (PUB) của Singapore đã ký hai thỏa ước với chính quyền tiểu bang Johor của Malaysia để mua nước với một mức giá cố định trong thời hạn lần lượt là 50 năm (hết hiệu lực vào tháng 8-2011) và 99 năm (hết hiệu lực vào năm 2061).

Năm 1965, khi Singapore rời Liên bang Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập, Thỏa ước Chia cắt (Separation Agreement) được hai quốc gia ký kết có kèm theo một điều khoản quan trọng là Chính phủ Liên bang Malaysia đảm bảo tiểu bang Johor sẽ tiếp tục thực hiện những điều đã cam kết trước đây.

Thế nhưng, mỗi khi có căng thẳng phát sinh trong quan hệ song phương, các chính trị gia Malaysia thuộc đảng cầm quyền UMNO lại thỉnh thoảng dùng lá bài này để hù dọa Singapore.

Thành công của Singapore trong việc yêu cầu Malaysia cam kết thực hiện hai thỏa ước cung cấp nước nói trên là một câu chuyện dài, nhưng kinh nghiệm mà nhiều quốc gia châu Á có thể tham khảo và áp dụng là khả năng tận dụng các nguồn lực thứ ba trong việc giải quyết ổn thỏa tranh chấp mà Giáo sư Shunmugam Jayakumar gọi ngắn gọn là “Bên thứ ba” (“Third-party”).

diplomacy__a_singapore_experienceBài học về “Kinh nghiệm ngoại giao Singapore”, đặc biệt là trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, theo Giáo sư Shunmugam Jayakumar, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Singapore, nguyên Đại diện thường trực của Singapore tại Liên hiệp quốc

Lựa chọn bên thứ ba

Theo ông Jayakumar, thực tiễn quan hệ song phương giữa các nước không tránh khỏi việc phát sinh tranh chấp hay bất đồng.

Không phải tranh chấp nào cũng có hàm ý pháp lý (legal overtone) hay liên quan đến những điều khoản của thỏa ước nào đó.

Tuy nhiên, nếu có, quan điểm nhất quán của Singapore là đề nghị sử dụng những cơ chế giải quyết tranh chấp của bên thứ ba, cho dù phải thông qua trọng tài hay tài phán quốc tế, ví dụ như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Ông cho rằng giải quyết tranh chấp qua bên thứ ba là cách xử lý một cách ổn thỏa những vấn đề đã đi vào ngõ bế tắc.

Chính phủ hai quốc gia vẫn có thể tiếp tục theo đuổi những khía cạnh hợp tác song phương khác trong lúc diễn ra quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh.

Đáng lưu ý là “bên thứ ba” mà ông Jayakumar muốn nói ở đây không chỉ giới hạn trong việc dựa vào trọng tài hay tài phán quốc tế mà còn là một loạt những cơ chế hay lựa chọn để giải quyết vấn đề một cách êm thấm như hòa giải (conciliation), điều đình (mediation), phái đoàn tìm kiếm dữ kiện (fact-finding missions) và những nhân vật có uy tín của các tổ chức quốc tế, thậm chí đến cả Tổng thư ký Liên hiệp quốc.

Một số cơ chế “thứ ba” khác có thể gồm các đại diện mang tính chính trị như Hội đồng cao cấp các đại diện cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á của ASEAN.

Hầu hết các cơ chế này đều có những thẩm phán hay chuyên gia về pháp lý hay trong các lĩnh vực khác.

Mặt khác, vị giáo sư luật hành nghề ngoại giao này cũng lưu ý rằng giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba không phải lúc nào cũng là phương thức phù hợp áp dụng cho mọi trường hợp mà thỉnh thoảng nó được triển khai trên phương diện chiến thuật để buộc đối phương xem xét lại những quyền lợi của mình.

Điều quan trọng là chọn đúng thời điểm để đưa ra lá bài phù hợp.

Những điểm cần lưu ý

Cũng theo ông Jayakumar, giải quyết tranh chấp qua bên thứ ba cũng có thể khiến một quốc gia thành kẻ thua cuộc bởi nguy cơ phán quyết của tòa án hay trọng tài hay tài phán quốc tế tùy thuộc vào phán xét của các thẩm phán từ nhiều nước khác nhau và có những nền tảng kiến thức về luật pháp khác nhau.

Do đó, khi lựa chọn phương thức này, cần chuẩn bị tình huống quyết định của cơ quan tài phán sẽ bất lợi hoàn toàn hay một phần nào đó và phương án đối phó.

Nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng hay không muốn chấp nhận hậu quả thua cuộc thì không nên đưa ra giải quyết thông qua bên thứ ba.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của ông này, không thể quên cung cấp cho người dân nước mình những thông tin có liên quan để công chúng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nếu kết quả diễn ra không như ý muốn.

Ví dụ, trong vụ tranh chấp của Singapore với Malaysia về hòn đảo Pedra Branca, trước khi ICJ đưa ra phán quyết, đích thân ông Jayakumar và đồng sự của mình là Giáo sư Tommy Koh là những người được Chính phủ Singapore giao nhiệm vụ làm đại diện thương thuyết đã trả lời phỏng vấn giới truyền thông trong và ngoài nước và công khai liệt kê ra cho người dân Singapore biết tất cả những kịch bản có thể diễn ra, kể cả tình huống xấu nhất.

Ông Jayakumar nhìn nhận rằng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất khó giải quyết.

Dù lớn hay nhỏ, có tài nguyên hay người dân sinh sống hay không, các tranh chấp về lãnh thổ đều gây ra những phản ứng chính trị căng thẳng và xúc cảm mang tính dân tộc chủ nghĩa.

Những rào cản này khiến chính phủ các nước bị hạn chế trong việc đạt đến một dàn xếp hay thỏa hiệp thương thuyết cụ thể.

Họ sợ người dân sẽ kết tội họ là thỏa hiệp với nước ngoài hay thậm chí bán nước.

Nhưng chính trong bối cảnh đó mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba sẽ tạo thuận lợi giúp chính phủ các nước xử lý vấn đề một cách khách quan không bị những áp lực như đã nói ở trên.

Dù vậy, trên thực tế, việc áp dụng phương thức này không phải dễ dàng bởi nó đòi hỏi sự dũng cảm về chính trị và bản lĩnh lãnh đạo, thậm chí chấp nhận những chỉ trích trên chính trường và búa rìu dư luận.

Tính ra, tranh chấp đảo Pedra Branca đã kéo dài gần ba thập niên, kể từ năm 1979, khi Malaysia lần đầu tiên công bố tấm bản đồ cho rằng hòn đảo này thuộc lãnh thổ của mình, cho đến năm 2008 khi ICJ đưa ra phán quyết rằng Pedra Branca thuộc chủ quyền của Singapore.

Năm 1989, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đề nghị với Thủ tướng Malaysia Mahathir rằng nếu tranh chấp không được giải quyết sau khi trao đổi các tài liệu thì hai nước chỉ còn cách nhờ đến phán quyết cuối cùng của ICJ.

Đến năm 1994, Thủ tướng Malaysia Mahathir mới chấp nhận đề nghị của Singapore là giải quyết tranh chấp qua quyền tài phán của bên thứ ba, tức là tòa án ICJ.

Những thông tin, sự kiện và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp nói trên được ông Jayakumar chia sẻ trong quyển sách Kinh nghiệm ngoại giao Singapore (Diplomacy, a Singapore Experience) được xuất bản ngay sau khi ông về hưu vào năm 2011.

Theo đúc kết của ông, chính sách đối ngoại của Singapore có ba đặc trưng quan trọng:

Thứ nhất, các thỏa ước ký kết giữa các chính phủ phải được cam kết thực hiện theo như các điều khoản đưa ra.

Thứ hai, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.

Và thứ ba là nếu tranh chấp không được giải quyết bằng thương thuyết thì chỉ còn cách giải quyết theo quyền trọng tài hay tài phán quốc tế.

Ông nhấn mạnh:

Việc tuân thủ luật pháp quốc tế là một đặc trưng không thể tách rời trong khuôn khổ những nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc về việc không dùng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của nước khác, bởi lẽ những quốc gia nhỏ bé sẽ không thể sống sót và phát triển thịnh vượng trong một thế giới mà sự tương tác giữa các quốc gia được chi phối bởi quyền lực tương đối chứ không phải bằng luật pháp”.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG

* * *

CASINO, KHÔNG DỄ NÓI “NO!”

Nếu như người nước ngoài đến Singapore có thể vào casino đánh bạc thoải mái thì công dân và thường trú nhân (PR) trên đảo quốc này muốn bước chân vào đây phải đóng phí.

Theo Luật Kiểm soát Casino (CCA) có hiệu lực từ năm 2006 nhằm điều chỉnh việc quản lý và các hoạt động đánh bạc, công dân Singapore và PR vào casino phải trên 21 tuổi, đóng lệ phí (levy) 100 đô la Singapore (SGD) cho một lượt 24 tiếng đồng hồ hay 2.000 SGD cho thời gian không hạn chế trong 12 tháng.

Serene, một cô học trò cũ học tiếng Việt của tôi, cho biết thỉnh thoảng cô phải nộp cái lệ phí vô duyên và bất bình đẳng này khi có dịp dẫn vài người bạn Việt Nam vào đây tham quan, mặc dù chẳng cá cược hay bài bạc gì.

Nhưng nhìn chung, những hạn chế nói trên cũng không nản lòng người dân có máu cờ bạc trên đảo Sư tử.

Tính đến tháng 5-2010, lệ phí vào cửa mà chính phủ thu được là 70 triệu SGD, tức là chỉ ba tháng sau khi casino đầu tiên tại Singapore là Resort World Sentosa chính thức mở cửa.

Bảy tháng sau khi cả hai casino đi vào hoạt động, số người vào đã vượt quá 1 triệu người…

Xem ra số tiền 100 SGD chẳng đáng là bao với dân Singapore máu me cờ bạc và có ý kiến cho rằng vì đã “lỡ” tốn tiền rồi thì các bác thằng bần này lại càng quyết chí ăn thua.

Và phải chăng biện pháp hạn chế người dân vào casino lại phản tác dụng và càng làm người Singapore thua bạc nhiều hơn?

sentosa_casino_lehuu_huyDân châu Á í ới vào casino ở Singapore, dĩ nhiên không thể thiếu người Việt

Chính phủ Singapore thật ra cũng tiếp tục xem xét các biện pháp hạn chế thậm chí cấm người dân của mình vào casino như trường hợp của công quốc Monaco.

Tại Casino de Monte Carlo, người dân Monaco không được phép vào đánh bạc còn người nước ngoài thì muốn vào phải trả lệ phí.

Nhưng áp dụng kinh nghiệm của Monaco thì Singapore phải trả giá đắt bởi dân số Monaco chỉ có 30.000 người (người Pháp 50%, người Ý 30%, người Monaco 17%) còn Singapore có hơn 4 triệu chủ yếu là người Hoa và máu cờ bạc hình như đã ăn sâu vào tận xương tủy.

Ngoài ra, nếu không được phép chơi trong nước, cũng như trước đây, người Singapore có thể lại lái xe sang Malaysia đánh bạc trên cao nguyên Genting trong khi các casino tại Singapore chắc chắn thất thu.

Lại có một số ý kiến khác cho rằng là casino chỉ là một phần nguồn thu trong quần thể nghỉ dưỡng liên hợp (Integrated Resorts – IR) tạo công ăn việc làm cho người bản địa và nên chăng chính phủ có thể giảm hay bỏ lệ phí vào cửa để cho người dân Singapore cảm thấy thoải mái thử thời vận ngay trên đất nước của mình.

Nhưng đây là một câu hỏi tế nhị và các quan chức hay đại biểu quốc hội Singapore đều phải cân nhắc khi phát biểu hay đưa ra những giải pháp xét đến những lợi ích về kinh tế, xã hội và vận mệnh chính trị của đảng phái hay cá nhân.

Nhưng nói gì thì nói, đảo quốc Sư tử luôn ở trong tư thế sẵn sàng trước và sau khi mở casino:

Chính phủ Singapore đã giao Bộ Nội vụ đã thành lập Cục Quản lý Casino (CRA) nhằm giám sát và thực hiện bộ luật CCA nói trên.

Ngoài ra, Singapore còn có một Hội đồng Quốc gia về các vấn đề cờ bạc (NCPG) gồn 15 thành viên có chuyên môn trong các lĩnh vực như tâm lý học, công tác xã hội, tư vấn, pháp lý, phục hồi chức năng và cả tôn giáo.

Trong lúc sử dụng casino như một trong những đòn bẩy phục vụ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Singapore đã xem nạn cờ bạc là một thực tế xã hội và tiến hành nhiều biện pháp trong đó huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng xã hội dân sự.

Thật vậy, không chỉ có các cơ quan chức năng nói trên như CRA hay NCPG, nhiều tổ chức xã hội khác đã tham gia vào việc hạn chế và ngăn ngừa cờ bạc như Viện Sức khỏe Tâm thần đã mở dịch vụ gọi là “quản lý nạn nghiện cờ bạc quốc gia”, các trung tâm dịch vụ gia đình có cơ sở trên toàn đảo quốc được sự hậu thuẫn của Bộ Phát triển xã hội và gia đình cũng cung cấp những hỗ trợ và tư vấn cho những gia đình có người thân nghiện cờ bạc, các hội đoàn tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc.

Đi xa hơn, những ai cảm thấy bản thân hay người thân của mình nghiện cờ bạc có thể đăng ký nói “không” với casino qua trang web của NCPG.

Tiếc thay, nhiều người nhờ tư vấn hay truy cập vào trang web này khi gia đình hay bản thân họ đã “có” nhiều chuyện đã rồi.

Và hậu quả từ cờ bạc thì mỗi nhà mỗi cảnh và nỗi đau đâu chỉ dành riêng cho người Singapore mà còn đến với nhiều người dân nước khác trong đó có người Việt chúng ta.

LÊ HỮU HUY (*) 

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG

* * *

ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM NÊN THÀNH CÔNG CHO NGÀNH DU LỊCH SINGAPORE?

Lịch sử phát triển của ngành du lịch Singapore vỏn vẹn chỉ 50 năm trở lại đây nhưng đã tạo dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng, từ số lượng khách tham quan, các điểm đến cho tới doanh thu hàng chục tỷ USD.

Điều gì đã làm nên thành công cho ngành du lịch nước này?

Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp phần nào cho câu hỏi nói trên:

Singapore_SutubienTượng Sư tử biến, biếu tượng du lịch Singapore

Quốc đảo Singapore chỉ có diện tích 700km2 nhưng là điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới.

Từ khoảng 91.000 khách du lịch đến tham quan vào năm 1964 đã tăng lên con số 15 triệu lượt khách vào năm 2013 là một thành công lớn đối với ngành du lịch Singapore.

Để đạt được thành tích đó phải kể đến việc quốc đảo này đã tạo ra rất nhiều điểm du lịch đẳng cấp thế giới với nhiều sự kiện thú vị diễn ra quanh năm, thu hút không chỉ du khách mà cả những cư dân địa phương.

Hồi tưởng, tìm lại và chào mừng là chương trình du lịch đặc biệt kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của ngành du lịch Singapore được Cục du lịch nước này tập trung xúc tiến vào năm 2014.

Một hoài niệm về công viên di sản Haw Par Villa với những tác phẩm điêu khắc đầy triết lý và tín ngưỡng đến những công viên thiên nhiên kỳ thú tập trung đa dạng hầu hết những loài động thực vật của thế giới, triển lãm, sự kiện, ẩm thực, chương trình nghệ thuật, chợ bán đồ lưu niệm được liên tục tổ chức trong năm nay.

Trong đó, việc mở cửa tiếp tục một River Safari – công viên động vật dưới nước từ 8 con sông tiêu biểu trên thế giới là sự chào mừng du khách đến với quốc đảo này.

Bà Isabel Cheng, Chief Marketing Officer – Giám Đốc Tiếp Thị Công viên động vật hoang dã Singapore cho biết:

“Ngoài việc đảm bảo dịch vụ đúng chuẩn mực cho du khách, chúng tôi muốn tạo ra những trải nghiệm hoang dã với các chương trình giáo dục về bảo vệ thiên nhiên môi trường.

River Safari muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái nước ngọt và khuyến khích những hành động tích cực nhằm bảo tồn chúng.”

Singapore_River_SafariTrải nghiệm thiên nhiên hoang dã là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách khi tới Singapore

Ông Edward Koh – Giám đốc Tổng cục du lịch Singapore, Khu vực Đông Nam Á chia sẻ:

“Chúng tôi đang chuyển sang định hướng phát triển du lịch theo chiều sâu, tức là không ngừng cải thiện sức hút của những điểm đến được hình thành kể cả từ rất lâu rồi tại Singapore.

Đặc biệt, các chương trình du lịch được tạo ra để phục vụ ngay chính người dân trước đã, nhằm lấy được sự ủng hộ của người dân trong phát triển du lịch. Họ sẽ có ý thức giữ gìn và sáng tạo thêm cho các điểm du lịch, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các điểm đến.”

Luôn luôn đổi mới sản phẩm du lịch được cho là phương thức hữu hiệu giúp cho Singapore không trở nên nhàm chán với du khách.

Kể từ năm 1965 cho đến nay, Singapore đã hoạch định tổng cộng 6 chiến lược phát triển du lịch với từng cụm mục tiêu rõ ràng và họ đã đạt được thành quả ngoài mong đợi.

Thường xuyên cán mốc 1 triệu du khách quốc tế trong 1 tháng, doanh thu du lịch năm 2013 của quốc đảo này đạt gần 20 tỷ USD trên diện tích quốc đảo chỉ có 700km2.

Theo cảm nhận của chị Dạ Thương, một du khách Việt Nam đến Singapore, sau 5 thập kỷ hoạt động, ngành du lịch Singapore đã biến Đảo quốc Sư tử thành điểm “ăn chơi” hạng nhất và là thành phố sống động hàng đầu thế giới.

Theo chị, 5 yếu tố tạo thành công cho du lịch Singapore là:

Thắng cảnh, phương tiện giao thông, cơ sở tiện nghi, các dịch vụ hỗ trợ và sự điều chỉnh, trong đó sự điều chỉnh được cho là then chốt, tiếp tục đưa du lịch Singapore cất cánh với 17 triệu lượt khách trong năm 2014.”

BÍCH VÂN 

Nguồn: VTV Online

* * *

LUẬT PHÁ SẢN CÁ NHÂN

PHA_SANDư luận và báo chí trong nước mấy ngày nay xôn xao việc diễn viên nổi tiếng Nguyễn Chánh Tín phá sản với những thông tin và cảm xúc trái chiều.

Nhưng nhìn từ góc độ luật pháp, chuyện này cũng không đến nỗi ầm ĩ bởi đã kinh doanh phải chấp nhận lời lỗ, có vay có trả và một khi đã cam kết phải thực hiện.

Tại Singapore, một cá nhân có thể nộp đơn xin phá sản nếu nợ số tiền không có khả năng thanh toán tổng cộng ít nhất 10.000 đô la Singapore (SGD), tương đương 165 triệu đồng Việt Nam.

Các điều kiện này sẽ được tòa án đánh giá và người này có thể tuyên bố phá sản trong vòng 4-6 tuần sau khi đệ đơn.

Sau đó ngân hàng có thể sẽ tiến hành tịch biên tài sản và chuyện thi hành các bản án sau khi tòa xử là đương nhiên không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, con nợ có thể thương thuyết với chủ nợ số tiền cần phải trả và nếu số tiền nợ không quá 100.000SGD, sau 3 năm có thể được tòa xóa án.

Thế nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như thế.

Trong quá trình thi hành án và mong đến ngày chờ tòa rủ lòng thương, con nợ phải gánh chịu những hậu quả chẳng hay ho về mặt cá nhân và xã hội.

Người phá sản có thể tiếp tục làm việc nhưng với điều kiện phải chia sẻ một phần thu nhập của mình cho chủ nợ.

Việc chi tiêu trong thời gian này phải được người phá sản giải trình trong một bản báo cáo.

Tòa án sẽ cử nhân viên kiểm soát theo định kỳ bản báo cáo này và từng khoản mục chi tiêu phải được người phá sản nêu lý do chính đáng.

Thí dụ, lý do người phá sản không đi tàu điện hay xe buýt mà  dùng taxi do vợ anh ta đang mang bầu trên đường đến bệnh viện.

Tất cả hoạt động chi tiêu của người này đều được theo dõi và cuộc sống sẽ trở nên phiền toái.

Đối với người phá sản đi làm thuê sẽ được chủ sử dụng lao động công bố trên các phương tiện truyền thông.

Người phá sản dĩ nhiên sẽ khó mà thăng tiến trong cuộc sống nghề nghiệp, nhất là khi muốn trở thành người quản lý.

Đặc biệt, nếu người này làm trong ngành tài chính ngân hàng coi như sự nghiệp đã chấm dứt.

Trước khi xuất cảnh nước ngoài, người phá sản phải xin phép tòa án và thông thường tòa chỉ đồng ý nếu đi vì mục đích công việc.

Người phá sản đi nước ngoài mà không được phép có thể bị phạt tù tối đa 2 năm sau khi về nước và phạt tiền lên đến 10.000SGD.

Tại Singapore, hàng năm có không dưới 1.000 trường hợp phá sản và con số trong năm 2013 vừa qua là 1.748, tăng 14,5% so với năm trước đó.

Có nhiều lý do để người Singapore phá sản, nhưng chủ yếu vẫn là chi tiêu quá mức thu nhập của mình bằng thẻ tín dụng, nghiện ngập cờ bạc, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay tham gia những dự án kinh doanh mà mình không kiểm soát được.

7 trong 10 trường hợp phá sản mắc nợ không quá 200.000SGD  và độ tuổi chủ yếu từ 31-50.

Phá sản là một thực tế cuộc sống trên đảo Sư tử và Chính phủ Singapore đã ngày càng quan tâm  hơn đến việc hỗ trợ những người phá sản vượt qua khó khăn để làm lại cuộc đời.

Thí dụ, với những cá nhân mắc nợ không quá 100.000SGD và có công ăn việc làm ổn định, có thể tham gia chương trình trả nợ kéo dài 5 năm trước khi được xem xét xóa án.

Cuối năm ngoái, tòa án đã xóa án phá sản cho hàng trăm cá nhân và đã có nhiều tấm gương doanh nhân Singapore thành công sau khi phá sản.

Nhưng để được quan tòa rủ lòng thương và được người dân cảm thông, người phá sản phải chứng tỏ mình là người chân chính bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhân viên tòa án và trả nợ đều đặn như đã hứa.

Nếu không anh ta sẽ mãi mãi bị xã hội xem là kẻ lừa đảo vì không tôn trọng thỏa thuận thanh toán nợ nần, dù chỉ là số tiền rất nhỏ.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

KINH NGHIỆM TỶ PHÚ TRẺ

Ngày 22-3, Adam Khoo , 1 trong 25 triệu phú dưới 40 tuổi giàu nhất Singapore đã có cuộc chia sẻ với các doanh nhân, bạn trẻ Việt Nam về kinh nghiệm thành công của mình.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Adam_Khoo

 Adam Khoo , 1 trong 25 triệu phú dưới 40 tuổi giàu nhất Singapore 

Trước đây, khi còn đi học, tôi luôn nằm trong top những học sinh kém của trường và từng bị đuổi học vì quá kém, mẹ tôi phải xin cho tôi vào học ở một trường khác.

Khi lên cấp 2, 6 trường cấp 2 của Singapore đã không nhận tôi vì kết quả học tập yếu.

Cuối cùng tôi cũng vào được trường đứng thứ 3 từ dưới lên.

Kết quả học tập của tôi ngày càng tồi tệ.

Tôi không được lên lớp học tiếp theo.

Mọi người đều coi thường, bố mẹ thì không biết phải làm như thế nào.

Nhiều người sẽ hỏi làm thế nào để từ một học sinh kém tôi có thể đến được như hôm nay.

Điều gì thay đổi cuộc đời của tôi.

Thực tế, chỉ bản thân chúng ta mới thay đổi cuộc đời mình.

Năm 13 tuổi tôi được cha cho đi học chương trình lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP).

Đó là thời điểm giúp tôi thay đổi cuộc đời của mình.

Tôi xin chia sẻ kỹ thuật này.

Neuro (Brain & Mind) – Tư duy:

Học cách kiểm soát tư duy của mình.

Chính tư duy ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc như thế nào, từ đó ảnh hưởng đến hành động và kết quả.

Làm chủ tư duy giúp kiểm soát cảm xúc của mình

Linguistisc (Language) – Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ, sức mạnh của ngôn từ ảnh hưởng đến tư duy.

Chúng ta hãy tin rằng điều chúng ta nói ảnh hưởng đến người khác.

Đó là đặc điểm của những nhà lãnh đạo tuyệt vời, họ có thể dùng ngôn từ của mình để thay đổi người khác.

Trong cuộc sống hãy nói những gì chúng ta muốn, đừng nói những gì chúng ta không muốn.

Programming (Habits) – Lập trình:

Tất cả mọi thứ là kết quả của việc lập trình.

Tôi tái lập trình cuộc sống, tư duy của mình.

Thành công chính là một thói quen, những người thành công nghĩ và cảm nhận khác biệt.

Những người thành công không phải may mắn hơn, thông minh hơn mà do biết sử dụng đúng công thức.

Để thành công, bước đầu tiên là biết chắc chắn cái mình muốn, đặt ra mục tiêu rõ ràng, dám mơ rất lớn.

Thành công không xảy ra một cách ngẫu nhiên, trùng hợp mà chỉ có được khi chúng ta dám đặt ra mục tiêu cho bản thân mình.

Nếu làm chủ cuộc đời mình người khác sẽ có kế hoạch cho cuộc đời của mình.

Tại sao phải đặt mục tiêu?

Mục tiêu cho chúng ta năng lượng tập trung và tăng tiềm năng của chúng ta.

Những doanh nhân giỏi không sử dụng quá khứ làm tiêu chuẩn mà nhìn vào người giỏi nhất làm tiêu chuẩn.

Vì sao chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu xa vời và điên cuồng.

Vì khi đó chúng ta sẽ hứng khởi, sẽ suy nghĩ khác biệt thay đổi quy luật của cuộc chơi.

Thí dụ, ở thời điểm thị trường điện thoại bị chiếm lĩnh bởi Nokia với khoảng 80%, dòng smart phone Blackberry với khoảng 60%, còn Apple chỉ 0%, Steve Job nghĩ rằng trong 3 năm sẽ đứng đầu thị trường (một suy nghĩ đã từng bị cho là điên cuồng).

Nokia có hàng trăm mẫu điện thoại làm sao có thể thắng trong vòng 3 năm.

Steve Job chỉ làm một loại điện thoại.

Ông đã thay đổi không sử dụng nút bấm thông thường mà chuyển qua dòng cảm ứng.

Mọi người nghi ngờ, nhưng điều gì xảy ra khi iPhone ra đời?

Steve Job đã làm được điều mình nói.

Điều này cho thấy nếu làm theo những quy luật cũ sẽ không tồn tại.

Công thức để thành công:

1. Giấc mơ lớn:

Chẳng hạn như tôi, từ một học sinh kém tôi đặt mục tiêu trong 1 năm trở thành học sinh số 1 của trường.

Ngoài ra tôi sẽ viết sách và đó phải là cuốn sách hàng đầu thế giới.

Muốn tạo ra một công việc kinh doanh nhiều triệu USD, tôi bắt đầu kinh doanh năm 15 tuổi.

Nếu chúng ta làm những gì người khác làm chỉ đạt được những điều người khác có.

Chúng ta phải nghĩ khác đi so với người khác.

2. Chiến lược:

Cách nhanh nhất là tìm đúng chiến lược.

Chúng tôi biết cách học từ thành công, sai lầm của người khác, những gì họ làm trong 20 năm chúng ta chỉ làm trong 1 năm.

Chẳng hạn, tôi đã tìm hiểu cách học của những học sinh ưu tú của trường và biết khi học họ sử dụng bản đồ tư duy.

Tôi đã học được cách để có trí nhớ tốt và tôi đã trở thành học sinh hàng đầu.

Khi đầu tư chứng khoán tôi đã học theo những nhà đầu tư thành công của Singapore.

Tôi theo học lớp của họ, đọc sách của họ để xem họ làm như thế nào.

Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng những chiến lược thành công trong quá khứ không có nghĩa là sẽ thành công trong hiện tại và tương lai.

Thế giới này đang thay đổi rất nhanh, nếu chúng ta không thay đổi những người khác sẽ vượt qua chúng ta.

3. Hành động:

Khi hành động sẽ có kết quả.

Khi hành động ít nhất có nhiều kinh nghiệm hơn và tiến bộ hơn so với những người không hành động, chỉ nghĩ và nói.

Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa và chìa khóa của thành công chính là hành động.

Khi hành động không phải lúc nào cũng có kết quả mong muốn.

Rất nhiều người khi hành động đã bị thất bại.

Có 3 cách ứng phó với thất bại:

(i) Từ bỏ dễ dàng, theo đó sẽ biện hộ và đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ bản thân mình.

(ii) Thử lại lần nữa.

Nhưng nếu thử lại rất nhiều lần vẫn không thành công cần phải thay đổi chiến lược.

(iii) Không nói thất bại, coi đó là bài học trải nghiệm.

Khi một chiến lược sử dụng chưa hiệu quả sẽ sử dụng chiến lược khác.

Thay đổi cho đến khi đạt được điều mình mong muốn.

Trong kinh doanh mọi thứ thường không theo kế hoạch của mình.

Người thành công không có nghĩa mọi thứ xảy ra theo đúng kế hoạch của họ, mà bởi họ thay đổi chiến lược phù hợp.

Và một điều quan trọng không kém là niềm tin, vì niềm tin ảnh hưởng đến hành động và khai mở tiềm năng của mỗi người.

ĐỨC MẠNH 

Nguồn: SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

KINH NGHIỆM SỬA ĐỔI LUẬT PHÁ SẢN Ở SINGAPORE

Phá_sảnHai vấn đề bức xúc của nhà làm luật

Chuyện phá sản bắt nguồn từ việc một con nợ không trả được một số tiền vay nên bị một hoặc nhiều chủ nợ đưa ra tòa và buộc phải giải quyết, bán hết của cải để thanh toán nợ nần.

Không trả được đầy đủ thì con nợ sẽ bị tòa phán quyết là “phá sản” và một khi đã bị liệt vào hạng này thì hầu như thông thường người ấy không còn làm ăn gì được nữa.

Về mặt xã hội thì dường như mấy chữ “tán gia bại sản” đã là một dấu ấn cực kỳ xấu, khó gột rửa được và cái “gông” này sẽ bị tròng vào cổ con nợ… suốt đời!

Dĩ nhiên là trong số những con nợ bị phá sản này là những người thực sự “xấu” nghĩa là đã cố ý lường gạt bằng con đường làm ăn bất chính, nhưng cũng có những người “tốt” nhưng đã không may trong việc làm ăn nên gặp thất bại.

Thông cảm với điều đó, ai cũng mong rằng những người “tốt” này cần được giúp đỡ và tạo cơ hội để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường hầu có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Vấn đề bức xúc đầu tiên của nhà làm luật là làm sao để gạn lọc những thành phần tốt, xấu một cách phân minh?

Thêm vào đó, theo đà tăng tốc trên thương trường thì số vụ kiện tụng phá sản ngày càng tăng nhanh và vấn đề bức xúc thứ hai là làm sao để giúp tòa án khỏi bị “ngộp” vì không đủ phương tiện và khả năng để xét xử cho kịp.

Sửa đổi luật phá sản năm 1995

Hai điểm đặc biệt nhất trong lần sửa đổi này là:

Thứ nhất, bộ luật đưa ra một khung hình mới cho phép con nợ tình nguyện đề nghị một phương cách dàn xếp trả nợ với chủ nợ, và chấp nhận để cho một đệ tam nhân đứng ra giải quyết, thay vì tất cả các đối tượng phải kéo nhau ra tòa án phá sản như trước đây.

Điểm thứ hai là việc tòa án chấp nhận trao nhiều quyền hạn hơn cho người Quản lý viên Tòa án (Official Assignee) trong quá trình thi hành án lệnh.

Người “quản tòa” này là một nhân viên tòa án thuộc cấp dưới của vị thẩm phán, nay được trao quyền phán xét ai “xấu” ai “tốt” để có thể quyết định cho xóa án sau một thời gian, mà không cần phải trình lên thẩm phán như trước.

Hai điểm bổ sung này tương đối đã giúp giảm bớt gánh nặng cho tòa án, tuy nhiên dường như mọi người vẫn thích kéo nhau ra tòa mà chẳng có mấy ai chịu nhờ đến các đệ tam nhân để giúp xét xử vì chi phí tốn kém khá cao.

Bộ luật phá sản Singapore lại được sửa đổi một lần nữa vào năm 1999 nhằm mục đích khuyến khích doanh nhân liều lĩnh hơn trên thương trường và đồng thời tiếp tục duy trì một môi trường sinh hoạt có kỷ luật và đạo đức.

Nói chung là nhà nước muốn giúp cho con thuyền kinh tế Singapore có thêm nhiều tay chèo liều lĩnh và tài ba, khi chuyển hướng tiến vào giai đoạn kinh tế tri thức trước mặt.

Sửa đổi luật phá sản năm 1999

Một số thay đổi mới được đưa ra trong lần bổ sung 1999 về bốn mặt sau đây:

1. Tự nguyện giải quyết tranh chấp

Giúp chủ nợ và con nợ giải quyết tranh chấp theo hình thức tự nguyện dễ dàng hơn bằng cách:

Tăng thời gian đề giúp con nợ có thể thu nhập dữ liệu và trình bày đề nghị giải quyết với chủ nợ, từ 28 lên 42 ngày;

Ấn định khung giá về chi phí mà một đệ tam nhân (phải là kế toán viên hay luật sư) có thể tính để tránh những bảng giá… cắt cổ.

2. Tạo điều kiện cho người phá sản tiếp tục làm ăn

Trước đây thì trong thời gian bị phá sản, muốn tiếp tục làm ăn (làm thành viên hội đồng quản trị hoặc giám đốc trong một công ty), thì con nợ phải đệ đơn xin tòa án cứu xét rất lâu dài và khó khăn.

Nay họ chỉ cần người “quản tòa” cho phép mà không cần đưa lên tòa án.

3. Giải quyết xóa án phá sản nhanh chóng và đơn giản hơn

Kể từ năm 1995, người “quản tòa” được quyền quyết đoán xóa án phá sản sau một thời gian tối thiểu là năm năm.

Nay thì thời hạn này được rút xuống còn ba năm.

Trước đây thì chỉ được xét tòa án với những món nợ dưới 250.000 đô-la Singapore, nay mức xét xử được nâng lên 500.000 đô-la Singapore, tăng số người có thể được xóa án lên nhiều hơn.

Thủ tục giải quyết và xin phép xóa án cũng được đơn giản hóa.

Nay không còn đòi hỏi phải thông qua những cuộc hòm rườm rà của tất cả các chủ nợ mà chỉ cần qua thư từ, bưu điện.

Sau khi chủ nợ chấp nhận những đề nghị thanh toán số nợ còn lại, một khi giải quyết xong nợ nần thì người “quản tòa” có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là con nợ đã xóa án phá sản.

4. Nâng mức nợ được mang ra tòa

Trước đấy chỉ cần nợ 2.000 đô-la Singapore là người ta có thể kéo nhau ra tòa kiện phá sản.

Lần sửa đổi năm 1999 nâng mức này lên 5.000 đô-la Singapore.

Mục đích là để khuyến khích các đối tượng tìm cách giải quyết ôn hòa bằng những hình thức khác thay vì sẵn sàng đưa nhau ra tòa, để rồi nhiều cá nhân hoặc công ty bị tuyên bố phá sản chỉ vì những món nợ tương đối nhỏ.

Những bổ sung năm 1999 được đưa ra với một mục đích tìm cách giúp người “tốt” chẳng may sa cơ, được có cơ hội “làm lại cuộc đời” và đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên cũng đã có lắm kẻ lợi dụng lòng tốt này.

Trước khi luật phá sản được thay đổi thì “phá sản” dường như là một vũ khí quan trọng của chủ nợ.

Không thanh toán sòng phẳng trong chuyện vay mượn thì chỉ với một món nợ nhỏ là con nợ có thể bị đưa ra tòa và một khi bị tuyên bố phá sản thì con nợ kể như là “thân bại danh liệt”.

Với những thay đổi mới, chủ nợ nay không dễ dàng đưa con nợ ra tòa như xưa, và dù có bị phá sản, con nợ cũng có thể được phép làm ăn như thường!

Không những thế, chỉ sau có ba năm là án có thể được xóa sạch!

Từ nay “phá sản” dường như không còn là một hình phạt khắt khe như trước và người bị “phá sản” giờ cũng… nhởn nhơ khắp chốn!

Một hiện tượng khác đã xuất hiện, đó là việc chủ nợ chưa kịp ra tay kiện tụng thì con nợ đã vội vàng “xuất chiêu” trước với thế võ mới là… “tự phá sản”!

Thật đơn giản, cứ vay mượn một số tiền thật lớn rồi ỳ ra không trả, làm đơn tự xin phá sản, thương thuyết với chủ nợ qua người “quan tòa” để chỉ trả một phần số tiền, rồi chỉ ba năm sau là có thể “làm lại cuộc đời”…

Từ đó số trường hợp tự nguyện phá sản tăng vọt ở Singapore!

Năm 1999 chỉ có 24 người được chấp nhận “tự phá sản”, và thành phàn này chỉ là một tỷ số không đáng kể trong tổng số án phá sản ở Singapore.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2003, trong số 17.640 người Singapore đang gặp kiện tụng nợ nần có 3.505 người đệ đơn xin tự phá sản ở Singapore và trong đó đã có 500 trường hợp “tự phá sản” được chính thức chấp nhận nghĩa là đã tăng 20 lần so với năm 1999.

Tỷ lệ “tự phá sản” tăng vọt lên gần 15% tổng số án phá sản cả nước trong vòng 8 tháng của năm 2003.

Không chỉ ở Singapore, tình hình tại Hồng Kông còn tệ hơn nữa.

Năm 1998, luật phá sản được thay đổi, cho phép người phá sản được tự động xóa án sau bốn năm thay vì tám năm.

Số người “tự phá sản” từ đó đã tăng vọt từ 33 (1997) lên đến 23.655 người (2002)!

Trước đà này, tháng 3/2002, Bộ Tư pháp Singapore đã cho áp dụng cách phân loại những trường hợp người tự phá sản vào hai “vùng”:

“Vùng xanh” cho những người chân chính, hợp tác tốt đẹp với người “quản tòa” và trả nợ đều đặn như đã hứa, và “vùng đỏ” cho những kẻ lừa đảo không tôn trọng thỏa thuận thanh toán nợ nần.

Khi đã bị liệt vào “vùng đỏ” thì rất khó để cho các “quản tòa” đề nghị xóa án, nghĩa là vấn đề xóa án sau ba năm không còn là chuyện tự động như mọi người nghĩ.

Tuy vậy con số người tự phá sản cũng còn tăng mạnh, và số nợ mất đứt tại các ngân hàng Singapore trong 8 tháng đầu năm 2003 đã lên đến 116,4 triệu đô-la Singapore, tăng 48% so với vùng kỳ năm ngoái.

VÕ TÁ HÂN 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

* * *

THỦ TƯỚNG SINGAPORE RÚT ‘KINH NGHIỆM NƯỚC NHỎ’ TỪ UKRAINE

Trong lời bình luận đầu tiên trên Facebook cá nhân về tình hình Ukraine,  Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lưu ý rằng:

“Các nước nhỏ phải tự bảo vệ mình.”

Ông so sánh:

“Ukraine nhỏ hơn nước láng giềng Nga rất nhiều.”

Nhưng:

“Singapore còn nhỏ hơn Ukraine”.

Và:

“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng những nước nhỏ phải tự bảo vệ mình và không thể chỉ dựa dẫm vào các hiệp ước quốc tế hay các hứa hẹn của những nước khác.”

Ông Lý viết như thể trên Facebook hôm 6.3, giữa lúc Quốc hội Singapore đang thảo luận sôi nổi kế hoạch ngân sách năm 2014.

“Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn luôn duy trì một Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) và Lực lượng an ninh quốc nội (Home Team) hùng mạnh.

Chúng ta cũng cần có một Bộ Ngoại giao có năng lực để tăng cường các mối quan hệ giữa chúng ta với bạn bè và các đồng minh.”

Ông viết tiếp.

singaporeThông điệp rút kinh nghiệm “nước nhỏ” của Thủ tướng Lý Hiển Long trên Facebook

Không rõ ông Lý có “xa gần nhắn nhủ” đến các nhà lập pháp về ngân sách quốc phòng hay không mà ông mở đầu thông điệp như thế này:

“Trong lúc thảo luận về ngân sách, chúng ta luôn luôn chú ý đến các vấn đề quốc nội như y tế, nhà ở, giao thông công cộng.

Nhưng chúng ta cũng không nên ngó lơ những gì đang diễn ra trên thế giới và những diễn biến ở xa xôi có thể ảnh hưởng thế nào đến chúng ta, ví dụ như cuộc khủng hoảng ở Ukraine.”

Rồi ông tóm lược chuyện xảy ra ở đất nước từng thuộc Liên bang Xô Viết này:

“Trong vài tháng qua, đất nước này lâm vào tình trạng hỗn loạn.

Cách đây 2 tuần, Tổng thống Yanukovich bỏ trốn, chính phủ thân Nga sụp đổ.

Sau đó, quân đội Nga can thiệp vào bán đảo Crimea, phần lãnh thổ của Ukraine từng thuộc về Nga và Nga vẫn duy trì một căn cứ hải quân ở đó”.

“Nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, kinh tế Singapore cũng bị ảnh hưởng.”

Ông Lý cảnh báo.

Và ông lên án mà không nêu đích danh quốc gia nào:

“Chúng tôi lên án mọi hành động xâm lược không vì một đe dọa nào đối với một quốc gia có chủ quyền, bất luận hoàn cảnh nào.

Mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, phải tuân thủ luật quốc tế.

Đó là điều sống còn đối với một nước nhỏ như Singapore”.

Để cảnh báo thêm về “thân phận nước nhỏ”, ông Lý viết:

“Nga là một cường quốc hạt nhân.

Ukraine đã ký hiệp ước năm 1994 với Nga, Mỹ và Anh về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy cam kết của Mỹ và Nga là không sử dụng vũ lực đối với Ukraine.

Vậy mà ngày nay Ukraine vẫn rơi vào thế khó.”

THỤC MINH

Nguồn: Báo Thanh Niên

* * *

VÌ SAO SINGAPORE NÓI “KHÔNG” VỚI ASIAD?

Trong lịch sử Asiad đã có hai lần quốc gia giành quyền đăng cai bỏ cuộc vào phút chót, đó là vào các năm 1970 và 1978.

Và trong cả hai lần này, nước đứng ra cứu vãn cho Asiad chính là Thái Lan.

Đầu tiên là với Asiad 1970, Hàn Quốc được trao quyền đăng cai.

Nhưng trong thời gian đó, giới truyền thông của nước này đã liên tục đưa ra nhận định về tình hình kinh tế khó khăn của Hàn Quốc và cho rằng nên trả quyền đăng cai.

Và ngày 30-4-1968, Ủy ban Olympic Hàn Quốc chính thức đưa ra thông báo bỏ cuộc với Liên đoàn Thể thao châu Á (Asian Games Federation, viết tắt AGF.

Đến năm 1981, Hội đồng Olympic châu Á – OCA ra đời để thay thế cho AGF), tổ chức chịu trách nhiệm chính về Asiad khi đó.

Cuối cùng Thái Lan – chủ nhà Asiad 1966 – chấp nhận thay Hàn Quốc trở thành chủ nhà của kỳ Asiad năm 1970 với điều kiện là chi phí tổ chức phải do AGF và Hàn Quốc hỗ trợ.

Theo tác phẩm Thể thao, chủ nghĩa dân tộc và văn hóa phương Đông (Sport, nationalism and Orientalism) của một nhóm các nhà nghiên cứu châu Á, đã có 12 quốc gia hỗ trợ chi phí cho Thái Lan tổ chức Asiad 1970.

Một kịch bản tương tự đã diễn ra với Singapore tại kỳ Asiad tám năm sau đó.

LKYTrong những năm đầu thập niên 70, thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng Singapore khi ấy chỉ nên phát triển thể thao trong cộng đồng, môi trường học đường, không chạy đua theo thành tích chuyên nghiệp

Năm 1972, Singapore vượt qua Nhật Bản trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Asiad 1978.

Ông E. W. Baker – chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore – khi đó đã mô tả về một viễn cảnh tươi đẹp cho đảo quốc Sư tử nếu họ tổ chức thành công Asiad.

Nhưng nhiều lãnh đạo của Chính phủ Singapore có suy nghĩ ngược lại.

Thời điểm đó, thể thao Singapore đang phát triển mạnh mẽ với việc khánh thành sân vận động quốc gia, tổ chức nhiều sự kiện thể thao…

Nhưng thủ tướng Lý Quang Diệu lại đưa ra quan điểm rằng Singapore khi ấy chỉ nên phát triển thể thao trong cộng đồng, môi trường học đường chứ không chạy đua theo thành tích chuyên nghiệp.

Tháng 7-1973, trong một bài phát biểu trước toàn dân, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố:

“Một quốc gia nhỏ bé như Singapore không cho phép mình phí phạm thời gian cho việc chạy đua tranh giành những tấm huy chương ở Olympic, Asian Games hay SEAP Games (tiền thân củaSEA Games).

Với những cường quốc, điều này sẽ giúp họ đẩy mạnh nhiều khía cạnh, nhưng thật ngu ngốc và lãng phí nếu sao chép mô hình này cho các quốc gia nhỏ bé.

Sẽ chẳng có lợi ích nào cho Singapore.”

Với lời tuyên bố mạnh mẽ của ông Lý Quang Diệu, vào đầu năm 1974 Ủy ban Olympic Singapore chính thức trả quyền đăng cai Asiad 1978, và Thái Lan tiếp tục đóng vai thay thế.

HUY ĐĂNG 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

* * *

DƯỚI CHÂN THẦY

Năm 1994, ông Kwek Hong Png (đọc theo âm Hán Việt là Quách Phương Phong), người sáng lập tập đoàn Hong Leong ở Singapore tạ thế.

Ông là một nhân vật xuất chúng và những công trình của Hong Leong đã đóng góp rất nhiều cho sự phồn thịnh của Singapore nhưng ngày nay dường như rất ít người, ngay cả ở Singapore còn biết đến tên ông.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phúc Kiến, Trung Quốc, ông bỏ xứ sang Singapore năm 1928 khi mới 17 tuổi với 8 đô trong túi và một chiếc chiếu trên vai.

Thế nhưng vào những năm cuối đời thì ông Kwek Hong Png đã được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Singapore và cũng là một trong những người giàu nhất thế giới.

Khi mới đến Singapore, ông giúp việc trong một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với số lương tháng là 5 đô.

Mười ba năm sau, dành dụm được chút vốn, ông mở một công ty riêng và mời 3 người em trai từ Phúc Kiến sang Singapore để hợp tác.

Từ buôn bán sắt thép xi măng, ông bước sang lĩnh vực sản xuất, bất động sản, tài chính và khách sạn…

Người em trai của ông là Kwek Hong Lye được giao trách nhiệm phát triển “mô hình Hong Leong” ở Malaysia để rồi sau này nhánh Hong Leong Malaysia lại trở thành một tập đoàn có tầm cỡ ngang ngửa với Hong Leong Singapore.

Cuối thập niên 1980, ông Kwek bắt đầu nhường dần việc điều hành tập đoàn cho hai người con trai là Kwek Leng Beng và Kwek Leng Joo, và cả hai đã tiếp tục đưa Hong Leong lên một quỹ đạo cao hơn, đặc biệt là việc phát triển mạnh nhánh khách sạn và bành trướng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Đến tháng 2/2014 tổng tài sản của tập đoàn Hong Leong Singapore đã vượt quá 30 tỷ đô Sing, với hơn 40 nghìn nhân viên hoạt động tại 19 quốc gia trên thế giới.

Kwek_leng_beng

Con trai của ông Kwek Hong Png là Kwek Leng Beng (Quách Lệnh Minh) nằm trong số 40 người giàu nhất Singapore

Là một ngân hàng gia quốc tế, tôi được Bank of Montreal chuyển đi làm việc tại nhiều nơi trước khi đến Singapore năm 1981.

Sau khi rời ngân hàng năm 1986, tôi được mời làm Tổng giám đốc của Công ty bất động sản City Developments Limited (CDL), con chim đầu đàn của Hong Leong.

Hai năm sau thì tôi được chuyển sang giữ chức vụ Tổng giám đốc Singapore Finance thuộc cánh tài chính của tập đoàn và đồng thời trở thành một thành viên HĐQT của CDL, bắt đầu một chuỗi những chức vụ khác trong các lãnh vực kỹ nghệ, thương mại, đầu tư, khách sạn của Hong Leong suốt 25 năm.

Làm việc với cụ Kwek trong 8 năm trước khi người cha đẻ của Hong Leong qua đời, tôi luôn muốn biết xem làm sao mà một người không hề được đào tạo từ một trường lớp kinh doanh nào và cũng chưa xong trung học, lại có thể xây dựng được một sự nghiệp khổng lồ như thế?

Ngày rời đại học với hai mảnh bằng về quản lý, có lẽ cũng như bao nhiêu bạn trẻ ngày nay, tôi đã có cái ảo tưởng là với khả năng “chẻ sợi tóc ra làm tám”, tất cả mọi bài toán kinh doanh cũng như bao chuyện khác đều có thể phân tích và giải quyết được.

Dưới chân Thầy, tôi mới thấy rằng, quản lý không phải chỉ là một khoa học và còn là một nghệ thuật.

Cách quản lý của cụ Kwek, hay nói chung là của phương Đông, đôi lúc thấy thật đơn giản chứ không phức tạp như phương Tây, nhưng đã mang lại những kết quả to lớn không ngờ.

Những cách quản lý ấy có còn áp dụng được trong thời buổi này hay không, tôi mong sẽ có dịp mang ra bàn bạc trong những bài viết sắp tới.

Tuy nhiên, có một điều nổi bật nhất là cách dùng người. Cụ Kwek chỉ quan tâm đến những người làm được việc và có đáng tin cậy hay không, chứ tuyệt nhiên không hề chú trọng đến bằng cấp.

Dưới trướng của cụ không hề thấy bóng một vị tiến sĩ nào cả vì cụ cho rằng phần đông họ là những lý thuyết gia.

Giữa thập niên 1980, khi Singapore đang trải qua một cơn bão kinh tế khốc liệt thì thị trường tràn ngập các bất động sản được tung ra bán để trả nợ ngân hàng.

Trong số những dự án mà tôi đã duyệt qua thì có khách sạn Orchard với 350 phòng, tọa lạc tại một vị trí rất tốt ở trung tâm thành phố.

Mặc dầu giá chào bán rất rẻ nhưng trước viễn cảnh kinh tế u tối thì tôi đề nghị không nên đầu tư.

Thế nhưng mặc những lời can ngăn từ mọi phía, cụ Kwek Hong Png quyết định đổ tiền ra mua lại khách sạn này và không những thế lại chi thêm 12 triệu đô để mua 3 biệt thự ở bên cạnh.

Mọi cơn bão rồi cũng đi qua, khi tình hình kinh tế đã ổn định vài năm sau đó thì cụ bèn cho phá ba ngôi biệt thự cũ ấy để xây thêm 350 phòng, biến Orchard Hotel thành một khách sạn 700 phòng.

Ngày nay khách sạn này là ngôi sao sáng chói nhất trong toàn bộ 110 khách sạn thuộc nhánh Millenium & Copthorne Hotels của CDL.

Một kỷ niệm nữa với cụ Kwek là lúc CDL xây tòa nhà Republic Plaza.

Tôi còn nhớ ngày bước vào văn phòng cụ Kwek, cầm trên tay bản phân tích dự án xây dựng tòa nhà 64 tầng cao nhất Singapore này, tôi cất lời:

“Thưa cụ, tôi đã phân tích kỹ phương cách tài trợ và bây giờ chỉ còn khoảng… 20 câu hỏi muốn xin ý kiến cụ để triển khai dự án này.”

Cụ Kwek liếc mắt nhìn bảng in điện toán dầy đặc các con số rồi lẳng lặng đưa ba ngón tay ra trước mặt tôi và chậm rãi nói – bằng một giọng tiếng Anh đặc sệt Phúc Kiến:

“Mr. Hân à!

Tôi muốn anh nhớ cho tôi 3 điều:

Thứ nhất là phải giữ giá xây dựng không được quá xxx đô mỗi thước vuông.

Thứ hai là anh không trả quá 20 triệu đô để nới rộng mảnh đất ra con đường bên cạnh, và thứ ba…”

Thế rồi ông xua tay ra hiệu cuộc họp đã chấm dứt!

Chỉ trừ khi có người phụ tá bên cạnh để thông dịch, các cuộc họp với cụ thường không kéo dài vì tôi không nói được tiếng Hoa còn cụ thì nói tiếng Anh không sõi lắm.

Bước ra khỏi phòng họp, tôi cảm thấy bực mình.

Nhớ lại ngày còn là chuyên viên cao cấp phân tích những dự án tài chính quốc tế khổng lồ của Bank of Montreal ở Toronto như xây đường ống dẫn dầu xuyên Canada, khoan mỏ dầu khí dưới vùng biển Kavalas, xây nhà máy hạt nhân, mua nhà máy lọc dầu… tôi phải viết những bài phân tích dầy cộm, bàn bạc kỹ lưỡng và tranh cãi dai dẳng.

Thế nhưng bây giờ với dự án mấy trăm triệu đô này mà tất cả chỉ cần… 3 ngón tay thôi sao?

Mãi sau này khi đã “dầy dặn chiến trường” ở châu Á hơn thì tôi mới thấu hiểu được cách suy nghĩ của cụ.

Được đào tạo từ những trường lớp quản lý kinh doanh và làm việc ở phương Tây, tôi chỉ biết nhìn các vấn đề một cách rất máy móc.

Các chương trình điện toán siêu nhanh ngày nay lại rất dễ khiến con người cảm thấy “tự tin” hơn để đi đến… những quyết định nông cạn!

Chỉ là một người chưa học xong trung học nhưng mấy chục năm “xông pha thương trường” dày dặn kinh nghiệm đã giúp cụ Kwek có một cái nhìn sâu rộng và một trực giác kinh doanh vô cùng bén nhạy.

Cụ không hề bận tâm đến những điểm không quan trọng mà nhìn thấy cái “lý” của sự việc, không khác gì một cao thủ võ lâm biết nhắm vào các yếu huyệt của đối phương để tấn công.

Không những chỉ cần chú tâm đến ba “yếu huyệt” của một dự án, cụ Kwek còn nhìn rất xa và biết lúc nào cần “ra tay” như trong dự án khách sạn Orchard.

Cửa sổ cơ hội thường chỉ hé mở trong một khoảnh khắc rất ngắn mà nếu không biết nắm bắt thì cơ hội sẽ vụt bay không bao giờ trở lại!

Thế nào cũng sẽ có lắm người phê bình rằng hai điều trên đây thì chẳng có gì mới lạ, vì vấn đề muôn thuở vẫn là tiền lấy từ đâu để đầu tư?

Thôi thì chúng ta sẽ bàn đến chuyện này trong một dịp khác vậy.

Ngày cụ mất, báo chí Singapore tràn ngập các mẫu cáo phó.

Đám tang cụ Kwek lớn như một quốc táng nhưng nơi an nghỉ cuối cùng của cụ chỉ là một nghĩa trang rất khiêm nhường.

Ngôi mộ không lăng tẩm cầu kỳ mà chỉ bình thường như mộ của mọi người dân Sing khác.

Đúng hai mươi năm đã trôi qua, hôm nay tôi xin thắp một nén hương để tưởng nhớ đến một Người Thầy.

VÕ TÁ HÂN 

Nguồn: TBKTSG

* * *

CHÚC QUỐC KHÁNH VUI VẺ!

“Tôi là người Singapore; cha ông tôi đã đến đây từ những năm 1880.

Năm tháng dần trôi, cơ nghiệp của gia đình tôi đã qua những lúc thăng trầm như mực nước thủy triều trên bờ biển của hòn đảo này.

Tôi là đứa con trai thật sự của mảnh đất này.

Quá khứ, hiện tại và tương lai của tôi là ở đây và cuộc đời tôi cũng đã trải qua nhiều chìm nổi. 

Tôi thuộc một thế hệ mà cuộc sống chất đầy sợ hãi và bất trắc:

Chỉ đi học đã là một gánh nặng cho gia đình, và rồi những đám mây đen chiến tranh với các nước láng giềng, người Anh đã rời bỏ Singapore, sau đó là  xung đột  sắc tộc. 

Giờ đây, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao của những vị lập quốc công thần và các bậc lãnh đạo từ trước đến nay, nhất là với Lý Quang Diệu, người cha và kiến trúc sư của đất nước Singapore hiện đại.

Nhờ tầm nhìn sâu rộng, ông đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định và thịnh vượng với môi trường sinh hoạt và làm việc trong lành mà nhờ đó tôi có thể chăm sóc cha mẹ già và cho con cái mình những điều mà các bậc làm cha mẹ của thế hệ trước phải vất vả mới làm được. 

Tôi xin gửi đến toàn thể nhân dân Singapore, đặc biệt là các bậc lãnh đạo – quá khứ và hiện tại – những lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất.

Mong rằng họ có thể tiếp tục tận hưởng những thành quả từ công sức lao động vất vả từ trước đến nay. 

Một chút suy tư về những gì đã qua…

Khi còn trẻ, tôi không nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia nghĩa vụ quân sự.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là việc phải chấp hành.

Giờ đây nếu có cơ hội sống lại quãng đời thanh niên, tôi sẽ toàn tâm toàn ý thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước và gia đình của mình.

Đồng thời, nếu có thể quay lại những năm tháng khó khăn của thập niên 50 và có quyền bầu cử, tôi sẽ bỏ lá phiếu như cha tôi đã từng làm. 

Hôm nay, tôi xin đăng lời chúc mừng không thay đổi này trong 20 năm liên tiếp và khẳng định lại một lần nữa lời chúc mừng này với Singapore. 

Cám ơn Singapore! 

Chúc Quốc khánh vui vẻ!” 

Đó là nội dung thông điệp mừng quốc khánh Singapore vào ngày 9-8-2013 của của ông Chew Chong Khay, một đại gia trong ngành vàng bạc đá quý đăng đầy đủ trên một  trang lớn nhật báo The Straits Times.

Trong thông điệp này, ông Chew cũng cho biết đây là năm thứ 20 liên tiếp ông chào mừng quốc khánh bằng cách quảng cáo trên báo.

Thông điệp mừng quốc khánh của ông Chew trên nhật báo The Straits Times

Thông điệp của ông Chew có thể làm nhiều người nhớ lại khởi đầu lịch sử đảo quốc Singapore khi được thực dân Anh trao quyền tự chủ chính quyền vào năm 1959 và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do Lý Quang Diệu làm Tổng Bí thư đã chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên để giành quyền lãnh đạo đất nước.

Lý Quang Diệu đã có một thời gian sống dưới ách cai trị của phát xít Nhật trong những năm 1942-1945.

Năm 1952, sau khi du học từ Anh trở về, luật sư trẻ họ Lý cùng các đồng chí của mình thành lập PAP.

7 năm sau đó PAP tiếp quản từ  người Anh một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, kinh tế đình trệ, thất nghiệp cao, nhiều người dân phải sống trong nhà ổ chuột.

Năm 1965, Singapore bị từ chối không cho tiếp tục làm thành viên của Liên bang Malaysia và “đành” trở thành quốc gia độc lập.

Đúng 2 năm sau, năm 1967, hy vọng làm một “Thành trì phương đông (Fortress of the East) của Vương quốc Anh cũng tan thành mây khói khi người Anh quyết định không duy trì cơ sở quân sự ở Singapore nữa…

LKY

Vị cha già dân tộc Lý Quang Diệu trên cương vị đại biểu quốc hội ở một góc ngồi khiêm tốn trong buổi diễu hành mừng quốc khánh Singapore lần thứ 48

Vậy mà giờ đây Singapore đã trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất với thu nhập đầu người cao nhất thế giới và phát huy vị trí chiến lược của mình như một đầu mối giao thương, vận chuyển hàng hải, hàng không, lọc dầu và viễn thông quốc tế.

Ổn định chính trị và quản trị chính quyền hiệu quả dưới sự lãnh đạo của PAP là nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài và sự có mặt của các định chế ngân hàng toàn cầu.

Không những là điểm hội tụ văn hóa và thu hút nhân tài toàn cầu với không dưới 10 triệu du khách nước ngoài hàng năm, Singapore còn là điểm sáng về an ninh quốc phòng và là nơi gặp gỡ hòa giải tranh chấp của nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.

Cách đây 54 năm, người dân đảo quốc Sư tử đã bỏ lá phiếu bầu chọn trao quyền lãnh đạo đất nước cho PAP và ông Chew được hạnh phúc được làm công dân Singapore để không ngần ngại bỏ một số tiền lớn hàng năm đăng quảng cáo thông điệp yêu nước  của mình nhân dịp quốc khánh.

Tôi không rõ cách thể hiện lòng yêu nước theo cách của ông Chew đã có doanh nhân Việt Nam hay các nước khác “nghiên cứu” và áp dụng không.

Nhưng trước khi làm điều đó, có lẽ mọi người trong chúng ta hãy trân trọng những giá trị của quá khứ, rút ra những bài học từ lịch sử, chấp nhận thách thức của hiện tại và sẵn sàng dấn thân vì tương lai…

LÊ HỮU HUY

* * *

HỌC TIẾNG ANH Ở SINGAPORE

Du học sinh (DHS) Việt Nam sang Singapore học tiếng Anh thời gian đầu có thể cảm thấy thất vọng vì ngoài thời gian học trong lớp, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh không nhiều.

Đi lại bằng tàu điện (MRT) hay xe buýt không gặp trở ngại nhờ các chỉ dẫn với  dấu hiệu màu sắc rõ ràng.

Mua sắm vào các cửa hàng hay siêu thị đều thấy giá cả niêm yết cụ thể.

Lúc đói bụng vào khu ăn uống có thể gọi món ăn bằng cách chỉ vào hình chụp minh họa  có đánh số và ghi giá.

Cần giao tiếp thì lắm lúc tài  xế xe buýt là người Trung Quốc chỉ nói tiếng Hoa hay  nhân viên phục vụ tại khu ăn uống hay siêu thị là người Ấn Độ hay Philippines nói tiếng Anh khó nghe.

Môi trường sinh hoạt cũng không khuyến khích nói tiếng Anh:

Bạn bè người Việt xung quanh, khu giải trí ẩm thực mặn nhạt hay đỏ đèn cũng có người Việt, thông tin trên mạng bằng tiếng Việt, xem phim Việt, nghe nhạc Việt, nấu món Việt và tán gẫu trên các mạng xã hội cũng bằng tiếng Việt.

Những DHS Việt Nam mà tôi có dịp  trao đổi cho biết chỉ đọc báo mạng tiếng Việt, thông tin bằng tiếng Anh thì thỉnh thoảng đọc trên Yahoo, báo trên mạng.

Ngoài ra, Singapore chỉ cách Việt Nam vài giờ bay nên có dịp nghỉ học là DHS “vù” ngay về thăm nhà.

Ngẫm ra, cái cảnh tôi một mình một ngựa chân ướt chân ráo sang Singapore cách đây hơn 15 năm cũng có cái hay.

Khi đó, Internet hay mạng xã hội  cũng chưa phổ biến và tràn lan như bây giờ.

“Thầy”  dạy tiếng Anh của tôi là cái tivi 20 inch giúp tôi theo dõi  thời sự địa phương và luyện kỹ năng nghe.

Mặc dù thời gian đầu chưa nghe quen với giọng điệu của người Singapore nhưng tôi cũng kịp thời nắm bắt thông tin nhờ bản tin hàng ngày bằng tiếng Anh lúc 9g30 tối trên Kênh 5 có phụ đề bằng tiếng…Anh.

Với tôi, người Singapore đọc tin dễ nghe  vì họ phát âm khá rõ và mạnh những âm như “t” hay “s” ở cuối từ.

Tuy nhiên, nếu lấy “chuẩn” tiếng Anh Cambridge thì phần lớn đều phát âm sai như “I do” hay “Schedule” thì họ đọc phẳng lì như tiếng Việt  là “Ai đu” hay “Ske-du”.

SING-READING

Kể chuyện cho độc giả “nhí”  là hoạt động thường xuyên tại các thư viện cộng đồng 

“Thầy” thứ hai giúp tôi học tiếng Anh là nhật báo The Straits Times (TST) và một số tờ báo, tạp chí trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Thời gian đầu buổi sáng vào cơ quan cầm “tờ” báo đọc có lúc tôi thấy ngán vì nó dày cả trăm trang, lật mỏi tay.

Tôi phải mày mò học cách đọc báo sao cho hiệu quả:

Trước tiên là xem mục lục, sau đó là các đề mục hay tiêu đề rồi sau đó đi sâu vào các nội dung cần quan tâm, tra từ điển, ghi chép…

So với nhiều tờ báo tiếng Anh khác ở châu Á , tin bài của TST thuộc loại dễ đọc, nhất là luôn có bảng biểu, đồ họa,  khung ô (box) và chú giải  thuật ngữ.

Quảng cáo trên TST màu sắc khá bắt mắt với co chữ to và các câu nút nhấn nhá (punchline) khá thú vị, kể cả mục rao vặt (classified) với nhiều chữ viết tắt theo thông lệ phản ánh khá đời sống và hoạt động kinh doanh đa dạng…

Điều đáng tiếc nhiều DHS Việt Nam  ít dành thời gian đọc và khai thác báo giấy cho việc học tập hay làm việc, chưa nói đến chuyện tận dụng  hệ thống  thư viện mở cửa hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối .

Môi trường giao tiếp của tôi có vẻ thuận lợi vì phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc.

Nhưng nếu  không trang bị cho mình kiến thức và thông tin tổng quát về tình hình chính trị – kinh tế – xã hội, rèn luyện kỹ năng và có số vốn từ vựng căn bản để diễn tả ý tưởng và quan điểm trong công việc thì có lẽ tôi khó tồn tại được về mặt nghề nghiệp.

Mỗi ngày, thậm chí cho đến  bây giờ, tôi đều dành 5-10 phút luyện phát âm bằng cách đọc lớn (articulate) vài đoạn trên sách báo.

Dù muốn dù không, tiếng Anh của tôi cũng bị tiêm nhiễm cách phát âm và giọng điệu của người Singapore, thậm chí Singlish.

Hiện có khoảng 85.000 DHS nước ngoài đến học tập tại các trường công lập, tư thục, đại học, cao đẳng và dạy nghề tại Singapore.

4 trong số 100 học sinh trường phổ thông công lập là người nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Nhật báo TST mới đây cũng giới thiệu bà nội trợ người Úc Tina Aitcheson lấy chồng người Anh đến từ London, sau một năm cho hai đứa con của mình học ở trường quốc tế đã chuyển sang trường công lập để hội nhập với môi trường địa phương.

Chương trình dạy tiếng Anh tại các trường công lập của Singapore đã cải tiến khá nhiều, không theo kiểu nhồi nhét, cứng nhắc theo giáo trình khuôn mẫu mà có nhiều tương tác qua các câu chuyện kể.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

CON CÁ VÀ CÁI CẦN CÂU

Ông Ngiam Tong Dow, cựu viên chức cao cấp từng giữ trọng trách trong bộ máy chính quyền Singapore trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Không gian Xã hội (Social Space) kể:

Một lần ông cùng tản bộ trên đường phố Bangkok cùng cấp trên của mình lúc đó là bộ trưởng tài chính Ngô Khánh Thuỵ, một trong những bậc khai quốc công thần của Singapore thì thấy một người ăn xin.

Ông Ngiam động lòng  muốn cho người này tiền thì vị tiến sĩ kinh tế họ Ngô ngăn lại.

Ông ngạc nhiên hỏi tại sao thì ông Ngô bảo rằng người ăn xin này lẽ ra nên nghĩ về những lựa chọn của bản thân đã dẫn đến hoàn cảnh hiện tại.

Nếu hành vi bố thí khuyến khích người ta ăn xin nhiều hơn thì ông Ngiam nên xem xét lại khái niệm về lòng trắc ẩn của mình.

“Triết lý” nói trên của ông Ngô cũng được thể hiện qua trong các chính sách an sinh xã hội của chính phủ Singapore trong những năm sau độc lập theo đó người dân không được ỷ lại vào nhà nước và phải dựa vào sức mình là chính.

Người già, khuyết tật hay người nghèo được chính quyền hỗ trợ trong các dịch vụ giao thông công cộng, điện nước nhưng không bao giờ được miễn phí 100%.

Các tổ chức từ thiện thuê văn phòng hay cơ sở vật chất của chính phủ vẫn phải trả tiền thuê theo giá thị trường…

Cơm_miễn_phíMột buổi phát cơm trưa miễn phí cho người nghèo ở Singapore

Theo tiết lộ của ông Ngiam, chính phủ Singapore nhiều khi quá duy lý đến độ mất nhân tính.

Chẳng hạn như với câu hỏi:

“Tại sao nhà nước không bỏ tiền tài trợ những trung tâm lọc thận nhân tạo hiện do các tổ chức từ thiện tư nhân vận hành?”

thì chính phủ trả lời rằng:

“Suy thận là bệnh nan y, và ngoại trừ một số trường hợp được ghép thận thì bệnh nhân không bao giờ có thể phục hồi sức khỏe hoàn toàn.

Do đó nhà nước không nên bỏ tiền cho việc lọc thận.”

Có lẽ nhờ tinh thần không trông chờ và chính phủ và dựa vào sức mình là chính, người dân Singapore đã biết cách giải quyết những vấn đề khó khăn của mình với việc hình thành các tổ chức từ thiện thuộc các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo, hội thanh niên, phụ lão và nhiều tổ chức quần chúng khác.

Hiện có không dưới 1000 tổ chức từ thiện chính thức trên toàn đảo quốc và chính phủ Singapore chỉ có việc thành lập một hội đồng quốc gia gọi là National Council of Social Service (NCSS) để theo dõi và hỗ trợ các tổ chức này.

Ngoài các tổ chức này còn có những hội đoàn nhỏ không cần đăng ký với NCSS mà chỉ thực hiện một vài hoạt động cụ thể như thăm hỏi người già tàn tật, tổ chức đưa họ đi chơi vào cuối tuần và dễ thấy nhất là những bữa ăn miễn phí cho người nghèo, người nhập cư, công nhân nước ngoài hay những đối tượng cơ nhỡ.

Người nghèo hiện chiếm trên dưới 10% dân số Singapore và ông Ngiam cho biết trên cương vị Cố vấn Hiệu trưởng (Pro-Chancellor) trường Đại học Quốc gia Singapore, ông đã có cơ hội tham gia trực tiếp các chương trình từ thiện và nghe nhiều câu chuyện của sinh viên đến trường mà không có tiền ăn sáng.

Ông thú thật là đã khá sốc khi trong thời buổi hiện tại mà Singapore vẫn còn nhiều sinh viên gia cảnh khó khăn vì lý do này hay lý do khác.

Theo ông Ngiam, chính phủ Singapore phải cùng các tổ chức thiện nguyện có giải pháp cho tình trạng này ví dụ như ký túc xá cho sinh viên nghèo cung cấp thực phẩm dinh dưỡng đầy đủ và chổ ở ổn định cho các em.

Số tiền bỏ ra sẽ không đáng là bao so với những đóng góp của các em cho xã hội trong tương lai sau khi học thành tài.

Để làm được việc này cần có những người tình nguyện có trái tim nhân hậu và tận tâm vì nghĩa lớn và tài trợ của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đây chỉ là một đề nghị và chắc hẳn chính phủ Singapore sẽ chờ tư nhân “khởi động” trước rồi sau đó mới hỗ trợ một phần trên cơ sở đề nghị huy động thực tế của tổ chức từ thiện.

Trở lại với câu chuyện gặp người ăn xin trên đường phố Bangkok, ông Ngiam cho biết:

Ông cũng đồng ý rằng không phải cứ cho tiền mới là làm việc thiện và điều quan trọng là giúp người khác bằng cách cho họ cái cần câu chứ không chỉ là con cá.

Nhưng trong bối cảnh một xã hội mà “Người Singapore biết giá cả của mọi thứ nhưng không hiểu giá trị của bất cứ thứ gì” như đánh giá của một vị khai quốc công thần khác của Singapore là cựu phó thủ tướng S. Rajaratnam, việc dung hòa giữa con tim và lý trí trong việc giúp người là chuyện không đơn giản.

Theo ông Ngiam, giải pháp cho những vấn đề xã hội phải phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau và không nhất thiết phải từ một cá nhân hay tổ chức đặc biệt nào.

Điều quan trọng nhất là phải có sáng kiến, lòng trung thực và cảm nhận sở hữu của những người tham gia đối với vấn đề đó.

Ngoài ra, chính phủ phải đóng vai trò tạo điều kiện hỗ trợ và nâng đỡ những nỗ lực này để đạt hiệu quả tối ưu.

Câu chuyện người ăn xin trên đường phố Bangkok và những ý tưởng trên của ông Ngiam đáng được Việt Nam tham khảo nhất là trong thời gian gần đây các hoạt động từ thiện và công tác xã hội ở ta ngày càng phát triển với số lượng nhiều hơn trước trong đó có thể kế đến những quán cơm bán dưới giá thị trường chỉ có 2000 đồng.

Tôi không rõ ở ta hoạt động của các quán cơm này được quản lý như thế nào về nguồn tài trợ, an toàn thực phẩm và tổ chức dịch vụ.

Nhưng nếu ở Singapore, chắc chắn nó sẽ được các cơ quan công quyền quan tâm và quản lý chặt chẽ và sẽ không được cho phép hoạt động gần các địa điểm kinh doanh ẩm thực đã trả tiền thuê và đóng thuế sòng phẳng cho nhà nước./.

 LÊ HỮU HUY

* * *

CHÂN THÀNH VÀ ĐƠN GIẢN

Công_vụ_SingaporeĐó là một trong những mục tiêu mà chính phủ Singapore đặt ra trong năm mới theo đó các cơ quan nhà nước cần phải giao tiếp một cách đơn giản trong thái độ chân thành và đồng cảm với người dân.

Vụ Công vụ (PSD), cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng có một số chức năng tương tự Ban Tổ chức Trung ương của Việt Nam ta cùng nhiều bộ ngành khác thậm chí còn đưa ra các chương trình đấu thầu mời các nhà tư vấn hay đào tạo có uy tín đến huấn luyện cán bộ nhân viên nhà nước kỹ năng viết hiệu quả để xóa đi sự ngăn cách vốn dĩ giữa người dân và cơ quan công quyền.

Cụ thể hơn, PSD còn yêu cầu 260 công văn mà 26 cơ quan đầu ngành hiện nay thường xuyên gửi cho người dân phải trình bày thông tin rõ ràng hơn bằng hình ảnh đồ họa.

Bộ Giáo dục (MOE) thì muốn đào tạo 800 trưởng phòng quản lý hành chính và phó hiệu trưởng biết cách viết thư phúc đáp một cách nhẹ nhàng thân thiện chứ không theo kiểu yêu cầu ra lệnh như trước đây.

Trong đơn gọi thầu của mình, MOE bày tỏ mong muốn viên chức trong ngành mình phải viết từ góc độ khách hàng (customer’s perspective), đồng thời giải thích chính sách với “cảm xúc và thấu cảm” (sensitivity and empathy).

Cục Môi trường Quốc gia thuộc Bộ Môi trường và Nguồn Nước thì thường xuyên tiến hành các buổi tập huấn cán bộ của mình tránh dùng những từ ngữ chuẩn mực và nhàm chán, thiếu cảm xúc hay chân tình.

Bộ Phát triển Quốc gia, Cục Quản lý Thuế và Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) cũng có những chương trình tương tự.

Những nỗ lực nói trên của các cơ quan công quyền Singapore thật ra không có gì mới bởi từ thập niên 1970, một trong những vị khai quốc công thần của Singapore là Tiến sĩ Kinh tế Ngô Khánh Thụy từng nắm giữ các chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Quốc Phòng, Giáo dục rồi Phó Thủ Tướng đã yêu cầu cán bộ dưới quyền mình phải viết công văn một cách rõ ràng dễ hiểu.

Một trong những cuốn cẩm nang quan trọng của cơ quan nhà nước Singapore thời đó là quyển “The Complete Plain Words” (tạm dịch “Những từ ngữ đầy đủ đơn giản dễ hiểu”) của Sir Ernest Gowers dành cho ngành công vụ của Anh.

Sang thập niên 1990, chính phủ Singapore cũng thừa nhận giọng điệu của cơ quan nhà nước với người dân phải thay đổi và đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cải thiện dịch vụ công.

Theo các nhà quan sát, từ đó trở đi, thư từ hay công văn của các cơ quan bộ ngành Singapore đã bớt những thành ngữ quan liêu và tùy tiện.

Và giờ đây, người dân Singapore có thể đọc ngay thư phản hồi của cơ quan nhà nước trên trang Diễn đàn (Forum) của nhật báo The Straits Times  chứ không phải là công văn có giấy tiêu đề và chữ ký cùng những con dấu to đùng của một số nước.

Theo Phó Giáo sư Lee Chun Wah của Trường Truyền thông và Thông tin Wee Kim Wee thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, những nỗ lực cải thiện giao thiếp như trên sẽ giúp người dân Singapore hiểu được chính phủ của mình đang tỏ ra khiêm tốn và lòng tin ngày càng được củng cố.

Còn với người viết bài này, ở một quốc gia mà ngay từ khi lập quốc, chính phủ muốn được cầm quyền phải dựa vào lá phiếu của người dân trong những kỳ bầu cử quốc hội, thì cơ sở giao tiếp đầu tiên là sự chân thành của cơ quan hành pháp.

Nếu không, những từ ngữ trong thông điệp gửi đến người dân tưởng như đơn giản, nhưng e rằng có ai đó “đang giỡn”./.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG

* * *

THẾ NÀO LÀ NĂM TỐT?

Ngoài lời nói xã giao “Chúc mừng năm mới”, một câu hỏi chúng ta hay thốt ra mỗi khi gặp nhau trong những ngày đầu năm là:

“Năm rồi mọi thứ/việc thế nào?”.

Câu trả lời nói chung thường là tốt, nhưng cụ thể tốt như thế nào  ít ai chia sẻ thêm và nếu có cũng thường liên quan đến công việc như đạt hay vượt kế hoạch của cơ quan hay doanh nghiệp đã đề ra trong năm ngoái, được đề bạt, tăng lương, khen thưởng về tinh thần hay vật chất.

Tuy nhiên, về phương diện cá nhân, có lẽ do tâm lý ngại ngùng vốn dĩ của người châu Á hay suy nghĩ “cái tôi là cái đáng ghét” nên dường như chẳng mấy ai cho đồng nghiệp, bạn bè hay người thân của mình biết những thành đạt riêng của bản thân.

Theo các nhà tư vấn, đây quả là điều trớ trêu, bởi công việc chỉ là một phần, thậm chí chỉ là tạm thời một giai đoạn trên hành trình sống đa dạng và thú vị của con người chúng ta.

Do vậy, trong những ngày đầu năm ngày rộng tháng dài này, ngoài việc lập kế hoạch phục vụ công việc, chắc hẳn bạn phải dành thêm thời gian hoạch định sao cho 12 tháng hay 365 ngày của năm 2014 diễn ra thật ý nghĩa cho bản thân và từ đó sẽ là sức bật tốt đóng góp vào thành quả hoạt động hay kinh doanh của cơ quan và doanh nghiệp.

Đón năm mới tại Singapore

Chuyện đầu tiên bạn có thể làm là lập kế hoạch tài chính cá nhân hay gia đình.

Theo đó, ngoài tiền lương, thu nhập cố định, bạn có thể nghĩ đến việc đầu tư vào một dự án kinh doanh nào đó chứ không nhất thiết phải bỏ tiền mua chứng khoán hay bất động sản.

Cách dễ dàng nhất là gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất, nhưng bạn có thể đặt câu hỏi liệu đây có phải phương pháp tối ưu không, bởi lẽ ngân hàng cũng dùng tiền của bạn để cho người khác vay hưởng chênh lệch và tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận.

Về chi tiêu, không hẳn tích lũy thật nhiều là tốt, mà vấn đề là bạn sử dụng đồng tiền hợp lý để phục vụ cho những nhu cầu ưu tiên hàng đầu của mình trong cuộc sống vô thường và ngắn ngủi này.

Một trong những việc sử dụng tiền hiệu quả là đầu tư cho sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tâm linh.

Thay vì bỏ tiền vào những cuộc nhậu nhẹt chè chén thâu đêm suốt sáng, hoặc những buổi ăn uống linh đình trà dư tửu hậu nặng phần “tám” chỗ này chỗ kia, chỉ cần bạn dành một tỷ lệ tương đối nhỏ không quá 10% trong ngân sách là đã có một tủ sách ý nghĩa cho bản thân, gia đình và chia sẻ với người thân, bạn bè hay đồng nghiệp và xây dựng văn hóa đọc sách.

Thay vì mua thực phẩm chức năng hay thuốc dưỡng da, bạn có thể dành ít thời gian tập thể dục hàng ngày, hàng tuần, chơi thể thao, gặp gỡ những ai có suy nghĩ tích cực, làm chuyện từ thiện, giúp đỡ cộng đồng.

Ngoài tiền bạc, bạn còn một thứ khác rất quý giá cứ đến rồi lại đi, đó là thời gian.

Trở thành nhà quản lý hay doanh nhân thành đạt để làm gì khi bạn không có thời gian cho gia đình, con cái, người thân hay bạn tâm giao.

Thay vì  phí thời gian tào lao trên các mạng xã hội như Facebook, để thư giãn hay xả stress, hãy nghĩ đến việc tham gia vào một hội nghề nghiệp nào đó và mở rộng mối quan hệ xã hội phục vụ cho công việc của mình, nâng cao kỹ năng tay nghề, mở mang kiến thức và tầm nhìn với những cách xử lý và giải quyết vấn đề mới.

Để thực hiện được những ý muốn trên đây, bạn có thể sử dụng phương pháp các nhà tư vấn gọi là cho điểm theo thứ bậc, theo đó đối với từng lĩnh vực bạn quan tâm và nêu ra, bạn có thể cho điểm từ 1 đến 10, số càng lớn yếu tố tích cực càng cao.

Thí dụ, sức khỏe thể chất của bạn hiện nay là chỉ trung bình khoảng 5-6 điểm, bạn hãy tự hỏi là vào cuối năm 2014 này bạn sẽ đạt được mấy điểm.

Nếu bạn muốn được 9-10 điểm thì phải làm gì và bắt đầu hay tiếp tục những hoạt động gì.

Nhiều người đầu năm đặt mục tiêu cá nhân rồi… để đó chứ không có kế hoạch hành động gì cả.

Để đời không chỉ là mơ hay cứ “than giời” vì thiếu hay không có thời gian, bạn cần có kỷ luật để biến mục tiêu thành hiện thực.

Có nhiều phương pháp để thiết kế một kế hoạch hành động, nhưng một trong những cách đơn giản nhất đó là bạn lấy một tờ giấy khổ A4 để thành hàng ngang rồi chia nó thành 3 cột.

Cột đầu tiên bạn ghi hạng mục đầu tiên là “Mục tiêu” và liệt kê những nội dung cụ thể.

Cột thứ hai là “Chiến lược”, theo đó bạn ghi cách thực hiện từng mục tiêu đã nêu ra, như với mục tiêu tăng cường sức khỏe, bạn có thể viết:

‘Tôi sẽ lập lịch làm việc hàng tuần theo đó tôi sẽ dành tổng cộng 5 tiếng đồng hồ để tập thể dục, chạy bộ hay bơi lội”.

Cột thứ ba là “Thời gian” giúp bạn kiểm tra lại việc hoàn thành mục tiêu đề ra hay không.

Bạn có thể đánh máy kế hoạch thực hiện mục tiêu rồi lưu vào máy tính, iPhone hay iPad.

Nhưng cách tốt nhất là viết tay hoặc in nó ra rồi dán trước máy tính nơi làm việc hay ở góc nào đó ở nhà sao cho lúc nào bạn cũng thấy sự hiện diện của nó.

Bạn có thể nhờ một người thân hay bạn bè đồng nghiệp tâm giao theo dõi và nhắc nhở dùm để bạn không bao giờ có cơ hội quên.

Nếu được như vậy, vào thời điểm này năm tới, bạn sẽ có đầy đủ cơ sở để tuyên bố năm 2014 quả là một năm tốt đẹp.

LÊ HỮU HUY 

Nguồn: Báo SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

SẢN PHẨM TRẢI NGHIỆM

Chưa đầy 2 năm kể từ lúc khai trương, cửa hàng bán sách điện tử trên mạng Skoob do Tập đoàn Viễn thông SingTel đầu tư và điều hành đã quyết định chấm dứt hoạt động vào giữa tháng 9.

Trước đó vài tháng, trang web mang tên Ilovebooks.com của Tập đoàn Truyền thông Mediacorp cũng có số phận tương tự.

Thông tin này nghe có vẻ trái khoáy ở một quốc gia có tỷ lệ người đọc sách và sở hữu các thiết bị điện tử thông minh cao nhất thế giới.

Thống kê ước tính của các nhà xuất bản (NXB) tại Singapore cho thấy sách điện tử chiếm không quá 5% doanh số bán sách.

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm thị trường sách điện tử không phát triển được là độc giả trên đảo Sư tử vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua sách in dù giá sách điện tử có rẻ hơn.

SkoobDown2009e

Độc giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua sách in dù giá sách điện tử có rẻ hơn

Và điều này hoàn toàn đúng với cá nhân tôi, bất chấp chuyện cơm áo gạo tiền và thậm chí thỉnh thoảng có thể đọc “chùa” sách điện tử, nhưng có dịp tôi vẫn chạy ra nhà sách mua những quyển sách in mà mình đã từng “lướt” trên trang web.

Bạn có thể bảo tôi không biết tiết kiệm, nhưng sách là một sản phẩm đặc biệt mà một số nhà kinh tế học gọi là “hàng hóa trải nghiệm”.

Không giống như những loại hàng hóa thông thường khác như điện thoại di động, giày dép, quần áo thời trang, sách có những đặc tính mà người tiêu dùng không thể đánh giá ngay từ lúc đầu.

Đối với một quyển sách, độc giả phải “tiêu thụ” rồi mới biết mình có thích hay không.

Theo một số nhà nghiên cứu, độc giả thường mua sách dựa vào lời khuyên của bạn bè hay ai đó tin cậy.

Do đó, việc xem thử, đọc lướt vài trang, vài đoạn là rất cần thiết, nhưng động tác này chỉ có thể thực hiện trong nhà sách, chứ “trải nghiệm” trên trang web không mấy hiệu quả.

Điều khá lý thú ở Singapore là dù Cục Thư viện Quốc gia (NLB) cho biết từ năm 2005 cho đến nay đã xây dựng và lưu trữ hơn 3 triệu đầu sách điện tử, người dân vẫn thích đến thư viện đọc sách in.

Còn tôi, dù có thể mượn sách ở thư viện đem về nhà đọc đến 6 tuần lễ còn sách điện tử cũng miễn phí, nhưng mỗi tháng gia đình tôi đều vào nhà sách ít nhất một lần vào dịp cuối tuần.

Có lúc chúng tôi chẳng mua quyển sách nào mà chỉ là tìm kiếm một tác giả, một tác phẩm cũ/mới nào đó.

Đó là thời gian thoải mái của các thành viên gia đình ở bên nhau, bên ly cà phê, nước trái cây, kẹo bánh hay thậm chí là bữa ăn trưa ở trong hay bên ngoài nhà sách.

Một góc cà phê tại nhà sách Kinokunia Singapore

Với nhiều độc giả ở Singapore, nhà sách là một trong những nơi tuyệt vời nhất để thư giãn với những trải nghiệm sống đa dạng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Có dịp vào một số nhà sách lớn ở Singapore, bạn sẽ có dịp thấy một số đối tượng mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là “deadbeat”, tạm dịch là “kẻ ăn bám” bởi những người này chỉ ngồi gõ máy vi tính xách tay, nhâm nhi cà phê, đủng đỉnh đi qua lại, ngó nghiêng tìm sách hay thậm chí đứng đọc “chùa” cả tiếng đồng hồ.

Nhà sách nào khách hàng đều là những người này thì có nguy cơ sập tiệm sớm, nhất là trong bối cảnh giá thuê mướn mặt bằng ở Singapore rất đắt.

Nhưng nói vậy thôi, dù có một số nhà sách ở Singapore phải đóng cửa một phần vì lý do trên, nhiều nhà sách vẫn tồn tại và giúp độc giả như tôi có những trải nghiệm thích thú.

Ngoài việc bán sách, họ còn có những nguồn thu khác như mở tiệm cà phê, nhà hàng, bán thẻ hội viên, văn phòng phẩm, quà lưu niệm…

Theo thiển ý của tôi, những nhà sách thành công là những nơi người chủ của nó hiểu rõ về bản chất của sản phẩm của mình đang kinh doanh.

Họ không bán sách mà bán những trải nghiệm, trải nghiệm từ tác giả, từ tác phẩm, từ những giá trị nhân văn và điều tốt đẹp của cuộc sống.

LÊ HỮU HUY 

Nguồn: Báo SGGP Đầu tư Tài chính

* * *

LÝ QUANG DIỆU VÀ TRIẾT LÝ TUYỂN CHỌN NHÂN TÀI

Một trong những tuyên bố quan trọng của Lý Quang Diệu trên cương vị thủ tướng được bầu đầu tiên của đảo quốc Sư tử sau khi giành được tự chủ  chính quyền (self-government) vào tháng 8 năm 1959 là Singapore vẫn duy trì bức tượng của Ngài Stamford Raffles, người đã có công sáng lập thuộc địa ở quảng trường Empress, nơi đặt trụ sở cai trị của thực dân Anh.

Với thông điệp mang tính biểu tượng này, thủ tướng Lý đã khẳng định cho người dân và cả thế giới biết rằng Singapore sẽ xây dựng lại đất nước trên những giá trị nền tảng lâu đời của người Anh là nhà nước pháp quyền (rule of law), lòng khoan dung tôn giáo (religious tolerance) và trọng dụng nhân tài (meritocracy).

Sir-Stamford-RafflesSingapore xây dựng đất nước dựa trên những giá trị nền tảng lâu đời của người Anh là nhà nước pháp quyền (rule of law), lòng khoan dung tôn giáo (religious tolerance) và trọng dụng nhân tài (meritocracy) 

Nhân tài xung quanh  ông Lý vào thời điểm đó, những đảng viên của đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) tham gia vào nội các cũng như lá mùa thu mà theo thú nhận của ông, chỉ có năm người có thể gọi là tinh hoa (elite), còn lại là cũng chỉ là những gương mặt “thường thường bậc trung” (mediocre).

Chưa hết, đảng viên PAP tham gia nghị trường  cũng thuộc các thành phần xã hội khác nhau về trình độ học vấn, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo như  nhân viên bưu điện gốc Mã Lai, thợ mộc, thợ cắt tóc gốc Hoa hay thủ lĩnh nghiệp đoàn gốc Ấn.

Và rồi sau một thời gian cùng với nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội, thế hệ đảng viên trẻ PAP muốn trở thành nghị sĩ hay bộ trưởng đều phải có bằng đại học và hiện nay tuyệt đại đa số thành viên nội các Singapore đều có bằng thạc sĩ…

LKY

Lý Quang Diệu (giữa) trong những năm đầu tự chủ chính quyền   cùng các đảng viên PAP thuộc các thành phần xã hội khác nhau về trình độ học vấn, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo 

Nhưng nhân tài vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu và nỗi ám ảnh dai dẳng của vị cha già lập quốc họ Lý, nay đã hơn 90 tuổi, tuy không còn quyền hành gì trong nội các nhưng vẫn còn là đại biểu quốc hội và giữ chức danh Cố vấn Bộ trưởng (Minister Mentor) và  ảnh hưởng lớn đến chính trường Singapore.

Trong một phỏng vấn với nhật báo The Straits Times (TST) năm 1982, khi một bộ phận lãnh đạo thuộc thế hệ đầu tiên của PAP phải về hưu để trẻ hóa đội ngũ, ông cho rằng:

“Để Singapore lọt vòng tay của những kẻ tầm thường là một tội lớn.”

Hai mươi lăm năm sau đó, ông nói rõ điều này hơn với phóng viên TST:

“Nếu chúng ta không có một chính phủ và người dân khác biệt với các nước láng giềng theo cách tích cực và có thể bảo vệ quyền lợi của đất nước, Singapore sẽ không còn tồn tại nữa.”

Theo ông Lý, sẽ là thiếu sót nếu chỉ tìm kiếm nhân tài trong số tầng lớp tinh hoa tốt nghiệp hạng ưu từ những trường đại học đẳng cấp tham gia vào guồng máy hành chính công quyền, những nhà chuyên môn giỏi như bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay những người có tài hùng biện được lòng dân trong những kỳ bầu cử.

Singapore sử dụng phương pháp tuyển chọn người tài của tập đoàn Shell với những tiêu chí về tính cách, động cơ cá nhân và “phẩm chất máy bay lên thẳng” (helicopter quality), tức là khả năng đánh giá tình huống thông qua việc phân tích, cảm nhận thực tế và tưởng tượng.

Do đó, nhân tài không đơn thuần là những cá nhân thành đạt về học vấn hay nghề nghiệp mà những tiêu chí đó còn phải hòa quyện với nhân cách kiên định và triển vọng tương lai, trong đó tính chính trực và lòng trung thực là nhân tố sống còn.

NhântàiTinh hoa / nhân tài tại Singapore không chỉ là chính trị gia hay những người có học vị cao trong guồng máy hành chính công quyền mà còn là doanh nhân, nhà chuyên môn hay những cá nhân thành đạt trong xã hội

Quy trình tuyển chọn nhân tài của PAP được dư luận trong nước và quốc tế xem là khá khắt khe, mang tính hệ thống và kín đáo.

Những người có trình độ chuyên thành đạt trong khu vực nhà nước và tư nhân sẽ được lãnh đạo PAP “mời dùng trà” (“invited for tea”), một lối nói uyển ngữ về cuộc phỏng vấn đầu tiên.

Các ứng viên là công chức tham gia vào guồng máy hành chính đã có quá trình làm việc “cận kề” với lãnh đạo PAP không nhất thiết phải qua công đoạn này.

Sau đó, các ứng viên có triển vọng sẽ qua một vòng thử lửa nữa là gặp trực tiếp các bộ trưởng trong nội các và Ban Chấp hành Trung ương (CEC) mà ông Lý là một thành viên.

Đây sẽ là một bộ hồ sơ nặng ký cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong đó phải kể đến trắc nghiệm tâm lý kéo dài sáu tiếng về những vấn đề rất cá nhân như tôn giáo và hôn nhân.

Ứng viên cũng phải đưa ra cách xử lý những tình huống tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức đối với những giá trị riêng của bản thân.

chanchunsing

Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Chan Chung Sing, bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Singapore, năm nay mới có 44 tuổi

Nhiệm kỳ bất thành văn của một chính khách PAP hiện nay là 3 nhiệm kỳ quốc hội trong đó có một phần ba đảng viên lớn tuổi sẽ về hưu trước mỗi mùa bầu cử.

Theo ông Lý, một bộ trưởng mới ra lò chưa thể hiện được trình độ và năng lực của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên mà phải sau nhiệm kỳ thứ hai, khi người này đã thấu hiểu được nguyện vọng của người dân, nắm bắt guồng máy vận hành của chính phủ và hiểu điều gì có thể làm được.

Lương của một bộ trưởng Singapore hiện nay không dưới một triệu USD còn thủ tướng không dưới 3 triệu và đã gây nhiều chỉ trích từ chính đảng đối lập hay một bộ phận dân chúng Singapore.

Tuy nhiên, ông Lý cho biết ông chẳng bận tâm với điều đó bởi chi phí vận hành nội các tính ra không quá 0,02% GDP và thấp hơn tiền Bộ Quốc phòng Singapore mua một chiếc máy bay tiêm kích F5.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

PHONG TRÀO NĂNG SUẤT VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH: KINH NGHIỆM CỦA SINGAPORE

năng_suất

Những năm mới bắt đầu

MỘT

Singapore có bước phát triển lớn về kinh tế kể từ khi giành được độc lập.

Ở giai đoạn 1965 – 2004, mức độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt 7%.

Trong giai đoạn này, GDP trên đầu người đã tăng hơn 50 lần và hiện tại đang ở mức khoảng 28.000 USD.

Đạt được thành tựu kinh tế to lớn này là nhờ Singapore đã quản lý rất tốt nguồn lực về con người (nhân lực) và Phong trào năng suất, nó đã tạo động lực cho việc liên tục cải tiến và nâng cao kỹ năng làm việc.

HAI

Trong những năm mới giành được độc lập, do sự khan hiếm về tài nguyên,  Singapore phải phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao năng suất để phát triển kinh tế.

Chiến lược này sau đó đã được đưa vào chương trình công nghiệp hóa với mục đích là giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.

Trong năm 1965, “hạt giống” đầu tiên về Phong trào năng suất đã được “gieo trồng” với việc ký kết Bản hiến chương về sự phát triển công nghiệp giữa Ủy ban Công đoàn Quốc gia và Liên đoàn giới chủSingapore.

Bản hiến chương này bao gồm các nguyên tắc về thực hành năng suất và thành lập Trung tâm Năng suất Quốc gia để thúc đẩy năng suất tại Singapore.

BA

Với việc thành lập Trung tâm Năng suất Quốc gia và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa.

Vào năm 1972, Trung tâm Năng suất đã được chuyển thành Cơ quan Năng suất Quốc gia (NPB) và được giao nhiệm vụ phát triển một lực lượng lao động đạt tầm cỡ thế giới.

Vào đầu những năm 1980, do thị trường lao động nhỏ dẫn đến gia tăng về lương.

Các công ty nhận ra rằng để cạnh tranh thành công họ phải có hệ thống quản lý tốt hơn, và hơn nữa là họ phải có mối quan hệ tốt giữa quản lý và người lao động và khuyến khích làm việc theo nhóm.

Nhưng thực tế mối quan hệ giữa quản lý – người lao động rất mỏng manh và dễ đổ vỡ và đã xảy ra nhiều mâu thuẫn.

Để giải quyết tình huống này, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành lập Ban Năng suất (COP) để nghiên cứu các giải pháp cải tiến năng suất, ý thức làm việc và mối quan hệ giữa quản lý và lao động.

Khởi xướng phong trào năng suất

BỐN

Báo cáo của COP đã khuyến nghị phải khởi xướng phong trào năng suất để có thể giải quyết các vấn đề đang gặp phải.

Phong trào năng suất mục đích tạo ra một môi trường thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Phong trào này đã được thực hiện từ việc nhận được sự cam kết và tham gia nhiệt tình trong cả nước vào các hoạt động nâng cao năng suất.

Mục đích cơ bản là nâng cao tiêu chuẩn sống của mọi người.

Phong trào này được lãnh đạo bởi Hội đồng năng suất quốc gia (NPB) với sự tham dự của 3 bên:

Chính phủ, Giới chủ và Công đoàn.

NPB là tổ chức thực hiện các khuyến nghị hay đề xuất của Hội đồng.

NĂM

Phong trào năng suất phát triển theo từng giai đoạn để có thể tập trung vào các khía cạnh cụ thể của quá trình cải tiến năng suất.

Các giai đoạn này có thể chia ra thành giai đoạn:

Nhận thức, giai đoạn hành động và giai đoạn làm chủ.

Tại giai đoạn nhận thức, mục đích là tạo nhận thức cho các công ty và lực lượng lao động về năng suất. Hình thức truyền tải chủ yếu là thông qua các chiến dịch năng suất.

Các chiến dịch năng suất này được khởi xướng với các chủ đề năng suất cụ thể ví dụ như làm việc theo tổ đội và ý thức làm việc tích cực.

Qua thời gian, các chiến dịch này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các cấp cao nhất của chính phủ, giới chủ và công đoàn.

SÁU

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn hành động, hành động là biến đổi từ nhận thức thành những chương trình cụ thể để cải tiến năng suất tại nơi làm việc.

Để giúp các công ty thực hiện các hành động cải tiến năng suất.

NPB đã quảng bá cho việc sử dụng tư vấn quản lý.

Hướng dẫn các các công ty sử dụng các chuyên gia tư vấn tư cũng như khuyến khích sự phát triển của các công ty tư vấn nhỏ thông qua Hội tư vấn hành nghề.

NPB cũng trực tiếp hỗ trợ các công ty cải tiến năng suất.

Các công ty này sau đó được sử dụng như một mô hình điểm để các công ty khác dùng làm chuẩn.

Cạnh việc tư vấn, các khóa đào tạo tại chỗ cũng đã được tổ chức nhằm trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng nâng cao năng suất.

NPB cùng với các công ty danh tiếng của Singapore như Singapore Airlines, Philips và Seiko phát triển các chương trình đào tạo quốc gia trong các lĩnh vực cụ thể cho người quản lý và người lao động.

BẢY

Năm 1989, các công ty và các cá nhân đã tham dự tích cực vào phong trào năng suất.

Do vậy, duy trì được vấn đề này là trọng tâm của giai đoạn làm chủ.

Để duy trì được sự tự bền vững của phong trào năng suất thì cần thiết phải tạo ra được ý thức về năng suất và coi đó là một phần của ý thức công việc.

NPB đã thành lập Hội các nhà hoạt động năng suất.

Thông qua Hội, các nhà hoạt động năng suất đã được mời tham gia phong trào năng suất để hướng dẫn, tổ chức và gây ảnh hưởng đến các thành viên khác trong lực lượng lao động.

Khía cạnh khác của giai đoạn làm chủ đó là lĩnh vực tư nhân giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức các chiến dịch năng suất.

Nâng cao mối quan hệ đối tác với lĩnh vực tư nhân đã giúp cho quá trình triển khai các hoạt động, giải pháp mới vào các ngành và lực lượng lao động.

Giai đoạn đổi mới của Phong trào năng suất

TÁM

Đến những năm 1990, Phong trào năng suất đã tạo ra được một ý thức về sự cấp thiết cần thay đổi thái độ làm việc, nâng cao ý thức về chất lượng và làm việc theo tổ đội.

Người chủ và người lao động đã nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của năng suất.

Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, môi trường kinh tế thay đổi, kết quả của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Nền kinh kế, từ nền kinh tế dựa vào lao động và sau đó là dựa vào đầu tư, sẽ không còn phụ thuộc vào lao động hay đầu tư để phát triển.

Mở rộng nền kinh tế phải đến từ việc cải tiến hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của đất nước hay được gọi là Các yếu tố năng suất tổng thể (TFP).

Các yếu tố tác động đến TFP bao gồm phát triển nguồn nhân lực, các hệ thống quản lý, đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế.

Điều này đã dẫn đến sự hợp nhất giữa NPB và Viện Tiêu chuẩn và Nghiên cứu Công nghiệp Singapore thành Cơ quan Năng suất và Tiêu chuẩn Singapore (PSB) vào năm 1996.

Để quản lý tốt hơn các yếu tố quyết định đến TFP, các lĩnh vực hoạt động mới của PSB là quảng bá năng suất, phát triển nhân lực, ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp và phát triển các tiêu chuẩn và chất lượng.

Theo chính sách của chính phủ, PSB cũng thực hiện một số dịch vụ thu phí như đào tạo, tư vấn, ứng dụng công nghệ, thử nghiệm và chứng nhận.

CHÍN

Trong một thời kỳ dài, thử thách đối với phong trào là giúp Singapore chuyển đổi sang nền kinh tế trí thức.

Môi trường mới này đã yêu cầu chuyển đổi từ sự phát triển dựa vào các yếu tố đầu vào thành sự phát triển dựa vào đổi mới và từ sự hạn chế về tài nguyên thành sự giàu có về trí thức.

Năm 2002, PSB đổi tên thành Cơ quan Tiêu chuẩn, Năng suất và Đổi mới (SPRING) để tập trung vào phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quảng bá, và đổi mới, chuẩn hóa và đo lường.

Tác động của Phong trào năng suất

MƯỜI

Tập trung vào khía cạnh con người trong giai đoạn đầu đã tạo ra nền tảng vững chắc cho các cải tiến trong tương lai.

Chỉ số rõ ràng nhất đó là nhận thức của xã hội về năng suất, 90% lực lượng lao động hiểu về năng suất so với 40% trước đó.

Ngày càng nhiều công nhân tham gia Nhóm kiểm soát chất lượng và đã tiêt kiệm được khoảng 80 triệu Đô la Sing cho công ty của mình.

Chi phí cho đào tạo tăng lên 3.6% của tổng chi trả so với 1.8% trước đó.

Quan trọng hơn, GDP trên đầu người tăng từ S$11,000 (năm 1981) lên tới S$37,600 (2003).

Tiêu chuẩn sống được tăng lên, 92% dân số có nhà ở riêng và tuổi thọ trung bình là 77.

Các yếu tố thành công chính

MƯỜI MỘT

Qua các năm, phong trào năng suất đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các tổ chức như Dịch vụ công, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Công đoàn quốc gia.

Mỗi tổ chức này đều có các Ủy ban Chỉ đạo Năng suất, Ủy ban này điều phối và tổ chức các hoạt động thường xuyên để duy trì các hoạt động cải tiến năng suất cho lực lượng lao động của mình.

Giới chủ cũng giữ vai trò quan trọng, đóng góp các nguồn lực và quản lý các chương trình năng suất ngành và quốc gia.

Hội đồng Năng suất Quốc gia giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra các chiến lược và điều phối hoạt động của các bên liên quan trong phong trào.

Cơ chế hoạt động bao gồm 3 bên bao gồm chính phủ, giới chủ và công đoàn cũng đã góp phần vào sự thành công.

MƯỜI HAI

Yếu tố quan trọng khác đó là sự chấp nhận theo chiến lược mô hình tốt nhất.

Khi mới khởi đầu, Phong trào đã rút ra được những bài học từ những mô hình khác và ứng dụng các mô hình đó vào thực tế của mình.

Phong trào năng suất Nhật bản là một mô hình đáng được học hỏi.

Thông qua 20 triệu USD hỗ trợ từ Chính phủ Nhật cho Dự án phát triển Năng suất, các chuyên gia Nhật bản đã được cử sang để trợ giúp phát triển chương trình năng suất tại Singapore và Singapore cũng đã cử người tham dự các các khóa đào tạo tại Nhật bản.

Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Trung tâm Năng suất Nhật Bản cho sự Phát triển Kinh tế Xã hội (JPC-SED) cũng cung cấp các khóa đào tạo về các giải pháp năng suất.

Phong trào Năng suất – Cuộc Marathon không có điểm dừng

MƯỜI BA

Quản lý năng suất giống như chạy marathon mà không có điểm dừng.

Ôngi Kohei Goshi, nguyên chủ tịch Trung tâm Năng suất Nhật bản đã khái quát lại như sau: :

“Tất cả các cuộc marathon trên thế giới đều được thiết kế để thử nghiệm sự bền bỉ của các vận động viên và để giành chiến thắng.

Qua các quãng đường bằng phẳng thì chắc chắn sẽ có các quãng đường đồi dốc.

Một người vận động viên giỏi là người biết được nếu như muốn giành chiến thắng thì mình không thể duy trì cùng một tốc độ trên cả chặng đường chạy.”

So với Phong trào năng suất Nhật bản, kinh nghiệm của Singapore còn ít.

NhưngSingapore cũng tạo ra được những bước tiến đáng kể. Nó đặt cơ cở cho sự phát triển năng suất vững bền tại Singapore.

LOW CHOO TUCK (*)

 (*) Nguyên Giám đốc Ban Kế hoạch, Cơ quan Tiêu chuẩn, Năng suất và Đổi mới (SPRING) Singapore 

Nguồn:  Diễn đàn Năng suất Chất lượng của Trung tâm Năng suất Việt Nam

* * *

VIỆT NAM CÓ THỂ HỌC GÌ TỪ SINGAPORE?

Năm 1920, cậu sinh viên 16 tuổi Đặng Tiểu Bình trên đường sang Pháp du học bằng tàu biển có ghé qua cảng Tân Gia Ba (cách gọi Singapore theo âm Hán Việt của người Việt Nam thời bấy giờ).

58 năm sau, tháng 11 năm 1978, trở lại Thành phố Sư Tử trên cương vị Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông chia sẻ cảm nhận của mình với Lý Quang Diệu, lúc đó là Thủ tướng của nước Cộng hòa Singapore còn non trẻ:

“Tôi đến Singapore…vào năm 1920.

Đó là một nơi tồi tệ.

Ông đã làm cho nó thay đổi.”

Ông Lý trả lời:

“Cái gì chúng tôi làm được, các bạn có thể làm tốt hơn.

Chúng ta đều là hậu duệ của những người nông dân không có đất đai của miền Nam Trung Quốc.

Các bạn có các vị quan chức, nhà văn, triết gia và những người thông minh.

Các bạn có thể làm tốt hơn.”

LKYĐặng Tiểu Bình (trái) gặp Lý Quang Diệu lần đầu tiên vào tháng 11/1978

Và rồi một tháng sau, ông Đặng đã đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử Trung Hoa hiện đại:

Mở cửa ra thế giới bên ngoài…

Trong suốt ba thập kỷ sau đó, kim ngạch ngoại thương giữa Singapore và Trung Quốc tăng từ nửa tỷ đô la vào năm 1978 cho đến hiện nay là 92 tỷ.

Giờ đây, Trung Quốc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Singapore.

Tháng 10 năm 2008, Trung Quốc và Singapore đã ký kết hiệp định thương mại song phương (FTA) tạo ra bước ngoặc lớn trong quan hệ đối tác thương mại không những giữa hai nước mà của cả ASEAN mà Singapore là một thành viên.

Điều này có lẽ không thể xảy ra nếu không có cái bắt tay giữa hai ông Đặng và Lý và chính hai người đã dọn đường để chính thức hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore vào năm 1990.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kính trọng Lý Quang Diệu nay là Bộ trưởng Cố vấn và xem ông là “một trong những chứng nhân cho sự thay đổi kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc”.

Năm 1992, trong chuyến công tác ở các tỉnh miền nam Trung Quốc, ông Đặng yêu cầu các địa phương phải “học hỏi Singapore” và “làm tốt hơn họ” .

Kể từ thời điểm đó, hàng nghìn quan chức Trung Quốc  đã bay sang đảo quốc Sư Tử bé nhỏ để học kinh nghiệm quản lý nhà nước.

Singapore đào tạo khoảng 1.000 cán bộ Trung Quốc tại khu công nghiệp Tô Châu (SIP) và mặc dù có những căng thẳng trong quan hệ cho chính quyền tỉnh Tô Châu xây một khu công nghiệp khác để cạnh tranh với SIP, các nhà lãnh đạo Singapore đều tiếp tục gặp gỡ các đối tác Trung Quốc của mình và được đảm bảo rằng Trung Quốc luôn cam kết thực hiện chính sách mở cửa.

Các nhà đầu tư Singapore đã bỏ tiền vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…

Và ngược lại các doanh nghiêp Trung Quốc đã vươn ra bên ngoài và hiện nay có trên dưới 200 công ty Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.

Học hỏi mô hình kinh tế của Singapore, Trung Quốc cũng có thể rút tỉa được những bài học từ hệ thống chính trị bởi lẽ, theo nhìn nhận của Lý Quang Diệu, Singapore là câu chuyện thành công kinh tế nhưng không theo mô hình dân chủ tự do phương Tây mà bằng cách kết hợp giữa thị trường tự do với nhà nước pháp quyền và ổn định chính sách vĩ mô…

Câu chuyện hợp tác giữa Singapore và Trung Quốc có thể giúp chúng ta nhận thức nhiều hơn về tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore vừa được hai nước chính thức tuyên bố nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long vào tuần rồi.

Ôn cố tri tân, không thể quên rằng vào tháng giêng năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thăm chính thức Singapore, tức là trước cả khi hai ông Đặng và Lý gặp nhau.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù trong thời điểm chưa gia nhập ASEAN, Việt Nam và Singapore đã đưa Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước.

Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (7/1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất.

Singapore coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Từ khi hai nước ký kết Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore (ký tháng 12/2005), Singapore trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu ở Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 9 tỷ USD.

Tính đến tháng 3/2013, đầu tư của Singapore vào Việt Nam lên hơn 28 tỷ USD.

Nay, với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều trao đổi nhiều hơn không những ở kim ngạch mua bán thương mại mà còn cả nhiều lĩnh vực khác trong đó phải nhấn mạnh đến hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Một trong những thông điệp mà các nhà lãnh đạo Singapore thường chia sẻ với phía đối tác của mình là:

Việt Nam cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, khắc phục nhược điểm về trình độ tiếng Anh trong việc tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến bằng cách đưa các sinh viên giỏi, giảng viên trẻ đi học nước ngoài rồi về nước truyền giảng lại cho sinh viên.

Tại Singapore, chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ hết sức cụ thể và thiết thực để người dân quay trở lại trường học, tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng.

Hệ thống các cơ sở đào tạo của Singapore hiện hoạt động hết mức để đưa ra những khóa đào tạo kỹ năng, đào tạo lại không chỉ cho lực lượng lao động giản đơn giản mà cho cả chất xám có tay nghề.

Kinh tế có khủng hoảng hay không, chính phủ Singapore cũng luôn đề ra chương trình đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, giúp người dân học tập, nâng cao trình độ và tạo ra những giá trị gia tăng mới.

Singapore đã, đang và sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo cán bộ quản lý nhà nước, hành chính công và đặc biệt là quy hoạch và quản lý đô thị.

Bộ Ngoại giao Singapore luôn có các chương trình đào tạo cán bộ nhà nước của các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Cựu Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Simon Wong Wie Kuen khi còn làm việc ở Bắc Kinh chính là người từng đề xuất ý tưởng đưa cán bộ viên chức Trung Quốc sang Singapore huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ để thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước Singapore và Trung Quốc với các khóa đào tạo tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Chương trình Hợp tác Singapore (Singapore Cooperation Programme –SCP).

Được biết trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông Wong đã có cách làm tương tự để giúp cho cán bộ Việt Nam học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ phía Singapore, nhất là các giải pháp và năng lực điều hành nhà nước và tạo dựng lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.

Thời điểm ký kết quan hệ đối tác chiến lược là dịp để Việt Nam tiếp tục học hỏi và áp dụng kinh nghiệm và giải pháp mà Singapore đã thực hiện thành công để tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách các cơ chế quản lý nhà nước, xây dựng các thiết chế chính trị – xã hội phù hợp và tìm ra các sáng kiến về sản phẩm và dịch vụ để vượt qua khủng hoảng hiện tại và nắm bắt thời cơ trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là:

Liệu Việt Nam có thể “học hỏi Singapore” và “làm tốt hơn Singapore” như tham vọng và quyết tâm của Đặng Tiểu Bình sau khi lắng nghe và tiếp thu những ý kiến và lời động viên của chàng lãnh đạo trẻ họ Lý nhỏ hơn mình nhiều tuổi?

LÊ HỮU HUY  (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

* * *

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TẠI SINGAPORE VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Trong lúc thị trường bất động sản (BĐS) nhiều nước trên thế giới và khu vực đang lâm vào tình trạng ách tắc chưa có lối thoát, thị trường BĐS Singapore vẫn ổn định, giá cả luôn theo chiều hướng tăng và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đâu là những nhân tố thành công cho sự ổn định và  phát triển của thị trường BĐS tại Singapore và liệu Việt Nam có thể rút tỉa được những bài học gì qua kinh nghiệm đó?

Phần 1: 

Tầm nhìn quản lý và phát triển 

Sau khi tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore đã nhanh chóng hoàn thiện một loạt chiến lược và giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, được mô tả như:

“Lập lại trật tự toàn diện những không gian sinh hoạt, sản xuất và thương mại cho thành phố cũng như hệ thống giao thông nối kết tất cả hoạt động đô thị”.

Đẩy nhanh quy hoạch đô thị

Năm 1966, Quốc hội Singapore thông qua Luật Trưng mua đất đai cho phép nhà nước mua lại đất của người dân để sử dụng cho mục đích công.

Cơ quan thực hiện việc này là Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia (MND) đã trưng mua đất của người dân với mức giá cao hơn 20% giá thị trường vào thời điểm giao dịch.

Từ năm 1960 đến 1979, quỹ đất do HDB trưng mua đã tăng từ 44-67% và được  sử dụng để xây nhà chung cư nhằm giải quyết nhanh chóng nhu cầu ổn định nơi ăn chốn ở của người dân.

Giá thuê căn hộ HDB dành cho người nghèo hầu như không đáng kể, trong khi giá bán thấp hơn giá xây dựng, thậm chí không tính cả chi phí trưng mua hay giải tỏa.

Năm 1971, được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, Singapore tiến hành chương trình quy hoạch đầu tiên được gọi là Quy hoạch vành đai (RCP) theo phát triển một vành đai các đô thị nhà ở HDB vệ tinh mới có mật độ dân cư cao. Xung quanh các đô thị này là khu vực nhà ở tư nhân với mật độ dân cư thấp hơn.

Các đô thị này được nối liền với nhau bằng hệ thống đường cao tốc trên toàn lãnh thổ.

Quy hoạch RCP cũng tính đến việc xây dựng một hệ thống giao thông bằng xe buýt hay tàu điện (MRT) để nối kết các đô thị với trung tâm thành phố.

Các nhà quy hoạch cũng yêu cầu phải tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất hiện có, đảm bảo nâng cao môi trường sống của người dân và phải có những khu vực dành cho vui chơi giải trí.

Sau khi phát triển khu vực vành đai, Singapore chuyển sang tập trung vào quy hoạch khu trung tâm thành phố trong suốt 15 năm (1974-1989).

Hoạt động thương mại và ngân hàng phát triển tại khu vực này và những vấn nạn như kẹt xe, vệ sinh đô thị bắt đầu phát sinh.

Tháng 4-1974, MND quyết định thành lập cơ quan chuyên trách quản lý đô thị độc lập là Cục Quy hoạch đô thị (URA).

Chính phủ Singapore đã soạn thảo và trình Quốc hội phê chuẩn bộ luật riêng dành cho URA để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là phát triển khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân.

Nhờ những nỗ lực dựa trên nhu cầu thực tiễn được thể chế hóa, từ một vùng đất của những khu nhà ổ chuột, trung tâm Singapore đã biến thành khu tài chính thương mại hiện đại.

Một góc thành phố Singapore

Thông tin minh bạch

Hơn 80% người dân Singapore hiện nay đang sống trong các căn hộ HDB ở 23 khu đô thị trên toàn đảo quốc.

Mặc dù được trợ giá khi mua và có nhiều chính sách hay quy định khá chặt chẽ, căn hộ HDB là một sản phẩm khá hấp dẫn trên thị trường BĐS.

Cho đến nay số lượng căn hộ HDB đã hơn con số 1 triệu và trở thành một thị trường nhộn nhịp kẻ mua người bán, cho thuê cùng các dịch vụ kèm theo như sửa chữa, nâng cấp, thiết kế, pháp lý và cả về… tư vấn phong thủy.

Các chính sách trợ giá, mua đi bán lại, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đều thông qua một đầu mối là HDB.

Thông tin giá cả trên thị trường BĐS được HDB công bố rõ ràng, minh bạch cho người dân theo định kỳ 3 tháng.

Trên nguyên tắc, người dân Singapore chỉ được sở hữu căn hộ HDB trong thời hạn 99 năm, nhưng những khu nhà HDB cũ đến 40 năm được nhà nước đập bỏ để xây mới nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất với nhiều tầng hơn.

Còn lại là thị trường BĐS tư nhân, gồm nhà có đất hay các dự án căn hộ cao cấp của các nhà phát triển BĐS thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau và kể cả quốc tịch khác nhau.

Tùy theo nhu cầu của thị trường vào những thời điểm và điều kiện khác nhau, chính phủ tạo nguồn cung bằng cách tiến hành cho mở thầu, đấu giá đất giữa các công ty phát triển BĐS:

Ai bỏ giá cao nhất dự án thuộc về mình.

Trong trường hợp thị trường quá nóng như những năm gần đây, chính phủ sẽ ra tay điều tiết bằng các biện pháp như tăng tỷ lệ đặt cọc hay tăng lãi suất vay mua BĐS.

BĐS tư nhân phần lớn đều có thời hạn sở hữu 99 năm và sở hữu vĩnh viễn tối đa 999 năm.

Tất cả hoạt động mua bán về BĐS tư nhân đều thông qua cơ quan đầu mối là URA, nơi định kỳ công bố thông tin về các giao dịch BĐS đã diễn ra trong 3 tháng gần nhất.

Vì là cơ quan quy hoạch nên URA cũng được giao công tác bán đấu giá đất của chính phủ và có nguồn thu dồi dào nhờ lệ phí đậu xe hay cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện, thậm chí quảng cáo bằng panô ngoài trời.

Điều thú vị là mặc dù giá cả đắt đỏ nhưng thuế BĐS tại Singapore thuộc loại thấp nhất trên thế giới, bởi chỉ đánh trên giá trị tiền thuê ước tính hàng năm của căn hộ trên thị trường cho thuê.

Nếu chủ sở hữu sử dụng BĐS để ở thuế suất là 4%, nếu đem cho thuê là 10%.

Thí dụ:

Căn hộ trị giá 1 triệu đô la Singapore (SGD) có giá cho thuê ước tính 2.500SGD/tháng hay 30.000SGD/năm.

Như vậy, mức thuế  chủ sở hữu phải trả chỉ 3.000SGD/năm.

Phần 2:

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường BĐS tại Singapore có thể được khái quát qua sơ đồ hình lục giác dưới đây.

Và một sự trùng hợp thú vị, nếu dùng tiếng Anh, 7 chữ cái đầu của các nhân tố dẫn đến thành công của thị trường BĐS Singapore ghép lại thành một câu có ý nghĩa:

“I.A.M.O.P.E.N”

với tiếng Việt là:

“Tôi cởi mở”.

nhân-tố-thành-công

Sơ đồ tóm tắt các nhân tố thành công của thị trường bất động sản Singapore

Mọi người dân đều có nhà ở

Khu căn hộ HDB là những khu vực bầu cử mà đại biểu quốc hội (ĐBQH) phải được sự tín nhiệm của cư dân mới có thể thắng cử và tham gia lãnh đạo Hội đồng Đô thị (HĐĐT).

Nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu của HĐĐT là thỉnh thoảng lấy trợ cấp của chính phủ và thu phí của người dân để làm dịch vụ vệ sinh môi trường.

Phí dịch vụ vệ sinh cho căn hộ HDB tùy thuộc vào diện tích căn hộ lớn hay nhỏ, thấp hơn nhiều so với mức phí của khu căn hộ tư nhân.

Khu đô thị HDB là những cộng đồng gắn bó mà cư dân cảm thấy mình là một thành viên, được đối xử bình đẳng và không phân biệt giàu nghèo.

Người dân sở hữu và sinh sống trong một căn hộ HDB được hưởng rất nhiều tiện ích không thua gì nhiều khu nhà ở cao cấp.

Từ nhà họ có thể đi bộ ra ga tàu điện, trạm xe buýt, taxi, sân vận động, hồ bơi công cộng, thư viện cộng đồng.

Cách đó không xa là chợ, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa bán đủ mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt thường ngày của cư dân.

Gần đó là trường học, phòng khám đa khoa của nhà nước hay tư nhân, nhà thờ Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, chùa chiền.

Một số nơi quy tụ du học sinh hay người nước ngoài sang khám chữa bệnh thì người có căn hộ cũng có cơ hội tăng thu nhập nhờ cho thuê phòng.

Đối với người Singapore, sở hữu 1 căn hộ HDB là hình thức đầu tư an toàn và hiệu quả nhất.

Người nước ngoài  có gia đình được cấp thẻ xanh, thường trú tại Singapore được sử dụng căn hộ HDB trên thị trường thứ cấp và cũng được toàn quyền mua bán, chuyển nhượng, cho thuê và thực hiện các quyền sở hữu theo quy định của luật pháp.

Nhờ tầm nhìn quy hoạch, sự tin tưởng của người dân vào thể chế chính trị và sự điều hành hiệu quả của guồng máy hành chính công quyền, Singapore là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu nhà ở cao nhất thế giới.

Việc thu hút các tài năng khắp thế giới đến Singapore lập nghiệp đã khiến chính phủ ban hành luật về quyền tài sản đối với người nước ngoài từ năm 1973.

Theo đó người nước ngoài được quyền sở hữu, mua bán, chuyển nhượng và cho thuê.

“Tôi cởi mở”

Nhân tố đầu tiên – Thể chế (Institution – I) nằm giữa hình lục giác thể hiện vai trò quan trọng trung tâm và nền tảng, quyết định sự ổn định và phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.

Từ “thể chế” nghe có vẻ trừu tượng nhưng thật ra đối với người Singapore nó đơn giản là chuyện chấp hành luật pháp và không có ai đứng lên trên luật pháp, cho dù đó là những bậc khai quốc công thần, thủ tướng hay bộ trưởng.

Chính đảng cầm quyền PAP đã biết kế thừa hệ thống pháp luật của người Anh bằng cách thừa nhận quyền tư hữu nhưng vận dụng một cách nhuần nhuyễn và linh hoạt các đạo luật cho phép nhà nước nắm quyền sở hữu, sử dụng và khai thác đất đai phục vụ lợi ích của toàn dân.

Với triết lý hành động “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, PAP đã biến lý tưởng và sứ mệnh của mình thành thành quả cụ thể là người dân ai cũng có nhà ở và tách bạch rõ chức năng lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước.

Guồng máy hành chính (Administration – A) của Singapore không song trùng chồng chéo với quyền lực chính trị nhưng lại thể hiện được ý chí lãnh đạo của đảng cầm quyền, hòa quyện với mong ước của người dân.

Thủ tướng và các bộ trưởng chỉ giữ vai trò định hướng, không nhúng tay vào những sự vụ cụ thể mà dành cho những cơ quan tác nghiệp như HDB hay URA.

Nhờ thể chế nghiêm minh và guồng máy hiệu quả, Singapore đã kiểm soát được tham nhũng, xây dựng được lòng tin vào chế độ và xử lý ổn thỏa những tranh chấp về sở hữu khi nhà nước tiến hành trưng mua đất đai.

Một điểm đáng học hỏi khác là về bản chất các căn hộ HDB do chính phủ xây dựng là nhà ở xã hội, nhưng trên thực tiễn giao dịch theo cung cầu thị trường (Market – M) đã làm giá trị nhà ở HDB được giữ vững.

Trong một cuộc trao đổi với các quan chức từ Việt Nam sang về kinh nghiệm quản lý và phát triển nhà ở, một chuyên gia cao cấp của HDB cho biết chính phủ Singapore không khuyến khích sử dụng cụm từ “nhà ở xã hội” (social housing) vì nó sẽ triệt tiêu ý chí hay động lực làm việc và không được những cư dân sống ở đây trân trọng.

Sở dĩ người Singapore cố gắng chăm sóc căn hộ HDB, giữ quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng và không gian công cộng khu nhà ở là vì họ được đảm bảo quyền sở hữu BĐS (Ownership – O) với niềm tin rằng giá trị của nó sẽ tăng trưởng cùng với thời gian.

Cuối cùng, sản phẩm nào cũng có người sử dụng và BĐS được mua bán dù với mục đích đầu tư hay đầu cơ cũng phải có con người (People – P) vào ở.

Đất lành chim đậu, có lẽ mọi người trong chúng ta ai cũng muốn được sống trong môi trường (Environment – E) lành mạnh, xã hội công bằng, luật pháp được tôn trọng và đảm bảo giải quyết thỏa đáng những nhu cầu (N – Needs) căn bản của cá nhân trước khi nói đến đến những khát vọng hay lý tưởng cao cả.

LÊ HỮU HUY 

Nguồn: Báo SGGP/ĐTTC

* * *

CHANGI ĐÂU CHỈ LÀ SÂN BAY!

Sân bay Changi ở Singapore là điểm đến, điểm quá cảnh quen thuộc của du khách Việt Nam, nhưng có lẽ nhiều người vẫn chưa biết hết những tiện ích phong phú của sân bay này trên hành trình du lịch và khám phá.

changi_shopping

Sân bay Changi là một khu mua sắm lớn

Đi lại bằng máy bay thường xuyên nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa tận dụng hết tất cả các tiện ích và dịch vụ tại sân bay Changi, nhất là kể từ năm 2008 tại đây có hai rạp chiếu phim miễn phí màn ảnh rộng phục vụ hành khách 24 giờ mỗi ngày.

Không rõ hành khách Việt Nam đến Singapore biết thông tin này rồi có tranh thủ xem phim “chùa” không bởi theo khảo sát mới đây của trang web tìm kiếm về du lịch Skyscanner với khoảng 10.000 hành khách trên toàn thế giới, gần nửa số người được hỏi cho biết điều làm họ thích thú nhất khi có mặt ở sân bay Changi là được xem phim (49%), kế đó mới đến chỗ ngả lưng (sleep pod – 36%), đọc sách (32%), công viên cây xanh (31%), mỹ phẩm (30%), sân chơi cho trẻ em (21%), hồ bơi (20%), phòng tập thể hình (15%)…

Nhưng nhiều người Singapore đến Changi không chỉ để làm thủ tục lên máy bay, đón-tiễn bạn bè người thân hay để xem phim miễn phí mà chủ yếu để mua sắm.

Một trong những yếu tố hấp dẫn ở sân bay Changi là hầu hết các cửa hàng bán lẻ ở khu vực công cộng phía ngoài ba nhà ga (terminal) đều được miễn 7% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST).

Các quầy hàng bán đồ ăn nước uống (F&B) hay dịch vụ chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc vẫn thu thuế GST nhưng các nhà hàng thì phải phục vụ nước lọc miễn phí nếu thực khách yêu cầu.

Với tổng diện tích 75.000 mét vuông, tương đương 10 sân bóng đá và hơn 330 cửa hàng bán lẻ và dịch vụ cùng với 120 quầy hàng F&B, Changi giờ đây không chỉ là sân bay mà đã trở thành khu mua sắm lớn thứ nhì Singapore (chỉ sau VivoCity).

Theo công bố chính thức của tập đoàn sân bay Changi (CAG), doanh số bán lẻ tại Changi trong năm ngoái  đạt 1,8 tỉ đô la Singapore, tăng 12% so với năm 2011 – chiếm 50% tổng doanh thu của CAG.

Điều này có được là nhờ số lượng hành khách đến sân bay Changi hàng năm đều tăng với 51 triệu hành khách trong năm 2012, tăng 10% so với năm 2011 (46,5 triệu).

Theo bà Ivy Wong, Phó giám đốc về cho thuê mặt bằng của CAG, việc phát triển các hoạt động kinh doanh nói trên có vai trò rất quan trọng đối với sân bay bởi chúng giúp trang trải các chi phí về tiện ích và dịch vụ hàng không.

Bà nói với nhật báo The Straits Times (TST):

“Điều này cũng giúp duy trì phí dịch vụ hàng không (aeronautical charges) của Singapore ở mức cạnh tranh và củng cố vị thế  của sân bay này như trung tâm đầu mối về hàng không.”

Shaik Rahman, Giám đốc điều hành khu giải trí game Zone X ở Changi cho biết CAG luôn đưa ra các chương trình khuyến mãi hay sự kiện nhằm lôi kéo người đến đến các nhà ga và nhờ đó lưu lượng người mua sắm tăng theo.

Theo bà Wong người mua không lo bị chặt chém vì CAG quy định các thương hiệu không được bán giá cao hơn giá các cửa hàng bán lẻ khác trong thành phố.

canteenDu khách ít tiền có thể đến ăn uống ở căng-tin dành cho nhân viên của sân bay Changi, chỉ phải trả thêm mỗi phần ăn vài chục xu

Mua sắm ở sân bay nay đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Singapore.

Người ta còn đến đây để thư giãn, thưởng ngoạn cảnh máy bay hạ cánh hay cất cánh, ăn uống, gặp gỡ bạn bè.

Các cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King là nơi cho trẻ em vui chơi và học sinh tụ tập học nhóm.

Changi ở phía Đông nhưng có nhiều người dân ở phía Tây cũng không ngần ngại quãng đường xa hai đầu đảo quốc để tận hưởng bầu không khí tưng bừng và nhộn nhịp ở sân bay.

Một trong những người đó là ông Siva Subramaniam, 42 tuổi, cư dân vùng Bukit Batok ở phía Tây Bắc Singapore.

Ông cho biết:

“Hai đứa con trai của tôi, đứa 13 tuổi, đứa 9 tuổi đều yêu sân bay nên gia đình chúng tôi mỗi tháng ra Changi chơi ít nhất một lần.

Mỗi lần chúng tôi ra là Changi có một cái gì mới cho chúng tôi xem hay tham gia”.

Du khách hạng sang hay du lịch “bụi” đến sân bay Changi cũng sẽ được hưởng nhiều tiện ích hay dịch vụ miễn phí hay giá rẻ như có thể nằm chợp mắt cả ngày, tắm rửa, bơi lội…

Ai quá cảnh Singapore hơn 5 tiếng đồng hồ sẽ được cấp giấy phép đặc biệt rời sân bay để tham gia chương trình tham quan thành phố, khám phá thiên nhiên, tận hưởng các món ăn ngon hay chương trình giải trí đặc sắc.

Những ai không thích đi ra ngoài tham quan, giải trí hay mua sắm thì có thể ở trong sân bay tản bộ trong những khu vườn không gian mở.

Khi bụng đói họ không nhất thiết phải vào nhà hàng mà có thể đến căng-tin dành cho nhân viên làm việc ở sân bay.

Nơi đây có mức giá tương tự các khu ăn uống bình dân với chất lượng không thua kém, tuy nhiên, họ phải trả mắc hơn nhân viên sân bay khoảng vài chục xu cho một phần ăn hay nước uống.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG Online

* * *

MRT:  TÀU ĐIỆN HAY XE BUÝT?

MRT là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mass Rapid Transit (dịch sát nghĩa: Vận chuyển nhanh cho số đông).

MRT thường được du khách Việt Nam sang Singapore gọi là “tàu điện ngầm” – dù không phải tất cả đều ở dưới lòng đất.

Nhưng nếu lịch sử diễn biến theo chiều hướng khác, có lẽ MRT không phải là tàu điện mà là xe lửa, xe buýt, tàu phà hay một hệ thống giao thông hỗn hợp nào đó.

Quảng-cáoSMRTQuảng cáo là một trong những nguồn thu đáng kể giúp vận hành hệ thống tàu điện, xe buýt và taxi ở Singapore

Ý tưởng về MRT bắt đầu nhen nhúm vào năm 1967, hai năm sau khi đảo Sư Tử trở thành quốc gia độc lập, khi chính phủ nước này tiến hành dự án phát triển và đổi mới đô thị làm cơ sở quy hoạch ý tưởng tổng thể dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong tương lai.

Trong bối cảnh đất đai hạn chế và nhu cầu giao thông luôn theo xu hướng tăng, việc xây dựng hệ thống MRT là điều cấp thiết và theo dự kiến sẽ mất 10 năm kể từ năm 1972 để làm công tác thiết kế  trước khi chính phủ cho phép xây dựng.

Một trong những người tham gia vào dự án này là cố Tổng Thống Ong Teng Cheong lúc đó chỉ là một cán bộ trẻ của Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Phát triển Quốc gia, sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc sư và quy hoạch đô thị từ một trường đại học nước ngoài.

Nhờ kiến thức chuyên môn và nhất là sau những chuyến đi tìm hiểu công nghệ và tham khảo kinh nghiệm thực tế của các nước, ông Ong cho rằng  tàu điện là phương tiện giao thông công cộng hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, đầu năm 1980, khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông, ông Ong đã bị chỉ trích dự dội vì ngân sách đầu tư quá lớn, đến 5 tỷ đô la Singapore (SGD) thời điểm đó.

Và một trong những  người phản đối kịch liệt nhất là Tiến sĩ kinh tế Ngô Khánh Thụy, một trong những vị khai quốc công thần của Singapore, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính.

Theo ông Ngô, một hệ thống MRT bằng xe buýt sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Bộ Giao thông Singapore đành phải nghiên cứu cả hai lựa chọn là tàu điện hay xe buýt.

Để khách quan, chính phủ Singapore mời một nhóm chuyên gia của Đại học Havard phản biện theo ý ông Ngô, tức là đầu tư cho hệ thống xe buýt, còn công ty tư vấn của Mỹ Wilbur Smith and Associates thì giải trình việc ủng hộ xây dựng hệ thống tàu điện.

Cuộc tranh luận này cũng đã được truyền hình trực tiếp vào tháng 9 năm 1980, một sự kiện khá hiếm hoi lúc bấy giờ.

Kết luận cuối cùng là một hệ thống MRT bằng xe buýt  là không phù hợp vì không đủ bắt kịp với những đòi hỏi về không gian giao thông ngày càng đông đúc và chật chội.

Và như vậy, giải pháp tốt nhất là xây hệ thống tàu điện và “chân lý” đã thuộc về Bộ trưởng Ong Teng Cheong.

Tháng 5-1982,  Chính phủ Singapore quyết định cho phép xây dựng MRT và lễ động thổ dự án tàu điện được tổ chức vào ngày 22-10-1983.

Bốn năm sau đó, Singapore khai trương 6 ki lô mét đầu tiên của trục đường MRT Bắc- Nam.

Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng đồng bộ và chặt chẽ, mạng lưới tàu điện đã phát triển nhanh chóng và trở thành xương sống của hệ thống giao thông công cộng tại Singapore.

Mạng lưới MRT hiện có 102 ga với tổng cộng 148,9 km đường trên 4 tuyến Bắc- Nam, Đông-Tây, Đông Bắc và Vòng Xoay và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm cùng với nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo ước tính, trong năm 2011, tại Singapore trung bình hàng ngày có 2,406 triệu lượt người đi tàu điện, chiếm 71% so với số lượt người đi xe buýt là 3,385 triệu.

Nhưng MRT không chỉ là tàu điện.

Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng đường ray và hạ tầng cho MRT là Cục Giao thông đường bộ thuộc Bộ Phát triển Quốc gia nhưng việc kinh doanh khai thác được giao cho hai tập đoàn SMRT Corporation và SBS Transit.

Hai doanh nghiệp này cũng cung ứng dịch vụ taxi và xe buýt để tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ  có tính liên kết cao.

Tại một số khu vực xa trung tâm ở phía Đông Bắc và Tây Bắc như Bukit Panjang, Sengkang, Punggol, MRT còn được kết nối với những ga tàu điện nhỏ (Light Rail Transit – LRT) gần khu dân cư HDB do chính phủ xây dựng.

Các trung tâm mua sắm, tụ điểm sinh hoạt học hành vui chơi giải trí của người dân Singapore và hầu như tất cả các đô thị đều tập trung xung quanh các ga MRT.

Người dân Singapore, nhất là du học sinh nước ngoài cũng thường tìm nơi ở gần MRT để tiện việc đi lại.

Bất động sản nào gần ga MRT cũng dễ dàng cho thuê hay bán.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, hệ thống MRT và xe buýt tại Singapore không cần nhà nước bù lỗ.

Trong năm ngoái, tập đoàn SMRT đã lãi 120 triệu SGD không chỉ từ cước phí hành khách mà còn từ quảng cáo trên tàu điện và cho thuê mặt bằng kinh doanh tại những điểm bên trong và bên ngoài ga MRT.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

* * *

NHỊP CẦU SING – VIỆT

Song-Viet41 câu chuyện trong tập bút ký Sống và viết ở đảo quốc Sư Tử (NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 3.2013) của Lê Hữu Huy, như những nhịp cầu nối đôi bờ Việt Nam – Singapore.

Những câu chuyện này được viết dưới dạng “thư Singapore” trong vòng 10 năm qua, đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số tờ báo khác ở Việt Nam.

Tác giả từng làm trưởng đại diện của Vietcombank tại Singapore từ năm 1997, sau đó lấy bằng thạc sĩ về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và hiện là giám đốc Công ty tư vấn Vietnam Global Network, chuyên phục vụ nhu cầu giao lưu và tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam tại đảo quốc này.

41 câu chuyện trong tập bút ký Sống và viết ở đảo quốc Sư Tử (NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 3.2013) của Lê Hữu Huy, như những nhịp cầu nối đôi bờ Việt Nam – Singapore.

Những câu chuyện này được viết dưới dạng “thư Singapore” trong vòng 10 năm qua, đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số tờ báo khác ở Việt Nam.

Tác giả từng làm trưởng đại diện của Vietcombank tại Singapore từ năm 1997, sau đó lấy bằng thạc sĩ về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và hiện là giám đốc Công ty tư vấn Vietnam Global Network, chuyên phục vụ nhu cầu giao lưu và tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam tại đảo quốc này.

Từ công việc thường gắn với dòng thời sự ở Singapore hoặc Việt Nam, tác giả viết nên những câu chuyện liên quan tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống… giữa hai đất nước.

Ở mỗi chuyện, tác giả hay có những bình luận nhẹ nhàng và sâu sắc, có thể làm cho người đọc, nhất là những ai đang tính sang Sing học tập hay làm ăn, phải ngẫm nghĩ để rút ra “bài học” cho mình.

Thí dụ trong bài Chuẩn và không chuẩn, tác giả kể:

“Nhờ nói giọng miền Nam, nhiều lần tôi được mời đọc các chương trình quảng cáo bằng tiếng Việt sản xuất tại Singapore.

Trong lúc đó, những “đối thủ” khác của tôi có giọng Bắc hay giọng Nam quá “chuẩn” thì lại quá nghiêm trang nên không thể thuyết phục khách hàng”.

Từ trải nghiệm này, tác giả chia sẻ:

“Đến Singapore, bạn phải làm quen với cách nói tiếng Anh của người Hoa, người Mã Lai, người Ấn, người Myanmar, người Indonesia và cũng chẳng có gì xấu hổ nếu mình nói tiếng Anh của người Việt, nghĩa là chưa “chuẩn””.

Tiếp đó, tác giả bình luận:

“Chính phủ Singapore vẫn luôn mời gọi tài năng nước ngoài đến đây sinh sống lập nghiệp và những người biết tiếng Anh và giỏi về ngôn ngữ sẽ có lợi thế.

Tuy nhiên, những ai có tư duy xem nặng bằng cấp, quá đề cao cái “chuẩn” sẽ có ngày phải trả giá.

Bởi lẽ, những tiến sĩ hay thạc sĩ Harvard hay Oxford một ngày nào đó không chứng tỏ được khả năng làm việc hay đóng góp vào phát triển kinh tế hay xã hội của Singapore thì cũng sẽ được mời đi chỗ khác.

Nhưng điều quan trọng hơn hết là chính phủ Singapore luôn muốn tạo ra những luật chơi sòng phẳng trên một sân chơi công bằng, chuẩn hay chưa chuẩn đều được, miễn là có tài năng và đóng góp”.

Ở một câu chuyện khác, Khởi đầu nan, đừng vội!, kể chuyện một nam sinh viên Việt Nam, sau khi tốt nghiệp cử nhân ở NUS, chỉ xin được việc làm đi bán hàng trong một siêu thị Sing và quyết định nghỉ việc sau 4 tháng vì cho rằng không thỏa đáng.

Tư vấn cho bạn trẻ này, tác giả tâm sự:

“Có lẽ tuổi thơ vất vả và nhận thức về giá trị giúp tôi xem bản thân mình, một tân thạc sĩ NUS và cũng từng làm trưởng đại diện của một ngân hàng lớn, coi việc đứng bán hàng trong siêu thị là một kinh nghiệm quý báu vì đó là cơ hội tiếp cận khách hàng một cách sinh động và cụ thể nhất”.

Liền đó, tác giả viết:

“Tôi tâm đắc với câu châm ngôn của đại văn hào Victor Hugo:

“Quand on n’a pas ce qu’on aime, on aime ce qu’on a.”

(Khi không có cái mà ta thích, hãy thích cái mà ta có)”.

Hay như trong bài Hội nhập để làm gì?, tác giả kể chuyện một nữ sinh Việt Nam, sau 6 năm du học tại Sing bằng học bổng của chính phủ nước này, đã tự hào thấy “mình là người Singapore”.

Đến nỗi, chính Thủ tướng Lý Hiển Long đã ca ngợi, nhân kỷ niệm quốc khánh nước này hồi tháng 8.2012, rằng:

“Khi trở thành sinh viên Đại học Quản trị Singapore, cô đã được bản địa hóa đến mức nếu không biết tên, bạn có thể sẽ không biết cô ấy từ đâu đến”.

Cuối câu chuyện này, tác giả liên hệ tới chính mình để trả lời cho câu hỏi ban đầu:

“Cuộc sống khắc nghiệt ở Singapore buộc tôi mỗi sáng thức dậy phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, nhưng những đồng tiền của tôi sẽ vô nghĩa nếu tôi không biết sử dụng chúng để làm những chuyện có ý nghĩa, để trở thành một người Việt Nam đàng hoàng, xứng đáng, vinh danh cho xứ sở quê hương mình cho dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Còn nhiều câu chuyện đáng đọc nữa ở tập sách dày gần 200 trang của một doanh nhân trẻ đang sống xa nhà.

Đúng như ở lời giới thiệu, những người làm sách đã nhấn mạnh:

“Thư Singapore của Lê Hữu Huy giúp chúng ta hiểu người và hiểu ta hơn.

Hiểu người để cố gắng theo kịp người; hiểu ta để khỏi phải rơi vào hai thái cực:

Tự tôn hoặc tự ti.

Và để quý trọng hơn nữa tấm lòng cùng những nỗ lực vượt qua bao trở ngại để sống tử tế trên xứ lạ của nhiều người con xa xứ”.

HUỲNH KIM 

Nguồn: Báo Thanh Niên

* * * * * * * *

SUY THOÁI VẬY MÀ HAY

shoppingMới đây một bài báo trên tờ The New York Times chia sẻ với độc giả của họ một số khám phá mới về liên hệ giữa sức khỏe và suy thoái:

Khó khăn kinh tế có thể làm xấu đi sức khỏe thể chất nói chung nhưng liệu một cơn suy thoái nào đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì lại tùy thuộc vào thói quen của bản thân bạn khi kinh tế tốt.

Theo quan sát của bác sĩ Grant Miller, Trợ lý Giáo sư y khoa tại trường Đại học Stanford, trong giai đoạn kinh tế phát triển thịnh vượng, người ta làm việc nhiều hơn và ít làm những chuyện tốt cho bản thân như nấu ăn ở nhà hay tập thể dục.

Một bài báo khác trên tạp chí kinh tế học Quarterly Journal of Economics cũng cho biết tỷ lệ người chết tại Mỹ giảm rõ rệt trong giai đoạn suy thoái từ năm 1974-1982 và lại tăng lên khi kinh tế hồi phục vào cuối những năm 1980.

Cũng theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, những nhân tố mang tính ngăn ngừa (preventable factors) lại là những nguyên nhân chính làm giảm tỷ lệ người chết trong thời kỳ suy thoái.

Đáng lưu ý là ở những nước đang phát triển, con người có vẻ kỷ luật hơn trong hoàn cảnh khó khăn.

Theo một khảo sát của các nhà nghiên cứu, khi giá cà phê ở Columbia giảm, sức khỏe của trẻ sơ sinh và thiếu niên trong vùng nông thôn lại tốt hơn mặc dù thu nhập của các hộ gia đình thấp, chủ yếu là do các bà mẹ có thời gian dành cho con bú, lấy nước sạch từ những vùng sâu vùng xa hay có thời gian đưa con đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Còn tại Mỹ, có lẽ do suy thoái trong giai đoạn 1971-1991, người dân xứ này ít sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế nên tỷ lệ người chết do mắc bệnh ung thư tăng.

Tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ người chết lại giảm 8% trong thời gian 20 năm này, cũng là nhờ những lý do phòng ngừa về bệnh tim mạch hay tai nạn giao thông…

Tôi không rõ các nhà nghiên cứu ở ta có những khảo sát thống kê tương tự như trên không nhưng phải chăng suy thoái cũng là lúc để con người ta có nhiều thời gian cho bản thân để sống kỷ luật hơn, hiểu và trân trọng những giá trị cuộc sống.

Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa đầy một năm, nhiều người dân Singapore than vãn về cuộc sống quay cuồng trong vòng xoáy tăng trưởng, thịnh vượng kinh tế sẽ phục vụ ai, cho người dân Singapore hay cho nhân tài người nước ngoài.

Rồi chuyện đập các tòa nhà cũ xây dựng khu dân cư mới làm xáo trộn các cộng đồng dân cư đang sinh sống yên ổn thanh bình.

Rồi công nhân nước ngoài vào Singapore làm việc, rồi một bộ phận người lớn tuổi Singapore cảm thấy mất định hướng ở một đảo quốc bé nhỏ nhưng lúc nào cũng xây dựng liên tục, hết sửa cái này, rồi làm mới các khác.

Rồi giá nhà và bất động sản, nhiều người cảm thấy “sướng” vì tài sản của mình tăng giá trị và thu được tiền thuê nhiều hơn…

Giờ đây một bộ phận không nhỏ người dân đảo Sư Tử phải thắt lưng buộc bụng theo đúng nghĩa đen trong lúc Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi mọi người hãy “xiết chặt thắt lưng” khi tình hình kinh tế đi xuống, giá trị chứng khoán giảm, kim ngạch xuất khẩu chậm lại và thất nghiệp tăng.

Thế nhưng, phải chăng chất lượng cuộc sống của một số người lại tốt hơn khi có nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân, bạn bè và tranh thủ đi du lịch giá khuyến mãi hay mua hàng giảm giá.

Người ta trở nên mềm mỏng và nhã nhặn, mỉm cười với nhau nhiều hơn trước.

Mấy tay môi giới bất động sản mà tôi có dịp tiếp xúc vì lý do cá nhân hay quan hệ công việc cũng không còn “chảnh” như thời thị trường đang “hot” và tỏ ra tận tâm hơn trên tinh thần “luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu”.

Cô bạn Joanne của tôi quyết định bán căn hộ 130 mét vuông ba phòng ngủ để đổi lấy căn nhỏ hơn.

Thiệt hay không thiệt nhưng quan trọng nhất là gia đình cô có thêm tiền mặt và cũng là một cách tiết kiệm điện, nước và các dịch vụ phí liên quan đến nơi ăn chốn ở trong thời buổi suy thoái.

Còn với H., anh bạn hàng xóm người Việt Nam của tôi đang làm cán bộ nghiên cứu cho một doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu A*STAR thì suy thoái cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại vì từ trước đến nay anh cũng sống rất giản dị với vợ và con trai 3 tuổi.

Anh cho biết thu nhập của người làm nghiên cứu không thể so với người làm trong khu vực tài chính hay ngân hàng nên suy thoái cũng chưa tác động gì mấy.

Dĩ nhiên, anh không “vô tư” đến mức cho rằng công việc của mình sẽ đứng ngoài dòng chảy của thời cuộc nhưng có lo lắng quá thì cũng không giải quyết được gì.

Tình huống xấu nhất là trên đảo Sư Tử các dự án nghiên cứu bị đình lại hay anh không có cơ hội đóng góp cho doanh nghiệp hiện tại.

Nhưng biết đâu như thế lại hay vì H. không còn sự lựa chọn nào khác là về Việt Nam làm việc, lại có cơ hội ở gần với đại gia đình tứ thân phụ mẫu và con trai anh sẽ nói tiếng Việt theo đúng giọng Việt Nam chứ không phải lơ lớ và trộn lẫn nhiều âm điệu của cái xứ đa ngôn ngữ và đa sắc tộc này.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, trong năm nay tại Singapore sẽ có không dưới 100.000 người bị mất việc và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 5% từ nay đến giữa năm 2009.

Tr., anh bạn trẻ người Việt quốc tịch Pháp hiện đang làm việc cho một ngân hàng Thụy Sỹ cho tôi biết nguy cơ bị “giảm biên chế” đang gần kề.

Điều trớ trêu là anh đã từng tư vấn hướng nghiệp cho các sinh viên Việt Nam ngành tài chính ngân hàng sắp ra trường là hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần trong bất cứ tình huống nào, nhất là bối cảnh kinh tế toàn cầu rất bất ổn và không ai biết trước được điều gì. Số thầy thì để cho ruồi nó bâu?

Lần đầu tiên trong đời chuyên gia ngân hàng 35 tuổi này sắp đối diện với sự thật phũ phàng và có lẽ, anh nói, chỉ có bản thân mình trong hoàn cảnh đó mới cảm nhận được tất cả sự thật.

Thế nhưng, nhờ còn độc thân và số tiền dành dụm tích lũy trong thời gian qua, Tr. quyết định sẽ đăng ký học một chương trình MBA trong hai năm để nắm bắt kiến thức và ý tưởng mới và hy vọng giai đoạn suy thoái này sẽ qua đi.

Hoặc anh sẽ đi du lịch theo kiểu ba lô loanh quanh các nước châu Á để tìm hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa và con người mà anh chưa có điều kiện tiếp cận.

Chưa hết, biết đâu anh lại tìm được “một nửa” của mình tại Việt Nam theo mong đợi của bố mẹ vì suốt thời gian qua, nếu có bạn gái anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc trăm năm.

Nhưng có lẽ không phải ai cũng còn độc thân hay có nhiều tiền tích lũy để đi học thêm hay thực hiện giấc mơ du lịch khắp thế giới như Tr., nhưng người dân của cái xứ mà mọi người khi thức dậy cũng đều phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền thì có một “giải pháp” lành mạnh nhất là đi mua sắm.

Thật vậy, theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Thể thao Singapore (Singapore Sports Council-SSC) cách đây không lâu, shopping cũng là một hoạt động giúp tiêu hao năng lượng của các bà vì có mua sắm thật hay không đều phải lê gót từ cửa hàng này qua cửa hàng hàng khác hay lên xuống các tầng lầu trong siêu thị.

Còn trong một phong trào vận động người dân suy nghĩ tích cực để vượt qua khó khăn thời suy thoái của Cục Cổ động Sức khỏe (Health Promotion Board) thuộc Bộ Y tế Singapore, giải thưởng cho các cuộc thi là phiếu mua hàng giảm giá hay thưởng bằng tiền mặt để mua món gì tùy thích.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

 Nguồn: TBKTSG

* * *

“NHÀ Ở XÃ HỘI” TẠI SINGAPORE

Một số tờ báo hay diễn đàn mạng ở Việt Nam ta gần đây đã trầm trồ khen ngợi một dự án “nhà ở xã hội” trên đảo quốc Sư Tử  và cho biết:
Do giá nhà cao và mật độ dân cư đông, có tới trên 80% người dân Singapore sống trong các dự án “nhà ở xã hội”…
Không rõ phóng viên hay người dịch thông tin nói trên căn cứ vào đâu để biến Singapore thành đảo quổc “nhà ở xã hội”.
Nhưng nếu dành thêm chút thời gian truy tìm trên Internet, có lẽ họ sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm nhà ở tập thể do nhà nước xây dựng (public housing), được người Singapore gọi là khu căn hộ HDB được xây dựng và giám sát bởi Housing Development Board, Cục Nhà ở và Phát triển thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore…

Trong những năm gần đây, có căn hộ HDB được giao dịch trên thị trường với giá cả thuận mua vừa bán không dưới 1 triệu SGD.

Theo quan điểm của các nhà quy hoạch Singapore, “nhà ở xã hội” là điều không nên khuyến khích vì nó sẽ triệt tiêu ý chí hay động lực làm việc và không được những cư dân sống ở đây trân trọng.

Cái gọi là “nhà ở xã hội” theo đúng nội hàm ở Singapore có lẽ là một số lượng rất ít căn hộ được HDB cho một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuê.

Điều kiện được thuê cũng khắt khe và thường chỉ dành cho người già, người góa vợ hoặc chồng, ly thân ly dị hay hay gia cảnh đặc biệt ngặt nghèo với  thu nhập hàng tháng của hộ gia đình không quá 1.500 SGD.

Giá thuê cũng không cố định mà tùy vào kích cỡ căn hộ và số lần xin thuê.

TayKengLeong

Một gia đình nghèo Singapore sống trong căn hộ một phòng ngủ thuê của HDB

Điều đáng nói là vô tình hay hữu ý, một số sinh viên Việt Nam ta sang Singapore du học đã có dịp trải nghiệm thực tế “nhà ở xã hội” ở Singapore khi được những “đối tượng chính sách” nói trên cho thuê lại với mức giá thấp hơn thị trường.

Lẽ đương nhiên, nếu bị phát hiện, ngoài chuyện sinh viên Việt Nam sẽ gặp rắc rối về di trú với cơ quan công quyền, “đối tượng chính sách” này có nguy cơ bị HDB không cho thuê nhà nữa.

Cơ quan công quyền có quyền đến kiểm tra căn hộ HDB khi cần thiết

Nhưng dù sao đi nữa, đối với chính phủ và người dân Singapore, việc thuê nhà HDB với giá bao cấp tượng trưng cũng là biện pháp tình thế tạm thời và ngoại trừ một số trường hợp tiêu cực nói trên, hầu như ai cũng cố gắng làm việc cho một ngày mai tốt hơn.

Chính phủ Singapore cũng tạo điều kiện cho những ai đang ở nhà thuê có cơ hội sở hữu căn hộ HDB bằng nhiều hình thức cho vay trả góp với lãi suất ưu đãi.

Và rồi, đến một ngày đẹp trời nào đó, cái vòng kim cô nghèo khó trên đầu những gia đình này không còn nữa khi họ được sở hữu một căn hộ HDB.

So sánh bao giờ cũng là chuyện khập khiễng.

Căn hộ HDB dù sao cũng chỉ là khu nhà tập thể không có bảo vệ và thiếu sự riêng tư vì ai cũng có thể đến gõ cửa kể cả những người mua ve chai hay bán thức ăn dạo.

Mua ve chai và báo cũ trước một căn hộ HDB

Nhưng trong bối cảnh một đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên như Singapore, căn hộ HDB không những là một tài sản có giá trị bền vững mà còn là niềm tự hào của nhiều người dân.

Dù giàu hay nghèo, không người Singapore nào bao giờ muốn người khác gọi căn hộ của mình là “nhà ở xã hội” cả và họ luôn mong giá trị bất động sản của   tăng lên cùng với thời gian.

Home

Người dân đảo Sư Tử   thích gọi đất nước của mình là “Nhà” (Home)

Để làm được điều đó, họ luôn cố gắng chăm sóc và giữ  gìn nơi sinh sống của mình, không chỉ bên trong căn hộ mà còn cả phía ngoài với hàng xóm láng giềng xung và không gian công cộng trong khu nhà ở HDB và những vùng đô thị lân cận trên đảo quốc bé nhỏ mà họ thích gọi là “Nhà” (Home).

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

 Nguồn: TBKTSG

——–

SỐNG VÀ VIẾT Ở ĐẢO QUỐC SƯ TỬ

Từ nhiều năm qua, Singapore – đảo quốc Sư Tử – đã trở nên gần gũi thân quen với chúng ta.

Ngày càng có nhiều người Singapore bỏ vốn đầu tư, quan hệ giao thương hoặc du lịch tại Việt Nam.

Ngược lại, người Việt sang Singapore tìm cơ hội kinh doanh, làm việc và học tập cũng ngày càng đông và đã có không ít sách báo, tài liệu bằng tiếng Việt giới thiệu về đất nước và con người ở đảo quốc này.

Cuốn sách mà độc giả đang cầm trên tay cũng được viết với đề tài này, nhưng có hai điểm đặc biệt:

Tác giả Lê Hữu Huy, vốn sang Singapore học tập từ cách nay hơn mười lăm năm, hiện là một doanh nhân đang sống và làm việc ngay tại đây và những gì mà anh quan sát, cảm nhận về nước này được thể hiện dưới dạng những bức thư từ Singapore.

Những bức thư đó đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số tờ báo khác ở Việt Nam và nay được tuyển chọn để in thành cuốn sách này.

Với dạng những bức thư, tác giả có thể kể chuyện, tâm sự với người đọc một cách cởi mở, thoải mái về sinh hoạt thường nhật, về các sự kiện đáng chú ý đang diễn ra ở đảo quốc Sư Tử, cũng như tâm trạng, cảm nghĩ của một người Việt đang làm ăn nơi xứ người.

Qua những mẩu chuyện nhỏ hoặc những sự kiện thời sự được thuật lại chi tiết với phần bình luận của tác giả, chẳng hạn chuyện nghị sĩ xuống nhà dân, chính sách tiếp thị du lịch qua cái toa lét, việc giải quyết đất công bị lấn chiếm, hiện tượng nói tiếng Anh theo giọng Sing (Singlish), một cuộc thi tìm người hàng xóm tốt bụng, dịch vụ ma chay, chuyện thuê ôsin, cách quản lý trò chơi trực tuyến theo kiểu “dĩ độc trị độc”…  người đọc có thể hình dung rõ hơn cuộc sống của người dân ở đây cũng như bộ mặt chính trị – xã hội của Singapore – một trung tâm tài chính lớn của châu Á, một xứ sở nổi tiếng sạch sẽ, trật tự, và cũng là một đất nước đa sắc tộc chung sống yên bình.

Và điểm đáng nói hơn nữa là cái tình, là tấm lòng của tác giả hướng về quê nhà toát ra từ hầu hết các bài viết.

Ðó có thể là sự yêu quý, tự hào đối với tiếng mẹ đẻ, là sự cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thành công của nước bạn và niềm mong mỏi giới hữu trách ở quê nhà vận dụng những kinh nghiệm thành công ấy, là sự động viên, chia sẻ khó khăn đối với người đồng hương trên xứ người…

Nhưng dù là ghi nhận, phản ánh thực tế xã hội xứ người hoặc bộc lộ nỗi lòng của riêng mình, bao giờ tác giả cũng thể hiện một cái nhìn lạc quan, điềm tĩnh, chừng mực và thái độ thân ái, hòa hợp với nơi mình đang sống, khác với thái độ cường điệu, thậm chí cực đoan dễ thấy ở nhiều tác giả người Việt ở nước ngoài.

Thư Singapore của Lê Hữu Huy  giúp chúng ta hiểu người và hiểu ta hơn.

Hiểu người để cố gắng theo kịp người; hiểu ta để khỏi phải rơi vào hai thái cực: tự tôn hoặc tự ti, và để quý trọng hơn nữa tấm lòng cùng những nỗ lực vượt qua bao trở ngại để sống tử tế trên xứ lạ của nhiều người con xa xứ.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này cùng quý độc giả.

 Saigon Times Books

Nguồn: http://nxbhcm.com.vn/Chi-tiet-sach/980/song-va-viet-o-dao-quoc-su-tu.aspx

TIẾNG VIỆT Ở SINGAPORE

MỘT

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một phần hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Singapore.

Khách hàng học tiếng Việt của chúng tôi chủ yếu là người Singapore hay Malaysia gốc Hoa, thỉnh thoảng có người phương Tây da trắng hay một số người châu Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Nhưng mới đây, tôi có khách hàng là một nữ doanh nhân người Myanmar đã sinh sống và làm việc ở Singapore được vài năm nay.

Cô tên là Moh và làm việc cùng tầng lầu văn phòng của tôi.

Cô cho biết muốn học tiếng Việt để tiếp cận thị trường Việt Nam và giao tiếp với người Việt Nam.

Sau khi được tôi giải thích cặn kẽ về chương trình, cô quyết định đăng ký học ngay.

Khác với các học viên trước đây thường thanh toán học phí bằng séc hay chuyển khoản ngân hàng, Moh cầm tiền mặt đưa tận tay tôi và có lẽ nhờ “mùi vị” đồng tiền mà tôi mới cảm thấy sâu sắc hơn giá trị thương mại của tiếng Việt.

So với nhiều ngôn ngữ châu Á khác như tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Myanmar, theo Moh, học tiếng Việt dễ hơn nhiều.

Chỉ sau vài buổi Moh có thể đánh vần và đọc theo hướng dẫn của thầy.

Thời gian đầu, Moh phải vất vả làm quen với hệ thống thanh âm tiếng Việt như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

Nhưng cũng không có gì khó lắm sau khi luyện tập.

Vả lại, cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt cũng đơn giản nếu so với tiếng Anh hay tiếng Myanmar.

Sau 3 tháng học tiếng Việt, mỗi tuần 1 buổi 3 tiếng, Moh đã có thể tự tin khi công tác ở Việt Nam.

Giờ đây đến Việt Nam cô có thể đọc được các bản hướng dẫn ngắn trên đường phố bằng cách sử dụng từ điển.

Cô chưa nói được nhiều nhưng đã biết cách dùng những từ xã giao đơn giản để phá vỡ khoảng cách trong giao tiếp với người Việt.

Dĩ nhiên, học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, nhưng nếu chịu khó đầu tư thời gian ôn luyện và giao tiếp thì việc “ăn nói gói mở” của Moh với người Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian…

Ngoài mục đích kinh doanh, có nhiều học viên khác đăng ký học tiếng Việt vì người yêu hay vợ hoặc chồng là người Việt Nam.

Có một số người học theo yêu cầu của công ty, có người học vì tò mò, có những sinh viên sắp tốt nghiệp muốn trang bị kỹ năng khác biệt cho cuộc sống nghề nghiệp tương lai…

Nhưng cho dù như thế nào đi chăng nữa tôi vẫn thực sự trân trọng họ, không hẳn vì họ đã đóng góp cho lợi nhuận doanh nghiệp mà chính là nhờ họ mà tôi có cơ hội chia sẻ và quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam với nước ngoài.

Qua việc dạy tiếng Việt, tôi đã có những người bạn mới, những đối tác làm ăn mới và thậm chí cả những đối thủ cạnh tranh mới…

Nhưng có lẽ tôi nhạy cảm quá chăng khi nhìn xung quanh mình là những trái tim, những tấm lòng bè bạn năm châu gắn bó với Việt Nam.

Mike (không phải tên thật của anh), giám đốc một quỹ đầu tư Hoa Kỳ, đã bỏ khá nhiều tiền và thời gian học tiếng Việt với tôi, nói:

“Anh Huy à!

Lúc đầu, tôi học tiếng Việt là để có cơ hội kinh doanh với Việt Nam, nhưng dần dần tôi đã phát hiện rất nhiều điều lý thú về đất nước và con người Việt Nam.

Tôi không tiếc gì thời gian và tiền bạc đã bỏ ra để học tiếng Việt, nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc khi có cơ hội sử dụng tiếng Việt trong kinh doanh và sống ở Việt Nam trong một thời gian dài.

Vì lý do nghề nghiệp, tôi không tiện nêu tên thật, nhưng tôi có thể khoe với các bạn là Mike có thể đọc báo bằng tiếng Việt và xử lý công việc liên quan đến công văn giấy tờ bằng tiếng Việt.

“Tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều trong việc phát âm đúng thanh điệu, nhưng có lẽ người Việt nghe tôi nói sẽ thông cảm vì dù sao tôi cũng là người Hoa Kỳ”.

Mike nói.

HAI

Ngoài học viên nước ngoài, tôi có một đối tượng khách hàng rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay là một số bạn trẻ quốc tịch Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan… gốc Việt, có thể nói nhưng không đọc tiếng Việt được.

Với đối tượng này, một khi thầy trò đã có dịp ngồi bên nhau thì rất gắn bó nhờ sức mạnh của tiếng mẹ đẻ và tình cảm đồng bào ruột thịt nồng ấm chảy từ lâu trong huyết quản.

Tôi vẫn không quên cảm giác hạnh phúc khi nhận được tin nhắn từ Việt Nam của S., một Việt kiều đã học tiếng Việt với tôi sau 4 tháng.

Anh cho biết đã vào nhà hàng nhìn thực đơn gọi món bằng tiếng Việt, đọc được sách báo và có thể đọc trực tiếp thư từ của khách hàng Việt Nam mà không cần phải nhờ người dịch.

Lâu lắm rồi tôi không liên lạc với S., nhưng thỉnh thoảng trên báo chí tôi thấy anh cũng còn kinh doanh với thị trường Việt Nam và tôi sẽ rất vui và tự hào nếu đã giúp S. thành công trên đường sự nghiệp.

Một phân khúc khách hàng khác mà doanh nghiệp của tôi cần hướng đến đó là số người Việt Nam ở nước ngoài, vì lý do nào đó không biết nói và đọc được tiếng Việt.

Với tôi, những người con Việt này sẽ học tiếng mẹ đẻ của mình như một ngoại ngữ vì hầu như môi trường ngôn ngữ của họ là tiếng Anh, Pháp, Hoa, Hàn Quốc…

Theo thiển ý của tôi, việc nghiên cứu thị trường, thiết kế và xây dựng chương trình sản phẩm dịch vụ để phục vụ phân khúc khách hàng này không phải là chuyện khó, nhưng vấn đề ở chỗ là làm sao thu hút được sự quan tâm của họ đối với tiếng Việt, để cảm thấy việc trở về với nguồn cội là sự thôi thúc khôn nguôi.

Để có được điều đó đất nước Việt Nam càng phải hấp dẫn hơn về mọi mặt để cho họ hướng về, không chỉ là quê hương nguồn cội mà còn là cơ hội nghề nghiệp, kinh doanh và những khám phá kỳ thú.

Nhưng nói vậy thôi, giữa ước vọng và thực tế là một khoảng cách lớn vì ngay bản thân tôi cũng đang ưu tư chuyện dạy tiếng Việt cho con gái đang học lớp 5 ở Singapore, trong môi trường đa ngôn ngữ mà tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính.

Để thi cử và lấy bằng cấp, tiếng Anh là điều bắt buộc.

Những lúc kèm cặp cho con ở nhà, vợ chồng tôi phải dùng tiếng Anh vì giáo trình đâu phải tiếng Việt.

Cháu còn học thêm tiếng Hoa, tiếng Pháp và chưa kể nhiều hoạt động chính khóa hay ngoại khóa nữa.

Một ngày chỉ có 24 giờ và chỉ riêng chuyện dành thời gian, tâm sự với con cái bằng tiếng Việt đã là một thách thức.

 LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính 20/9/2012

——–

TRÒ CHUYỆN BÊN LÒ SƯỞI

Franklin Delano Roosevelt, vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 32, là khuôn mặt trung tâm của các sự kiện thế giới trong giữa thế kỷ 20, đã lãnh đạo Hoa Kỳ suốt thời gian diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chiến tranh thế giới.

Ông nhậm chức tổng thống vào năm 1932 khi Hoa Kỳ trong tình trạng tồi tệ:

Cứ 4 công nhân thì có 1 người thất nghiệp, nhiều gia đình quá nghèo thậm chí không đủ tiền mua thức ăn và 5.000 ngân hàng thua lỗ.

Roosevelt hứa sẽ đưa ra một bộ luật mới và một chương trình cho phép các ngân hàng mở cửa lại, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp.

Ông cũng trao đổi tâm tình trực tiếp với người dân qua các buổi phát thanh với tên gọi “Trò chuyện bên lò sưởi” (Fireside Chats).

Những biện pháp kinh tế thành công và phong cách gần gũi với người dân đã giúp ông tái đắc cử năm 1936.

Kể từ đó trở đi thuật ngữ “Fireside Chats” đã được người Mỹ dùng để nói về những cuộc trao đổi thân tình giữa  lãnh đạo với quần chúng nhân dân…

Nay tôi xin mượn thuật ngữ tiếng Anh nói trên để chia sẻ với bạn đọc ở nhà về buổi gặp gỡ của Tổng Bí thư  (TBT) Nguyễn Phú Trọng với cộng đồng người Việt tại  Singapore trong chuyến viếng thăm đảo quốc Sư Tử vừa qua.

Cùng các quan chức cấp cao khác, TBT đến Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) gặp kiều bào trong trang phục quần tây áo sơ mi giản dị chứ không quá trịnh trọng.

Hội trường lầu 1 của ĐSQ nhỏ nên tạo cảm giác rất ấm cúng khi TBT ngồi cạnh bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại sứ Trần Hải Hậu – “người dẫn chương trình” – ngồi phía bên phải của ông cũng tỏ ra gần gũi với cộng đồng, phát biểu khai mạc cuộc gặp gỡ đúng 4 giờ chiều ngày 13-9.

Điều khác biệt với những buổi trao đổi theo kiểu “ngồi bên lò sưởi” mà tôi đã từng tham gia tại Singapore và các nước trong khu vực là lần này TBT đã dành cả nửa thời gian để lắng nghe ý kiến của đại diện cộng đồng, giới trí thức, doanh nghiệp, sinh viên tại Singapore.

Khi bắt đầu phát biểu, ông cho biết còn muốn lắng nghe nhiều hơn nhưng thời gian không cho phép.

Có thể GS.TS Vũ Minh Khương, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu về kinh tế phát triển tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore sẽ thất vọng khi không được nghe TBT đưa ra những lời hiệu triệu có tầm vóc và những giải pháp để kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, xã hội hài hòa…

Nhưng những chia sẻ chân tình của TBT về khó khăn kinh tế trong nước cũng như chuyển biến về “thời tiết chính trị”, an ninh trong khu vực và trên toàn cầu đã tạo sự đồng cảm lớn lao cho những ai có mặt trong buổi gặp gỡ.

Thông điệp về chính sách đa phương, ngoại giao nhân dân cùng với nội dung nghị quyết trung ương về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, về cơ sở hạ tầng, và cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt nhằm chỉnh đốn đảng được ông trình bày bằng ngôn ngữ sinh động, dễ hiểu.

Ca ngợi đất nước con người Singapore cùng những thành tựu kinh tế khoa học kỹ thuật công nghệ của bạn, ông cũng tóm tắt và chân thành chia sẻ bài học kinh nghiệm rút tỉa từ chuyến đi đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trọng hiền tài và khuyến khích phát kiến sáng tạo.

Có thể nói, phong thái giản dị và cách nói chuyện nhẹ nhàng gần gũi của ông đã làm phá vỡ khoảng cách vốn có giữa người lãnh đạo với quần chúng và tạo nên một sức mạnh tinh thần cộng hưởng cho những người con Việt luôn đau đáu hướng về quê hương đất nước.

Theo thiển ý của tôi, để cho cuộc “trò chuyện bên lò sưởi” của TBT thành công, ĐSQ có thể dành thêm thời gian cho cộng đồng đặt câu hỏi sau khi TBT trình bày.

Những thông tin về cộng đồng có thể được gửi trước cho TBT và đoàn đại biểu tham khảo trước và không nhất thiết phải qua nghi thức giới thiệu thành phần đại biểu để tiết kiệm thời gian. …

Nhưng dù sao đi nữa thì với tôi, buổi gặp gỡ trực tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng tại Singapore là một kỷ niệm đáng nhớ.

Một buổi gặp gỡ trên lãnh thổ Việt Nam trên đảo quốc Singapore, không có băng rôn “Nhiệt liệt chào mừng” rườm rà hay những lời chúc tụng hoa mỹ mà chỉ là cờ nước, những đóa hoa tươi, những nụ cười và tình cảm thân thành từ trái tim Việt.

Chia sẻ với tôi về cảm nhận của mình sau buổi gặp gỡ, GS.TS Vũ Minh Khương nói ông đã thấy sự khai sáng trong chuyến đi lần này của TBT.

Còn tôi thì tin rằng dẫu đang khó khăn trăm bề nhưng Việt Nam đang chuyển mình theo hướng tích cực và tất cả mọi người đều kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng trước những thách thức và bước ngoặt lịch sử ở phía trước./.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính ngày 17/9/2012

——–

ĐẢNG PAP VÀ MỐI GẮN BÓ VỚI NHÂN DÂN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long

Gần 2 thập niên kể từ  chuyến thăm vào năm 1993 của Tổng Bí thư  (TBT) Đỗ Mười, đây là lần thứ hai đảo quốc Sư  Tử  có vinh hạnh đón tiếp vị  lãnh đạo đảng cao nhất từ Việt Nam sang:

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Singapore từ ngày 12 đến 14-9-2012 theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long với tư cách là Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đảng cầm quyền hiện nay ở Singapore.

Chuyến thăm của TBT diễn ra sau chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 9 năm ngoái và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam hồi tháng 4 năm nay, tức  chỉ trong vòng 1 năm đã có đến 3 vị lãnh đạo Đảng – Nhà nước của Việt Nam và Singapore thăm hỏi nhau và thể hiện tinh thần hợp tác.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, mục đích chuyến thăm Singapore lần này của TBT là để tiếp tục chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện ưu tiên cho các nước trong khu vực, tăng cường quan hệ với PAP và tạo cơ sở chính trị vững chắc cho quan hệ 2 nước.

Trong chuyến thăm 3 ngày này, ngoài các buổi làm việc chính thức với lãnh đạo Đảng PAP và Nhà nước Singapore, TBT sẽ đến đặt vòng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapore, cạnh Viện Bảo tàng Văn minh châu Á.

TBT đặt vòng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapore

TBT cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt, các doanh nghiệp Singapore và sẽ có bài phát biểu với tựa đề:

“Vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Đảng Cộng sản Việt Nam và PAP thiết lập quan hệ chính thức vào tháng 10-1993 và sau đó đã có nhiều hoạt động giao lưu như trao đổi kinh nghiệm xây dựng đảng, lãnh đạo nhà nước và đào tạo cán bộ.

Dù bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế và xã hội cũng như thể chế chính trị không giống nhau nhưng về bản chất, mục tiêu và cương lĩnh hành động của PAP không có gì khác biệt với Đảng Cộng sản Việt Nam là “phụng sự quốc gia vì sự thịnh vượng của người dân”.

Cũng giống như Việt Nam, Chính phủ Singapore được hình thành từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trúng cử phần lớn thuộc PAP.

Điều khác biệt mà Việt Nam cần tham khảo đó là lãnh đạo đảng cầm quyền (Tổng thư ký PAP) cũng kiêm luôn chức vụ Thủ tướng và đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống.

Triết lý hành động của PAP là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” (socialist democracy) và đích thân vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore là Lý Quang Diệu trong mỗi lần vận động tranh cử đều đưa ra những khẩu hiệu thực tế, mục tiêu cụ thể chứ không phải chỉ là cương lĩnh chung.

PAP hiện có 15.000 đảng viên trong đó có lực lượng hậu bị là phụ nữ  và thanh niên với Văn phòng Trung ương Đảng bề ngoài trông rất khiêm tốn tọa lạc ở khu vực ngoại ô gần sân bay quốc tế Changi.

Văn phòng Trung ương Đảng PAP 

Cứ mỗi lần bầu cử PAP lại tìm kiếm nhân tài là những cá nhân thành đạt đã khẳng định tài năng của mình trong hoạt động kinh tế – xã hội Singapore, huấn luyện họ trở thành những đảng viên ưu tú đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với cơ chế đãi ngộ sòng phẳng, xứng đáng.

Chuẩn bị lực lượng kế thừa nhưng PAP cũng biết tận dụng và khai thác đội ngũ đảng viên kỳ cựu và sẵn sàng loại bỏ những đảng viên không chấp hành luật pháp, đi ngược với đường lối phục vụ lợi ích của quốc gia mà PAP là người khởi xướng.

Sau khi thắng cử và được người dân Singapore tín nhiệm bầu chọn làm ĐBQH, đảng viên PAP tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần.

Họ còn thường xuyên gặp dân vào các dịp lễ, thậm chí ngày gia đình người dân có việc riêng hay hiếu hỷ theo tập quán Á châu.

Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, tạo tiền đề cho lần bầu cử nhiệm kỳ sau.

Đến Singapore nếu chịu khó quan sát ở những trung tâm cộng đồng, bạn có thể thấy đảng viên PAP tiếp dân từ 8 giờ tối.

Họ đến nơi tiếp dân bằng phương tiện cá nhân và bắt tay vào làm việc ngay, không cần tiền hô hậu ủng, không cần giới thiệu, vì mọi người dân hầu như đã biết rõ về họ.

Dĩ nhiên là họ không thể làm việc một mình mà đã có những người tình nguyện của khu vực dân cư hay thuộc tổ chức quần chúng nào đó đã đến làm việc từ 6 giờ tối để tiếp đón và đăng ký những người dân cần gặp đại biểu.

Những người đến gặp đảng viên PAP có thể đi cả gia đình, có cả cháu nhỏ, trang phục thoải mái.

Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng 7-10 phút.

Việc gặp dân như thế không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, nên thường 1 giờ sáng, đôi khi đến 3 giờ sáng đại biểu mới hết việc, được ra về.

Đảng viên PAP (ngồi giữa) trong một buổi tiếp dân

Đảng viên PAP thật sự gắn bó với người dân khi phải thường xuyên lắng nghe trình bày của họ về những khó khăn, vướng mắc của dân trong cuộc sống như vấn đề thu nhập, việc làm, mâu thuẫn hàng xóm.

Sau đó, họ giải thích, hướng dẫn, giúp người dân viết đơn, thư để gửi đến những nơi cần thiết.

Điều thú vị là đội ngũ tình nguyện của cộng đồng giúp đảng viên PAP tiếp dân ở các khu vực có thể là những người cùng đảng hoặc chưa vào đảng nhưng có tâm huyết đóng góp công sức để giúp dân.

Những người này có cả doanh nhân, thầy giáo, bác sĩ, người đã nghỉ hưu đến làm việc hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ khoản lương hay phụ cấp nào mà động cơ chính là vì đảng và cộng đồng.

Trở lại với chuyến thăm Singapore của TBT Nguyễn Phú Trọng, ngoài những vấn đề nóng như biển Đông và ổn định, hòa bình cho khu vực, chắc chắn quan hệ giữa PAP và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng gắn bó hơn để cùng thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn.

Hy vọng những kinh nghiệm trong việc xây dựng đảng, lãnh đạo nhà nước, phát hiện, thu hút và đào tạo nhân tài của PAP sẽ được Đảng ta tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng trong các bối cảnh cụ thể./.

LÊ HỮU HUY (*) 

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính ngày 13/9/2012

——–

THÔNG ĐIỆP NGÀY QUỐC KHÁNH

Đã trở thành truyền thống, cứ đến ngày Quốc khánh 9-8, người đứng đầu Chính phủ Singapore có bài phát biểu trên truyền hình mang tên “Thông điệp mừng Quốc khánh” để chia sẻ với người dân những suy tư, trăn trở về những vấn đề hiện tại, thách thức tương lai và định hướng phát triển của đất nước.

Điều khác biệt trong năm nay, thông điệp mừng Quốc khánh lần thứ 47 của Thủ tướng Lý Hiển Long không được thực hiện trong phim trường, Văn phòng Thủ tướng, cao ốc hoành tráng của khu tài chính Raflles Place hay khu nghỉ dưỡng liên hợp Marina Bay, mà trên bãi cỏ dưới tán cây trong Công viên Bishan – Ang Mo Kio.

Ông Lý không bận complê thắt cà-vạt mà chỉ mặc quần tây đen và áo sơ-mi bỏ ngoài màu hồng cam theo truyền thống Singapore và ông đã phát biểu dưới bầu trời rực nắng.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Anh không quá 9 phút, ông Lý cho biết đảo quốc Sư  tử  đón mừng Quốc khánh trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn.

Trong bức tranh tổng quan đó, kinh tế Singapore vẫn vững vàng với mức tăng trưởng 1,7% trong 6 tháng đầu năm và có khả năng đạt được 1,5-2,5% trong cả năm 2012.

Vị thế của Singapore được đánh giá cao trên trường quốc tế.

Ở trong nước, người Singapore ai cũng có nơi ăn chốn ở với nhiều dự án nhà ở giá cả hợp lý, được phân bổ công bằng cho người dân.

Nhiều tuyến đường tàu điện và xe buýt xuất hiện phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.

Lạm phát có tăng nhưng người nghèo được Chính phủ quan tâm hỗ trợ bằng cơ chế giảm giá điện nước…

Ông Lý nói Singapore là một câu chuyện thành công nhưng cũng nhắc nhở rằng thế giới vận động không ngừng và 2 thập niên tới sẽ không giống giai đoạn phát triển trước đây.

Với áp lực cạnh tranh từ các quốc gia mới nổi, những đột phá về khoa học và công nghệ, Singapore sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức và cơ hội mới.

Do đó, người Singapore phải đặt cho mình những câu hỏi căn bản như:

Tương lai của chúng ta sẽ ra sao?

Ngôi nhà cho con cháu chúng ta như thế nào?

Ông Lý khẳng định niềm tin của mình về một quốc gia còn non trẻ, nơi mà bất cứ người dân nào trên đảo Sư tử cũng tự hào là công dân Singapore, muốn sống trong một đất nước thành công và cho phép mỗi cá nhân thực hiện được hoài bão, khát vọng của mình.

Để trả lời được những câu hỏi đó, ông Lý cho rằng Singapore phải tạo ra 3 yếu tố căn bản cho người dân với 3 từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ H là Hope (hy vọng), Heart (trái tim) và Home (ngôi nhà).

Người Singapore có quyền hy vọng về ngày mai tốt đẹp hơn; xã hội phải luôn có công lý, công bằng và tạo cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người; môi trường sống cởi mở cho phép ai cũng có khả năng nuôi dưỡng và biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Công dân Singapore được hưởng nền giáo dục tốt nhất để trở thành những cá nhân tốt hơn với kiến năng và kiến thức giúp bản thân tồn tại trong một thế giới đầy biến đổi.

Singapore phải là một xã hội gắn kết con người với nhau bằng trái tim, bằng tâm hồn.

Thành công của người này phải được trui rèn qua nghĩa vụ với người khác.

Cá nhân thành đạt có trách nhiệm đóng góp cho xã hội.

Từng người Singapore được đối xử với phẩm giá và trân trọng để cùng chia sẻ thành quả và không ai bị đẩy ra ngoài cuộc chơi.

Cuối cùng, đất nước Singapore phải là một ngôi nhà chung mà tất cả mọi người đều yêu thương.

Mặc dù chương trình nhà ở đã thành công trong các thập niên qua, nhưng Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục cố gắng để cho mỗi người dân cảm thấy gắn bó hơn khi tổ ấm của mình nằm trong những đô thị có không gian xanh tươi, hiện đại, bầu trời xanh và nước uống sạch sẽ.

Singapore phải là một ngôi nhà lưu giữ những kỷ niệm xưa và duy trì tình bằng hữu dài lâu, một mái ấm mà từng người dân cảm thấy mình phải bảo vệ.

Người lãnh đạo giỏi vì nước thương dân là người được đồng bào và người dân của mình lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng hành động vì sự nghiệp chung.

Trong phần cuối của bài phát biểu mừng Quốc khánh lần thứ 47, Thủ tướng Lý cho biết ông đã yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat chủ trì một ủy ban gồm các bộ trưởng trẻ để xem xét kỹ những gì Singapore đang thực hiện.

Ông cũng mời gọi người dân tham gia ý kiến để tạo sự quyết tâm và đồng thuận ở mức độ cao nhất.

Viết tại Singapore, ngày 25-8-2012

 LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính 30-08-2012

——–

HỘI NHẬP ĐỂ LÀM GÌ?

“Tôi cảm thấy mình là người Singapore không khác gì là người Việt Nam.

Tôi đã bắt đầu yêu món ăn dân dã của Singapore, dòng sông Singapore mà tôi thường chạy bộ dọc theo, những buổi bắn pháo hoa mỗi lần quốc khánh trên bầu trời Singapore lộng lẫy, những khu mua sắm, những rạp chiếu phim mà tôi dành nhiều đêm xem phim, những ngôi trường mà tôi đã từng học và, điều quan trọng nhất, là những tình cảm bạn bè mà tôi có.”

Đó là tâm sự của sinh viên Việt Nam Lê Hà Thanh Mai với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và được ông dẫn lại trong bài phát biểu tại Trung tâm Văn hóa Đại học Quốc gia vào tối chủ nhật 26-8 vừa qua trong một sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng diễn ra hàng năm vào Chủ nhật thứ hai sau ngày Quốc khánh.

Theo truyền thống từ năm 1966, nhân dịp Quốc khánh người đứng đầu chính phủ  Singapore sẽ chia sẻ với người dân về những thách thức và định hướng tương lai của đất nước.

Theo lời của ông Lý, người sinh viên Việt Nam này là một điển hình thành công cho việc người nước ngoài hòa nhập vào xã hội Singapore:

Thanh Mai đến Singapore lúc 15 tuổi theo chương trình học bổng của chính phủ và  sáu năm sau, “khi trở thành sinh viên trường Đại học Quản lý Singapore (SMU), cô đã trở nên  bản địa  hóa (localized) đến mức nếu không biết tên, bạn có thể sẽ không biết cô ấy từ đâu đến”.

Tôi không rõ ông Lý có gặp gỡ trực tiếp Thanh Mai hay không nhưng nếu gặp một công dân Việt Nam đã học tập, sinh sống và làm việc tại Singapore từ hơn 15 năm nay như tôi, có lẽ ông sẽ thất vọng.

Nhìn bề ngoài tôi có vẻ giống người Singapore, nói tiếng Anh bị pha tạp theo kiểu  Singlish, say mê với công việc, sòng phẳng trong các mối quan hệ.

Nhưng nếu hỏi về cảm nhận,  mặc dù coi Singapore là ngôi nhà thứ hai, tôi vẫn là người Việt Nam, thích ăn cơm với nước mắm, canh chua cá bông lau, phở, bún thang, bún riêu…

Tôi có tính toán thật đấy nhưng khi nhiều lúc xem tiền bạc không còn quan trọng nữa mà “trọng nghĩa khinh tài”, thiên về tình cảm.

Mặc dù biết tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác, tôi vẫn nhận thức rõ tiếng Việt là ngôn ngữ  mình sử dụng hay và hiệu quả nhất…

Nói tóm lại, tôi ở đảo quốc Sư Tử đã  lâu mà vẫn chưa thể có cảm nhận “mình là người Singapore”.. như Thanh Mai.

Cũng trong bài phát biểu nói trên, Thủ tướng Lý cho biết thời gian đầu mới đến Singapore , Thanh Mai đã gặp nhiều khó khăn trong hội nhập.

Giờ đây, Thanh Mai được bầu làm thư ký của Hội sinh viên SMU.

Theo nhật báo The Straits Times, sau khi tốt nghiệp cô có ý định tiếp tục ở lại Singapore để phục vụ ba năm theo yêu cầu của học bổng và bạn trai của Thanh Mai là người Singapore.

Là một sinh viên nước ngoài học giỏi và được Thủ tướng nêu đích danh trong sự kiện có ý nghĩa trọng đại, nếu mọi sự hanh thông, có nhiều khả năng Thanh Mai sẽ trở thành công dân Singapore và được hưởng nhiều quyền lợi…

Hình ảnh của Thanh Mai phải chăng là mơ ước của nhiều bậc cha mẹ Việt Nam muốn con cái học tập, sinh sống và thành đạt ở nước ngoài?

Cách đây 10 năm, khi chia sẻ kinh nghiệm trong hội thảo của một trung tâm tư vấn du học khá uy tín ở Việt Nam, tôi có nói khả năng trở về nước của du học sinh Việt Nam thì anh giám đốc trung tâm nhắc khéo:

“Người ta đã đi thì đi luôn, ai tính chuyện về?”

Mong muốn cho con cái thành đạt ở nước ngoài, thậm chí định cư ở một quốc gia giàu có tiên tiến là điều chính đáng và bình thường trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Trong các buổi hội thảo hay trao đổi riêng tư, có nhiều bạn trẻ cho rằng phải về Việt Nam làm việc mới là cống hiến, mới là yêu nước.

Trong khi đó, nhiều người bạn cũ của tôi tỏ ý ngạc nhiên:

Singapore có gì hay ho mà tôi vẫn cứ tiếp tục ở đây trong khi cuộc sống ở quê nhà sung sướng và hạnh phúc hơn với cộng đồng, gia đình và bạn bè thân hữu.

Ngoài ra, với kỹ năng nghề nghiệp sẵn có, nếu không đòi hỏi quá cao, có lẽ tôi sẽ có được một công việc ổn định, sống an nhàn và hưởng thụ chính đáng.

Nhưng Singapore đã cho tôi cơ hội để làm nhiều điều có ý nghĩa cho quê nhà với vai trò của một công ty tư vấn và dịch vụ kinh doanh chuyên nối kết Việt Nam với Singapore và Đông Nam Á.

Tôi may mắn được ban biên tập của hai tờ báo có uy tín ở Sài Gòn quan tâm và ưu ái chia sẻ những bài viết từ  Singapore để đóng góp một phần rất nhỏ của mình vào sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước.

Cuộc sống khắc nghiệp ở Singapore buộc tôi mỗi sáng thức dậy phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, nhưng những đồng tiền của tôi sẽ vô nghĩa nếu tôi không biết sử dụng chúng để làm những chuyện có ý nghĩa, để trở thành một người Việt Nam đàng hoàng, xứng đáng, vinh danh cho xứ sở quê hương mình cho dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới./.

 LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG 30-08-2012

——–

VĂN HÓA 5 XU

Tại Singapore, đồng bạc kẽm 5 xu (tương đương 825 đồng Việt Nam) không thể mua được thứ gì cả và đã từng có ý kiến nên loại bỏ nó khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ.

Thế nhưng, trong thư phản hồi mới đây trả lời độc giả Wong Kam Wah của nhật báo The Straits Times (TST), Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cho biết chưa có ý định thu hồi đồng 5 xu vì nhu cầu sử dụng vẫn tăng:

Số lượng tiền xu trung bình hàng tháng mà MAS phát hành cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu khách hàng đã tăng từ 3 triệu vào năm 2006 lên đến 5 triệu trong năm ngoái.

MAS nói thêm:

“Theo Luật tiền tệ (Currency Act) hiện hành, doanh nghiệp ở Singapore phải chấp nhận đồng 5 xu do MAS phát hành đối với bất cứ khoản thanh toán nào không quá 2 đô la Singapore (SGD).

Doanh nghiệp không thể chấp nhận mệnh giá của tiền giấy hay tiền xu nào đó phải đăng thông báo tại cơ sở mình cho khách hàng biết.

Bất cứ ai gặp khó khăn trong thanh toán có thể cho MAS biết chi tiết để chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp về nghĩa vụ của mình”.

Có lẽ nhờ luật pháp nghiêm minh và nhất là cái “uy” của MAS nên doanh nghiệp và người dân Singapore đều chấp hành yêu cầu sử dụng đồng tiền 5 xu nói trên.

Du khách nước ngoài đi taxi ở Singapore có thể được bác tài gửi lại tiền thừa chính xác đến đồng 5 xu.

Bạn bè và khách hàng Việt Nam của tôi thì chia sẻ cảm giác thích thú sau khi thuận mua vừa bán, nhân viên bán hàng tại Singapore trao bằng hai tay hóa đơn thanh toán cùng với tiền thối lại không thiếu một xu.

Còn bản thân tôi đã có lúc phải đứng một hồi lâu để tìm cho bằng được 5 xu trong bóp để trả đúng số tiền hàng trước quầy thanh toán tại siêu thị, trong lúc nhiều người xếp hàng phía sau không ai tỏ ý khó chịu hay than phiền.

Câu chuyện về đồng 5 xu nói trên có vẻ mâu thuẫn với tư duy thực dụng luôn hướng đến sự tiện lợi và hiệu quả của người dân Singapore.

Nhưng ngẫm ra cái văn hóa sòng phẳng, chi li đến từng đồng xu lại là tiền đề của những quan hệ hợp tác kinh doanh lành mạnh và lâu dài.

Du khách đến Singapore từ Tây Âu, nơi có hệ thống an sinh xã hội hoàn chỉnh, ngạc nhiên vì rất ít dịch vụ miễn phí cho người dân ở một nước có thặng dư ngân sách thường xuyên.

Bạn bè người Singapore của tôi thỉnh thoảng nói vui rằng triết lý của chính phủ là cái gì cũng phải trả tiền (“Pay and Pay”).

Ví dụ như giá cước phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện (MRT) được tính toán theo tuyến đường đi chênh lệch đến từng xu; người già hay trẻ em được giảm giá nhưng vẫn phải trả tiền đầy đủ.

Trong khu dân cư nơi tôi ở, những buổi họp mặt ăn uống cộng đồng có sự tham dự của đại biểu quốc hội đều có yêu cầu đóng góp cụ thể; số tiền không lớn nhưng hoàn toàn không có chuyện miễn phí.

Có thể đây là cảm nhận chủ quan nhưng phương cách tính đúng tính đủ của người Singapore đã giúp cho bản thân tôi tồn tại và đứng vững qua bao thăng trầm trong cuộc sống nghề nghiệp và thực tiễn kinh doanh.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi bị bà xã phê bình vì nhiều lúc quá sòng phẳng trong chuyện làm ăn hay quan hệ xã hội, nhất là trong lúc trà dư tửu hậu tôi nảy ý kiến đề nghị mỗi người đóng góp một chút để tổ chức thường xuyên các buổi họp mặt cho cộng đồng bạn bè thân hữu người Việt tại Singapore.

Tôi rút ra kinh nghiệm đây là  một sai lầm của bản thân trong ứng xử với những người đồng hương.

Thật vậy, người Việt rất ngại ngùng khi phải đề cập đến vấn đề tiền bạc và “cộng đồng” của người Việt tại Singapore chỉ là những nhóm nhỏ gặp gỡ nhau trên cơ sở những quan hệ quen biết và tình cảm quý mến nhau.

Tôi không rõ ở quê nhà và các nước khác có người Việt sinh sống thì các cộng đồng của ta được tổ chức như thế nào, chứ ở Singapore, khả năng hình thành một cộng đồng của người Việt gắn kết theo kiểu hội đoàn và “văn hóa 5 xu” của người Hoa hay các sắc tộc khác là chuyện xa vời.

Phải chăng do quan niệm đến với nhau trên cơ sở tình cảm là chính, thương nhau chín bỏ làm mười mà hầu hết các hoạt động hay dự án cộng đồng của người Việt tại Singapore mà tôi có dịp trực tiếp hay gián tiếp tham gia đều không thành công hay không được duy trì thường xuyên.

Nếu bây giờ đem ra mổ xẻ chi tiết thì có lẽ độc giả sẽ lên án tôi là bị tiêm nhiễm văn hóa 5 xu của người Singapore nhưng có lẽ cũng nên chia sẻ với bạn đọc chuyện năm ngoái một nhóm doanh nhân trẻ người Việt sang Singapore nhờ tôi lo chuyện ăn trưa cho buổi hội thảo giao lưu.

Số lượng người tham dự mà ban tổ chức “chốt” cho tôi trước và sau khi đến Singapore là 60 và tôi đã liên hệ với một nhà hàng Việt Nam với giá một phần ăn thỏa thuận là 10 SGD/người.

Như vậy là số tiền mà tôi phải cần trả cho nhà hàng là 600 SGD.

Buổi giao lưu đã diễn ra thành công trong không khí vui vẻ náo nhiệt thường thấy của người Việt.

Nhưng người phụ trách đưa tiền cho tôi cứ nhìn tôi cười bẽn lẽn:

“Anh Huy ơi, em chỉ thu được 540 SGD thôi.”

Còn tôi thì chỉ biết nhìn cô rồi cầm tiền mà bảo:

“Được rồi, coi như công ty anh “tài trợ” phần còn lại!”./.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG 23-8-2012

——–

TUẦN TRĂNG…KHÔNG MẬT

Tuần trăng mật (honeymoon) là một trong những thời kỳ đẹp nhất của cuộc sống lứa đôi với không khí lãng mạn và những giây phút thư giãn, tận hưởng hạnh phúc.

Nhưng với một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng mới cưới ở Singapore, “yêu nhau không phải để nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” và honeymoon đồng nghĩa với những trải nghiệm thực tế gai góc hay những cuộc phiêu lưu đầy thử thách để đánh dấu một khởi đầu mới đầy ý nghĩa cho cuộc sống hôn nhân.

Điều thú vị là đây chẳng phải là “phong trào” do cá nhân hay tổ chức nào phát động.

Theo tiết lộ của đại diện STA Travel, chuyên thực hiện các chuyến du lịch cho học sinh sinh viên, các chuyến du lịch kết hợp công tác và lữ hành mang tính phiêu lưu, số du khách hưởng những tuần trăng… không cần mật này chiếm đến 5% trong tổng số khách hàng của công ty, tăng đáng kể so với con số 1% hay 2% trong ba năm qua.

Có đôi uyên ương thích đi du lịch theo kiểu dã ngoại phiêu lưu mạo hiểm băng rừng lội suối, leo núi, và cũng có những tân lang và tân giai nhân tranh thủ làm việc thiện nguyện sau khi cưới.

Trong con mắt của giới kinh doanh du lịch lữ hành tại Singapore, đây chính là một thị trường “hốc” (niche) với tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ trong các năm qua.

Nhật báo Singapore The Straits Times (TST) ngày 13-10 vừa qua đã dành hơn một trang khổ lớn để giới thiệu về một số khách hàng của phân khúc thị trường du lịch độc đáo này.

Trước tiên, xin chia sẻ với độc giả câu chuyện về nữ kỹ sư Sharon Ong cùng chồng là Willy Ong, một nhà quản lý trong ngành dịch vụ xã hội.

Đôi uyên ương này tận hưởng honeymoon bằng cách làm việc cho một nông trại ở Cộng hòa Czech và xây nhà ghép cho một cô nhi viện ở Rumania.

Làm lễ cưới vào tháng Giêng năm nay, honeymoon của đôi vợ chồng họ Ong không chỉ diễn ra trong một “tuần” mà tính ra hết nửa năm trời với việc đi du lịch theo dạng Tây ba lô đến 21 quốc gia trên thế giới, phải chịu đựng cái lạnh âm 25 độ C hay cái nóng hơn 50 độ C.

Có sức chơi có sức chịu, hai anh chị đều xin nghỉ việc sau khi cưới và chỉ mới quay lại Singapore vào tháng 8 vừa rồi.

Trả lời phỏng vấn của TST, cả hai từ chối tiết lộ chi phí đã trả cho tuần trăng… nếm mật nằm gai trong bảy tháng vừa qua.

Tuy nhiên, họ đều không giấu giếm rằng mọi chi tiêu phải được cắt giảm đến mức tối thiểu, ví dụ như tranh thủ đi đường vào ban đêm trên ô tô hay tàu hỏa, và trong đó đáng nhớ nhất là chuyến hành trình bốn ngày trên tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Những chặng đường “trăng mật ký” của họ bao gồm cả việc đi tham quan và cả hoạt động từ thiện.

Ngoài Cộng hòa Czech và Rumania, họ còn giúp cho một dự án của một tổ chức phi chính phủ của Uganda và tận mắt chứng kiến cảnh nghèo đói của người dân.

Willy và Sharon biết được những dự án từ thiện nói trên qua Internet và một số bạn bè ở nước ngoài.

Điểm đến hấp dẫn nhất của họ là Ethiopia với những cảnh quan tuyệt vời và nền văn hóa khá đặc thù.

Phần thưởng dành cho họ có lẽ là những cảm giác “siêu thực” khi đi trên biển đóng băng (frozen sea) trên eo biển Amursky Zaliv của Nga, đi xe gắn máy trong bóng đêm ở Chiang Mai (Thái Lan) hay ngồi trên một chiếc xe buýt bị thủng lốp đi xuống đồi trong chuyến hành trình 15 tiếng đồng hồ ở Tanzania.

Được hỏi là họ có muốn tiếp tục những chuyến đi tương tự như thế trong tương lai hay không, Willy thú nhận bảy tháng thì quả là thời gian khá dài nhưng những lần tới cả hai sẽ đi theo thời gian ngắn hơn.

Nhưng điều quan trọng, theo Sharon, những việc làm thiện nguyện làm cho hai vợ chồng hiểu và gắn bó với nhau hơn, chứ không chỉ đi chơi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa…

Một kinh nghiệm du lịch hưởng tuần trăng… dễ bị “dập mật” khác mà TST giới thiệu với độc giả là của anh Chee Kang Yee, 36 tuổi, cùng cô vợ trẻ Ng Peck Chia, 29 tuổi, làm nghề quản thủ thư viện.

Cô Ng cho biết là từ thời đi học cũng có một vài hoạt động dã ngoại trong trường còn anh Chee thì chỉ được lăn lộn với thực tế bên ngoài trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự.

Sau khi chính thức kết hôn vào tháng 10 năm ngoái, cả hai quyết định mua một chương trình du ngoạn châu Phi 18 ngày bằng đường bộ với tổng chi phí 9.000 đô la Singapore, trong đó có những chặng đường tự mình tổ chức nhưng đa phần là có sự hỗ trợ của Công ty Du lịch lữ hành STA Travel.

Cùng với 10 lữ khách khác, họ đã thực hiện hành trình trên một chiếc xe tải và lưu trú trong những căn lều trong công viên quốc gia ở Nam Phi, Mozambique và Swaziland.

Cũng có lúc họ phải tự mình căng lều, tự nấu ăn và giặt giũ trong suốt chuyến đi.

Không có lều thì vào ở khách sạn giá rẻ dành cho khách du lịch “bụi” và cũng có khi họ phải dè chừng bọn du côn lảng vảng gần khu vực khách sạn.

Nhưng phần thưởng dành cho họ là được tận mắt chứng kiến cuộc sống của động vật hoang dã và phong cảnh thiên nhiên của hoang mạc châu Phi.

Tuy nhiên “cái được” lớn nhất, theo cô Ng, lại là bài học rút ra từ kinh nghiệm thực tế, được nhìn thấy vấn đề từ một góc độ khác và có những điều nếu chỉ quanh quẩn ở Singapore thì không có cách gì hiểu được, nhất là ý nghĩa của cuộc sống.

Nhưng “điển hình” tình yêu nhìn về một hướng theo cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng hẳn phải là câu chuyện của cô gái người Singapore 34 tuổi, Alice Giam, phải lòng anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Nepal 36 tuổi, Deepak Shrestha, cách đây hai năm trong một chuyến du lịch mạo hiểm leo núi.

Sau khi trao nhẫn cưới cho nhau vào năm ngoái, họ dành 18 ngày để chinh phục đỉnh núi tuyết Island Peak cao 6.190 mét trên dãy Himalaya hùng vĩ có nhiệt độ và đường đi gần giống nóc nhà thế giới Everest.

Chi phí cho mỗi người là 3.600 đô la Singapore tính cả tiền vé máy bay từ  Singapore đi Nepal nhưng vì Deepak Shrestha cũng là chủ của hãng lữ hành Divine International Explore and Treks tổ chức chuyến đi này nên hai người chỉ phải trả một phần.

Alice đã quyết định nghỉ hẳn việc ở một công ty tổ chức sự kiện sau khi lập gia đình để bước vào một chặng hành trình mới đầy thú vị trong cuộc sống.

Cô thú thật là hai tuần lễ trước honeymoon, với hội chứng sợ độ cao (altitude sickness), cô phải trải qua những cơn ác mộng khi nghĩ về việc chinh phục đỉnh Island Peak.

Nhưng người bạn đời của cô đã quyết tâm là họ phải cùng nhau làm một cái gì đó thật ý nghĩa.

Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, trong những giây phút mệt mỏi và khó khăn nhất khi đang ở độ cao 5.000 mét trên mực nước biển, Alice đã quyết định không bỏ cuộc để tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh Island Peak cùng với Deepak.

Những khó khăn vất vả trên từng chặng đường đi đã giúp Alice chín chắn và khẳng định niềm tin và giá trị của mình về tình yêu và cuộc sống.

Thật vậy, với Alice – Deepak cũng như các đôi uyên ương đã từng trải qua những tuần trăng… không cần mật, yêu nhau không phải chỉ để ngắm nhìn nhau mà là chia sẻ những vất vả khó khăn, hoạn nạn gian lao để tận hưởng giá trị đích thực của cái gọi là THÀNH ĐẠT trên đường đời.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

SINGAPORE CHỐNG GIAN LẬN THẺ THANH TOÁN

Kể từ ngày 1-7-2012 trở đi, Singapore bắt đầu chấm dứt việc quét thẻ từ (magnetic stripe) tại các điểm thanh toán đối với các thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ do các NH tại Singapore phát hành.

Đó là thông báo trên trang web chính thức của Hiệp hội NH Singapore (ABS) cùng với các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán bằng thẻ.

Đây là thông tin nằm trong mục NH dành cho người tiêu dùng (Consumer Banking) được trình bày dưới dạng hỏi và trả lời bằng ngôn ngữ ngắn gọn dễ hiểu, giải thích lý do tại sao Singapore phải chia tay với thẻ từ mà dùng thẻ chip theo công nghệ EMV, cũng như dự trù tất cả các tình huống người tiêu dùng phải đối phó trong quá trình sử dụng thẻ thanh toán trong hay ngoài nước.

Vai trò Hiệp hội NH

Thật ra, những phương cách và biện pháp phòng chống tội phạm lừa đảo thẻ tín dụng ở Singapore về kỹ thuật công nghệ cơ bản không gì khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây cho thấy vai trò rất quan trọng của ABS như một cơ quan tổng hợp, điều phối các hoạt động nghiệp vụ NH tại Singapore nói chung và vấn đề thanh toán bằng thẻ nói riêng.

ABS không những là cánh tay nối dài của NH Trung ương Singapore (MAS) đến các định chế tài chính, mà còn đưa ra các bộ quy tắc ứng xử buộc các NH phải tuân theo và đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.

Thay mặt các định chế tài chính NH thành viên, ABS thông báo những biện pháp với cách tiếp cận toàn diện nhằm tăng cường an ninh cho các loại thẻ thanh toán, cho phép chủ thẻ có thể an tâm hơn trước nguy cơ gian lận thẻ.

Chẳng hạn ABS thường xuyên nhắc nhở chủ thẻ/người tiêu dùng nên cập nhật thông báo cho NH biết các thông tin cá nhân của mình, như số điện thoại di động, địa chỉ email và thư tín.

Những thông tin này rất quan trọng và cần thiết, nhất là khi các NH cho khách hàng của mình một thiết bị gọi là “mật khẩu dùng một lần” (One-Time Password, gọi tắt là OTP), để sử dụng mỗi lần thanh toán trên mạng với các điểm thanh toán có trang web sử dụng công nghệ an toàn 3D.

Nhờ OTP, NH biết được khách hàng chính là người sở hữu thẻ khi thanh toán…

Nói cách khác, ABS là đầu mối liên kết giữa các NH và chủ thẻ thanh toán/người tiêu dùng để đảm bảo các bên có liên quan tuân thủ luật pháp và thực hiện các giao dịch NH phù hợp với thông lệ và trình tự thủ tục nghiệp vụ.

Tăng cường kiến thức bảo vệ người dùng

Ngoài ABS, không thể không nhắc đến vai trò của Cục Phát triển Công nghệ Thông tin (IDA) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore (MCI).

Còn nhớ cách đây 7 năm đã xảy ra sự cố mất thông tin 40 triệu thẻ tín dụng tại CardSystems Solutions (Hoa Kỳ), nơi lưu trữ chi tiết tài khoản của hệ thống MasterCard, Visa… toàn cầu, dẫn đến nguy cơ giao dịch giả, khởi đầu là Nhật Bản, rồi đến Hồng Công, Australia, Singapore và cả Việt Nam.

Singapore may mắn không bị thiệt hại lớn do sự cố này, nhưng từ đó IDA đã vào cuộc và đẩy mạnh các chương trình giáo dục người tiêu dùng về những hiểm nguy trong giao dịch trên mạng.

IDA đã cùng ABS giúp MAS đưa ra những hướng dẫn về quản lý rủi ro về công nghệ và giao dịch NH internet cho các định chế tài chính và NH tại Singapore.

Nhờ đó, thiệt hại xảy ra đối với giao dịch thanh toán bằng thẻ trên mạng ở Singapore nếu có phát sinh cũng được giảm ở mức thấp nhất.

Gian lận thanh toán NH giờ đây mang tính chất toàn cầu và xuyên biên giới, do vậy IDA đã chủ động trong việc tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong khu vực ASEAN, IDA đã có những sáng kiến có ý nghĩa trong việc theo dõi và xử lý những đe dọa trong thanh toán trên mạng.

Cùng với nhiều quốc gia ASEAN, IDA đã thúc đẩy việc thành lập những “nhóm xử lý tình trạng khẩn cấp về vi tính” (Computer Emergency Response Team – CERT), thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng, tìm cơ hội hợp tác ngăn ngừa và dập tắt những nguy cơ về gian lận thanh toán mạng.

Trên tinh thần hợp tác người dân-tư nhân-chính quyền (gọi tắt là 3P), IDA còn lôi kéo sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ internet ở Singapore, như  PacNet, SingNet và StarHub để đáp ứng nhu cầu giáo dục người dân về an toàn trên internet và trang bị cho họ những kiến thức căn bản về an ninh trên mạng.

Cuối cùng, trong công tác chống gian lận thẻ thanh toán tại Singapore, không thể thiếu sự có mặt của Lực lượng Công an (SPF) thuộc Bộ Nội vụ Singapore.

Điều cần học hỏi ở đây  không chỉ là sự hiệu quả trong công tác phá án và xử lý vụ việc, SPF đã chủ động tăng cường giáo dục người dân về các hình thức tội phạm thương mại nói chung và thẻ thanh toán nói riêng.

Cũng giống như ABS và IDA, trên trang SPF có rất nhiều thông tin mang tính giáo dục với những lời khuyên về cách thức nhận biết, xử lý tình huống và biết mình phải làm gì khi đối đầu với tội phạm.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

VÌ SAO NGƯỜI SINGAPORE ÍT CƯỜI?

Cách đây không lâu, trên tờ Jakarta Post của Indonesia có đăng bài viết của tác giả người Indonesia tên là Mario Rustan nói về cú sốc văn hóa khi đến tham quan và làm việc tại Singapore.

Ông cho biết người Indonesia từ trước đến nay vẫn xem mình là một dân tộc lịch lãm, thân thiện và hay mỉm cười; người Indonesia rất lịch sự và nhã nhặn trong giao tiếp…; học sinh Indonesia được giáo dục rằng du khách nước ngoài yêu mến đất nước Indonesia vì sự thân thiện và lịch lãm.

Thế rồi, có dịp đến với đảo quốc Sư Tử, ông mới chợt nhận ra rằng Singapore là một đất nước không thích cười (an unsmiling nation); người Singapore hay càu nhàu, la lối và nói rất nhanh bằng thứ tiếng Anh mà ông và người bạn Indonesia không thể hiểu được.

Theo quan sát của ông, nếu du khách là người da vàng, nhân viên cửa hàng sẽ chào hỏi bằng tiếng Hoa và tỏ vẻ thất vọng nếu người này không hiểu hay trả lời lại bằng tiếng Anh.

Khi ông xuống quầy tiếp tân của khách sạn hỏi thông tin về trạm tàu điện (MRT) gần nhất thì dường như người ta trả lời cho thật nhanh để đỡ tốn thời gian.

Xuống đến MRT, trong lúc đang lúng túng quan sát cách sử dụng vé thì đã có người đứng phía sau sẵn sàng lấn tới.

Trong cái nhìn của tác giả Rustan, dân Singapore là những người có cảm xúc mạnh mẽ, sống dữ dội, làm việc cật lực và chơi cũng hết mình (live hard, work hard, party hard) không giống như người Indonesia có thời gian để chào hỏi nhau, chỉ đường cho người lạ, sẵn sàng dành thời gian bầu bạn với người khác.

Ông Rustan chia sẻ về một trải nghiệm ở sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Indonesia:

Khi ông làm thủ tục tại quầy vé (check-in) trước khi lên máy bay,  nam nhân viên người Indonesia lịch sự chào ông và hỏi ông về số hiệu chuyến bay.

Sau khi trả lời câu hỏi của ông về cổng ra máy bay, nhân viên này hỏi ông sống ở đâu và đang làm nghề gì.

Trong khi đó, cũng gần quầy check-in, có khoảng hơn mười nhân viên sân bay bận đồng phục đứng tán gẫu và nói cười thoải mái.

Mà theo ông, những tình huống này không lạ gì ở Indonesia, khi nhân viên phục vụ vẫn vô tư cười đùa trước mặt khách hàng…

Còn ở  Singapore, ông Rustan kể lại chuyện một nữ độc giả của tờ Jakarta Post so sánh chuyện phục vụ tại sân bay Soekarno-Hatta và sân bay Changi (Singapore) khi bà này cần xe lăn cho người tàn tật.

Tại Singapore, nhân viên sân bay Changi vội vàng chụp lấy tay dìu bà đi; trong khi tại sân bay Soekarno-Hatta, nhân viên người Indonesia nở nụ cười và cúi người từ chối và nêu lý do tại sao không có xe lăn.

Ông Rustan kết luận, người Singapore hướng đến sự hiệu quả và không giải thích dài dòng; có lẽ họ quá chú trọng vào công việc nên ít bày tỏ cảm xúc và tiết kiệm nụ cười…

* * *

Liu Thai Ker là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng.

Cảnh quan sạch và xanh của đảo Sư Tử ngày hôm nay có bàn tay giúp sức của ông.

Trong một buổi thuyết trình về quy hoạch đô thị, ông cho biết Singapore là một đảo quốc không có tài nguyên thiên nhiên với phong thổ và địa hình không thuận lợi cho nên công tác quy hoạch và xây dựng phải thực hiện hết sức chu đáo, và không để bất cứ sai sót gì xảy ra ảnh hưởng đến tương lai trước mắt và lâu dài.

Chính vì lý do đó mà quan chức mà cụ thể là các bộ trưởng Singapore luôn căng thẳng khi trả lời phỏng vấn báo chí và giải thích với công luận.

Ông nói các bộ trưởng Singapore rất ít cười và thậm chí không dám nói đùa vì mỗi lời họ nói ra là nghiêm túc và hướng đến công việc

(“We mean business!”).

Liệu có thể dùng cách giải thích này của ông Liu cho cách ứng xử của người làm việc trong guồng máy nhà nước Singapore hay khu vực tư nhân?

Nhưng dù muốn dù không, hình ảnh đất nước nghiêm trang và thiếu nụ cười cũng khá mâu thuẫn với con số trung bình hàng năm không dưới 10 triệu du khách đến với Singapore trong nhiều năm qua.

Trong năm ngoái, đảo quốc Sư Tử đã đón 13,2 triệu du khách, tăng 13% so với năm 2010 và thu được 22,2 tỷ đô-la Singapore.

Dù không phải nhân viên phục vụ ở siêu thị, nhà hàng hay khách sạn nào cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát và dùng những cụm từ lịch sự như “Please” (Xin vui lòng) hay “Thank you” (Cám ơn) khi tiếp xúc với khách hàng;

dù du khách da vàng đến cửa hàng của người Singapore gốc Hoa sẽ được chào đón bằng câu hỏi cộc lốc:

“Ni Yao Shenme” (Bạn muốn gì?);

dù không có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hay di tích đồ sộ như nhiều quốc gia châu Á khác, người dân tiết kiệm nụ cười,

nhưng  du lịch Singapore vẫn không ngừng phát triển.

Có lẽ du khách không quan tâm đến chuyện người Singapore có thích cười hay không mà họ muốn đến để tận hưởng môi trường sạch sẽ, an ninh với nhiều lựa chọn về mua sắm, ẩm thực, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và những trải nghiệm về sắc tộc và văn hóa./.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

NGƯỜI TRUNG QUỐC Ở SINGAPORE

Người nước ngoài đến Singapore lần đầu tiên có thể lầm tưởng đây là một Trung Quốc thu nhỏ với tuyệt đại đa số người dân gốc Hoa với ngôn ngữ  giao tiếp chính là tiếng Quan thoại cùng vài phương ngữ khác như tiếng Phúc Kiến hay Quảng Đông.

Sang đất nước láng giềng Malaysia, bạn sẽ ngỡ ngàng hơn khi được biết trên dưới 30% dân số của quốc gia Hồi giáo là người gốc Hoa.

Nếu chịu khó dành ít thời gian tìm hiểu qua tài liệu, bạn sẽ dễ dàng phát hiện rằng người Hoa có mặt hầu như ở khắp nơi trên lãnh thổ các nước Đông Nam Á và một bộ phận  không nhỏ tỷ phú châu Á là người gốc Hoa…

Nhưng với tôi, Singapore không phải là Trung Quốc:

Quốc ngữ của đảo quốc Sư Tử là tiếng Mã Lai và tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giáo dục và bộ máy hành chính.

Bạn bè người Singapore của tôi chẳng ai có ý kiến gì về người Trung Quốc nhưng trên các trang web và mạng xã hội, không thiếu những lời bình phẩm không hay về người Hoa đến từ Trung Hoa Lục địa về những hành vi bất nhã như ăn to nói lớn, chen lấn khi xếp hàng, không chấp hành trật tự và giữ gìn vệ sinh công cộng…

Với riêng tôi, sau một một thời gian học tập, làm việc và sinh sống ở Singapore, tôi đã bắt đầu hiểu và biết cách phân biệt giữa người Hoa Singapore, người Hoa Malaysia và người Trung Quốc lục địa.

Nhưng khái niệm về người Hoa nói trên của tôi giờ đây không còn phù hợp nữa khi có rất nhiều người Trung Quốc nhập quốc tịch và trở thành công dân Singapore.

Theo con số thống kê chính thức, trong vòng 10 năm qua, với chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích nhập cư, Singapore đã có thêm khoảng một triệu công dân mới, phần lớn là người Trung Quốc lục địa.

Nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, sự có mặt của những người “anh em” làm nhiều người Singapore phẫn nộ.

Dư luận trên mạng xã hội cho rằng người Trung Quốc đến làm cho giá bất động sản tăng vùn vụt, lấy mất công ăn việc làm của người địa phương và phụ nữ Trung Quốc là nguyên nhân ly dị của  nhiều mái ấm hạnh phúc người Singapore.

Tàu điện ngầm ở Singapore giờ đây lúc nào cũng chật cứng và ồn ào với giọng nói lấn át của người Trung Quốc.

Có ai biết được họ đã nhập quốc tịch Singapore hay chưa nhưng vẫn nhận ra họ vẫn là người Hoa đến từ Lục địa với những hành vi và ứng xử đặc thù và rất…”Trung Quốc”.

Chính phủ Singapore sớm nhận ra chính sách khuyến khích nhập cư bắt đầu cách đây 10 năm đã làm dân chúng  không hài lòng và dẫn đến hậu quả là đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền liên tục mất phiếu sau mỗi kỳ bầu cử.

Sự thật hiển nhiên là càng ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc muốn nhập cư  Singapore.

Theo một khảo sát của Ngân hàng Trung Quốc, Singapore là điểm ưa thích thứ ba đối với người giàu Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài, sau Hoa Kỳ và Canada.

Điều là là tuy có cùng nguồn gốc Trung Hoa, người Hoa Singapore và người di cư từ Trung Quốc lục địa lại ít hòa hợp với nhau về mặt văn hóa.

Trên đảo Sư Tử hiện nay, có hàng nghìn học sinh Trung Quốc học tập cùng với các bà mẹ được luật di trú Singapore chấp nhận dưới thuật ngữ tiếng Hoa thông dụng là  Peidu Mama (dịch từ tiếng Anh là Study Mother).

Theo luật pháp hiện hành, những người phụ nữ này không được phép làm việc nhưng làm sao có thể kiểm soát hết khi họ làm chui như phụ giúp việc nhà hay hành nghề phi pháp.

Theo quan sát của nhà báo Andrew Jacobs thuộc tờ New York Times, số lượng phụ nữ Trung Quốc ở những khu vực đèn đỏ như Geylang có lúc lấn át số lượng kiều nữ lâu nay vẫn đến từ Thái Lan và Philippines.

Qua báo New York Times, độc giả có thể làm quen với nhân vật Yang Mu, một kinh tế gia sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh đến Singapore vào năm 1992 và trở thành công dân ba năm sau đó.

Ông cho biết đã tham gia bầu cử được bốn lần và không ngần ngại bày tỏ niềm hạnh phúc được sống trong một đất nước mà người ta có thể tin tưởng vào người dân và chính phủ.

Nhưng ông nói thêm rằng là ông không cảm thấy mình là người Singapore và khi về hưu, nhiều khả năng ông sẽ trở về Trung Quốc.

Cảm giác “không thấy mình là người Singapore” của ông Yang Mu có lẽ là cảm giác chung của nhiều người Trung Quốc lục địa như ông.

Thật ra, đối với nhiều người Singapore, câu chuyện nói trên về kinh tế gia người Trung Quốc Yang Mu không có gì mới.

Có một vài người bạn của tôi,  không phải người Trung Quốc (trong đó có một vài người Việt Nam) đã trở thành công dân Singapore trong một thời gian ngắn nhờ chính sách khuyến khích nhập cư cách đây 5-10 năm.

Nhưng mấy người này hiện nay lại không sống làm việc tại Singapore.

Sinh ra và lớn lên ở các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhưng bây giờ họ mang hộ chiếu màu đỏ có biểu tượng đầu Sư Tử mình cá để đi lại dễ dàng và hưởng các phúc lợi và ưu tiên chỉ dành riêng cho công dân Singapore.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

HỌC TIẾNG PHÁP ĐỂ LÀM GÌ?

Câu hỏi trên bắt đầu luẩn quẩn trong đầu tôi sau khi tôi trúng tuyển đại học ngành ngữ văn Pháp cách đây 26 năm.

Tâm trạng háo hức của những ngày đầu “vào đại học” đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự thật phũ phàng: tiếng Pháp là một ngoại ngữ “thoái trào”: chỉ có 9 sinh viên hệ chính quy.

Vào thời điểm đó, tiếng Nga là ngôn ngữ thời thượng   được nhiều người học, học bổng du học khá dồi dào, cơ hội làm việc rộng mở.

Nhưng biết làm sao được, đối với tôi tiếng Pháp là cánh cửa vào đại học.

Sau này, lúc ra đời, ngoại trừ một thời gian ngắn, tiếng Pháp không còn cần thiết cho cuộc sống nghề nghiệp của tôi nữa.

Dù sao với tôi, tiếng Pháp không chỉ gắn  liền với quá khứ và kỷ niệm thời học sinh sinh viên mà còn ngôn ngữ của thi ca, của âm nhạc, của tình yêu của những giai điệu tình ca muôn thưở…

Nay, câu hỏi “Học tiếng Pháp để làm gì?” lại trở thành “vấn đề nóng” trong gia đình khi vợ chồng tôi xin Bộ Giáo dục Singapore (MOE) cho con gái miễn học “tiếng Hoa như tiếng mẹ đẻ” (Mother Tongue) trong chương trình chính khóa.

Con gái tôi hiện đang học lớp 5 và cháu sẽ phải thi tiếng Hoa như một trong những môn lấy điểm trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) vào cuối năm lớp 6.

Ở trường cháu vẫn học tốt môn tiếng Hoa nhưng chúng tôi vẫn kiên trì xin miễn môn học này với lý do chúng tôi là người Việt, ở nhà không giao tiếp bằng tiếng Hoa.

Ngoài ra, chúng tôi  không thể kèm cặp cho con gái vì vốn liếng tiếng Hoa có hạn.

Thêm nữa, nếu được miễn học/thi tiếng Hoa vốn tốn rất nhiều thời gian, con gái tôi sẽ dành thời thời gian tập trung vào các môn toán và khoa học cho kỳ thi PLSE trong năm tới.

Cuối cùng thì MOE cũng chấp thuận cho con gái tôi được miễn môn tiếng Hoa nhưng kèm theo một điều kiện là cháu phải học một trong các ngôn ngữ châu Á là tiếng Ả Rập, tiếng Myanmar, tiếng Thái.

Bốn ngoại ngữ chính thức khác được MOE chấp thuận là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật.

Cháu có thể đăng ký học ở trung tâm ngôn ngữ của MOE hoặc tìm gia sư bên ngoài.

Bà xã tôi thắc mắc tại sao tiếng Việt không nằm trong danh sách nói trên nhưng đây không phải là lúc tranh luận với cơ quan công quyền của Singapore, nê tôi gửi thư cho MOE cùng với bằng cử nhân tiếng Pháp của tôi cách đây 22 năm và cho biết con tôi sẽ học tiếng Pháp với cha ở nhà.

Trong thư phản hồi, MOE yêu cầu tôi phải chịu trách nhiệm về việc dạy con và định kỳ thông báo về quá trình và kết quả học tập của con tôi vì tiếng Pháp sẽ là môn cháu cần tiếp tục khi lên bậc trung học.

Không rõ tương lai của con gái tôi sẽ ra sao nhưng trước mắt thì tiếng Anh là ngôn ngữ chính để cháu tiếp cận với tri thức và bằng cấp, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nói chuyện hàng ngày trong gia đình, còn tiếng Hoa và tiếng Pháp được học mỗi tuần hai tiếng vào buổi tối hay cuối tuần.

Sau này, khi vào đời con gái tôi sẽ biết được bốn thứ tiếng và kỹ năng ngôn ngữ  sẽ là một lợi thế.

Kể cũng thú vị vì hồi mới bước chân sang Singapore tôi cứ mong được như người Singapore vì họ biết tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác.

Nhưng bây giờ lâm vào hoàn cảnh “rất Singapore” thì tôi nghĩ khác.

Con gái tôi chắc không có được niềm hạnh phúc như tôi được học tiếng mẹ đẻ từ nhỏ với những di sản văn hóa lịch sử truyền thống đã ăn vào tận làn da thớ thịt.

Tiếng Pháp của tôi bây giờ không còn lưu loát như xưa, tiếng Anh của tôi sặc mùi Singlish, còn tiếng Hoa thì theo kiểu của người Quảng Đông…

Nhưng tôi vẫn tự hào cho người nước ngoài ở Singapore biết tôi là người Việt.

Lẽ đương nhiên, tôi mong cho con mình sẽ giỏi tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu như cháu không thông thạo tiếng Việt, biết yêu quý và trân trọng những giá trị cội nguồn Việt Nam./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Nếu như tháng 6 này không ít người trong chúng ta vui mừng khi Việt Nam được Quỹ Kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, công bố là quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới thì người dân quốc đảo Sư Tử trước đó cũng hân hoan không kém khi được Liên hiệp quốc (LHQ) đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á.

Lằn ranh hạnh phúc mong manh

Khác với cách đánh giá của NEF chỉ dựa vào mức độ hài lòng cuộc sống, tuổi thọ trung bình và môi trường sinh thái, bảng xếp hạng của LHQ có vẻ đầy đủ và toàn diện hơn với nhiều tiêu chí hạnh phúc liên quan đến thu nhập, giáo dục, y tế, tuổi thọ, kinh tế, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Theo bảng tổng sắp toàn cầu, Singapore đứng thứ 33 còn Việt Namđứng thứ 46.

Và nếu đúng như thế, phải chăng người Việt chúng ta kém hạnh phúc hơn người Singapore?

Trong chương 3 của báo cáo về hạnh phúc dày 170 trang, các chuyên gia của LHQ đã đưa ra các nguyên nhân giúp con người hạnh phúc, trong đó có những yếu tố bên ngoài (external factors) như thu nhập, việc làm, vốn xã hội và tôn giáo, giá trị tinh thần hay tâm linh và những đặc tính cá nhân (personal features) như sức khỏe thể chất và tinh thần, trải nghiệm gia đình, giáo dục, giới tính và tuổi tác.

Những tiêu chí này cũng tương đối dễ hiểu.

Thí dụ, những ai kiếm được nhiều tiền thường cảm thấy hạnh phúc hơn người ít tiền.

Tuy nhiên, qua một ngưỡng nào đó, thu nhập cao hơn lại không tương xứng với mức độ thỏa mãn của con người trong cuộc sống.

Trên thực tế, những người hay so đo thu nhập của mình với người khác lại chẳng mấy hạnh phúc.

Lấy trường hợp cụ thể của Việt Nam, nếu so với cách đây 5-10 năm, thu nhập của một bộ phận người dân tăng cao, có chắc những người này hạnh phúc hơn trước đây không?

Việc làm, thất nghiệp cũng ảnh hưởng đến thu nhập và làm cho người ta không hạnh phúc.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển có chế độ trợ cấp thất nghiệp, người không có việc làm cũng mất vị trí trong xã hội và lòng tự trọng bị tổn thương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia LHQ, có công ăn việc làm cũng chưa chắc làm cho nhiều người hạnh phúc nếu công việc này bấp bênh, thiếu an toàn, môi trường làm việc không tốt, lệ thuộc vào người khác và thiếu tính chủ động sáng tạo, không thỏa mãn trong công việc.

Yếu tố kế tiếp cần phải kể là vốn xã hội, theo đó người ta có thể dựa vào sự hỗ trợ của những người khác như người thân, bạn bè, cộng đồng, xã hội khi gặp hoạn nạn.

Về mặt này, báo cáo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin không những của con người đối với nhau mà còn đối với pháp luật và thể chế.

Xã hội có công bằng không, chênh lệch giàu nghèo có quá lớn không, con người có tôn trọng nhau và cơ hội dành cho tất cả mọi người như nhau hay không để họ cảm thấy tự do và làm chủ được vận mệnh của mình.

Ngoài ra, tôn giáo là những giá trị tâm linh cũng tác động tích cực đối với hạnh phúc vì làm cho con người hướng đến những mục tiêu cao cả, cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Có những người không theo tôn giáo nào nhưng có ý  nguyện tốt, phục vụ cộng đồng và xã hội cũng cảm thấy tự hào về bản thân và hạnh phúc.

Yếu tố nền tảng nội tại

Nói đến những đặc tính cá nhân, sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của con người.

Băn khoăn, lo lắng, phiền muộn… là những cảm xúc làm con người kém hạnh phúc.

Không kể những người bị bệnh tâm thần, nếu bạn ở trong trạng thái tâm lý tiêu cực thường xuyên sẽ làm giảm sút năng suất lao động và những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, chán chường.

Còn nữa, những người có thể trạng yếu, đau ốm liên miên khó có hạnh phúc.

Những bệnh nhân mãn tính như tiểu đường dễ bị trầm cảm và ngược lại thái độ tâm lý tiêu cực cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người hạnh phúc thường ít bị cảm cúm và nếu có cũng nhanh chóng vượt qua.

Có gia đình, sống độc thân, ly hôn hay góa bụa cũng là những yếu tố liên quan đến hạnh phúc.

Nói chung, người có gia đình thường hạnh phúc hơn người độc thân và có tuổi thọ cao hơn.

Nhưng cũng không hoàn toàn như thế vì những người đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân lại đau khổ hơn những người sống độc thân.

Người phụ nữ độc thân thường hơn đàn ông độc thân về mức độ hạnh phúc, thăng tiến nghề nghiệp và tuổi thọ.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ đau ốm nhiều hơn nhưng họ luôn chủ động tìm bác sĩ hơn, trong khi đàn ông luôn tìm cách che dấu vấn đề của mình và giải quyết tiêu cực như rượu, bia hay bạo lực.

Một đặc tính cá nhân khác ảnh hưởng gián tiếp đến hạnh phúc là giáo dục.

Trình độ học vấn cao với các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp sẽ cho con người nhiều cơ hội việc làm và năng động thích ứng với những thay đổi thời cuộc trong xã hội.

Khả năng làm chủ bản thân và xử lý công việc độc lập cũng là những yếu tố bổ sung làm con người hạnh phúc.

Một điều lý thú khác là hạnh phúc không giảm khi tuổi càng cao.

Nghiên cứu cho thấy mức độ thỏa mãn của con người đi theo đồ thị hình chữ U, với mức thấp nhất trong độ tuổi 40-50 và sau đó lại gia tăng.

Theo các chuyên gia, có thể những người tuổi trung niên lúc này đã ổn định toàn diện về tâm sinh lý và nơi ăn chốn ở, gia đình.

Tuy nhiên, đáy của mức độ thỏa mãn cũng là thời điểm họ gặp căng thẳng hơn khi phải xử lý những vấn đề về sự nghiệp, nuôi dạy con cái, tích lũy nhiều hơn và trả tiền nợ thuê mua nhà.

Niềm hạnh phúc và thỏa mãn của những người sau độ tuổi 50 không nhất thiết do thu nhập cao hay gia đình ổn định hơn mà do họ đã khôn ngoan, chín chắn, thực tế và ít khát vọng hơn.

Lẽ đương nhiên, độ tuổi 70-80 là chu kỳ sức khỏe khác và người ta thường nói là ai tránh được mệnh trời…

Vài dòng chia sẻ về những tiêu chí hạnh phúc, tôi không rõ các bạn sẽ nghiêng theo “trường phái” hạnh phúc nào để đua tranh với người Singapore hay các quốc gia khác.

Nhưng tôi tin rằng người dân của những quốc gia hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến việc so sánh hơn thua xem ai hạnh phúc hơn.

Đó là những quốc gia mà người dân được học hành tử tế, có cơ hội làm việc và thăng tiến nghề nghiệp bình đẳng, môi trường sinh sống lành mạnh, tham nhũng thấp, thể chế chính trị, luật pháp rõ ràng, minh bạch.

Lãnh đạo của những quốc gia hạnh phúc là những người có đức, có tài, luôn ưu tư về sự phát triển thịnh vượng và bền vững của đất nước.

Những xếp hạng về hạnh phúc như thế này là cái cớ để họ xem xét và điều chỉnh lại chiến lược phát triển, đặt người dân của họ lên vị trí trung tâm.

Và tất cả những mục tiêu kinh tế – xã hội có thành công đến đâu cũng là vô nghĩa nếu người dân cảm thấy không hài lòng, thỏa mãn hay hạnh phúc.

LÊ HỮU HUY

 Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

LIỆU PHÁP…VIẾT

Cách đây 25 năm, giáo sư tâm lý học người Mỹ James Pennebaker thực hiện một khảo sát đơn giản trên bốn mươi sáu sinh viên:

Suốt bốn ngày, mỗi buổi tối các sinh viên này dành mười lăm phút để viết về những trải nghiệm bản thân trong cuộc sống.

Một số sinh viên được yêu cầu viết về những trải nghiệm đau thương khi người thân qua đời.

Một số khác thì chỉ cần viết về những chủ đề vô thưởng vô phạt như công việc họ đã làm trong ngày.

Kết quả khảo sát khá thú vị:

Những sinh viên đã viết về trải nghiệm đau thương – những cảm xúc và sự kiện liên quan đến bản thân thì sức khỏe có vẻ tốt hơn những sinh viên chỉ viết về chủ đề chung chung.

Ví dụ như  số lần các sinh viên này đi khám bác sĩ ba tháng trước và sáu tháng sau khi khảo sát thì như nhau – trung bình 0,5 lần/sinh viên.

Trong khi đó, số lần khám bác sĩ của những sinh viên viết về chủ đề chung chung thì tăng từ 0,3 lần/sinh viên trước khi khảo sát lên 1,3 lần/sinh viên sau khi khảo sát.

Tiếp sau khảo sát trên đây của giáo sư Pennebaker, đã có nhiều thí nghiệm và nghiên cứu  cho thấy viết cũng là một hình thức trị liệu hiệu quả cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Theo một công trình nghiên cứu được công bố vào năm 2008 của tạp chí Psychotheraphy Research (Anh quốc), mức độ lo lắng hay suy sụp tinh thần của nhóm bệnh nhân viết về cảm xúc của mình thì giảm rõ rệt còn nhóm khác chỉ viết về kế hoạch làm việc của mình thì không có thay đổi gì đáng kể.

Theo chuyên gia tâm lý Patricia Yap của Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH) Singapore, viết cũng là một trong những liệu pháp giảm đau hiệu quả đối với những người bệnh suyễn, thấp khớp  hay có vấn đề tâm lý.

Trong bốn năm qua, IMH đã thu thập những “tác phẩm” văn học và nghệ thuật của của 25 bệnh nhân và xuất bản thành một quyển sách mang tên “The write to recovery” (tạm dịch “Viết để phục hồi”).

Bà Yap nói:

“Qua việc chia sẻ những câu chuyện của họ, chúng tôi muốn động viên những ai đang vật lộn với những vấn đề nói trên và nuôi niềm hy vọng phục hồi”.

Không dùng tên thật mà chỉ lấy bút danh hay nghệ danh,  các “tác giả” trong quyển sách này viết để bày tỏ cảm xúc và suy tư về tình trạng sức khỏe tâm thần của mình, theo những nguyên tắc mà giáo sư tâm lý học người Mỹ James Pennebaker đã áp dụng cách đây 25 năm…

Không rõ các bệnh viện hay bác sĩ ở Việt Nam đã áp dụng phương pháp này chưa và có ai nhờ “viết” mà khỏi bệnh nhưng với tôi thì viết là một cách để giải tỏa nỗi cô đơn hay bức xúc trong thời gian sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người.

Nhưng điều trớ trêu đối với những nhà báo chuyên nghiệp hay cộng tác viên lâu năm như tôi thì viết là một hình thức lao động trí óc đầy vất vả từ lúc tìm kiếm ý tưởng, thu tập tài liệu cho đến lúc sắp xếp thời gian để ngồi viết.

Khác với việc soạn e-mail cho khách hàng hay trò chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp trên Facebook, người viết báo phải phục vụ cho nhiều người đọc với những tiêui chuẩn khắt khe về chất lượng thông tin và cách diễn đạt.

Nhưng dù sao, tôi có cảm giác thật sự khoan khoái sau khi viết xong một bài báo cho dù là dài hay ngắn; cảm giác đó còn mãi đến khi bài báo được đăng với tên hay bút danh của mình trên mặt báo.

Tính từ đầu năm đến bây giờ, tôi đã viết được  trên dưới ba mươi tác phẩm báo chí trong đó có một vài bài bằng tiếng Anh.

So với thời điểm này năm ngoái thì con số này cao hơn hẳn.

Tôi không để ý số lần đau ốm phải  uống thuốc hay khám bác sĩ có tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng bạn bè thân hữu và khách hàng đều nói tôi không thay đổi nhiều, thậm chí có người còn khen tôi  tôi trẻ hơn so với lúc trước.

Nếu liên tưởng đến khảo sát đã nói ở đầu bài của giáo sư tâm lý học người Mỹ James Pennebaker hay không, sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi vẫn luôn tốt nhờ chịu khó viết lách và gửi bài cho báo, bất kể bài báo của mình có được đăng hay không!

Nhưng sự  so sánh nào cũng khập khiễng vì phương pháp viết để trị bệnh (therapeutic writing) theo gợi ý của giáo sư James Pennebaker không giúp bệnh nhân trở thành nhà văn hay nhà báo.

Theo phương pháp này, bệnh nhân chỉ viết cho chính bản thân mình và nếu cảm thấy có điều gì đe dọa hay không an tâm thì đừng viết.

Với tôi, ngoài tác dụng giải tỏa nỗi cô đơn và bức xúc của kẻ xa quê, viết báo còn để phục vụ cho độc giả đã trả tiền mua báo và giúp họ rút tỉa ra những thông tin bổ ích hay bài học thực tiễn từ những trải nghiệm của người viết, trong một thế giới có quá nhiều sự lựa chọn./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

——-

PHỤ NỮ, RIÊNG TƯ VÀ THAM NHŨNG

Đầu tháng sáu này, báo chí ở nhà có vẻ “nóng” khi đưa tin về vụ án tham nhũng “đổi sex lấy hợp đồng” của ông Peter Lim Sin Pang, 52 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Phòng vệ Dân sự  (SCDF) thuộc Bộ Nội vụ Singapore.

Thật ra, đối với người dân Singapore, sự kiện này chẳng có gì mới.

Từ  đầu năm nay,  các phương tiện truyền thông đại chúng đã cho họ biết chuyện ông Lim cùng với một quan chức cao cấp khác đang bị điều tra do bị “nghi ngờ” (suspected) hay “được cho là” (alleged) đã có quan hệ tình dục với một mỹ nhân “cao, thon nhỏ, tóc dài và hoạt bát” (tall, slim, long-haired and vivacious).

Tuy nhiên, danh tính cụ thể của người phụ nữ  này thì chưa ai biết.

Năm tháng sau, vào ngày 6-6-2012, sự tò mò của dư luận mới được giải tỏa…

Thật bất ngờ, không chỉ một mà có đến ba người thuộc phái đẹp:

Đó là:

Pang Chor Mui, Giám đốc điều hành công ty Nimrod Engineering;

Lee Wei Hoon, Giám đốc Singapore Radiation Centre; và

Esther Goh, Giám đốc phát triển kinh doanh của NCS Private Limited.

Theo cáo buộc khá “chi tiết” của tòa, ông Lim đã có quan hệ tình dục với ba người phụ nữ nói trên vào những mốc thời gian và địa điểm cụ thể và ưu ái họ bằng những hợp đồng mua sắm.

Trong lúc ông Lim – người bị kết tội (accused) phải nộp tiền đặt cọc để được tại ngoại chờ đến phiên tòa sắp tới vào ngày 5-7 thì ba người phụ nữ nói trên vẫn làm việc bình thường và chỉ có cô Goh là không còn làm việc ở NCS.

Báo chí không có cách chi tiếp cận hay ghi hình “đối tượng” vì cơ quan hay gia đình họ cho biết “đã đi công tác nước ngoài” hay “nghỉ phép”.

Về phương diện này, nếu so với các đồng nghiệp ở Việt Nam, trình độ tác nghiệp của phóng viên Singapore hơi bị kém vì chỉ “moi” được vài thông tin ít ỏi như khu vực cư trú hay tình trạng gia đình của những phụ nữ này:

Ví dụ như cô Pang và cô Lee có chồng con đàng hoàng còn cô Goh thì vẫn độc thân…

Nhưng ở một đất nước mà mãi dâm đã được hợp pháp hóa và quyền riêng tư được bảo vệ thì các phương tiện truyền thông đại chúng hay các trang blog cá nhân cũng phải hết sức cẩn trọng trong việc đăng tải các thông tin cá nhân.

Dù muốn dù không, cho đến giờ phút này, ông Lim chỉ mới bị “cáo buộc” (accused) và dư luận nên chờ đến ngày 5-7, sau khi tòa cho ông Lim thời gian làm việc với luật sư để giải trình vụ việc để biết liệu ông này có thừa nhận toàn bộ cáo buộc của phía công tố hay còn uẩn khúc hay bức xúc về phía bị cáo.

Tiện thể, cũng cần nhắc lại rằng quy trình mua sắm công của nhà nước nói chung và của SCDF thuộc Bộ Nội vụ Singapore cho đến nay khá là chặt chẽ và ông Lim chỉ là một trong ba người có ý kiến quyết định trong việc ký kết hợp đồng với nhà cung cấp.

Giá trị hợp đồng trong vụ án này vẫn chưa được công bố và người ta vẫn chưa biết được ba người phụ nữ nói trên – chỉ là những người làm thuê – sẽ được doanh nghiệp của mình hưởng bao nhiêu khi lấy được hợp đồng béo bở từ cơ quan công quyền.

Động cơ tham nhũng của ông Lim phải chăng là vì tiền trong lúc lương cục trưởng của ông hàng năm chắc không dưới 500.000 SGD?

Nhưng nếu ông Lim dùng tiền cơ quan để “ăn bánh trả tiền” với “chân dài” nào đó thì sự việc sẽ đơn giản hơn vì luật sẽ khép ông vào tội tham ô hay biển thủ công quỹ (embezzlement) chứ không phải tham nhũng (corruption).

Luật pháp Singapore định nghĩa hành vi tham nhũng không giới hạn bởi khái niệm “hối lộ” (bribe) mà gồm tất cả những cả những hình thức “ban thưởng” (gratification), không chỉ là tiền, hiện vật mà bất cứ loại “ân huệ” (favour), “lợi thế” (advantage) hay “dịch vụ” (service) dưới bất cứ mô tả gì.

Theo Giáo sư Walter Voon, nguyên Tổng Chưởng lý Singapore, điều này cũng đảm bảo rằng người ta sẽ không dùng thủ đoạn xoay xở lách luật bằng những phần thưởng mang tính sáng tạo.

Và một khi có dính đến viên chức nhà nước, bất cứ sự bạn thưởng nào cũng được xem là có yếu tố tham nhũng.

Nói một cách khác, chưa tính đến chuyện doanh nghiệp của ba người phụ nữ nói trên có ký hợp đồng với SCDF hay không, chỉ cần quan hệ tình cảm thì đây là “hành vi sai trái cá nhân nghiêm trọng” (serious personal misconduct).

Nhiệm vụ của luật sư biện hộ cho ông Lim trong phiên tòa ngày 5-7 sắp tới là phải chứng minh rằng “sự ban thưởng” mà phía công tố đã phát hiện là không có yếu tố tham nhũng.

Theo luật sư Amolat Singh trong trả lời phỏng vấn với nhật báo tiếng Hoa Lienhe Wanbao, nếu ông Lim nhận tội (plead guilty) trong phiên tòa vào ngày 5-7 sắp tới, chắc chắn ba phụ nữ nói trên cũng được xem là phạm pháp và bị kết tội.

Số tiền phạt cho mỗi “tội danh” (charge) tham nhũng là 100.000 SGD hay tối đa năm năm tù hay cả hai.

Trong phiên tòa ngày 6-6 vừa qua, ông Lim đã bị tòa cáo buộc 10 tội danh.

Khả năng biện hộ của luật sư và sự  thành khẩn của bị cáo trước tòa vào ngày 5-7 có thể sẽ làm ông Lim nhẹ tội.

Có lẽ trong phiên tòa sắp tới, ba người phụ nữ đã làm tiêu tan sự nghiệp của ông Peter Lim sẽ xuất hiện và làm thỏa mãn sự tò mò của dư luận.

Rồi đây hình ảnh và thông tin về đời tư của họ và ông Lim sẽ xuất hiện nhiều hơn trên báo lá cải Singapore hay các trang web.

Nhưng có lẽ gia đình, con cái hay người thân của ông Lim cần được dư luận tôn trọng có thể giúp ông gột bỏ được vết nhơ ngàn đời vì tội tham nhũng.

LÊ HỮU HUY

——–

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI “CẦM LÁI”

MỘT

Tháng 5 vừa rồi ở Singapore xảy ra một vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 3 người chết và 2 người bị thương.

Người gây tai nạn là doanh nhân Ma Chi người Trung Quốc, 31 tuổi, tử vong tại chỗ sau khi lái chiếc siêu xe Ferrari chạy quá tốc độ vượt đèn đỏ đâm vào một chiếc taxi và văng vào một người điều khiển mô-tô bên đường.

Diễn biến tai nạn đã được ghi lại bởi nhân chứng ngồi trong chiếc ô tô đi phía sau taxi và đoạn băng video này đã nhanh chóng được đưa lên internet.

Dư  luận Singapore xôn xao cho rằng chiếc siêu xe Ferrari động cơ 670 mã lực là nguyên nhân gây chết người.

Tuy nhiên, nếu xem lại băng video, có thể thấy dù đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ được 4 giây nhưng người lái chiếc Ferrari vẫn không đạp thắng.

Theo một số chuyên gia về giao thông, nhiều khả năng chiếc Ferrari đã cách đèn tín hiệu giao thông 220 mét, dù đang lao với tốc độ 200 km/giờ nhưng nếu đạp thắng, người lái chiếc Ferrari có thể đã dừng xe lại và như vậy hậu quả tai nạn sẽ không trầm trọng đến thế.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì chăng nữa, trách nhiệm là của người cầm lái chứ không thể đổ lỗi cho chiếc xe…

HAI

Trong quản lý nhà nước hay quản trị doanh nghiệp, khi có vấn đề phát sinh gây hậu quả, nhiều khi người ta đổ lỗi cho cơ chế, hoàn cảnh khách quan hay một lý do nào đó mà quên đi trách nhiệm cuối cùng của người cầm lái đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp.

Trong tai nạn giao thông nói trên, doanh nhân Trung Quốc đã trả giá cho hành vi bất cẩn bằng mạng sống của mình.

Và nếu anh ta còn sống, luật pháp Singapore sẽ có những hình phạt chế tài nghiêm khắc mang tính răn đe để làm gương cho kẻ khác.

Sau vụ tai nạn Ferrari này, có ý kiến cho rằng luật pháp Singapore phải trừng trị kẻ gây tai nạn giao thông làm chết người và khép vào tội giết người.

Vậy còn những người “cầm lái” đã gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức hay doanh nghiệp, hình phạt gì cho họ là xứng đáng?

BA

Thuật ngữ quản trị tiếng Anh là “governance” cho đến nay chưa được dịch một cách thỏa đáng sang tiếng Việt.

Xét về từ nguyên, “governance” có gốc từ tiếng Hy Lạp “kybernan”, có nghĩa là “dẫn dắt” hay “cầm lái”.

Cũng giống như người lái xe, người đứng đầu một cơ quan, một tổ chức, một doanh nghiệp phải hiểu được guồng máy vận hành của phương tiện mà mình đang sử dụng, tôn trọng luật giao thông.

Nói rộng hơn, người cầm lái bất tài hay vô trách nhiệm có thể làm phá sản một doanh nghiệp, làm tan nát cơ quan tổ chức, thậm chí góp phần làm sụp đổ cả một chính quyền, một thể chế.

Thuật ngữ “governance” cũng có thể là hành trang tác nghiệp quý báu cho báo chí trong sứ mệnh “dẫn dắt” và “cầm lái” cho dư luận xã hội.

Nhà báo không thể chỉ đơn thuần đưa tin mà còn phải giúp cho độc giả hiểu được những quy trình, cơ chế, cấu trúc, môi trường, thể chế hay những tác nhân có liên quan.

Nói cách khác, người viết báo có trách nhiệm nói lên sự thật khách quan, có định hướng mang tính xây dựng nhưng không phán xét thay người đọc.

Một mẩu tin, một bài báo có chất lượng không chỉ đơn thuần có đầy đủ thông tin mà còn phải giúp người đọc suy nghĩ và nhận thức về trách nhiệm của mình như một cá nhân, một công dân hay một thành viên không thể tách rời trong guồng máy xã hội.

Một bài báo hay không chỉ có hàm lượng thông tin hay phân tích cao mà còn dẫn dắt và định hướng người đọc giúp họ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của an toàn giao thông.

Họ sẽ ghi nhớ việc không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện, khuyên nhủ bạn bè đồng nghiệp về hành vi an toàn giao thông, thậm chí trình báo cảnh sát về những trường hợp lái xe say rượu hay bất cẩn.

Vì thế, theo thiển ý của người viết, ngoài thực hiện tốt chức năng của mình là phát hiện tiêu cực, biểu dương cái tốt, nêu bật những điển hình tiên tiến, báo chí cần giúp cho xã hội có những người lái xe an toàn, những người cầm lái có năng lực và trách nhiệm, đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm vào việc hoàn chỉnh thể chế và luật pháp.

Viết tại Singapore, ngày 18-6-2012

Lê Hữu Huy (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

NGHỊ SĨ LƯU VONG

Nhiệm kỳ quốc hội ở  Singapore là năm năm, và dù cuộc tổng tuyển cử (general election – GE) chỉ mới diễn ra  năm ngoái nhưng ngày 26-5 sắp tới đây, 23.368 cử tri vùng Hougang phía Đông Bắc của đảo Sư Tử sẽ lại phải đi bầu để chọn cho mình một đại biểu quốc hội (ĐBQH) mới.

Chính trường Singapore lại sôi động, làm tốn hao giấy mực của báo chí chung quanh hai ứng viên tranh cử thuộc đảng Hành động Nhân dân (PAP) đang cầm quyền và đảng Công nhân (WP) hiện chiếm 6 trong số 90 ghế trong quốc hội.

Không nói thẳng ra nhưng  cử tri vùng Hougang cũng biết “thủ phạm” làm mất thời gian đi bầu ngày thứ Bảy 26-5 của mình chính là cựu nghị sĩ Yaw Shin Leong mà họ đã tín nhiệm trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống và cả báo chí mạng thì ông nghị Yaw hiện không có mặt ở Singapore mà lang thang ở các thành phố trong khu vực như Manila, Jakarta hay đến  TP. HCM và Hà Nội…

Ông Yaw có bị pháp luật truy nã hay làm điều gì xấu mà phải trốn tránh  như vậy?

Cách đây hơn mười năm, tháng 6-2001, doanh nhân trẻ thành đạt Yaw Shin Leong gia nhập đảng đối lập WP và nhanh chóng trở thành một chính khách sáng giá, đầy triển vọng.

Trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 7-5 năm ngoái, ứng cử viên đơn danh Yaw Shin Leong đã đánh bại đối thủ Desmond Choo thuộc đảng cầm quyền PAP với 64,8% phiếu bầu để thay mặt đảng WP nắm quyền quản lý khu dân cư Hougang.

Sự nghiệp chính trị đang xuôi chèo mát mái thì đến tháng giêng vừa rồi cả Singapore rộ lên tin đồn ông Yaw có quan hệ ngoài hôn nhân với một nữ đảng viên WP và cả một phụ nữ người Trung Quốc.

Thái độ bất hợp tác trước với công luận – không thừa nhận mà cũng không phủ nhận – đã khiến cho Ban chấp hành Trung ương WP quyết định khai trừ ông Yaw ra khỏi đảng vào ngày 14-2 với lý do “thiếu kín đáo trong đời sống cá nhân” (“indiscretions in personal life”).

Im lặng có nghĩa là đồng ý và  đến ngày 20-2, ông Yaw mới chính thức gửi thư cho Thư ký Quốc hội Singapore thông báo rằng mình sẽ không phản đối quyết định khai trừ nói trên.

Theo Hiến pháp Singapore, một khi ĐBQH không còn là đảng viên, bị khai trừ hay xin ra khỏi đảng chính trị mà mình đã làm đại diện khi tranh cử thì đại biểu đó mặc nhiên bị bãi nhiệm, chiếc ghế quốc hội được xem là trống (vacant).

Và để đảm bảo cho cử tri không bị “bơ vơ”, cần phải có một cuộc bầu cử bổ sung (by-election) để bầu chọn một ĐBQH mới.

Thứ Tư tuần trước (9-5), theo đề nghị của thủ tướng, tổng thống Singapore đã chính thức phát lệnh tổ chức bầu cử tại vùng Hougang vào ngày 26-5 sắp tới để có một đại biểu mới thay thế ông Yaw.

Sử sách Singapore giờ đây sẽ ghi nhận chuyện Yaw Shin Leong là nghị sĩ đầu tiên “tại vị” trong một thời gian ngắn ngủi 284 ngày và cũng là ĐBQH đầu tiên bị bãi nhiệm vì đã “đánh mất lòng tin, sự tín nhiệm và kỳ vọng của đảng và nhân dân” như nhận định của đảng WP.

Có lẽ quá xấu hổ vì hành vi đạo đức của mình và sau bị chính thức khai trừ đảng, ông Yaw đã rời khỏi Singapore để tránh sự  dòm ngó của báo chí và điều tiếng của người dân.

Theo nhật báo The Straits Times, trong suốt ba tháng qua cựu nghị sĩ Yaw  đi lại như con thoi giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và lưu trú mỗi nơi khoảng vài tuần.

Đầu tuần rồi, có người thấy ông Yaw đang cùng với vợ ở Hà Nội.

Hồi tháng Ba thì hình như ông đang ở đâu đó gần Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó nữa thì ông có mặt ở Hồng Kông, Thượng Hải, Myanmar hay Indonesia.

Ông Yaw hiện là chủ một doanh nghiệp cung cấp các hệ thống an ninh sinh trắc (biometric security system) có văn phòng tại TP. HCM, Campuchia và Philippines…

Trong lúc chờ dư luận nguôi ngoai, xem ra cuộc sống “lưu vong” như vậy cũng tốt vì nhờ đó ông Yaw có thể tranh thủ mở rộng quan hệ hợp tác và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Không ai rõ ông Yaw có thể trốn tránh được bao lâu nữa nhưng điều chắc chắn là ông phải trở về Singapoređể tham gia huấn luyện quân dịch dự bị (reservist training) bắt buộc theo luật pháp hiện hành.

Về mặt luật pháp, cựu nghị sĩ Yaw Shin Leong sẽ không gặp bất cứ rắc rối gì khi trở về Singapore.

Nhưng có lẽ khi trời quang mây tạnh, cựu nghị sĩ Yaw Shin Leong phải chính thức xin lỗi  những người đã bỏ phiếu tín nhiệm ông và nhất là vì đã làm mất thời gian của người dân, gây ra những chi phí xã hội không cần thiết trong bối cảnh quốc gia có nhiều chuyện đại sự đáng quan tâm hơn./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

KHI CHÍNH QUYỀN LẮNG NGHE DÂN…

Ba mươi năm qua, một nhóm cư dân vùng Clementi nằm ở phía Tây Nam đảo quốc Singapore đã bỏ công chăm sóc một mảnh đất hoang rộng 1.800 mét vuông dọc đường xe lửa từ  Singapore sang Malaysia, biến nó thành một khu vườn trồng các loại cây dễ trồng như khoai lang, mít, ớt, khổ qua… chủ yếu phục vụ” nhu cầu gia đình.

Nhưng ngày 6-3 vừa qua, Cục Đất đai Singapore (SLA) đã cho những người này biết rằng họ đã xâm phạm đất đai thuộc sở hữu nhà nước (state land), đã canh tác trái phép, đồng thời yêu cầu họ phải nhanh chóng dọn dẹp và giải tỏa trong vòng hai tuần lễ từ lúc ra thông báo, hạn chót là ngày 20-3-2012.

Trả lời câu hỏi vì sao mãi đến bây giờ mới “ra tay” xử lý, trong một thông báo liên ngành cùng với Cục Quy hoạch Đô thị Singapore (URA), SLA cho biết quyết định “giải thỏa mặt bằng” này dựa trên cơ sở một lá thư của một nữ cư dân trong vùng phàn nàn về việc đốt lá khô thường xuyên gây khói cay và ảnh hưởng đến mấy đứa con bị bệnh hen xuyễn của chị.

Theo luật pháp hiện hành tại Singapore, yêu cầu của SLA là hoàn toàn đúng đắn vì bất cứ ai chiếm  đất sở hữu nhà nước tại Singapore là hành vi phạm pháp, có thể bị phạt có thể lên đến 5.000 đô-la Singapore hay sáu tháng tù hoặc cả hai.

“Lý” là như vậy nhưng về mặt “tình” thì dư luận Singapore xôn xao và mong chính quyền cân nhắc vì “nông trại” này đã gắn bó với nhiều người dân vùng Clementi hơn 30 năm nay.

Trả lời phỏng vấn của báo Straits Times, cụ bà Seow Siew Eng, 72 tuổi, nói việc giải tỏa này làm bà rất đau lòng vì ngày nào bà cũng đi ra khu vườn này để  lượm lặt hoa quả đã có chứ không trồng trọt hay làm gì ảnh hưởng đến môi sinh môi trường.

Và mảnh vườn nhỏ này được bà “thừa kế” từ người cha nuôi gần 90 tuổi không đi lại được.

Một cư dân khác là anh Lester Yeong, 35 tuổi, nhân viên phòng thí nghiệm cho biết con cái anh lấy khu vườn này làm nơi vui chơi chạy nhảy.

Yeong và một số  người đã gửi đơn xin SLA cho phép họ tiếp tục sử dụng mảnh đất và trả một khoản phí danh nghĩa trong lúc nó chưa được sử dụng.

Trong khi đó, một tổ chức xã hội dân sự khác quan tâm đến việc bảo tồn đất hoang do ông Leong Kwok  Peng làm đại diện thì cho rằng mảnh đất này có giá trị di sản, đề nghị SLA nên cho phép người dân tiếp tục canh tác, và mảnh đất này nên trở thành một không gian công cộng cho tất cả mọi người, chứ không dành cho riêng ai.

Tuy nhiên, SLA không nhân nhượng với lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an ninh môi trường và tuân thủ luật pháp là trên hết.

SLA khẳng định  đến ngày 20-3-2012, nếu các cư dân này không tự giác dọn dẹp, chính quyền sẽ  buộc phải cưỡng chế…

Đuối lý, cư dân vùng Clementi đành viện đến sự can thiệp của bà nghị sĩ Sim Ann mà họ đã bỏ phiếu bầu lên trong kỳ bầu cử quốc hội năm ngoái.

Về hành pháp, bà Ann hiện giữ chức vụ trong nội các với chức danh thứ trưởng giáo dục và luật pháp nhưng về lập pháp, bà là đại biểu  quốc hội thể hiện cho tiếng nói của cử tri khu vực bầu cử Holland-Bukit Timah GRC trong đó có vùng Clementi.

Một tuần sau khi SLA ra lệnh giải tỏa, bà Ann đến hiện trường cùng với phóng viên báo chí.

Bà chỉ rõ những khu vực ao tù nước đọng là nơi trú chân cho muỗi, nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết; từ đó bà đề nghị người  dân Clementi nên hiểu tầm quan trọng của yêu cầu giải tỏa.

Tuy nhiên, bà cũng khẳng định là đích thân bà sẽ thay mặt người dân để nói với SLA về tâm tư tình cảm của họ đối với mảnh vườn này cũng như lắng nghe ý kiến đề đạt của họ để cuối cùng đưa ra giải pháp thỏa đáng.

Sự có mặt của bà Sim Ann đã xoa dịu tình hình căng thẳng giữa người dân và chính quyền và điều quan trọng hơn cả là SLA chấp nhận đối thoại.

Đại diện của SLA cho báo giới biết là họ sẽ cho người dân nhiều thời gian để tiến hành tự  thu dọn và sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quần chúng hay cộng đồng để làm sao mảnh đất hoang này phục vụ hiệu quả cho cộng đồng  trong lúc nhà nước vẫn chưa có kế hoạch khai thác cụ thể .

Dù đến nay chưa một giải pháp ổn thỏa nào được chấp nhậncó sao đi nữa thì người dân Singapore cũng cảm thấy tiếng nói của mình, qua vị đại diện dân cử, đã được chính quyền lắng nghe.

Bà Sim Ann khẳng định, sức khỏe cộng đồng phải là ưu tiên hàng đầu, còn chuyện sử dụng mảnh vườn ra sao, phục vụ cho nhu cầu của người dân như thế nào thì cần có thời gian đối thoại, thảo luận và đi đến giải pháp cuối cùng vừa có tình, vừa có lý./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: TBKTSG

——–

CHUYẾN THAM QUAN KỲ THÚ

Một trong những nỗi khổ tâm mà tôi chưa dám thổ lộ cùng ai từ hơn 5 năm qua là chuyện con gái tôi nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng Việt.

Định mệnh thật trớ trêu:

Trong lúc tôi đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lại không có đủ thời gian giúp con gái học tiếng mẹ đẻ.

Ở trường, con gái tôi phải học tiếng Anh và tiếng Hoa, khi về nhà phải học thêm để có thể vượt qua các kỳ thi gắt gao ở cấp tiểu học.

Khả năng vợ chồng tôi có thể làm được trong tầm tay là nói tiếng Việt với con lúc ở nhà.

Giờ đây, khi cháu lên lớp 5 chúng tôi nói gì cháu đều hiểu, chỉ có điều cháu thường trả lời bằng tiếng Anh còn tiếng Việt vẫn yếu.

Dù sao đi nữa, vợ chồng tôi cũng thấy hạnh phúc vì đã giáo dục cho con về cội nguồn của mình.

Hồi cháu học lớp 1, tôi có dịp dẫn cháu xem một bộ phim tư liệu ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước ở Cục Ngân khố Singapore, gần văn phòng tôi làm việc.

Phim có lời thoại bằng tiếng Anh nên tôi không giải thích gì nhiều.

Có dịp về Việt Nam, vợ chồng tôi thường dẫn con thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam, tận hưởng không khí sôi động và nhộn nhịp của TPHCM, tắm biển Vũng Tàu, ngắm nhìn bờ biển cát trắng Nha Trang hay ngang dọc sông nước miền Tây…

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến tham quan địa đạo Củ Chi của 2 cha con trong kỳ nghỉ giữa học kỳ vừa rồi.

Như mọi người đều biết, địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất cách TPHCM 70km về phía Tây Bắc, địa đạo được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép thành đồng”.

Lần đầu tiên tôi tham quan địa đạo cách đây 18 năm, khi làm cán bộ đối ngoại tháp tùng một đoàn lãnh đạo ngân hàng Hàn Quốc với quần áo com-lê, cà-vạt chỉnh tề.

Nhưng lần này cùng với con gái mới là cuộc hành trình về nguồn đúng nghĩa.

Tranh thủ quá giang anh bạn thân có cơ sở kinh doanh ở Củ Chi, nhưng do một số trục trặc kỹ thuật, mãi đến gần trưa 2 cha con mới đến cổng khu di tích địa đạo Bến Đình.

Con gái tôi ngoan ngoãn đi theo cha mua vé vào cửa nhưng cũng than sao trời nóng quá.

Tôi dẫn cháu ghé vào quầy hàng lưu niệm ngắm nghía rồi mua kem ăn để xoa dịu cái nóng.

Nhưng chỉ ít phút sau, cảm giác mệt mỏi nhanh nhóng tan biến khi 2 cha con bước vào bên trong khu di tích đứng trước những hầm địa đạo nho nhỏ lợp mái tranh.

Là khách tự do nhưng tôi cũng tỉnh bơ dắt tay con đi theo một đoàn khách có hướng dẫn viên nói tiếng Anh vào phòng chiếu video và sau đó được nghe giới thiệu thông tin chi tiết về địa đạo.

Khả năng trình bày bằng tiếng Anh của người hướng dẫn viên du lịch thật ấn tượng khiến không những cả đoàn du khách mà con gái 10 tuổi của tôi cũng chăm chú lắng nghe.

Tuy nhiên, sự có mặt của 2 vị khách châu Á trong đoàn du khách toàn người da trắng khiến đội ngũ hướng dẫn viên thuộc khu di tích “quan tâm”.

Chẳng mấy chốc, 1 hướng dẫn viên nam trong bộ đồng phục xanh đội nón tai bèo đến chào 2 cha con và tự giới thiệu tên Mớm.

Mớm có vẻ thích thú khi được biết con gái tôi nói tiếng Anh rất trôi chảy.

Kể cũng buồn cười, nếu như ở Việt Nam nhiều bậc cha mẹ tự hào khi con mình giỏi tiếng Anh thì tôi lại thấy buồn đôi chút vì phải làm phiên dịch viên bất đắc dĩ để con gái hiểu trọn vẹn những gì Mớm hướng dẫn.

Hai cha con chúng tôi được Mớm giải thích cụ thể về hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.

Điều làm con gái tôi thích thú nhất là hệ thống thông hơi của địa đạo được ngụy trang vào các bụi cây.

Theo hướng dẫn của Mớm, chúng tôi chui xuống một đoạn đường hầm và phấn khởi chụp vài bô ảnh sau khi hoàn thành “kỳ công” này.

Những kỳ tích huyền thoại từ địa đạo có thể vượt quá sức tưởng tượng của con người.

Mớm cho chúng tôi biết trong thời gian từ 1961-1965, dân quân Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là “xương sống”, sau đó hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, xã và các vùng.

Bên trên mặt đất là một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách.

Ngoài ra, trên địa đạo còn có nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông…

Mắt thấy, tai nghe, du khách đến với địa đạo Củ Chi có thể sống cùng với quá khứ oai hùng của một dân tộc ngoan cường không chịu khuất phục trước thực dân đế quốc.

Nhưng với con gái tôi, có lẽ quá sớm để nói với cháu về những điều này.

Tôi mua cho con 2 quyển sách ảnh tư liệu về khu di tích bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Pháp, 1 cái nón tai bèo và 1 chiếc máy bay trực thăng làm bằng vỏ lon coca.

Tôi giải thích với con thế nào là chiến tranh, kẻ thù là gì.

Không rõ con gái 10 tuổi của tôi cảm nhận như thế nào về những điều nói trên, nhưng tôi tự nhủ rằng đó cũng là một kỷ niệm đẹp.

Con gái tôi rồi sẽ trưởng thành, một ngày nào đó cháu sẽ trở lại khu tham quan này để cảm nhận một cách chín chắn hơn về những điều tôi đã chia sẻ từ thời niên thiếu qua chuyến về nguồn đặc biệt này với những bài học về giá trị gia đình và truyền thống dân tộc.

Không muốn làm phiền anh bạn thân đang bận bịu công việc ở công ty, tôi chủ động cùng con gái lên xe buýt công cộng từ khu di tích Bến Đình về bến xe Ngã tư An Sương, rồi từ đó chuyển sang một xe khác về trung tâm TPHCM.

Giá vé đi xe buýt chỉ có vài ngàn đồng nhưng vấn đề không hẳn là chuyện tiết kiệm chi phí đi lại.

Tôi không muốn con gái tôi về Việt Nam tham quan trong tư thế của một du khách mà phải có cái cảm nhận của người trong cuộc.

Đây là một trong những chuyến tham quan vất vả nhất của 2 cha con từ trước đến nay.

Nhưng những trải nghiệm từ đất thép thành đồng và cuộc hành trình trên xe buýt công cộng giữa cái ồn ào, bụi bặm và những hình ảnh thực tế, chân thật và sống động sẽ là hành trang quý giá cho con tôi trở thành một công dân Việt Nam biết sống hữu ích vì cộng đồng, xã hội và đóng góp vào sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

VÌ SAO CHUNG CƯ LUÔN CÓ GIÁ?

Trước khi trả lời câu hỏi nói trên, xin chia sẻ với độc giả một kinh nghiệm bực mình hồi cuối năm ngoái khi cái căn hộ tầng trên nơi tôi ở có chủ mới và tiến hành thi công sửa chữa.

Một buổi tối về nhà chuẩn bị đi ngủ, tôi phát hiện cái ống nước trên trần nhà tắm bị bể với mùi xi-măng nồng nặc và đất cát từ tầng trên rơi xuống.

Tôi dùng iPhone chụp ảnh hiện trường rồi vào trang web của Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) – cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà chung cư  – để tìm cách xử lý và thông tin liên hệ.

Sau khi hiểu rõ quyền của “bị hại”, tôi quyết định gửi e-mail cho HDB trình bày sự việc đã xảy ra với đầy đủ thông tin cần thiết, kèm tấm ảnh đã chụp.

Tôi dọn dẹp “chiến trường” rồi lên giường ngủ, lúc đó đã hơn 2 giờ sáng!

8 giờ 45 sáng hôm sau, lúc chuẩn bị đi làm, tôi nhận được cú điện thoại của một người tự giới thiệu tên là Chia, cán bộ HDB phụ trách quản lý khu nhà của tôi.

Ông bảo đã nhận được e-mail của tôi và khuyên tôi nên liên hệ trực tiếp với nhà thầu của căn hộ trên lầu để yêu cầu họ xử lý.

Ông nói tôi đừng lo vì đích thân ông cũng sẽ gọi điện cho nhà thầu để yêu cầu họ cẩn thận hơn trong việc sửa chữa và không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng xóm láng giềng.

Tôi lịch sự nói lời cám ơn nhưng trong thâm tâm cũng biết rằng ngoài chuyện cái ống nước bị bể trong nhà tắm, gia đình tôi phải chuẩn bị đương đầu với nhiều phiền toái do công trình đang tiến hành ở tầng trên.

Theo giấy phép của HDB dán ở thang máy và ngoài cửa căn hộ tầng trên, việc sửa chữa sẽ diễn ra trong vòng hai tháng, mỗi ngày trong tuần từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Nhà thầu phải tuân thủ các quy định ghi trong giấy phép và cư dân trong khu vực có căn hộ sửa chữa có thể liên hệ với HDB qua điện thoại/e-mail nếu có thắc mắc hay than phiền.

Nhờ cái “uy” của ông Chia, cái ống nước trên trần phòng tắm nhà tôi rồi cũng được phục hồi nguyên trạng theo đúng tiêu chuẩn quy cách.

Nhưng rồi gia đình tôi và hàng xóm  thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn và có khi vợ tôi phải đưa con gái vô thư viện học bài vì việc đục đẽo, đập gõ vẫn diễn ra sau 5 giờ chiều.

Những lúc quá bức bách cần than phiền thì tôi gọi điện hay e-mail cho Chia đề nghị can thiệp.

Thỉnh thoảng tôi hơi bực mình khi ông Chia nói tôi nên thông cảm với nhà thầu vì họ phải cố gắng hoàn thành công việc kịp thời hạn theo yêu cầu của chủ căn hộ mới.

Nhưng thông điệp của ông Chia cũng làm tôi nhớ lại cách đây ba năm, cái căn hộ của tôi cũng là đối tượng than phiền của hàng xóm khi tôi làm “ma mới” trong khu chung cư này.

Tôi hiểu mình cần phải hết sức bình tĩnh và kiềm chế vì ông bà ta có câu:

“Bán bà con xa mua láng giềng gần”…

Về quản lý đô thị, khu chung cư HDB tôi đang ở thuộc hội đồng đô thị Tanjong Pagar (tiếng Anh gọi là Town Council), là một trong số mười lăm hội đồng đô thị (HĐĐT) trên đảo quốc 5 triệu dân.

Theo thể chế luật pháp hiện hành tại Singapore, lãnh đạo HĐĐT là các đại biểu quốc hội (ĐBQH) được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm trong khu vực dân cư mà họ ra tranh cử.

Sau khi thắng cử, các ĐBQH này được giao trách nhiệm điều hành HĐĐT và tranh thủ nhận sự hỗ trợ của các tổ chức cộng đồng sắc tộc hay quần chúng.

Tại Singapore, ngoại trừ ĐBQH tham gia nội các làm bộ trưởng toàn thời gian có mức lương không dưới triệu đô, hầu hết các ĐBQH đều theo dạng bán chuyên trách, tức là đã có công việc ổn định.

ĐBQH phụ trách khu dân cư tôi ở là ông Chia Shi Lu, bác sĩ chấn thương chỉnh hình làm việc tại Singapore General Hospital.

Ngoài tiền lương ở bệnh viện, ông còn được hưởng trợ cấp ĐBQH hàng tháng là 15.000 SGD, cao gấp năm lần mức lương khởi điểm của một sinh viên mới tốt nghiệp đại học công lập Singapore.

Ông định kỳ tiếp dân vào các buổi tối thứ  sáu hàng tuần để lắng nghe ý kiến đề đạt của người dân.

Đó có thể là chuyện rất cỏn con như việc gia hạn thị thực cho một người chồng Singapore có vợ Việt Nam đã bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh từ  chối, chuyện vệ sinh môi trường trong khu dân cư cho đến những chuyện bực mình giận dữ của người dân đối với những quy định hay chính sách của nhà nước.

Thỉnh thoảng, ông còn đến từng căn hộ để bắt tay chào hỏi thể hiện tình cảm gắn bó với những người trong khu dân cư HDB đã bỏ phiếu bầu cho ông.

Nếu so với hệ thống hành chính quản lý từ phường, quận lên thành phố như ở ta, có vẻ như  cách quản lý đô thị Singapore khá lỏng lẻo vì HĐĐT chỉ làm mỗi cái việc là thỉnh thoảng lấy trợ cấp của chính phủ và thu phí của người dân để làm dịch vụ vệ sinh môi trường.

Mỗi tháng, căn hộ nhà tôi phải trả phí dịch vụ vệ sinh là 90 SGD, thấp hơn gấp 3 lần phí dịch vụ của một khu nhà ở tư nhân (condominium).

Không rõ với những người dư dả tiền bạc thì nghĩ thế nào, chứ với riêng bản thân tôi thì sở hữu và sống trong một căn hộ HDB có rất nhiều tiện ích mà nhiều khu nhà ở cao cấp không sánh bằng.

Từ nhà tôi có thể đi bộ ra ga tàu điện ngầm, trạm xe buýt, taxi, sân vận động, hồ bơi công cộng, thư viện cộng đồng.

Cách đó không xa là chợ, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa bán đủ mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt thường ngày của cư dân.

Gần đó là trường học, phòng khám đa khoa của nhà nước hay tư nhân, nhà thờ Hồi giáo, Thiên chúa giáo, chùa chiền.

Trường MDIS là nơi quy tụ học sinh sinh viên từ Việt Nam sang cũng mở thêm ký túc xá và một số gia đình có cơ hội tăng thêm thu nhập nhờ cho thuê phòng.

Kinh tế Singapore đã nhiều lần trải qua khủng hoảng và có lúc thị trường nhà đất đi xuống.

Nhưng những ai sở hữu căn hộ HDB thì có thể yên tâm về giá trị bất động sản của mình vì nó nằm trong những khu đô thị đầy sức sống, đất lành chim đậu, có nhiều người đến ở để học tập, làm việc, tận hưởng niềm vui sống, làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội.

Và có lẽ cung cách quản lý ngọn nhẹ nhưng đáp ứng kịp thời và đầy đủ theo yêu cầu của người dân như kể trên cũng là một trong những yếu tố khiến nhà chung cư ởSingaporeluôn được ưa chuộng và giữ được giá.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn: TBKTSG

——–

LÒ LUYỆN TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG CỦA SINGAPORE AIRLINES

Được trao bộ đồng phục Kebaya dành riêng cho tiếp viên nữ, điều đó đồng nghĩa với việc nhận mức lương tháng tối thiểu tương đương 56 triệu đồng, và trở thành một trong 7.000 tiếp viên của hãng hàng không Singapore.

Đây là một nghề mơ ước của nhiều cô gái ở đảo quốc Sư tử.

Có mặt trong thị trường hàng không của Việt Nam từ 20 năm nay, giới doanh nhân, khách lữ hành Việt chẳng ai xa lạ với hình ảnh những cô gái của hãng hàng không Singapore với nụ cười thật quyến rũ, duyên dáng trong chiếc xà rông Kebaya gọn gàng bó sát thân hình, tôn lên vẻ đẹp quý phái, sang trọng, đầy sức sống.

Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp từ cung cách phục vụ và ngoại hình ấy là cả một quá trình nỗ lực tuyển chọn, đào luyện, sàng lọc đầy vất vả…

Các cô gái Kebaya

Tuổi thấp nhất 18, đạt chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index) ở mức chuẩn, cao trên 1,58m… là những yêu cầu cơ bản để có thể trở thành một tiếp viên hàng không của hãng bay Singapore nếu trải qua bốn tháng đào tạo đạt chuẩn tại trung tâm Huấn luyện bay (SIA) với các môn học về kiến thức ẩm thực, thao tác phục vụ, quản lý hành khách, phong cách ăn mặc – ứng xử, kỹ năng giao tiếp, thao tác thiết bị an toàn, cứu thương…

Để có được tố chất đầy đủ của một tiếp viên hàng không chỉ trong bốn tháng, phần việc đào tạo ở SIA là một mấu chốt quan trọng.

Có mặt trong lớp học của buổi sáng hôm ấy tại SIA, giảng viên Patrick Seow tại trung tâm huấn luyện bay nói với tôi:

“Chúng tôi đào tạo và muốn các bạn tiếp viên trở thành một cầu nối, tiếp thị hình ảnh của Singapore với thế giới thông qua nụ cười, trang phục, các thao tác, cử chỉ…

Khi họ đã khoác lên mình bộ đồng phục Kebaya, thì vai trò lúc đó không còn là một người phục vụ đơn thuần, mà là một hình ảnh của con người và đất nước Singapore”.

Ở SIA, những chi tiết nhỏ như câu chuyện bộ xà rông Kebaya cũng được chú trọng giới thiệu để các học viên hiểu được bộ trang phục họ sẽ dùng khi trở thành tiếp viên của hãng bay Singapore.

Qua bốn lần thay đổi kiểu dáng, màu sắc, đến năm 1968, xà rông Kebaya ra đời chất liệu gồm 65% polyester và 35% cotton và giữ nguyên kiểu dáng cho đến nay.

Một lối thiết kế được giới thời trang thẩm định là lịch lãm, không lỗi thời, hoàn hảo và phù hợp với công việc, cũng như chức năng của một tiếp viên.

Giảng viên Patrick Seow cho biết:

“Các bạn ở đây khi đã được tuyển chọn vào đội ngũ tiếp viên hàng không, ngoài khoá đào tạo cơ bản ban đầu kéo dài trong bốn tháng, các bạn ấy sẽ được phục vụ trên các chuyến bay.

Sau thời gian một năm kinh nghiệm, các tiếp viên đó được tuyển chọn một lần nữa thông qua sự đánh giá của đồng nghiệp, của tiếp viên trưởng về các tố chất cá nhân như  cung cách và thái độ phục vụ hành khách và các tiêu chí đó được dùng để đánh giá mức độ đóng góp cho hãng bay.

Các cô phải trải qua một cuộc phỏng vấn riêng để chọn ra những người có năng lực có thể làm tiếp viên trưởng, hoặc làm tiếp viên phục vụ trong các khoang hạng thương gia trên những chuyến bay đường dài”.

Chuyên gia phục vụ

Với hơn 100 đường bay quốc tế đến 200 thành phố của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 42 triệu khách đi và đến Singapore hàng năm, SIA là hãng bay đầu tiên đưa vào khai thác siêu phẩm ngành hàng không là Airbus A380.

Do đó, đội ngũ tiếp viên phục vụ cho hãng bay này luôn phải được cập nhật các kiến thức cần thiết, đủ đẳng cấp để có thể phục vụ các thượng đế hạng thương gia trong những chuyến bay đường dài.

Một trong những kiến thức không thể thiếu đó là cung cách phục vụ rượu vang.

Một đồng nghiệp chuyên trách trong lĩnh vực hàng không cho biết, hãng bay Singapore là một trong những hãng bay tập trung khá chuyên sâu vào lĩnh vực rượu vang phục vụ trên máy bay khi mỗi năm mời chuyên gia thẩm định khoảng 600 loại vang khác nhau trên thế giới để chọn ra các loại vang phù hợp để phục vụ hành khách.

Những loại vang này không quá hiếm đến mức không đủ số lượng phục vụ hơn 6.000 suất ăn hàng ngày trên các chuyến bay, cũng không quá bình dân đến mức gây thất vọng với khách hàng khi đã chọn dịch vụ bay của hãng.

Để có thể nói chuyện về rượu vang, trở thành một chuyên viên phục vụ vang trên máy bay (Air Sommelier), các cô gái tiếp viên hàng không của Singapore Airlines có hẳn những giờ học riêng về bộ môn này.

Phòng học rượu vang ở SIA luôn bận rộn với các lớp huấn luyện, giảng viên Damon – người phụ trách giảng dạy các Air Sommelier cho Singapore Airlines, cho biết:

“Đây là nơi tập hợp sự đam mê, ham muốn học hỏi, và khát vọng cầu toàn của các tiếp viên bởi lớp học về vang không bắt buộc, các tiếp viên được tự do lựa chọn môn học này để có thêm kiến thức phục vụ những lữ khách sành về rượu vang trên các chuyến bay.

Các tiếp viên sẽ được học qua lý thuyết vào ban sáng, cách phối hợp các loại rượu vang với món ăn, và 3 giờ chiều hàng ngày sẽ được thử vang để tích luỹ kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Các học viên khi đạt chuẩn các kiến thức về rượu vang sẽ được đính một chùm nho trên ngực áo để phân biệt với các tiếp viên khác”.

Lớp học rượu vang lúc nào cũng đông đúc các tiếp viên theo học, nhưng trong tổng số khoảng 7.000 tiếp viên của hãng bay này, có chưa đến 100 tiếp viên được vinh dự đeo chùm nho trên ngực áo, điều đó cho thấy để trở thành một Air Sommelier cũng không dễ chút nào.

Giảng viên Patrick Seow nói thêm:

“Chúng tôi không chỉ huấn luyện các tiếp viên trở thành nhân viên có ích cho hãng bay, mà còn đào luyện họ trở thành một con người hoàn thiện, biết sử dụng những kiến thức và sự ân cần để phục vụ hành khách tốt, biết nở nụ cười đúng lúc, đúng thời điểm.

Nụ cười với các tiếp viên của chúng tôi là một thế mạnh, một điểm nhấn dễ gây ấn tượng đẹp với khách hàng, nhưng nếu sử dụng thế mạnh ấy sai thời điểm thì nó sẽ gây ra tác dụng ngược…”

Với nền tảng được giáo dục, đào tạo bài bản từ thể chất đến các kiến thức phục vụ, bao gồm cả tâm lý học, các cô gái chân dài của hãng bay Singapore thường được các hãng hàng không khác săn đón mời về hợp tác.

Nhìn trong danh sách các giải thưởng thường niên của Skytrax World Airport Awards – một Oscar của ngành hàng không và du lịch thế giới, luôn thấy hãng bay của Singapore có tên trong nhóm danh sách dẫn đầu. Và không ai có thể phủ nhận rằng chính nhờ đội ngũ những cô gái chân dài được đào luyện tốt từ trung tâm huấn luyện bay đã góp phần không nhỏ đưa tên tuổi của hãng bay này luôn đứng trong các vị trí dẫn đầu của ngành dịch vụ hàng không thế giới.

 Nguồn: SGTT

——–

SINGAPORE: THẾ GIỚI HDB (*)

Gần nửa thế kỷ qua, Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) đã cung cấp nhà ở cho người Singapore.

Và đưa ra những chương trình và chính sách nhà ở đầy sáng kiến.

Không chỉ là nhà ở tập thể, mà còn tạo nên những tổ ấm mà người dân có thể tự hào.

Không chỉ xây lên các khu đô thị, mà còn là hình thành những cộng đồng đoàn kết mà người dân cảm thấy gắn bó.

Trên một hòn đảo đất đai còn hạn chế, chúng tôi đã cung cấp nhà ở cho hơn 80 phần trăm dân số Singapore, với khoảng 900.000 căn hộ.

Chúng tôi cũng giúp 9 trong 10 người dân Singapore sở hữu ngôi nhà mà họ đang sống.

Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được thành tựu hầu như người dân ai cũng được sở hữu nhà ở.

Những ngôi nhà mới xây.

Nhà được cải tạo nâng cấp.

Và những ngôi nhà của tương lai.

Lịch sử

Năm 1960, phần lớn người dân Singapore sống trong những điều kiện chật chội đông đúc, tiêu chuẩn vệ sinh kém, và thậm chí không có đủ khả năng sở hữu nhà ở.

Nhưng HDB đã đương đầu với thách thức đó, tiếp thu đất đai và biến những quy hoạch táo bạo thành hành động, thiết kế và xây dựng nhà ở giá cả phải chăng, có chất lượng trên toàn đảo quốc Singapore.

Đô thị sôi động

Mỗi ngôi nhà và cộng đồng đều khởi đầu từ một trang giấy trắng từ đó khai triển dần những ý tưởng mới.

Mỗi một khu đô thị đều có những nét độc đáo từ cảnh quan đường phố cho đến không gian bầu trời, tạo nên bản sắc riêng.

Đô thị được quy hoạch đồng bộ, với các tiện nghi đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, dễ dàng tiếp cận để sử dụng.

Các khu đô thị được nối với nhau bằng những hệ thống giao thông nối kết chặt chẽ.

Cùng với thời gian, các quy hoạch và thiết kế của chúng tôi đã được cải tiến, điều chỉnh phù hợp với ước muốn ngày càng tăng của người dân, bởi lẽ con người  ngày nay không chỉ đơn thuần  muốn có một ngôi nhà để cư trú.

Họ muốn một nơi nào đó mà những giấc mơ của mình có thể trở thành sự thật.

Và khi các khu đô thị mới mọc lên, chúng tôi đảm bảo rằng các khu đô thị cũ cũng không bị tụt lại phía sau, bằng cách cải tạo nâng cấp khu đô thị cũ đạt tiêu chuẩn của khu đô thị mới.

Ví dụ như trang bị thang máy ở từng tầng lầu, đáp ứng nhu cầu của từng cư  dân.

Chúng tôi cũng đưa ra các chương trình tái định cư sang khu dân cư mới gần đó theo đó những blốc nhà cũ được đập bỏ để xây lại ngay trên nền đất trước đây nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất.

Điều này không những góp phần tạo sinh lực mới cho các khu dân cư cũ mà còn gìn giữ những giềng mối cộng đồng mạnh mẽ hình thành sau nhiều năm.

Hình thành các khu đô thị sôi động chứ không chỉ đơn thuần là công trình xây dựng.

Và giữ vững các chuẩn mực môi trường chất lượng với nỗ lực không ngừng.

Đó là lý do tại sao HDB làm việc chặt chẽ với các hội đồng đô thị (town council) để thực hiện công tác bảo quản đô thị.

HDB cũng có tầm nhìn xa hơn, tạo nên những môi trường sống bền vững, thực hiện các thông lệ và hành vi lành mạnh phù hợp với môi trường.

Nhà ở giá phải chăng

Nhà ở tập thể giá phải chăng, chất lượng cao là một trong những cột trụ chính của xã hội Singapore.

Và việc sở hữu nhà là nền tảng của chương trình nhà ở tập thể của Singapore, bởi vì nó cho phép mỗi người  dân được có một phần hùn hữu hình trong quốc gia.

Để sở hữu một căn hộ HDB, một hộ gia đình phải có tối thiểu hai thành viên và thu nhập hàng tháng của hộ gia đình tối đa không quá 8.000 đô la Singapore.

Tài trợ của chính phủ vẫn luôn hết sức quan trọng đối với chương trình nhà ở tập thể, và nó đảm bảo rằng người Singapore nào cũng có thể mua được một căn hộ HDB.

Chính phủ cũng tài trợ cho người mua căn hộ HDB vay trả góp.

Thâm hụt hàng năm của HDB được Chính phủ Singapore bù đắp.

Thỉnh thoảng, HDB cũng phát hành trái phiếu theo Chương trình Trái phiếu Trung hạn (Medium Term Note Programme), để tài trợ cho các yêu cầu về chương trình phát triển và vốn lưu động.

Hầu hết người dân Singapore đều dùng tiền tiết kiệm của mình trong Quỹ Bảo hiểm Xã hội (Central Provident Fund – CPF) để trả tiền mua nhà HDB.

Và họ chỉ sử dụng trung bình khoảng 20 phần trăm thu nhập hàng tháng để thanh toán tiền vay trả góp – điều này làm cho khả năng sở hữu nhà nằm trong tầm tay của đa số người dân Singapore.

HDB đưa ra nhiều lựa chọn rộng rãi đáp ứng các nhu cầu nhà ở đa dạng.

Có 6 loại căn hộ khác nhau để người dân chọn lựa.

Loại phổ biến nhất là căn hộ bốn phòng (four-room apartment), khoảng 90 mét vuông, với ba phòng ngủ, một phòng khách, một kho chứa đồ, hai buồng tắm và một nhà bếp.

Chúng tôi cũng đưa ra các căn hộ cao cấp, với vật liệu kết cấu có chất lượng cao hơn với các yêu cầu sửa chữa nâng cấp tối thiểu.

Cung cấp các căn hộ nhỏ (studio apartment) cho người già là một ý tưởng khác khá lý thú.

Các căn hộ nhỏ này được xây dựng và thiết kế riêng cho người già, cho phép họ vào ở các căn hộ nhỏ hơn nhưng vẫn là một phần của cộng đồng, gần gũi với gia đình và bạn bè.

Người mua nhà HDB cũng có thể mua một căn hộ trên thị trường thứ cấp (secondary market), và được trợ cấp mua nhà nếu hội đủ điều kiện.

HDB cũng mời khu vực tư nhân tham gia phát triển và bán các dự án mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo về thiết kế và tạo ra giá trị xứng đáng hơn cho người mua.

Những gia đình có thu nhập thấp cũng được hỗ trợ thêm.

Ngoài các trợ cấp hiện tại về nhà ở, họ cũng được Trợ cấp Nhà ở Bổ sung (Additional Housing Grant) để mua căn hộ đầu tiên.

Một số gia đình không có đủ khả năng mua, HDB cung cấp các căn hộ cho thuê, với giá cho thuê được trợ giá.

Cộng đồng gắn bó

HDB không chỉ xây lên các khu đô thị mới mà còn phát triển các cộng đồng gắn bó nơi người dân cảm thấy mình là một thành viên.

Các khu nhà của chúng tôi được thiết kế để cung cấp các tiện nghi và cơ hội cho cư dân sống ở đây giao tiếp với hàng xóm láng giềng, ngay từ lúc bước ra khỏi nhà hay trong khu lân cận.

Chúng tôi giúp con cái đã có gia đình sống gần với bố mẹ, khuyến khích đại gia đình sống chung với nhau, đề cao những giá trị gia đình châu Á.

HDB cũng thực hiện Chính sách Hòa nhập Sắc tộc (Ethnic Integration Policy) của Chính phủ Singapore qua việc duy trì hài hòa sắc tộc trong các khu nhà ở tập thể.

Đảm bảo cho mọi người cảm thấy bản thân mình được chào đón và chia sẻ tinh thần cộng đồng.

Đảm bảo mỗi khu đô thị là một Singapore thu nhỏ.

Tương lai

HDB đã giành được nhiều giải thưởng.

Tổ chức của chúng tôi đã đi một chặng đường dài.

Hành trình phía trước sẽ thách thức hơn khi chúng tôi vươn đến những chuẩn mực cao nhất.

Bước vào thiên niên kỷ mới, chúng tôi sẽ cần những ý tưởng và phương pháp mới, chất liệu mới và công nghệ mới.

Tạo nên những môi trường sống bền vững, và những dự án lý thú hấp dẫn như  The Pinnacle@Duxton.

Đây là Thế giới HDB.

Và chúng tôi tự hào về những thành tựu của mình.

Tự tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.

Cung cấp nhà ở cho người dân Singapore.

Ngôi nhà của chúng ta.

Cộng đồng của chúng ta.

Thế giới của chúng ta.

Bản dịch của LÊ HỮU HUY

Nguồn: HDB

(*) Lời thoại trong video về HDB:  http://www.youtube.com/watch?v=KbyZ4cfMCis

——–

TÌNH YÊU KHÔNG LỤI TÀN

Không còn nỗi đau nào chạm vào cuộc đời Minh Anh nữa sau biến cố cùng cực của 13 năm trước.

Hồi sinh một cuộc sống thứ hai ở Singapore, Minh Anh tự  hào nhắc về người đàn ông của hiện tại, người vực dậy cô một tình yêu sâu thẳm mà nếu không có anh, cô những tưởng mọi thứ đã lụi tàn.

Đau đã đủ

Quá khứ, tôi đồng ý không nhắc lại nữa theo mong muốn của chị.

Nhưng hình như mối lương duyên của chị và ông xã cũng đã nảy nở trong những ngày tháng buồn đau đó?

Chính ông xã là người đưa tôi ra khỏi vùng tăm tối nhất của ngày ấy.

Dù có gượng dậy sau quãng thời gian tang thương, nhưng tôi vẫn giống như con chim bị thương hai cánh yếu hẳn, không tự nâng mình lên được nữa, mọi thứ cứ chấp chới, mất cân bằng.

Sợ hơn nữa là tôi bỗng trở nên vô cảm với đàn ông.

Mấy người bạn thân xót tôi chìm sâu trong nỗi ám ảnh bèn vẽ ra nhiều thứ để kéo tôi trở lại.

Thấy bạn có lòng, tôi cũng tham gia nhóm Tứ ca Ngẫu Nhiên, thỉnh thoảng có show thì đi hát.

Thời gian còn lại, tôi cứ giấu mình trong nhà.

Một hôm, Uyên (Chung Vũ Thanh Uyên) gọi điện thoại rủ tôi đi ăn tối, tôi tính không đi nhưng thấy mình lâu rồi không ra ngoài đường nên cũng nhận lời cho Uyên vui.

Buổi gặp hôm ấy ngoài hai vợ chồng Uyên còn có thêm một người bạn từng chơi trong nhóm.

Anh là người Singapore, đang có dự án làm việc tại Việt Nam, điềm tĩnh, có khiếu hài hước.

Trước đây, tôi không ấn tượng lắm về anh.

Chúng tôi trò chuyện vui vẻ như hai người bạn lâu năm gặp lại, ra về anh xin số điện thoại của tôi.

Một hai hôm sau anh gọi lại hỏi thăm sức khoẻ.

Những cử  chỉ  ân cần rất nhỏ của anh khiến tôi thấy vui vui.

Anh kéo tôi từ từ thoát ra chuỗi ngày u uất đó lúc nào không hay.

Anh ấy có biết chị vừa trải qua một nỗi đau lớn trong đời?

Quen nhau một thời gian đủ thân thì tôi kể cho anh nghe.

Anh im lặng không nói gì, một lúc sau mới pha trò nửa đùa nửa thật:

“Anh cũng có nghe về chuyện đó, nó…nổi tiếng quá mà”.

Anh bảo rằng ai cũng có quá khứ, mà một quá khứ buồn đau như  tôi thì càng không nên lún sâu vào.

Với quá khứ, anh bày tỏ một hành động khẳng khái, hầu như không nhắc tới làm gì.

Khi “vết thương còn chưa kín miệng”, chị đã vội vã cưới chồng.

Sự biến mất của Minh Anh thời điểm ấy khiến người ta nghi ngờ chị quên chuyện cũ quá nhanh?

Chuyện của tôi bị thêu dệt rất nhiều điều tiếng, nhưng lâu rồi tôi không còn nghĩ đến việc đi thanh minh hay giải thích nữa.

Để làm gì?

Chẳng để làm gì cả, người không ưa thì lại bảo tôi thích xới chuyện cũ lên để đánh bóng tên tuổi.

Mà Minh Anh của hiện tại còn quá nhiều thứ để nói, sao người ta cứ phăm phăm bới chuyện cũ mà đàm tiếu.

Ông xã tôi cũng tỏ ra xót cho vợ, anh ấy thắc mắc:

“Sao bài phỏng vấn nào của em cũng có cái tên của người ấy đi cùng”.

Dù anh rất tôn trọng những việc đã qua, nhưng anh muốn tôi vững sống cho hiện tại.

Tình yêu của anh đủ lớn để giúp tôi đi qua những nỗi đau.

Với tôi, đau như thế là đủ rồi.

Người vực dậy niềm tin

Chị quyết định qua Singapore trong lúc cảm xúc chao đảo hay hoàn toàn tỉnh táo?

Tôi không biết phải trả lời như thế nào cho chính xác.

Ngày ấy, tôi chỉ nghĩ, nếu mình còn ở Việt Nam thì sẽ còn như con chim run bần bật trong chiếc lồng, nhìn đâu cũng thấy ánh mắt dị nghị, dò xét, muốn quên mà mọi thứ cứ vây lấy mình, bắt mình nhớ như một cách tra tấn tinh thần.

Vào dịp ấy, công việc của anh tại Việt nam cũng sắp hết hợp đồng.

Anh chuẩn bị về lại Singapore.

Trước khi về, anh đắn đo dữ lắm, vừa thăm dò cảm xúc của tôi, vừa không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, vì dù sao lúc đó, tôi cũng đang trong nhóm Ngẫu Nhiên được ưa thích.

Một tuần trước khi về nước, anh gặp riêng tôi nói:

“Anh sắp về Singapore , em có muốn bắt đầu lại mọi thứ ở bên đó không?”.

Anh hỏi mà nắm chắc phần thua vì sợ tôi không thể dứt khỏi Việt Nam, ở đây tôi còn mẹ, còn em gái để chăm sóc, nếu qua Singapore, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0.

Anh cũng nói trước với tôi rằng, một người mẫu từng quen sự nổi tiếng như tôi thì cuộc sống bình lặng ở Singapore có thể khiến tôi thất vọng.

Nhưng tôi bằng lòng theo anh về nước bởi từ trước đến nay, mọi thứ mà tôi đang xây dựng cũng đều bắt đầu từ con số 0, không ai tự dưng đặt vào tay tôi vận may cả.

Quyết định ấy cho đến bây giờ tôi xem như một định mệnh, giúp tôi tái sinh cuộc sống lần thứ hai trên đất khách quê người.

Ở miền đất mới, chị làm sao để hoà nhập với cuộc sống không ánh đèn, không hào quang, và cả không sự ồn ào?

Qua Singapore, tôi như cá gặp nước, tung tăng làm mọi việc mình thích mà không phải ngó trước nhìn sau.

Đất nước xa lạ đấy nhưng tôi thấy bình yên kinh khủng.

Tôi leo lên xe bus, đi bơi, ăn kem giữa đường phố, nhìn mọi người qua lại mà không còn thấp thỏm lo âu bị theo dõi nữa.

Nhưng cũng phải thú thật, đâu phải cái gì mình cũng thích ứng nhanh ngay được.

Thỉnh thoảng, có những thứ dội ngược vào đầu khiến tôi chao đảo, ông xã thấy nét mặt vợ thay đổi là hỏi thăm ngay.

Nhờ thế tôi lấy lại được thăng bằng nhanh và xây dựng một niềm tin mới cho mình.

Điều đầu tiên khi đặt chân đến Singapore, tôi quyết tâm đi học lại vì thấy mình đã bỏ quá uổng phí quãng thời gian son trẻ cho việc kiếm tiền.

Chúng tôi đi đăng ký kết hôn để tôi thuận tiện cho việc học hành và sinh hoạt ở đây.

Tôi nhập học chương trình PR – marketing.

Học được hai năm thì thấy nghề báo ở Singapore có vẻ quá sức, dù giỏi tiếng Anh cỡ nào, tôi cũng không thể viết hay như người bản xứ được.

Ông xã cũng đồng tình với ý kiến ấy.

Thế là tôi rẽ sang một nhánh mới, hợp với mình hơn.

Có bao giờ chị thấy trong tình yêu của mình cộm một cảm giác mang ơn?

Vì mang ơn ông xã mà chị phải  xuôi theo tất cả những thứ gì anh ấy muốn?

Vậy là chị chưa biết tính tôi rồi.

Tôi rất thẳng, vì thẳng nên ông xã mới yêu và quý trọng tôi đến tận bây giờ.

Gần 10 năm nay, cuộc sống vợ chồng tôi vẫn giữ một cảm giác yêu đương nguyên vẹn như ngày đầu tiên.

Anh hôn vợ khi đi làm, nắm tay vợ như tình nhân ở giữa đám đông, giữ thói quen trò chuyện với vợ trước khi đi ngủ.

Vợ chồng tôi ít cãi nhau, có cãi thì cũng chỉ là bất đồng trong việc dạy dỗ hai con rồi thôi.

Ít khi hai vợ chồng giận nhau quá hai tiếng đồng hồ.

Mọi người cứ nghĩ tôi đang khen chồng mình nhưng có đến nhà tôi thì biết, nhiều khi anh ấy còn hoàn hảo hơn những gì tôi đang nói.

Vừa rồi, có người bạn qua Singapore chơi, ghé thăm nhà tôi, cô ấy rất ngạc nhiên vì những cử chỉ yêu thương anh ấy dành cho vợ, con.

Cô ấy không biết, những người đàn ông Singapore khi đã có vợ, con, họ đều hướng về mái ấm ấy.

Họ sống rất lý trí, biết trân trọng hạnh phúc đang có để vun bồi, giữ  gìn.

Chưa có ai cho tôi một lòng tin cuộc sống như ông xã mình.

Chính anh ấy đã giúp tôi lấy thăng bằng trong cuộc sống và niềm tin vào đàn ông tưởng đã mất trong tôi.

Trở lại với thời trang

Dạo này, thấy chị về Việt Nam nhiều, cởi mở hơn với giới truyền thông, và chẳng khó để thấy vẻ rạng ngời trên gương mặt chị.

Trời, thiệt vậy hả?

Từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đẹp.

Hồi mới bước chân vào làng catwalk, tôi bị chê là giống vận động viên hơn người mẫu.

Vì mê đánh bóng chuyền nên da tôi đen nhẻm, thoa son phấn còn không biết cách, nói chung, mộc lắm.

Tôi được cái ăn hình chứ đẹp không  bằng ai.

Giờ sinh em bé xong, hỏng hết dáng rồi, mấy năm xa nghề diễn giờ đứng trước ống kính chụp hình, không quen với đèn flash mắt cứ nháy liên tục.

Buồn cười ghê.

Nói gì thì nói, chị vẫn nhớ nghề chứ?

Chị muốn tôi nói thật hay nói kiểu hoa mỹ?

Thành thật nhé.

Vì tay ngang rẽ vào nghệ thuật, không coi đó là nghiệp của mình nên khi dứt ra, tôi cũng thấy nhẹ nhàng, không trăn trở nhiều.

Tuy nhiên, những tháng năm trong nghề đã cho tôi kinh nghiệm quý giá khi theo học ngành thời trang ở Singapore.

Tôi học được hai năm rồi, tháng 5/2010 sẽ tốt nghiệp.

Nghe nói chị chưa tốt nghiệp mà đã có mấy hãng thời trang ở Singapore rục rịch muốn “bưng” chị về làm?

Ở Sing, cơ hội làm việc là rất lớn.

Các sinh viên khi làm lễ tốt nghiệp sẽ được gặp gỡ, tiếp xúc với các hãng lớn.

Nếu thấy hợp, ngay lập tức, hợp đồng sẽ ký và bạn được mời về làm khi chữ ký còn chưa ráo mực.

Ngành học của tôi bao quát nhiều thứ xoay quanh thời trang, từ thiết kế, may, rập khuôn, trang trí shop.. tất cả đều phải thuần thục.

Công việc này giúp tôi trở thành một quản lý chuyên nghiệp trong tập đoàn thời trang lớn.

Hiện cũng có có một vài hãng thời trang Singapore muốn tôi làm đại diện, phát triển thương hiệu tại Việt Nam.

Nhưng tôi đang cân nhắc xem có nên học thêm một khoá cao hơn về chất liệu hay tốt nghiệp xong sẽ đi làm luôn.

Nếu đã học hành bài bản như vậy sao chị không nghĩ đến việc mở một thương hiệu thời trang riêng của mình tại Singapore?

Làm một hơi như vậy không được.

Học chỉ là lý thuyết ở trường, ai nói mà không hay.

Nhưng thực tế, tôi chưa có sự va chạm nên chắc chắn sẽ không đứng riêng được.

Nếu làm đại diện cho một thương hiệu thời trang nào đó, tôi sẽ học được cách quản lý con người mà họ đang điều hành.

Người ta có bề dày kinh nghiệm, mình có cơ hội để trải nghiệm tại sao lại từ chối chứ?

Nếu đã tích luỹ đầy đủ rồi, tôi nghĩ việc chị nói chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ở Việt Nam, chị có cho rằng thị trường thời trang vẫn rất béo bở để khai thác?

Không ngẫu nhiên các nhà tạo mẫu quốc tế vẫn xem Việt Nam là thị trường mới phát triển.

Những tập đoàn lớn trong ngành thời trang vẫn chưa thật sự đổ bộ thế lực của mình vào Việt Nam.

Nhiều tên tuổi lớn như LVMH, Club 21 đều còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước.

Họ chỉ đang thăm dò phân khúc thị trường này từ nhà phân phối nhỏ.

Khi nào những tập đoàn mẹ này xuất hiện ở nước ta thì khi đó thời trang Việt Nam mới thật sự có chuyển động mạnh như  Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản trước đây.

Người Sing vốn thích mặc đơn giản, sạch sẽ và an toàn.

Họ có xu hướng chỉ chọn tông màu nhẹ, mẫu mã đơn giản như trắng, đen, xám, kem.

Tuy thế, Singapore chưa bao giờ đi sau ngành thời trang quốc tế bởi sự cập nhật thông tin như vũ bão.

Cái tôi đang muốn nhắm vào là phát triển thị phần sản xuất hàng hiệu Singapore tại Việt Nam, ở đó không chỉ có buyer giám sát mà còn có hệ thống designer, nhà máy sản xuất, may và bán tại Việt Nam.

Nhưng không nên nói trước chuyện gì, đợi tôi học xong rồi ta hãy bàn tiếp.

(Cười)

Chị không sợ mình già đi à, mọi thứ cứ như đang bắt đầu với chị?

Không có gì là quá muộn.

Tôi học được tinh thần cầu tiến và yêu cuộc sống từ chính ông xã mình.

Mà bản thân tôi nghiệm thấy, nếu mình không sống tốt thì làm sao có được hạnh phúc như ngày hôm nay?

Nguồn: Sành điệu

VĂN HÓA BLOG

Các tờ báo mạng hay blog ở nước ta có vẻ dễ dãi trong việc sử dụng từ ngữ, đôi khi vô tình hay hữu ý dẫn đến tình trạng chụp mũ hay thiếu tôn trọng đến những người được nêu trong bài viết.

“Phụ nữ đẹp” thì gọi là “chân dài”, người làm kinh doanh thì tùy theo cảm tính của các nhà bình luận trên mạng mà có thể là “doanh nhân”, “con buôn”, “trọc phú”, “đại gia”…

Không rõ tình hình nói trên sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng nào và liệu cộng đồng mạng và các blogger ở Việt Nam có cảm thấy “vô tư” khi bình luận và phát ngôn được bao lâu nữa.

Nhưng nếu bạn có dịp sinh sống và làm việc ở Singapore thì nên lưu ý là một ngày nào đó biết đâu bạn phải hầu tòa vì tội phỉ báng (defamation) hay gây thiệt hại cho người khác do lạm dụng hay công bố thông tin sai sự thật.

Hồi cuối năm ngoái, một đảng viên trẻ thuộc đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã phải tự xin ra khỏi đảng vì đã đưa trên Facebook một bình luận ảnh phản cảm với đạo Hồi.

Một số blogger khác đưa hình ảnh hay bình luận ảnh hưởng đến chính sách hài hòa sắc tộc cũng bị cảnh sát theo dõi và cảnh cáo.

Trung tuần tháng 3 này, tòa án Singapore đã phạt nặng một blogger đăng lại trên mạng những hình ảnh bạo lực được chỉnh sửa với bình luận được cho là có tính kích động bạo lực.

Và cách đây vài ngày, một sinh viên Trung Quốc đang học tại Đại học Quốc gia Singapore đã bị chính phủ nước này cắt học bổng, phạt 3.000 đô-la Singapore và lao động công ích ba tháng vì đã dám gọi người Singapore là “chó” trên trang blog cá nhân…

Cách đây hơn một thập kỷ, trong thời kỳ sơ khai của Internet, các quan chức Cục Phát triển Truyền thông Singapore (MDA) khẳng định rằng chính phủ Singapore quản lý và quy chế truyền thông mạng một cách nhẹ nhàng (light touch).

Nhưng bây giờ, những biện pháp chế tài blog nói trên có lẽ quá nặng nề.

Và điều đó càng nghiêm trọng hơn khi đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long phải thuê luật sư yêu cầu một số trang blog xã hội dân sự phải gỡ bỏ những thông tin sai về việc bổ nhiệm vợ ông, bà Ho Ching, làm tổng giám đốc tập đoàn đầu tư vốn nhà nước mang tên Temasek.

Người phát ngôn của Thủ tướng cho biết quan điểm của ông trước những câu hỏi của báo chí nước ngoài:

“Tự do ngôn luận không có nghĩa là được phép nói xấu hay phỉ báng người khác.

Quan trọng là phải nói lên sự thật và tranh luận phải mang tính xây dựng và người dân cần hiểu bản thân mình phải chịu trách nhiệm về những điều nói ra không đúng sự thật”.

Nhưng liệu các cơ quan công quyền có thể theo dõi và kiểm soát đầy đủ trong bối cảnh nở rộ các trang blog ở một đất nước mà người dân dành nhiều thời gian trên Facebook và 50% có điện thoại thông minh?

Theo giáo sư Ang Peng Hwa, Giám đốc Trung tâm Nghiên  cứu Internet thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, thay vì sử dụng bàn tay nặng nề của cơ quan công quyền, Singapore cần có một bộ quy tắc ứng xử  (code of conduct) cho các blogger và hoạt động truyền thông trên mạng.

Dựa trên Bộ quy tắc ứng xử này, MDA sẽ theo dõi và xử lý những hành vi “vô tư” chưa hiểu hết những nguyên tắc và yêu cầu trong văn hóa blog; chỉ  hành vi nào xâm hại đến lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp và chính sách hài hòa văn hóa, đa sắc tộc thì mới được xử lý theo luật pháp.

Thật vậy, quy tắc ứng xử là rất cần thiết để “điều chỉnh nhẹ nhàng” những hành vi trên mạng tránh tình trạng việc gì cũng phải nhờ đến luật sư và dắt nhau ra tòa.

Ở Singapore, người dân có thói quen trọng pháp, những lời nhắc nhở có liên quan đến luật pháp bao giờ cũng giúp người ta thức tỉnh và biết điều hơn. Một lần tình cờ lướt web, tác giả bài viết này phát hiện một đối thủ cạnh tranh (cũng là một doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Singapore) đã trơ tráo sử  dụng đến hai tấm ảnh  trên trang blog thuộc sở hữu của người viết để quảng cáo cho dịch vụ tương tự.

Dưới đây là một phần nội dung email của người viết gửi cho đối thủ cạnh tranh:

“ Kính gửi: Công ty….

Chúng tôi được biết Quý Công ty đã sử dụng hai hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dịch vụ…trên trang web của Quý Công ty (Liệt kê đường dẫn).

Việc sử dụng ảnh vì mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là không được phép theo luật lệ về bản quyền tại Singapore…..”

Chừng hai tiếng sau, “khổ chủ” nhận được “phản hồi” bằng tiếng Việt không dấu của một giám đốc có cái tên Singapore có nội dung không dành cho mình mà cho một quản lý web có địa chỉ email ở Việt Nam như  sau:

“Dear xxx, 

Em tháo bỏ hộ anh ảnh …. thuộc về …ra khỏi website nhé.”

Tôi không rõ Bộ quy tắc ứng xử theo đề nghị của giáo sư Ang có giúp được gì trong việc xử lý tình huống trên đây hay không.

Nhưng theo thiển ý của tôi, trước khi nói đến quy tắc và luật pháp, cái hành vi của con người sau khi làm một điều gì không đúng đó là “xin lỗi” và ứng xử một cách có văn hóa./.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

——–

DU LỊCH Ô-SIN

Với mức lương 5- 7 triệu/tháng,”ô-sin du lịch” (đi giúp việc, làm ô- sin… theo hình thức visa du lịch) đang được nhiều người lựa chọn.

Với họ, đi làm ngắn hạn (3 tháng) sau khi trở về có ít tiền tích lũy và hiển nhiên họ coi đó cuộc xuất ngoại đi “du lịch” miễn phí.

Cả họ được… xuất ngoại

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, chị Nguyễn Thị Huệ (Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình) chỉ biết “ôm” mấy sào ruộng, kiếm vài tạ thóc để tằn tiện lo trang trải cho cuộc sống gia đình.

Chị cũng đã nhiều lần lên thành phố kiếm một công việc an nhàn hơn, không phải đầu tắt mặt tối.

Thế nhưng, dù đã làm nhiều nghề như ô-sin, giúp việc theo giờ… nhưng tiền dành dụm được cũng chẳng đáng là bao.

Đắn đo, suy nghĩ, chị lại khăn gói quả mướp về quê, lại bám chặt với đồng ruộng.

Tình cờ, năm 2009, có một lần sang nhà hàng xóm chơi, chị Huệ được giới thiệu có chị Hà Thị Thu (người cùng quê, định cư tại nước ngoài) cần thuê giúp việc theo thời vụ (3 tháng theo hạn visa-PV) ở Singapore, lương 5-7 triệu đồng/tháng, chị Huệ khấp khởi mừng.

Chị Huệ phân trần:

“Ở quê biết bao giờ cho kiếm số tiền lớn như vậy.

Trông con, giúp việc nhà cũng không quá vất vả.

Sau một thời gian sang “Sing” trở về, tôi cũng có ít vốn dắt lưng phòng khi ốm đau.

Dù không muốn xa nhà, nhưng tôi vẫn quyết định xuất ngoại làm ô- sin ngắn hạn cũng coi như đi du lịch miễn phí”.

Nội trợ là công việc chủ yếu của những ô-sin xuất ngoại bằng visa du lịch. (Ảnh chỉ có giá trị minh họa)

Hiện tại, chị Huệ đang giúp việc cho một gia đình ở phố Trung Kính (Hà Nội), sau khi đi làm “ô- sin du lịch” từ  Singapore về hồi tháng 3/2011.

Chị Huệ kể:

“Quê tôi nhiều người đi “du lịch” kiểu này lắm!

Nói là đi du lịch, nhưng thực chất chúng tôi đi làm giúp việc, trông con cho người Việt định cư ở bên đó.

Tất thảy thủ tục visa, tiền vé máy bay chủ nhà sẽ lo hết.

Hết thời gian gia hạn visa , chủ nhà sẽ làm thủ tục xin gia hạn.

Nói chung là “bao trọn gói’, chúng tôi sẽ được nhận lương theo đúng thỏa thuận”.

Theo lời kể của chị Huệ, chị đã 3 lần sang Singapore giúp việc cho gia đình chị Thu (Thu lấy chồng “Sing” được 12 năm-PV).

Từ năm 2007, khi đứa con trai lớn mới lọt lòng đến nay chị Thu đã thuê tới 13 người giúp việc.

Chị Thu làm nhân viên thu ngân tại siêu thị, công việc bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc con cái.

Chồng Thu lại làm giám đốc doanh nghiệp nên bận tối mắt.

Vì thế, chị Thu muốn tìm người giúp việc đỡ đần việc nhà.

Tuy thế, chị Thu lại chỉ kén người giúp việc là người Việt.

Chị thường xuyên liên lạc về quê nhờ người thân tìm giúp.

Mới đầu ai cũng e ngại, sợ nơi đất khách quê người, không dám đi.

Chị Thu đã nài nỉ những người trong họ, làm nghề nông vất vả, tranh thủ sang giúp việc thời vụ cho chị một thời gian.

Chị Huệ hóm hỉnh:

“Thế mới có chuyện, làng tôi, đã có trường hợp cả họ được đi “du lịch” rồi đấy.

Hầu hết họ sang giúp việc cho người thân quen ở Sing”.

Chị Huệ bảo rằng, từ ngày chị sang “Sing” giúp việc cho chị Thu, chị như một quản gia chính hiệu.

Chị Huệ còn khoe, hễ có ai ở bên “Sing” là người Việt khi cần tìm người giúp việc và chăm sóc em bé cho một gia đình nào đó, chị lại mách nhỏ cho những người cùng cảnh lam lũ, vất vả ở quê.

Nở rộ nhưng nhiều bất trắc

Không chỉ riêng chị Huệ mà cả vùng quê Thái Bình phong trào đi “ô-sin du lịch” rất… rộ.

Hễ có ai mách có mối đi giúp việc, chăm sóc trẻ là sẽ có người nhận lời ngay.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thu Ninh (Thái Thụy, Thái Bình), việc đi làm giúp việc ở “Sing” chỉ ngại thời gian ra hạn visa không được dài chứ nếu có xuất khẩu lao động sang đó chị cũng muốn đi.

Ninh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thái Thụy.

Nhà nghèo, Ninh chỉ học hết cấp II rồi nghỉ.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ninh trở về nước sau đợt làm ô- sin cho một gia đình người Việt ở quận Kreta Ayer.

Ninh tự giới thiệu khi còn ở “Sing” cô từng làm công việc chăm sóc em bé, nấu ăn… nên đã có kinh nghiệm.

Mức lương Ninh đưa trả là 7 triệu đồng/tháng.

Nhưng vì cô sang “Sing” bằng visa du lịch nên cũng chỉ làm theo thời vụ.

Theo cam kết trước khi về, Ninh phải giới thiệu một người giúp việc khác.

Thế là, người đi trước kéo theo người đi sau, tạo thành phong trào đi làm “ô- sin du lịch”.

Khi được hỏi về việc nhiều người chọn hình thức đi du lịch sang nước ngoài làm việc, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trường hợp mà báo đề cập là những người thân quen, còn việc môi giới đi làm việc lại là chuyện hoàn toàn khác.

Cách đây không lâu một nhóm 25 lao động quê ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã kéo tới Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nhờ giúp đỡ vì bị lừa đảo sang Singapore.

Khi ấy, họ bị Lê Thị Đào (quê Diễn Châu, Nghệ An) cùng hai người tên Nam và Khánh (ở TP. Vinh) và một người Singapore hứa hẹn đưa họ sang Singapore làm việc với mức lương 800 đôla Singapore/tháng.

Chỉ trong 4 ngày, Đào đã bốn lần đưa 25 lao động sang Singapore.

Khi đi, mỗi lao động đã đóng cho Đào từ 3.000 USD trở lên.

Tuy nhiên khi sang Singapore, họ không có việc làm như hứa hẹn vì họ được đưa qua Singapore bằng visa du lịch đơn thuần.

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cảnh báo:

“Người dân cũng không nên lựa chọn hình thức đi làm theo visa du lịch bởi nếu lỡ quá thời hạn gia hạn visa sẽ lại vi phạm pháp luật”.

NGÂN GIANG

Nguồn: Người Đưa tin

——–

Ô-SIN TẠI SINGAPORE SẼ ĐƯỢC NGHỈ 1 NGÀY/TUẦN

Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách nhân lực Singapore Tan Chuan-jin xác nhận bắt đầu từ năm 2013 các nữ  giúp việc nhà (hay Ô-sin theo cách gọi của Việt Nam ta) tại Singapore sẽ được nghỉ 1 ngày trong tuần, nếu không gia chủ buộc phải trả công cho ngày làm việc thêm hôm đó.

Quy định mới sẽ áp dụng đối với tất cả các trường hợp ký hợp đồng lao động giúp việc gia đình ởSingaporetừ ngày 1-1-2013, Bộ trưởng Tan cho biết.

Trong khi các nhóm đấu tranh vì nhân quyền và quyền lợi người lao động ca ngợi quy định mới này và yêu cầu phải được thực hiện sớm hơn nữa, thì các gia chủ lại tỏ ra không bằng lòng.

“Nữ giúp việc có thể mang bầu vì các mối quan hệ xã hội trong ngày nghỉ”, nhiều gia đình thuê người giúp việc lo ngại.

Việc sửa Luật Lao động liên quan người giúp phải được Quốc hội Singapore thông qua mới chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ được phê chuẩn vì đảng cầm quyền hiện đang nắm đa số phiếu trong Quốc hội.

Theo thống kê, tại Singapore hiện có khoảng 206.000 nữ giúp việc, chủ yếu đến từ  Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Ấn Độ.

Nguồn: AP, SGGP

——–

Ô-SIN ĐẤT KHÁCH

Sau bao nhiêu năm “cày bừa” vất vả nơi đất khách quê người, nhà cửa ổn định, vợ chồng tôi quyết định có một người phụ giúp việc nhà, ngắn gọn là ô-sin theo cách nói quen miệng của người Việt Nam ta.

Sau khi viếng thăm một số công ty dịch vụ môi giới ô-sin, cuối cùng bà xã tôi quyết định thuê một cô người Myanmar còn độc thân chưa đầy 25 tuổi.

Kể cũng lạ, cô ô-sin này (tên là Win) giao tiếp tiếng Anh không thể bằng người Philippines hay Indonesia, kinh nghiệm chẳng có bao nhiêu và được “sang tay” từ một gia đình người Singapore vì không làm vừa lòng chủ sau hai tháng làm việc, nhưng bà xã tôi đã quyết định thuê cô có lẽ vì cô là người Myanmar, theo đạo Phật, hiền lành ít nói và chắc là sẽ không gây “phiền toái” cho một doanh nhân thỉnh thoảng phải ngồi nhà làm việc cả ngày như tôi.

Theo quy định của luật pháp Singapore, bà xã của tôi là chủ lao động (employer) còn Win là người lao động nước ngoài làm việc ở nhà (foreign domestic worker – gọi tắt là FDW) với hợp đồng ký trong hai năm và có thể được gia hạn.

Lương phải trả hàng tháng là 360 đô-la Singapore (SGD) nhưng chủ lao động còn đóng lệ phí hàng tháng (levy) cho chính phủ là 265 SGD.

Nhưng bà xã tôi phải trả trước cho công ty dịch vụ môi giới số tiền tương đương bốn tháng lương,  một phần tiền Win vay để làm giấy tờ và thủ tục sang Singapore làm việc.

Nói cách khác, Win phải làm việc không lương trong sáu tháng đầu tiên.

Ông chủ của công ty dịch vụ môi giới bảo tôi phải giữ gìn hộ chiếu của Win cho cẩn thận vì chi phí cấp lại hộ chiếu của đại sứ quán Myanmar tại Singapore là 3.000 SGD và người Myanmar muốn gia hạn hộ chiếu thì phải đóng một khoản lệ phí theo tỷ lệ phần trăm thu nhập của họ…

Có Ô-sin trong nhà đỡ chân đỡ tay nhưng ngược lại vợ chồng tôi cũng ít nhiều mất đi sự riêng tư.

Được một cái là nói tiếng Việt thì người Myanmar không hiểu nên chúng tôi có thể tâm sự thoải mái.

Tuy nhiên, giao tiếp bằng tiếng Anh thì dễ gây “phiền toái”.

Có lần buổi sáng tôi gọi điện thoại về bảo Win đi chợ hay siêu thị mua tôm (prawn) thì buổi chiều về cô nói với vợ tôi là tôi muốn cô ấy đi mua “bra” (áo ngực phụ nữ).

Hóa ra, người Myanmar không phát âm được âm P và có nhiều từ tiếng họ nói theo cách của họ.

Những lúc không nói được tiếng Anh, Win bèn lấy giấy ra viết để giải thích cho vợ chồng tôi hiểu.

Cô viết chữ tiếng Anh rất rõ ràng và thỉnh thoảng tôi xem được chữ viết của cô bằng tiếng Myanmar rất đẹp.

Phần lớn ô-sin người Myanmar sang Singapore đều tốt nghiệp đại học và Win là cô giáo dạy toán lớp 3.

Cô tâm sự với bà xã tôi là cô muốn làm việc  ở Singapore để có tiền gửi cho người cha bệnh nặng ở nhà.

Tôi vẫn còn nhớ hôm nhận được lương sau bốn tháng làm việc, cô đưa hai tay nhận tiền và cúi đầu chào cám ơn vợ chồng tôi.

Là người không câu nệ hình thức nhưng tôi có thể cảm nhận những cử chỉ của Win theo phong cách truyền thống Myanmar và tôi có thể nhìn thấy đằng sau cô là cả một nền văn hóa…

Tòa nhà văn phòng nơi tôi làm việc (Peninsula Plaza) tập trung nhiều cửa hàng tạp hóa và siêu thị của người Myanmar.

Có dịp bước vào bạn có thể thấy khó chịu vì những mùi gia vị đặc trưng của họ, một số cửa hàng bán trầu têm vôi sẵn  cho người Myanamar.

Đây cũng là nơi mỗi tháng một lần tôi đưa Win đi gửi tiền về nước.

Tôi không rõ số lượng người Myanmar cụ thể ở Singapore là bao nhiêu nhưng tôi biết được là họ có một cộng đồng khá vững mạnh với nhiều hoạt động hội đoàn, tôn giáo, thậm chí ca hát và làm từ thiện.

Không rõ họ có tự nhận mình là dân tộc thông minh hay không nhưng ở Singapore tôi mới phát hiện là có nhiều luật sư, bác sĩ, chuyên gia y tế nổi tiếng người gốc Myanmar.

Cách đây không lâu, tôi đã từng làm phiên dịch cho một vụ tranh chấp giữa Việt Nam và đối tác Singapore mà trọng tài phân xử là một luật gia có uy tín  người Myanmar.

Tiếng Anh của người Myanmar nghe không hay lắm so với người Philippines hay Malaysia nhưng có lẽ họ đã chinh phục được trái tim của các sắc tộc khác nhờ sự cần mẫn và thật thà.

Ở Singapore, ngoại trừ chuyện làm việc bất hợp pháp, tỷ lệ người Myanmar vào tù ra khám vì các tội trộm cắp hay hình sự hầu như rất thấp so với các sắc tộc khác.

Và họ cũng không có tên trong những địa chỉ “đèn đỏ” ở  Singapore như  Geylang hay Joo Chiat

Hai năm trôi qua mau, hợp đồng lao động với Win đã hết.

Mặc dù có thể gia hạn, nhưng Win vẫn quyết định về nước để lập gia đình với người bạn trai đã chờ đợi cô trong suốt 4 năm qua.

Cô cho chúng tôi biết bạn trai của cô làm nghề y tá lương mỗi tháng khoảng 500 USD và có thể chu cấp cho cả gia đình.

Người ô-sin mới của gia đình tôi bây giờ cũng lại là người Myanmar với mức lương tháng 420 SGD và chúng tôi lại giới thiệu công ty môi giới chuyên về ô-sin Myanmar cho thêm vài gia đình Việt Nam khác.

Nếu như cách đây vài năm, lương ô-sin người Myanmar thấp hơn nhiều so với các bạn đồng nghiệp của họ đến từ  Philippines hay Indonesia thì nay chênh lệch này chẳng đáng là bao./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

——–

SINGAPORE: THAM VỌNG TRUNG TÂM VÀNG KHU VỰC

Cách hút vàng của Singapore

Dù chỉ chiếm 2% doanh số giao dịch vàng toàn cầu nhưng Singapore đang nuôi tham vọng tăng con số này lên ít nhất 10% từ nay cho đến năm 2020.

Đó là khẳng định của Cục Phát triển Doanh nghiệp (IE Singapore), tiếp theo thông báo hồi tháng trước của Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam về việc bãi bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST – tương tự thuế VAT của Việt Nam) có hiệu lực từ 1-10-2012.

Nhờ thay đổi về thuế, đầu tư vào vàng thỏi (gold bar) và vàng tiền kim loại (gold coin) tại Singapore sẽ rẻ hơn 7% so với trước đây.

Theo IE Singapore, động thái mới này sẽ thu hút các công ty kinh doanh vàng toàn cầu đến Singapore để thành lập hay mở rộng hoạt động doanh nghiệp.

Và như vậy, cộng đồng kinh doanh vàng trên đảo Sư Tử  sẽ càng đông đảo và đa dạng hơn với sự có mặt của các công ty thương mại, nhà máy tinh chế vàng, ngân hàng chuyên doanh vàng, các nhà cung cấp kho dự trữ vàng an toàn, các ngân hàng ký thác, các nhà khai thác mỏ và các nhà buôn vàng.

Viễn cảnh đó cũng sẽ kéo theo những loại hình công ăn việc làm đòi hỏi kỹ năng cao như giao dịch chuyên về vàng, tài chính, hậu cần và bảo hiểm.

Trong một cuộc họp báo mới đây, bà Kathy Lai, Trợ lý Cục trưởng của IE  Singapore, cho biết đảo quốc này sẽ dành từ 5-10 năm để xây dựng một nhóm ngành nghề mới có thể thu hút sự quan tâm của toàn cầu.

Nói cách khác, ngành kinh doanh vàng sẽ có vị thế chiến lược trung tâm, tương tự ngành dầu khí của Singapore.

Bà Gina Lim, Giám đốc phụ trách hoạt động dịch vụ thương mại và chính sách của IE Singapore, tin rằng Singapore sẽ nắm được 10-15% doanh số giao dịch vàng toàn cầu trong vòng 5-10 năm tới.

Tiềm năng châu Á

Châu Á chiếm khoảng 70% cầu vàng thế giới, trong đó 13% từ các nước Đông Nam Á.

Các nhà buôn và người mua vàng chủ yếu dựa vào các trung tâm truyền thống như  London (Anh) và Zurich (Thụy Sĩ) và rất nhiều người dân châu Á trữ vàng của họ ở châu Âu.

T

Theo giải thích của bà Lai, nếu 2 người châu Á giao dịch vàng với nhau, số vàng này sẽ phải được vận chuyển từ châu Á sang London hay Zurich để qua một trung tâm giao hoán (clearing house) và sau đó lại “bay” về châu Á mới đến tay người mua.

Các nhà khai thác mỏ tại châu Á và Australia cũng phải gửi tất cả vàng thô của họ cho châu Âu tinh chế, sau đó chuyển về châu Á, nơi tập trung phần lớn người mua.

Việc vận chuyển vàng đi về như vậy khá tốn kém, vì phải chịu nhiều chi phí về an ninh an toàn.

Do đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần một trung tâm giao dịch thuận tiện, và không nên chỉ dựa vào Zurich hay London.

Theo ông Ng Cheng Thye, Giám đốc kinh doanh kim loại quý của chi nhánh của ngân hàng Nam Phi mang tên Standard Bank tại Singapore chuyên giao dịch các loại hàng hóa trong đó có kim loại quý, càng ngày có nhiều khách hàng hỏi ngân hàng của ông liệu có nơi nào ở châu Á cho phép họ tạm trữ vàng mà không chịu thuế.

Theo đánh giá của ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), việc bãi bỏ thuế GST trên vàng là một bước đi đầu tiên rất tốt cho lĩnh vực kinh doanh vàng tại Singapore.

Cách đây 20 năm Singapore đã từng là một trung tâm kinh doanh và phân phối vàng khá sôi động trên toàn cầu và khu vực.

Thế nhưng, giá vàng đi xuống làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Các ngân hàng tại Singapore từ  đó bắt đầu đưa ra những sản phẩm tài chính mới và dần dần thu hẹp các nghiệp vụ kinh doanh vàng.

Rồi sau đó, thuế GST được áp dụng dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn các giao dịch về vàng.

Giờ đây, thời cuộc mới với định hướng phát triển ngành nghề của nhà nước qua cục tác nghiệp IE Singapore, cơ hội “vàng” sẽ lại đến với hoạt động kinh doanh vàng tại Singapore.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

SINGAPORE PHẠT NẶNG VI PHẠM GIAO THÔNG

Ở Singapore, người ta phạt rất nặng cho các lỗi vi phạm giao thông.

Từ vài trăm cho đến cả vài ngàn đô la tùy mức độ.

Lương của họ trung bình là bao nhiêu một tháng?

Trung bình chỉ khoảng 3000-4000 SGD thôi, bị phạt một lần vài trăm đô thì hết 1/10 lương tháng, tính ra bằng tiền ăn (tầm tầm) của một người trong tháng đó rồi.

Dân họ xót không?

Xót.

Nhưng dân họ đồng tình không?

Có.

Cũng có người kêu ca mức phạt cao nhưng đa số là đồng tình vì chính vì biện pháp cứng rắn đó mà hiện nay giao thông ở  Singapore ở mức “tốt”.

Ít tai nạn, đặc biệt là tai nạn chết người thì hiếm, kẹt xe cũng có vào giờ cao điểm nhưng giải quyết rất dễ vì đa số dân họ tự ý biết để theo tín hiệu điều khiển tự động, chứ ít khi thấy bóng cảnh sát giao thông.

Ngoài ra, khạc nhổ phạt 500 SGD, vứt rác 500 SGD, hút thuốc hay chơi với lửa ở những nơi công cộng (ga tàu, trên tàu xe) từ 1000 SGD cho đến 5000 SGD.

Gây cản trở giao thông của “số đông” ví dụ như nghịch các thiết bị cảnh báo, qua đường không đúng chỗ, nếu cảnh sát giao thông hoặc nhân viên quản lý túm được, hoặc bị tố cáo mà có nhân chứng, vật chứng rõ ràng thì phạt từ 2000 SGD đến có thể cả chục ngàn SGD, chưa kể bị phạt tù, đánh roi…

Có vậy họ mới duy trì được trật tự công cộng, ý thức cộng đồng.

Vì nếu phạt tôi 2000 SGD vì vô tình hút thuốc trong thang máy chẳng hạn, thì xem như tháng đó tôi không ăn, không uống, chỉ đủ trả tiền nhà và đi lại thôi.

Tôi thuộc hàng thu nhập vừa vừa mà còn thế, huống gì bao nhiêu người lương tháng 1000 SGD trở xuống họ sẽ thế nào?

Trên thực tế, cũng vẫn có người, cách này hay cách khác, xả rác bừa bãi, đi không đúng luật, nhưng vì họ biết nên chỉ dám lén lút thôi.

Bạn chỉ cần bị nhắc nhở là họ phải thu dọn, đi đứng cẩn thận liền.

Bạn biết tại sao không?

Vì họ biết nếu không thế, mà bị tố cáo là lập tức nhận án phạt ngay.

Ở Việt Nammình, kẻ bị nhắc có khi còn chửi, đánh lại người nhắc mình.

Lúc nào cũng sẵn sàng làm càn, chỉ biết mình, không biết người.

Đó là vấn đề ý thức, thói quen ăn sâu trong văn hóa và cách hành xử của một số người.

Theo tôi, muốn không bị phạt, tốt nhất đừng làm sai.

Mục đích của việc tăng nặng xử phạt là để răn đe, làm cho người tham gia giao thông có ý thức hơn.

Tại sao chúng ta không bàn cách nào để không vi phạm luật giao thông, không bị phạt mà cứ bàn lùi mấy vấn đề phạt ít phạt nhiều?

Nếu chúng ta không vi phạm luật giao thông thì đâu có sợ mức phạt dù cao hay thấp.

Cái chính là ý thức của dân mình khi tham gia giao thông còn yếu.

Nay tăng mức phạt vi phạm giao thông, mà theo cá nhân tôi, nên tăng nặng hơn nữa ở tất cả các mức phạm lỗi thường thấy, thì đảm bảo chỉ cần một tuần sau ngày đầu tiên thực hiện kiểm tra, áp dụng mức phạt mới, đường phố đảm bảo ngay ngắn, trật tự.

Xe cộ đi, đỗ đúng tuyến, rẽ đúng nơi, đúng đèn, đúng luồng, lề đường, hè phố quang đãng, người đi bộ cũng líu ríu tìm chỗ sang đường đúng quy định liền.

Thực ra ở Sing, số cảnh sát “đứng đường để phạt” gần như không thấy.

Họ kiểm soát giao thông chủ yếu bằng camera.

Hơn nữa, hàng ngày cũng chẳng thấy cảnh người tham gia giao thông bị phạt; bởi vì ý thức của người tham gia giao thông khác Việt nam.

Cảnh sát “sinh ra ” để hướng dẫn giao thông, không sinh “để đón lõng” phạt như Việt nam.

THANH THO – ĐẶNG VĂN HẢI

Nguồn: VNExpress

——-

ÔN CỐ TRI TÂN

Do tuổi cao sức yếu, ông Toh Chin Chye (phiên âm theo Hán Việt là Đỗ Tiến Tài), Chủ tịch sáng lập Đảng  Hành động Nhân dân (PAP), chính đảng cầm quyền hiện nay của Singapore đã qua đời lúc 9 giờ 30 sáng thứ sáu tuần rồi (3-2), thọ 90 tuổi.

Là bạn đồng chí của Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Toh từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng từ lúc Singapore tự chủ chính quyền vào năm 1959.

Ông chính là người đã thiết kế quốc kỳ hiện nay của Singapore với hai màu trắng và đỏ biểu tượng cho tình huynh đệ và sự thanh khiết, trăng lưỡi liềm thể hiện một đất nước Singapore non trẻ và năm ngôi sao tượng trưng cho lý tưởng dân chủ, công lý, công bằng, hòa bình và tiến bộ.

Theo lời của ông Lý trong thư chia buồn đăng trên nhật báo The Straits Times (TST) số ra ngày 4-2, ông Toh là người có ý chí mạnh mẽ và tranh đấu không mệt mỏi vì sự công bằng của tất cả sắc tộc ở Singapore.

Và để ghi nhận những đóng góp vĩ đại của Tiến sĩ Toh Chin Chye cho đất nước, chính phủ Singapore quyết định để cờ rũ trong công sở trong 4 ngày  và sẽ cử  hành quốc tang nhưng vẫn tôn trọng những nghi thức truyền thống của gia đình.

Sự ra đi của ông Toh là dịp để thế hệ trẻ Singapore nhìn lại quá khứ đầy tự hào và sống động của một đảo quốc còn non trẻ.

Với vị trí Phó Thủ tướng, sau đó là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, rồi Bộ trưởng Y tế, ông Toh là một trong những người dám thách thức và tranh luận công khai với Thủ tướng Lý Quang Diệu về mọi chuyện quốc gia đại sự.

Rời khỏi vai trò lãnh đạo PAP và không còn là thành viên nội các vào năm 1981, ông Toh vẫn tiếp tục tích cực đóng góp cho nghị trường với tư cách của một đại biểu quốc hội (back-bencher) cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1988.

Tiếng nói phản biện của ông đối với tổ chức PAP và chính sách của chính phủ cho đến nay còn nhiều âm hưởng mạnh mẽ.

Năm 1985, chính ông Toh là người chỉ trích tỷ lệ buộc doanh nghiệp đóng góp 50% cho Quỹ Bảo hiểm xã hội (CPF) của người làm việc là quá cao.

Ông cũng là người chỉ trích chính sách của Thủ tướng Lý Quang Diệu ưu tiên trường lớp cho con của các bà mẹ có trình độ đại học.

Nhưng nhân vô thập toàn, ông Toh đã phạm một số lỗi lầm trong việc tham gia tranh cử  quốc hội khi Singapore mới gia nhập Liên bang Malaysia.

Và điều này kéo theo một loạt những sự kiện chính trị và an ninh dẫn đến việc Singapore bị tách khỏi Liên bang vào năm 1965.

Theo phát biểu của Cựu Thủ tướng Bộ trưởng Cao cấp Danh dự Goh Chok Tong trong lễ viếng, ông Toh thuộc thế hệ của những nhà lãnh đạo không những đã chiến đấu giành được sự tự chủ và độc lập  cho Singapore mà còn thành công trong việc quản lý và phát triển đất nước một cách thịnh vượng, điều mà nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á vẫn chưa làm được.

Ông Goh nói:

“Điều quan trọng là chúng ta phải suy nghĩ về những giá trị và công lao đóng góp của thế hệ lãnh đạo này.

Chúng ta có thể nhân những giây phút đau buồn này mà suy nghĩ về tương lai.

Những thách thức hiện nay như  dân số già đi, giá nhà cửa tăng…có thể không quá “bức xúc” như thời lập quốc nhưng vẫn rất quan trọng đối sự sống còn và thịnh vượng của Singapore.”

Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Goh thừa nhận mặc dù ông Toh đã không ít lần có ý kiến chỉ trích PAP nhưng tất cả những điều đó là vì sự  nghiệp chung của tổ chức đảng và quốc gia.

Thật vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Cựu chủ tịch Toh Chin Chye đã được thể hiện rõ nét và sinh động trên các phương tiện thông tin đại chúng sau khi ông qua đời.

Nghĩa tử là nghĩa tận nhưng không vì thế mà người ta tô hồng hình ảnh của ông hay tránh không nói về những mâu thuẫn hay xung đột của ông với những người bạn đồng chí.

Tuy nhiên, điều mà lịch sử  Singapore phải ghi nhận là Toh Chin Chye là một nhân cách lớn và theo lời của ông Lý:

“Với sự ra đi của ông Toh, Singapore đã mất đi một nhân vật lịch sử trong cuộc tranh đấu vì công lý và độc lập”.

Mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc, quốc gia cần có một câu chuyện để kể lại cho hậu thế và lịch sử của đất nước Singapore hiện đại giờ đây phải công bằng hơn với việc ghi nhận và tôn vinh công lao đóng góp của nhiều vị khai quốc công thần trong đó có Toh Chin Chye.

Ông Toh là người đã giúp PAP giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đầu tiên cho phép PAP nắm chính quyền.

Ông cũng là người nhường vị trí Thủ tướng cho Lý Quang Diệu khi nội bộ trung ương đảng PAP biểu quyết với tỷ lệ cân bằng 3/3.

Ông Toh lặng lẽ rời chính trường và sống âm thầm trong một thời gian dài hơn hai thập kỷ trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Sự ra đi của ông Toh cũng khơi dậy những sai lầm về quản trị nhà nước của PAP trong quá khứ mà chính những lãnh đạo hiện nay phải thừa nhận.

Điều đáng tiếc là công lao của vị khai quốc công thần Toh Chin Chye vẫn chưa được ghi nhận thích đáng trong sử sách Singapore.

Theo chàng thanh niên 34 tuổi Tan Koong Soon, chủ tịch hội đoàn chính trị Think Centre, sách giáo khoa về lịch sử  tập trung quá nhiều vào Lý Quang Diệu và thiếu thông tin về những người bạn đồng chí như  Goh Keng Swee và Toh Chin Chye.

Bà Halimah Yacob, Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao thì cho báo chí biết rằng bà rất buồn khi có nhiều thanh niên mà bà gặp gỡ và nói chuyện thì không biết nhiều về ông Toh.

Bà tâm tư:

“Họ là những nhân vật kiệt xuất của lịch sử  và nếu không biết đầy đủ về họ, làm sao chúng ta có thể nói về tương lai”./.

LÊ HỮU HUY

 Chú thích ảnh:

Những bậc khai quốc công thần  của Singapore: ông Toh Chin Chye (đứng giữa) cùng hai bạn đồng chí  Goh Keng Swee (bên trái) và Lý Quang Diệu

——–

ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG

Một

Có một lão ngư ông nghèo, tốt bụng sống cùng bà vợ già trong một túp lều tuềnh toàng ở một làng chài ven biển.

Một hôm ra biển, ông bắt được một con cá vàng biết nói tiếng người.

Cá vàng xin ông thả và nếu ông đồng ý cá hứa sẽ cho ông ba điều ước.

Khổ nỗi, điều ước này bị ràng buộc, vợ chồng ông ước được điều gì thì gia đình người hàng xóm sẽ được gấp đôi.

Không tin lời cá vàng nhưng vì lòng nhân, ông lão thả con cá đi.

Về nhà, ông kể cho vợ nghe  chuyện con cá vàng và ba điều ước.

Bà lão bực mình vì ông lão đã mềm lòng mà thả các vàng trở lại biển cả.

Sẵn đến buổi cơm trưa, bà buộc miệng ước gì gia đình nghèo của mình được một bữa cơm thịnh soạn.

Lời hứa của cá vàng ứng nghiệm thật: trước mặt đôi vợ chồng già là mâm cao cỗ đầy.

Giật mình nhớ lại lời cá vàng, bà lão chạy sang nhà hàng xóm thì quả nhiên bên ấy có đến hai mâm cơm.

Hai vợ chồng già cảm thấy hạnh phúc với bữa ăn ngon nhờ lời ước đầu tiên.

Thế nhưng, bà lão tự dưng cảm thấy tức giận vì gia đình hàng xóm chẳng làm gì lại được hưởng gấp đôi.

Ngược lại, ông lão vui vẻ bảo với vợ là mình muốn thực hiện điều ước thứ hai là trong nhà có tivi màn hình phẳng để xem cho sống động.

Lắng nghe, họ thấy hàng xóm có tiếng ồn ào bởi gia đình họ có đến hai tivi y hệt của mình.

Đến lúc này thì bà vợ ông lão đánh cá tức điên người và hét lên:

“Nếu thế thì tao ước gì mất một con mắt để xem bọn mày được gì?”.

Bà lão vừa dứt lời thì cả làng chài nghe tiếng khóc thảm thiết từ nhà kế bên vì vợ người hàng xóm đã mù cả hai mắt.

Hai

Trong nhiều năm qua, ở Singapore có một chính sách xã hội khá thú vị với triết lý giống câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” trên đây.

Cá nhân hay doanh nghiệp nào đó (không phân biệt người địa phương hay người nước ngoài) đóng góp từ thiện hay tài trợ cho cộng đồng hay xã hội 1 đồng thì nhà nước sẽ góp thêm 1 đồng rưỡi.

Trường hợp mới đây cụ thể nhất là chuyện đại gia người Indonesia gốc Hoa, ông Tahir, sáng lập viên và chủ tịch điều hành của tập đoàn Mayapada đã hiến tặng 30 triệu đô-la cho Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Như vậy nhờ nghĩa cử cao đẹp của ông Tahir và cam kết rất “cá vàng” của chính phủ Singapore, NUS đã được một khoản tài trợ 75 triệu đô la.

Ba

Câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” và sáng kiến khuyến khích từ thiện của chính phủ Singapore nói trên thường được chia sẻ trong các buổi thảo luận về kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo tại Singapore.

Câu hỏi hay đưa ra cho học viên thảo luận là ông lão đánh cá, với tư cách là người chủ gia đình phải thể hiện khả năng lãnh đạo như thế nào và hóa giải ba điều ước có điều kiện của con cá vàng.

Phúc họa khôn lường, cơ hội đổi đời cho gia đình, cho cộng đồng, nếu không khéo tận dụng lại biến thành thảm họa.

Bài toán nào khó đến mấy rồi cũng có lời giải.

Nhưng bản tính tham lam và ganh tỵ cố hữu của con người làm lu mờ trí tuệ có khi người ta chỉ nghĩ đến những cuộc chiến thắng – thua hay “một mất một còn”.

Bản thân người viết bài này trong thời gian hơn 10 năm sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người đã có lúc suy nghĩ giống như bà vợ ông lão đánh cá.

Tham gia nhiều dự án kinh doanh với vị trí then chốt, mặc dù đã được trả thù lao đúng giá thị trường, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy tưng tức vì lắm kẻ chỉ làm nghề dắt mối, nhưng “hưởng” nhiều hơn mình.

Có thể cho đó là bất công nhưng nghĩ lại mới thấy, trong thương trường, không có tầng lớp trung gian, thì làm sao cung-cầu trong mọi lĩnh vực có thể gặp nhau.

Bốn

Nhân vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ởi Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua mà báo chí đã đề cập nhiều trong thời gian gần đây, nếu chính quyền địa phương được ba điều ước của con cá vàng thì sẽ xảy ra điều gì.

Người dân Tiên Lãng sẽ hạnh phúc nếu người lãnh đạo của họ là ông lão đánh cá nhân hậu, biết nghĩ đến người khác.

Nhưng đừng quên bên cạnh ông lão còn “bà vợ” tham lam, ích kỷ và sợ kẻ khác hơn mình, được đặt để như biểu hiện của một bản năng khác trong mỗi con người – đặc biệt với người có chức có quyền – vẫn luôn chực chờ trỗi dậy để hướng tới hành vi chiếm đoạt của người khác, áp bức người khác để mọi người phải thua mình.

Liệu những ông lão đánh cá ở những làng chài khác có khắc chế được tính xấu cố hữu trong con người mình không?

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

——–

BÁN BÀ CON XA, MUA LÁNG GIỀNG GẦN

Suốt 3 năm qua trên đảo quốc Sư Tử có một cuộc thi được tổ chức hàng năm với tên gọi Người hàng xóm tốt bụng (Good Neighbour Award – GNA) được báo chí không tiếc giấy mực đưa tin.

Thoạt nghe có vẻ đây là một hoạt động phong trào theo kiểu “vui là chính” vì thể lệ rất đơn giản, người được giải chỉ cần ít nhất một láng giềng của mình đề cử.

Lý do đề cử cũng chỉ là những hành vi đời thường như giúp đỡ nhau cọng hành, cân muối, sửa đồ đạc trong nhà, nói chuyện thân tình, chia sẻ buồn vui…

Năm 2011, trên cơ sở 1.600 phiếu đề cử, ban giám khảo đã chọn ra 5 người trong đó nổi bật nhất là doanh nhân Steven Chua Eng Hong, 54 tuổi trong khu căn hộ Fu Yong thuộc vùng Upper Bukit Timah.

Người đề cử ông Chua là bà hàng xóm Dave Ng, 40 tuổi, đại diện cho 144 gia đình trong khu dân cư này để ghi nhận sự giúp đỡ tận tình của ông Chua từ chuyện sửa chữa cho đến chăm sóc sân vườn.

Phần thưởng cho ông Chua và 4 người khác được giải chỉ là một cái cúp tượng trưng và phiếu mua hàng siêu thị NTUC Fairprice với tổng trị giá 500 đô la Singapore.

Tuy nhiên, điều vinh hạnh là đích thân Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách Phát triển quốc gia và Công thương, ông Lee Yi Shyan đến dự và trao giải.

Ở một đất nước có 80% người dân phải sống trong khu căn hộ tập thể thì chuyện láng giềng – xích mích vì những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hàng ngày không có gì lạ.

Thỉnh thoảng, báo chí Singapore cũng đề cập đến những chuyện chửi rủa, thậm chí đấm đá vì nhiều lý do như hàng xóm mở nhạc ầm ĩ vào ban đêm, giành nhau chỗ đậu xe, tranh nhau không gian phơi quần áo ở hành lang…

Hậu quả nhiều trường hợp xung đột phải nhờ luật pháp can thiệp.

Tòa án cấp dưới tại Singapore phải tổ chức thêm các phiên xử lý các vụ kiện tụng hàng xóm.

Số đơn kiện năm nào cũng tăng với mức “đỉnh”  4.569 năm 2009 và xuống còn 4.517 vụ trong năm 2010.

Tuy nhiên, tòa án Singapore khuyến khích người dân tìm trung gian hòa giải hay đưa ra các biện pháp chủ động nhằm xử lý những vấn đề phát sinh và việc đưa cho tòa xử chỉ là giải pháp cuối cùng.

Có lẽ nhờ vậy mà số vụ việc phải nhờ tòa xử đã giảm hẳn từ 22 vụ trong năm 2008 xuống còn 3 vụ trong năm 2011.

Và một cách ngẫu nhiên, điều này diễn ra sau khi Giải thưởng Người hàng xóm tốt bụng được tổ chức cách đây 3 năm.

Với trải nghiệm của bản thân trong thời gian sống, học tập và làm việc trên đảo Sư Tử trong hơn 10 năm qua, xin tiết lộ là quyết định thuê hay mua nhà của tôi ở Singapore tùy thuộc rất nhiều đến yếu tố hàng xóm láng giềng.

Một kinh nghiệm nhỏ có thể chia sẻ:

Nếu bạn có con em sang Singapore du học mà có những chỗ ở tiền thuê quá rẻ so với mức giá chung của thị trường thì đừng vội mừng.

Có thể trước mắt con em của bạn tiết kiệm được vài nghìn đô nhưng cái giá phải trả cho việc chung đụng với môi trường xấu thì khôn lường.

Ông bà ta có câu:

“Bán bà con xa, mua láng giềng gần”.

Hàng xóm láng giềng là một phần cuộc sống của chúng ta.

Bạn có muốn ăn ngon ngủ yên, sống khỏe, sống lâu thì phải luôn lưu ý đến môi trường và những người láng giềng xung quanh.

Nếu bạn mua nhà, hay căn hộ hãy chọn nơi nào đó dễ dàng trong việc giao tiếp với hàng xóm của mình.

Nếu bạn là nhà xây dựng hay kinh doanh bất động sản, hãy chào bán những dự án cổ động và tôn vinh tinh thần cộng đồng, có không gian chung và riêng cho cư dân.

Trong trường hợp chẳng may chưa có láng giềng hay môi trường xung quanh tốt, chúng ta hãy chứng tỏ mình là một người hàng xóm thân thiện, bắt tay mở rộng quan hệ và xắn tay áo giúp đỡ những người xung quanh.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

“HỒN” SINGAPORE, “DA” NHẬT

Nếu bạn đã đến Singapore mua sắm và mua một số hàng điện tử mang các nhãn hiệu như  Akira, Ichiban hay Enzer thì đừng vội tưởng đó là hàng Nhật.

Tuy chất lượng và mẫu mã chưa thể so bằng các sản phẩm của Nhật hay Hàn Quốc, hàng điện tử nội địa Singapore ăn theo thương hiệu xứ Phù Tang đã tràn ngập siêu thị và các cửa hàng lớn nhỏ và được người tiêu dùng tại đảo Sư Tử chấp nhận vì giá rẻ.

Ví dụ như đầu máy DVD của Ichiban giá chỉ khoảng 80 đô la Singapore (SGD) trong khi sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng hơn thì lên đến 120 – 150 SGD (1 SGD = 9.700 VND).

Đâu chỉ thu hút vì giá rẻ, các sản phẩm điện tử  của Singapore nói trên còn thuyết phục người mua nhờ chất lượng tương đối đảm bảo với chủng loại và mẫu mã đa dạng từ máy nướng bánh mì, quạt đứng cho đến truyền hình tinh thể lỏng (LCD) và đầu máy DVD.

Enzer đã làm cho sản phẩm của mình có nhiều tính năng hơn, như ti vi LCD có gắn đầu DVD và khe đọc thẻ nhớ.

Ichiban tung ra thị trường đầu máy video nghe nhạc dung lượng 20 GB có gắn camera 1,3 megapixel.

Thương hiệu Akira thì đã bắt đầu quen thuộc với thị trường một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Câu chuyện dưới đây về Akira, Ichiban và Enzer hy vọng sẽ giúp độc giả có một cái nhìn khác hơn về chuyện “mượn đầu heo nấu cháo” trong kinh doanh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Sáng sủa” như Akira

Năm 1984, bà Julia Tong, một nữ doanh nhân người Myanmar, đến Singapore tìm mua hàng gia dụng và điện tử  của  Singapore để nhập khẩu về nước và gặp đối tác của mình là ông Sng Sze Hiang.

Hai người cùng nhau thành lập Công ty TT Importers and Exporters chuyên “đánh” hàng điện tử từ Singapore về Myanmar và một số nước lân cận.

Năm 1991, hai người bắt đầu có ý định tạo một thương hiệu riêng cho các sản phẩm điện tử thay vì phải làm nhà phân phối cho các hãng sản xuất của Nhật như Sony hay Toshiba.

Nhưng, theo lời kể của bà Tong với phóng viên của tờ Straits Times, phải mất ba năm TT Importers and Exporters mới nghĩ ra được cái tên Akira, tiếng Nhật có nghĩa là “sáng sủa”.

Một cái tên dễ đọc, dễ nhớ và mang đầy sắc thái Nhật Bản.

Akira bắt đầu xuất hiện trên thị trường một cách khiêm tốn với các sản phẩm như đầu máy VCD và máy phát điện cầm tay sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan.

Nhân cơ hội một số nhà phân phối hàng điện tử, tầm mức nhỏ trong khu vực phá sản trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998, Akira lại lấp chỗ trống thị trường bằng cách cung cấp các loại hàng điện tử đa chủng loại.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Akira đã chứa trong kho của mình hơn 2.600 mặt hàng điện tử trong đó có ti vi LCD và máy giặt.

Từ một công ty chỉ có hai người, TT International giờ đây đã có đội ngũ nhân viên khoảng 1.800 người. Akira còn được Cơ quan Xúc tiến thương mại International Enterprise xếp trong số 15 thương hiệu hàng đầu của Singapore trong năm 2004.

Akira giờ đây có lẽ đã mang trọn vẹn “hồn” Singapore vì bà Julia Tong đã trở thành công dân Singapore sau khi kết hôn với đối tác của mình là ông Sng Sze Hiang.

Kiểu dáng của Akira được thiết kế từ Nhật, còn hàng hóa thì được sản xuất tại Trung Quốc.

Theo bà Tong, Akira có thể được so sánh với xe hơi nội địa củaMalaysiamang nhãn hiệu Proton còn các thương hiệu điện tử nổi tiếng của Nhật Bản như Sony là các loại xe hơi xa xỉ.

Bà Tong cũng không giấu giếm tham vọng sẽ làm cho Akira trở thành những chiếc Mitsubishi Galant, nhưng bán theo giá của xe hơi Proton.

“Số một” là Ichiban

Không rõ người Nhật có đăng ký độc quyền cái tên Ichiban không, nhưng đây là một doanh nghiệp chính hiệu Singapore.

Ichiban Global được thành lập năm 2000 khi công ty gia đình chuyên kinh doanh hàng điện tử Lee Meng Trading quyết định phát triển thương hiệu cho riêng mình.

Ichiban trong tiếng Nhật có nghĩa là “tốt nhất” hay “số một” nhưng theo Giám đốc điều hành Frankie Lee, triết lý kinh doanh của Ichiban không quan trọng ở chỗ đứng đầu mà là sáng tạo nên những giá trị mới cho sản phẩm hiện có.

Ông Lee tiết lộ:

Một số thương hiệu có thể đang dẫn đầu thị trường nhưng sản phẩm của chúng thiếu một số chức năng cần thiết mà người tiêu dùng quan tâm.

Ví dụ cụ thể nhất là các sản phẩm bán chạy nhất của Ichiban hiện là loại quạt đứng có thể xoay 360 độ với giá chỉ có khoảng 140 SGD hay loại quạt đứng đảm bảo không gây nguy hiểm cho trẻ em vì chỉ cần chạm nhẹ vào là nó có thể dừng lại.

Công ty khởi đầu xây dựng thương hiệu bằng cách chỉ đơn thuần mua các sản phẩm điện tử từ các nhà máy của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc và dán nhãn hiệu Ichiban vào một số mặt hàng như máy hút bụi, lò nướng vi sóng, ấm điện và quạt máy.

Đây là bước thăm dò thị trường trước khi chuyển sang sản xuất hàng loạt.

Giờ đây Ichiban đã có nhà máy tại Trung Quốc, Hàn Quốc và sản xuất các mặt hàng như thiết bị nghe nhìn, máy giặt, tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ.

Mặc dù ghi trên bao bì và sản phẩm là sản xuất tại Trung Quốc nhưng phần lớn các linh kiện của Ichiban có nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Công ty mua màn hình TV plasma của Samsung và LCD của LG.

Thế nhưng, ông Lee vẫn tự tin cho độc giả báo Straits Times biết Ichiban là thương hiệu “Made in Singapore”.

Khách hàng nước ngoài đã bắt đầu công nhận dấu an toàn (safety mark) trên sản phẩm của Ichiban với chứng nhận của SPRING, cơ quan có chức năng tương tự Cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng của ViệtNam.

Với doanh số bán hàng toàn cầu tăng khoảng gấp đôi từ năm 2004 sang 2005, các sản phẩm Ichiban đã được xuất khẩu sang 34 quốc gia, trong đó có cả quốc gia phát triển là Úc.

Enzer – Không có trong từ điển

Lấy cái tên Enzer từ một tạp chí mà tra từ điển không có ý nghĩa gì cả, doanh nhân Singapore Boyd Au cảm thấy phải xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm điện tử mà doanh nghiệp của mình phân phối từ lúc thành lập vào năm 1984.

Ông cho biết Enzer bước đầu thâm nhập thị trường từ năm 1998 bằng cách… năn nỉ và theo hình thức kinh doanh ký gửi vì đây là các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Vậy mà sáu năm sau đó, đầu máy DVD và điện thoại không dây hiệu Enzer đã trở nên quen thuộc tại các siêu thị củaSingaporenhư NTUC Fairprice và Courts.

Nhưng đâu chỉ có thế, Enzer còn có cả TV LCD, CD player và các hệ thống giải trí âm thanh và hình ảnh dùng cho gia đình.

Các sản phẩm của Enzer Corp. đã được xuất khẩu sang hơn 20 nước, trong đó có Nam Phi, Brazil và Indonesia.

Mặc dù chỉ có 30 nhân viên, Enzer đã có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2001. Từ 214.000 SGD trong năm 1999, doanh số của Enzer đã đạt gần 30 triệu trong năm 2004.

Không bị ảnh hưởng “bản sắc Phù Tang” như Akira hay Ichiban nên có lẽ Enzer có một chiến lược phát triển thương hiệu thông thoáng hơn.

Năm 1999, ông Au đã liên kết với một nhà sản xuất máy điện thoại tại Hồng Kông và thuê nhà thiết kế Đan Mạch nổi tiếng Jacob Jensen để thiết kế kiểu dáng cho điện thoại. ở Hồng Kông, các sản phẩm này dùng thương hiệu của nhà sản xuất, còn ở Singapore, Enzer dán nhãn hiệu của mình vào 15.000 đơn vị sản phẩm.

Tất cả đã được tiêu thụ nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo ông Au, hầu hết các sản phẩm điện tử đều có những bộ phận và tính năng căn bản tương tự, do đó kiểu dáng và thiết kế sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc thu hút người mua.

Hiện nay, các sản phẩm của Enzer phần lớn được thiết kế bởi các chuyên gia ngườiSingaporevà kiểm tra chất lượng bởi các kỹ sư Trung Quốc.

“Nếu có thương hiệu của riêng mình, cả thế giới là thị trường của bạn”, đó là suy nghĩ của ông Au sau nhiều năm kinh nghiệm trong việc tạo dựng thương hiệu Enzer.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu TT International, Lee Meng Trading và ông Au có thành công được như ngày hôm nay nếu muốn thể hiện bản sắc của riêng Singapore bằng những cái tên như  SingAkira, SingIchiban hay SingEnzer?

Và phải chăng Akira, Ichiban và Enzer chỉ đơn thuần kinh doanh bằng cách dán nhãn hiệu của riêng mình vào sản phẩm đã có?

Có một điều chắc chắn là các chuẩn mực về sản xuất hàng hóa trong nhà máy ở các nước có thể giống nhau nhưng không ai có thể đưa ra một công thức chính xác để xây dựng thành công thương hiệu.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

——–

THỦ TƯỚNG CANADA ĐANG ĐỌC GÌ?

Suốt ba năm qua, cứ hai tuần một lần, có một nam công dân người Canada tên là Yann Martel tự ý gửi một quyển sách cho Thủ tướng nước mình – ông Stephen Harper bất kể nhà lãnh đạo này có trả lời đã nhận được sách hay không.

Kèm theo mỗi quyển sách gửi là lời đề tặng cùng với bức tâm thư trong đó Yann nêu rõ tại sao ngài thủ tướng nên đọc quyển sách này.

Và để thể hiện tính nghiêm túc và cũng cho nhiều người dân Canada khác được biết, Yann còn làm hẳn cả một trang web mang tên What Is Stephen Harper Reading (Ngài Stephen Harper đang đọc gì?) để liệt kê và theo dõi những quyển sách đã gửi.

Được hỏi vì sao lại bỏ thời gian gửi sách cho một người nào đó có vẻ như chẳng có quan hệ gì với mình, Yann bày tỏ:

“Không phải đọc sách giúp cho bạn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, nhưng là nhà lãnh đạo giỏi, anh phải đọc”

Trên trang web nói trên, Yann viết:

“Cho đến khi nào Stephen Harper còn làm Thủ tướng Canada, tôi nguyện cứ hai tuần một lần, vào ngày thứ hai đầu tuần sẽ gửi cho ông một quyển sách…

Quyển sách này sẽ được đề tặng kèm theo đó là một bức tâm thư.

Tôi sẽ báo cáo trung thực về từng quyển sách mới, từng lời đề tặng, từng bức thư, và bất cứ câu trả lời nào của ngài Thủ tướng trên trang web”.

Qua phỏng vấn bằng điện thoại với biên tập viên Magdalen Ng của  nhật báo Singapore The Straits Tines (TST), Yann khẳng định quyết tâm tiếp tục gửi sách cho ngài thủ tướng Canada cho đến khi ông này hết nhiệm kỳ mới thôi.

Ông chia sẻ:

Xã hội chúng ta được định nghĩa bằng văn hóa của chúng ta, chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế.

Đọc sách sẽ giúp chúng ta hiểu được văn hóa và cuộc sống”

Yann Martel chính là nhà văn trẻ 47 tuổi đã từng được giải thưởng Man Booker dành cho tiểu thuyết giả tưởng bằng tiếng Anh hay nhất được trao hàng năm cho các nhà văn thuộc các quốc gia Khối thịnh vượng chung, Ai-Len hay Zimbabwe.

Năm 2001, với tác phẩm Cuộc đời của Pi (Life of Pi) nói về cuộc phiêu lưu của một cậu bé người Ấn Độ bị đắm tàu cùng với một con hổ biết nói, Yann đã trở nên nổi tiếng và được cộng đồng văn chương thế giới thừa nhận.

Điều trớ trêu cho Yann là trong lúc Thủ tướng Canada vẫn im hơi lặng tiếng, vào tháng hai vừa qua Yann nhận được mẫu thư nhỏ viết tay của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Obama với nội dung như sau:

“Con gái tôi và tôi vừa cùng đọc xong quyển sách Cuộc sống của Pi.

Cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng chúng tôi thích câu chuyện có nhân vật là các con thú.

Đây là một quyển sách dễ thương – một minh chứng thanh tao của Thượng đế và sức mạnh của việc kể chuyện.

Xin cám ơn”.

Theo thông tin từ TST, tiểu thuyết này sẽ được dựng thành phim dưới bàn tay của đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Lý An.

Tôi không rõ nhà văn Yann Martel có gặp phiền toái gì về mặt luật pháp khi thể hiện hành vi “quấy rầy văn hóa” một cách công khai đối với người đứng đầu chính phủ Canada hay không.

Nhưng quả thật là điều thú vị nếu biết được các nhà lãnh đạo của chúng ta – ngoài chuyện ăn mặc, đời sống riêng tư đang bồi bổ cho họ những thức ăn tinh thần gì.

Và chắc hẳn những chất “dinh dưỡng” từ việc đọc sách sẽ giúp họ trong sự nghiệp kinh bang tế thế, giúp cho dân giàu nước mạnh.

Và nếu đồng ý với câu ngạn ngữ:

“Hãy cho tôi biết bạn đang đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”

Xin các nhà xã hội học, các chuyên gia kinh tế hãy thử lấy “mẫu nghiên cứu” của mình là một nhà lãnh đạo nào đó.

Hãy thử xem vị này trong một khoảng thời gian nào đó đọc hết bao nhiêu quyển sách, thời lượng dành cho việc đọc sách là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm quỹ thời gian  so với các cuộc chiêu đãi, giao tế, công du nước ngoài hay các hoạt động bề nổi khác.

Liệu những thông số này có liên hệ gì đến một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ và thịnh vượng.

Và nhất là trong bối cảnh của đất nước Việt Nam ta hiện nay, chúng có dây mơ rễ má gì với thực trạng xuống cấp về môi trường, văn minh đô thị và cuộc chiến chống tham nhũng hay không?

LÊ HỮU HUY

(Viết tại Singapore, ngày 22 táng 8 năm 2010)

——–

DOANH NHÂN VÀ BẰNG CẤP

Sau hơn ba tháng khiếu nại Bộ Giáo dục – Đào tạo (Bộ GD- ĐT) do bị thu hồi bằng Thạc sĩ mà không có phản hồi chính thức, thông qua báo Người Lao động (NLĐ) số ra ngày 30-7, nghệ sĩ Hữu Luân, Phó Giám đốc Công ty Biểu diễn Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định  đưa Bộ GD – ĐT ra tòa hành chính với quyết tâm đòi hỏi công lý, công bằng.[1]

Theo ông, vấn đề không chỉ đơn thuần là bằng cấp mà đây chính là danh dự, lòng tự trọng và công sức đóng góp cho xã hội của bản thân ông cũng như hàng trăm giáo viên, sinh viên, nghệ sĩ của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh).

Chưa rõ thủ tục khởi kiện sẽ như thế nào và kết cục sẽ ra sao, nhưng nếu việc này diễn ra thì đây sẽ là một sự kiện vô tiền khoáng hậu vì Bộ GD – ĐT phải ra hầu tòa với tư thế của phe bị kiện.

Nghệ sĩ Hữu Luân, tên thật là Lê Hữu Luận, sinh năm 1960 là con trai trưởng của một gia đình đông con và người viết bài báo này có cái hạnh phúc được làm em ruột của anh.

Ba má tôi có tổng cộng chín người con, năm trai bốn gái.

Anh Luân là trưởng nam, còn tôi là con trai út, nhỏ hơn anh chín tuổi.

Anh là niềm tự hào của gia đình tôi từ lúc anh đoạt giải A hội thi ơn ca của nhà nghệ thuật quần chúng trong những năm sau giải phóng rồi sau đó là diễn viên, đạo diễn của nhiều vở kịch trên màn ảnh nhỏ.

Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, với cương vị Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên, anh đã tạo cho nơi đây luồng sinh khí mới với những hoạt động văn thể mỹ lành mạnh cho thanh niên, những buổi tọa đàm về truyền thống âm nhạc dân tộc với giáo sư Trần Văn Khê, rồi những đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao lung linh mà ấm cúng.

Trong những năm gần đây, anh lại được nhiều người yêu mến trong vai trò MC của nhiều chương trình văn hóa văn nghệ như tiếng hát phát thanh, chương trình trò chơi Rồng Vàng của Đài Truyền hình Thành phố và tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim nhựa.

Anh cũng là giảng viên của trường nghệ thuật sân khấu và là người thầy của nhiều văn nghệ sĩ đã thành danh như Huỳnh Phúc Điền, Minh Nhí, Hoàng Sơn …

Anh là thần tượng một thời của tôi khi lên trung học và tôi cũng đã từng ước mơ trở thành một ca sĩ, diễn viên kịch nói hay điện ảnh.

Tốt nghiệp lớp 12 năm 1986, tôi cũng muốn đăng ký thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu II nhưng anh khuyên tôi nên học một ngành nghề cụ thể nào đó, nhất là phát huy sở trường tiếng Pháp, ngoại ngữ duy nhất mà tôi được học vào thời đó vì đây là chìa khóa mở ra thế giới bên ngoài.

Lời khuyên của anh cũng là hành trang cho tôi trên con đường học vấn:

Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân tiếng Pháp trong tay, tôi may mắn được vào làm việc tại một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam.

Những giấc mơ cháy bỏng về nghệ thuật bây giờ đã nhường chỗ cho những tham vọng thực tế hơn được đi công tác hay tu nghiệp ở nước ngoài và thăng tiến trên con đường sự nghiệp.

Ngân hàng của những năm đầu của thập niên 90 khi kinh tế mở cửa có nhiều chuyện để làm và hầu hết các nghiệp vụ liên quan đến nước ngoài đều phải qua phòng đối ngoại.

Với những sinh viên mới ra trường có ngoại ngữ thì đây là môi trường tuyệt vời để rèn luyện.

Dù thiệt thòi so với nhiều bạn cử nhân Anh văn khác vì chỉ “chuyên” về tiếng Pháp, tôi vẫn hoàn thành tốt các công việc được giao, được cấp trên tín nhiệm và nhiều anh chị đồng nghiệp quý mến.

Thế nhưng, trên giấy tờ và dưới mắt của phòng tổ chức – cán bộ, tôi là một người không có “chuyên môn” vì làm trong ngân hàng là phải có bằng cấp về tài chính.

Ám ảnh về bằng cấp đã khiến tôi tranh thủ tham gia bất cứ khóa đào tạo nào về tài chính – ngân hàng trong hay ngoài cơ quan và đăng ký học thêm ngành cử nhân quản trị kinh doanh (QTKD) vào buổi tối tại trường Đại học Mở – Bán công.

Đầu năm 1997, được cơ quan cử sang Singapore làm đại diện, kỳ vọng về môi trường làm việc của một trung tâm tài chính lớn,  tôi thầm mong nếu có điều kiện sẽ cố gắng lấy tấm bằng Thạc sĩ QTKD với tên viết tắt tiếng Anh phiên âm ra tiếng Việt nghe rất kêu là “Em-Bi-Ây” (MBA).

Khi tôi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ trước khi sang Singaporethì được biết anh Luân của tôi đã bắt đầu chương trình cao học lấy bằng Thạc sĩ Văn hóa.

Gặp nhau tại Hà Nội, anh chúc mừng tôi về vinh dự mang chuông đi đánh xứ người của một cán bộ ngân hàng trẻ chưa đầy 28 tuổi.

Chúng tôi lang thang và len lỏi nhiều ngõ ngách của phố cổ Hà Nội, loanh quanh Hồ Gươm, viếng đền Ngọc Sơn, thưởng thức những món ăn hồn quốc túy như phở bắc, chả cá Lã Vọng…

Đã hơn 13 năm rồi nên tôi không còn nhớ anh đã giải thích cụ thể nội dung chương trình thạc sĩ văn hóa ra sao.

Nhưng những chia sẻ của anh về cội nguồn văn hóa dân tộc, về truyền thống gia đình và những giá trị thiêng liêng của hai chữ VIỆT NAM, một lần nữa lại là hành trang mới cho tôi khi bắt đầu một chặng đường sự nghiệp mới nơi đất khách quê người.

Thực tiễn công việc và cuộc sống ở nước ngoài đã giúp tôi hiểu được rằng cái bằng MBA mà tôi đã hằng mơ ước không hẳn là yếu tố quyết định thành công trên đường đời.

Mặc dù xã hội Singapore vẫn coi trọng bằng cấp nhưng cơ hội thăng tiến hay làm giàu không hẳn dành cho những cái đẳng cấp quá cao siêu như thạc sĩ hay tiến sĩ.

Thật ra, chỉ cần bạn có một cái chứng chỉ chuyên môn nào đó và khẳng định khả năng nghề nghiệp của mình là có thể ngẩng cao đầu và tồn tại bằng chuyên môn của mình.

Về phần mình, rốt cuộc thì tôi cũng lấy được một mảnh bằng thạc sĩ khi bước vào tuổi 33 và cũng vinh dự có công trình khoa học được đăng trên tạp chí nước ngoài.

Nhưng những thứ đó thật ra chỉ là bề nổi.

Chính là những kinh nghiệm “đau thương” của môi trường làm việc trong nước cộng với kỹ năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, và lòng say mê về đất nước, con người và tiếng mẹ đẻ được hun đúc qua những bài học và dặn dò của anh tôi ở Hà Nội mới là nguồn lực vô giá giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trở ngại để có thể tiếp tục tồn tại trên một đảo quốc thu hút nhân tài đến từ khắp năm châu bốn biển.

Tôi không rõ cái bằng Thạc sĩ Văn hóa đã giúp ông anh của tôi đã thăng tiến như thế nào về phương diện nghề nghiệp hay văn hóa – nghệ thuật.

Nhưng có một điều chắc chắn là nếu không có cái bằng… lòng của khán giả hay người hâm mộ, sẽ không có sự thành đạt của nghệ sĩ Hữu Luân trong hơn hai mươi năm qua.

Thật tình mà nói, tôi chẳng màng đến việc ông anh của tôi có lấy lại được bằng thạc sĩ hay không.

Cái mà tôi quan tâm là sức khỏe của anh Hữu Luân và ba tôi, người cũng bị tổn thương bởi quyết định hành chính oan nghiệt.

Và điều mong muốn lớn nhất của tôi là những người có trách nhiệm của ngành giáo dục và văn hóa hãy hành xử với nhau trong tư thế của những người làm văn hóa./.

LÊ HỮU HUY

(Viết tại Singapore, ngày 2 tháng 9 năm 2010)

[1] http://nld.com.vn/2010073012295423P0C1020/huu-luan-se-kien-bo-gddt.htm

——–

TỪ ĐẬP MARINA NGHĨ VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hồi xưa ở Sài Gòn mỗi lần trời mưa nước ngập trong khu xóm lao động nhà tôi là cơ hội để chạy ra đường vui chơi với bạn bè trong xóm như tắm mưa, đá banh, chơi thuyền buồm bằng giấy tự làm, té nước…

Còn bây giờ, con gái của tôi được may mắn sống trong môi trường trật tự và trong lành trên đảo quốc Sư Tử từ hơn 7 năm nay thì lại yêu Sài Gòn và Việt Nam hơn.

Bởi lẽ, mỗi lần về chơi là cháu được đội nón bảo hiểm, được nghe tiếng xe cộ và tiếng người nói chuyện ồn ào, được ăn những món ăn của ông bà và cô chú bác cho và rất nhiều thứ mà ở Singapore chẳng bao giờ có…

Độc giả có thể cho rằng người viết bài này đang đùa giỡn hay lạc quan tếu để quên đi thực trạng đô thị hỗn loạn hiện nay tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung.

Nhưng nhìn từ góc độ phát triển du lịch, nếu chấp nhận thực tại trong lúc chờ đợi một sự thay đổi nào đó trong tương lai và tỉnh táo một chút, một thành phố, một địa phương nào đó vẫn có cả trăm nghìn cách để thu hút du khách đến với mình, giúp họ hiểu hơn về con người, cảnh quan, có thể không văn minh, không đẹp bằng đất nước của họ, nhưng rất độc đáo, lạ lẫm và đầy tính nhân văn.

Nếu có dịp đến Singapore, mời quý độc giả dành chút thời gian ghé thăm Đập Marina (Marina Barrage) nằm ở cửa sông phía Nam chảy ra biển.

Đập nước này cũng tạo nên một hồ chứa nước nhân tạo có diện tích 10.000 hecta, chiếm một phần sáu diện tích đảo quốc bé nhỏ này.

Điều thú vị ít ai để ý đến là Singapore không quá lệ thuộc vào nguồn nước nhập khẩu từ Malaysia như mọi người vẫn nghĩ.

Trên hòn đảo có diện tích không quá 700 km2, với đập nước Marina, Singapore có tổng cộng 15 hồ chứa nước ở nhiều khu vực khác nhau dùng để hứng nước mưa.

15 hồ chứa nước này được nối với nhau bằng các đường ống ngầm để điều hòa dung lượng dự trữ phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước của người dân, các cơ sở kinh doanh thương mại hay cơ quan nhà nước.

Năm 1987, sau khi “tuyên chiến” với sự ô nhiễm bẩn thiểu và quyết tâm nạo vét lòng sông Singapore, vị cha già lập quốc của đất nước Singapore hiện đại Lý Quang Diệu, khi đó trên cương vị Thủ tướng Singapore, đã  bày tỏ:

“Trong 20 năm tới, có thể sẽ có đột phá công nghệ về chống ô nhiễm và lọc nước.

Khi đó, chúng ta sẽ ngăn sông lại hay làm một cái đập nước ngay cửa sông nối với biển.

Và rồi chúng ta sẽ có một hồ chứa nước ngọt.”

Ngoài tác dụng dự trữ nước, Đập Marina còn có một chức năng khác là chống lụt.

Khi mưa quá lớn đập sẽ mở cổng thoát nước và hệ thống bơm sẽ đẩy nuớc biển mặn ra ngoài để trong vài năm tới nữa, hồ chứa sẽ toàn là nước ngọt.

Trong trường hợp triều cường, các ống bơm cũng tiếp tục đẩy nước ra và đẩy nước ra phía biển để chống ngập.

Đặc biệt, Đập Marina còn được sử dụng để người dân Singapore và du khách nước ngoài tham quan giải trí.

Ở đó có đua thuyền, dọc đập nước và trên tầng thượng là nơi sinh hoạt cộng đồng, có cả những cánh diều bay cao….

Viết về những cái hay cái đẹp của đảo quốc Singapore, tôi không ngại để nói rằng nhờ thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam chúng ta có lẽ không phải mất quá nhiều công sức để xây một đập nước và tận dụng nó làm nơi du lịch như Singapore.

Qua báo chí trong nước tôi được biết mấy năm nay Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (lưu vực sông Nhiêu Lộc – Thị Nghè).

Và mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tính tới chuyện phát triển vận tải hành khách công cộng thông qua hình thức tàu buýt chạy trên sông rạch nhằm chia tải cho giao thông đường bộ đang quá tải nghiêm trọng; đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu khai thác du lịch trên tuyến sông Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Tuy nhiên, từ việc xây dựng Đập Marina ở Singapore, tôi muốn giới thiệu những kinh nghiệm đáng cho chúng ta học hỏi.

Bởi nó là bằng chứng hùng hồn về tầm nhìn của lãnh đạo và khả năng biến ý tưởng thành hành động nhờ có sức mạnh cộng hưởng của nhà nước – người dân và doanh nghiệp.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

——–

RỦ NHAU HỌC CÁCH KIẾM TIỀN

Trong “nguy” có “cơ”, muốn trở thành triệu phú đô la, tiền bạc xài thoải mái khi về hưu sớm hay chỉ đơn thuần là kiếm nhiều tiền hơn trước, mời bạn đến với các khóa huấn luyện kỹ năng tài chính của chúng tôi.

Đó là lời quảng cáo thường thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Singapore trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động.

Không rõ có bao nhiêu người đã trở thành triệu phú hay biến ước mơ kim tiền của mình thành sự thật chưa nhưng càng ngày càng có nhiều người dân đảo Sư Tử rủ nhau đăng ký các khóa học nâng cao kỹ năng tài chính và kinh doanh chứng khoán bất chấp tình hình kinh tế suy thoái và giá cổ phiếu giảm.

Mà học phí  không rẻ chút nào: ít nhất 2000 đô la Singapore (SGD) cho đến 7000 SGD (tương đương 20 triệu cho đến 70 triệu đồng Việt Nam) cho một chương trình đào tạo từ 2 đến 8 ngày.

Nhưng có lẽ những con số lợi nhuận kỳ vọng kiếm được trong thời buổi nhiễu nhương này đã làm mờ mắt học viên tham dư khóa học.

Các trung tâm đào tạo cho biết kinh tế suy thoái lại là lúc hoạt động kinh doanh của họ sôi động hơn trước và một khóa học của các trung tâm này có trung bình 40 học viên với thành phần lý lịch đa dạng trong đó có những người vừa bị thất nghiệp, các bác hưu trí, sinh viên và cả những nhà quản lý hiện đang đi làm thuê nhưng có hy vọng “đổi đời” nhờ thời cuộc.

Các khóa đào tạo nói chung xoáy vào một thị trường hay sản phẩm tài chính cụ thể nào đó như kinh doanh cổ phiếu, giao dịch hối đoái hay các quyền lựa chọn (option). Một đơn vị tổ chức hào hứng chia sẻ với nhật báo The Straits Times (TST) như một cách quảng cáo cho chương trình đào tạo của mình:

“Mỗi hợp đồng quyền lựa chọn (option contract) kiểm soát 100 cổ phiếu, như vậy giao dịch quyền lựa chọn (option trading) có rủi ro thấp, nhưng lợi nhuận  thu được (premium) thì rất cao”.

Một quảng cáo đầy hấp dẫn khác:

“Thị trường hối đoái có khối lượng giao dịch rất lớn và hoạt động liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ, 7 ngày trong một tuần”.

Hay một lời mời gọi cụ thể:

“Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hiện có hơn 14.000 công ty đang niêm yết để bạn chọn lựa, và không phải trả thuế”.

Vân vân và vân vân…

Mặc dù mồi nhử học viên có khác nhau nhưng các trung tâm đào tạo đều có một điểm chung là dạy những “chiến lược” để kiếm tiền thật nhiều trên các thị trường tài chính toàn cầu, nhất là trong thời buổi khó khăn này và não trạng chung của người dân Singapore là “Money No Enough”.

Các khóa huấn luyện này không chỉ dạy lý thuyết suông mà tập trung vào những chủ đề thực tiễn như dạy học viên cách quản trị tiền bạc (money management), các khía cạnh tâm lý hay cách “đấu trí” trong giao dịch và cách sử dụng các phần mềm trong giao dịch kinh doanh.

Một số người hoài nghi thì cho rằng: ai mà tự kiếm tiền được thì chẳng dạy cho người khác, còn những kẻ đi dạy thì chắc là giao dịch không thành công.

Qua nhật báo TST, Chris Firth, tổng giám đốc của công ty quản lý tài sản dollarDex không ngần ngại nói thẳng rằng ông rất nghi ngờ về những khóa học này bởi lẽ nếu các “giảng viên” thật sự giỏi thì họ sẽ dành thời gian cho giao dịch kinh doanh thay vì đứng trên bục giảng để giúp người khác kiếm tiền.

Nhưng nói gì thì nói, số lượng người tham gia các khóa học của các trung tâm đào tạo lại tiếp tục theo chiều hướng tăng.

Tại buổi giới thiệu về chương trình học của một trung tâm, nhiều người tham dự đã bày tỏ tham vọng muốn kiếm tiền trên thị trường tài chính trong thời gian ngắn nhất và thậm chí sẽ bỏ công việc hiện tại để trở thành một nhà giao dịch tài chính chuyên nghiệp toàn thời gian.

Tuy nhiên, nhiều giảng viên cũng nhanh chóng phản hồi rằng các học viên không nên suy nghĩ đơn sơ rằng học xong là có thể kiếm tiền được ngay.

Ông Ee Chee Koon, giảng viên và giám đốc điều hành của trung tâm đào tạo Asia Charts cho rằng những ai liều mạng để kiếm tiền ngay thì không nên giao dịch kinh doanh các sản phẩm tài chính vì lối suy nghĩ như vậy rất nguy hiểm.

Chia sẻ kinh nghiệm về một nhà  đầu tư vào năm 2007 đã mất 50%  tiền tiết kiệm sau khi về hưu do nghe lời kẻ khác xúi dại, ông Ee cho biết mình đã khuyên ông này nên bình tâm lại trước khi tiếp tục “tái xuất giang hồ” vì tâm lý giữ vai trò rất quan trọng trong giao dịch chứng khoán.

Đầu tư vào một khóa học kỹ năng kinh doanh cổ phiếu vào tháng giêng năm 2009  xem ra là hiệu quả với Jason Kwok, 38 tuổi hiện là quản trị viên công nghệ thông tin toàn thời gian cho một doanh nghiệp Singapore.

Anh phấn khởi cho biết chỉ trong vòng một tháng, anh đã “gỡ” lại 2.900 SGD là tiền học đã bỏ ra  cho khóa học với trung tâm Asia Charts và giới thiệu bốn người bạn khác đến học.

Một câu chuyện thành công khác:

Eric Lee, 36 tuổi đã từng làm cho một ngân hàng với tiền lương hàng tháng năm con số, sau khi nghỉ việc anh đã tham gia khóa học của trung tâm T3B Holding và trở thành nhà giao dịch hối đoái toàn thời gian tự kinh doanh cho mình và giờ đây cũng kiếm được bằng số tiền lương trước đây và có lúc cao hơn.

Phải chăng có rất nhiều kinh nghiệm đau thương của nhiều sau khi học xong và thử thời vận nhưng không được báo chí ghi nhận hay vì kẻ thua cuộc vì sợ bẽ mặt nên cũng ít muốn chia sẻ cho người khác biết?

Theo Karen Loh, 36 tuổi giám đốc tiếp thị của một công ty đa quốc gia cho biết kinh nghiệm không mấy vui vẻ của mình sau khi bỏ ra 2500 SGD để học về giao dịch hối đoái.

Cô cho biết khóa học được tổ chức tốt và khá toàn diện và luôn có hỗ trợ thường xuyên cho học viên thậm chí sau khi học xong thông qua các hoạt động nhóm họp hay bàn tròn hội thảo trên mạng.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng cứ học xong là biết giao dịch kinh doanh và sau đó cứ tự mình làm mà không cần ai khác hỗ trợ, nhưng thật ra mọi chuyện không hề đơn giản”, cô nói.

Nhật báo TST đã từng ra cảnh báo về trường hợp một số “giảng viên” đã tự đánh bóng và thổi phồng khả năng của mình trong đó có Clemen Chiang của trung tâm đào tạo mang tên Freely Business School.

Anh này quảng cáo mình là có bằng tiến sĩ về giao dịch quyền lựa chọn (doctorate in option trading)  nhưng cuối cùng bị phát hiện là cái bằng này do một trường đại học “đâu đó” mà nhà nước Singapore và cộng đồng kinh doanh ở đây không công nhận.

Một số học viên bđã khởi kiện và hậu quả là anh này phải trả lại tiền học phí đã thu trước đây.

Dù sao đi nữa, nhu cầu của học viên vẫn tăng vì ai cũng muốn trở thành nhà đầu tư khôn ngoan, nhất là trong thời buổi không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Thế nhưng ai cũng biết rằng “học” là một chuyện, “hành” lại là một vấn đề khác./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

—–

TREO ĐẦU DÊ, BÁN THỊT CHÓ

Du khách nước ngoài có dịp đến Singapore trong thời gian này thỉnh thoảng sẽ bắt gặp trên đường phố hay dưới trạm tàu điện ngầm những tấm bảng quảng cáo đầy khiêu khích với những từ ngữ khá “nhạy cảm” bằng tiếng Anh như Naughty G – tạm dịch là “G hư hỏng”.

Trong lúc tưởng tượng hay liên tưởng xem “Gờ” (G) có nghĩa là gì, người tiêu dùng có thể thấy ngay thông điệp quảng cáo “Năng lượng, sức bền và hiệu suất – Nước uống bổ sung cho Chàng và Nàng” cho Naughty G – loại nước uống tăng lực mới có mặt trên thị trường Singapore, phục vụ nhu cầu cải thiện khả năng giới tính cho quý ông quý bà.

Xuất xứ từ Áo với nhà phân phối là một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Singapore, sản phẩm này còn có cái trang web xứng đáng được xếp vào chủng loại “hạn chế dành cho người lớn” (Restricted Adult – RA) với cái tên http://www.naughtygdrink.com.

Nghe ghê gớm vậy thôi chứ Naughty G cũng đơn giản là chuyện treo đầu dê bán thịt chó.

Theo nhìn nhận của cô John Wong, đại diện cho nhà phân phối Naughty G tại Singapore đăng trên nhật báo The Straits Times (TST), dù trong thành phần của loại nước uống này có một số đặc tính kích dục (aphrosidiac property), đây chỉ là nước uống tăng lực (energy drink), một loại nước bổ dùng để tăng cường sinh lực và cải thiện hiệu suất hoạt động của cơ thể.

Thế nhưng, người tiêu dùng phải hiểu thế nào đây khi dùng loại nước uống trong đó có Horny Goat Weed – một loại thảo mộc thiên nhiên có thể tìm thấy tại châu Á và vùng Địa Trung Hải – mà nhiều trang web liên quan đến y tế hay sức khỏe đều cho là một trong những thành phần kích dục.

Được nhập khẩu vào Singapore từ tháng 7, loại nước uống này có vẻ tự hào về khả năng làm tăng tính “chiến đấu” của quý ông quý bà nhờ những thành phần như Horny Goat Weed, nhân sâm Cao Ly, ginkgo biloba, tribulus terrestris, và một thành phần mà quảng cáo này cho là “phân tử có phép lạ” (miracle molecule) mang tên L-Arigine, giúp người uống có thêm năng lượng, thêm nhiều năng lực, sức chịu đựng và hiệu suất hoạt động của cơ thể.

Trong lúc đó, những loại nước uống tăng lực được nhiều người biết đến từ trước đến nay như Red Bull (mà dân miền Nam vẫn hay gọi là nước uống “Con bò cụng”) hay Shark chỉ có chứa chất caffeine, đường hay đường mía sucrose và taurine, một loại axít amin được cho là có thể làm tăng thành tích của các vận động viên thể thao.

Nhìn từ góc độ tiếp thị, đối tượng tiêu thụ Naughty G chủ yếu là các nhà quản lý trẻ, sinh viên đại học, dân chơi câu lạc bộ về đêm, vận động viên hay những người tập thể dục thể hình.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ thông điệp quảng cáo của Naughty G.

Theo ông Khoo Eng Lim, Giám đốc một cơ sở đào tạo tư nhân về các loại dược phẩm thay thế tại Singapore, nếu như nhân sâm, ginkgo và horny goat weed được nhiều người tin là có thể làm tinh thần sảng khoái và tăng cường sinh lực, tỷ lệ của những chất này trong Naughty G chỉ là 0,08%; còn tỷ lệ các chất khác như tribulus terrestris và L-Arginine là bao nhiêu thì không ai biết.

“Phải chăng, các nhà phân phối đã cường điệu quá mức để người tiêu thụ quan tâm và quyết định mua uống ngay?”, ông Khoo đặt câu hỏi.

Theo http://www.about.com, một trang web chuyên về sức khỏe của tập đoàn báo chí New York Times, tribulus terrestris là một loại dược thảo của người Hoa và người Ấn Độ thường được dùng để trị vô sinh, rối loạn chức năng cương (erectile function) của nam giới và khả năng tình dục kém.

Một trang web chuyên về sức khỏe có uy tín khác là http://www.mayoclinic.com cho biết L-Arinine là một loại axít amin bổ sung protein cho cơ thể và cũng được dùng để trị chức năng cương cũng như chứng đau ngực và tắc động mạch.

Theo trang web này, horny goat weed được biết là có đặc tính kích thích tình dục.

Cũng giống như Red Bull và Shark, Naughty G cũng có lời cảnh báo người tiêu dùng là không nên uống hơn hai lon một ngày.

Ngoài ra, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú và những ai có vấn đề về tim mạch thì không nên dùng.

Thật vậy, theo bác sĩ chuyên khoa nội tiết Stanley Liew của Bệnh viện Raffles, phụ nữ có thai nên tránh xa các loại nước uống tăng lực vì chúng có thể làm lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến bà mẹ và thai nhi.

Còn chuyện nước uống tăng lực có thực sự tăng hiệu suất sinh hoạt và làm việc hay không thì vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh.

Ông Stanley cũng nói thêm, các loại nước tăng lực chứa nhiều cafeeine và đường, có thể gây mất ngủ, tim đập nhanh, tâm trạng bồn chồn và tăng huyết áp.

Về “hỗn hợp” trong Naughty G, cũng không có cơ sở khoa học nào chứng tỏ rằng các thành phần này mang đến những hiệu ứng tốt cho sức khỏe.

Với bốn hương vị là Original, Cola, Trà xanh và Không đường (sugar-free), một lon Naughty G tại các siêu thị lớn, các cửa hàng tiện ích, hiệu thuốc, nhà hàng và câu lạc bộ về đêm của Singapore có giá trên dưới 3 đô la Singapore.

Theo nguồn tin đáng tin cậy của nhật báo TST, từ tháng 7 cho đến nay đã có hơn 50.000 lon Naughty G được tiêu thụ trên thị trường Singapore.

Ông Nehal Kamdar, chuyên gia dinh dưỡng có nhiều năm kinh nghiệm hiện đang làm việc tại Bệnh viện Raffles, khuyên các bậc phụ huynh nên theo dõi và kiểm soát con em mình đang dùng những loại thức uống gì.

Theo ông, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trẻ em uống hai lon nước tăng lực trở lên mỗi ngày sẽ trở nên cáu bẳn và nóng tính.

Một chuyên gia dinh dưỡng khác là Alvin Wong của Bệnh viện Đa khoa Changi thì đề nghị công chúng nên đề phòng các loại thuốc được cho là làm từ dược thảo.

Ông nói: “Chúng ta không biết được những tác động gây hại nào đó có thể xảy ra nếu như có những tương tác nào đó giữa các chất chiết xuất từ dược thảo”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cách dễ dàng nhất của người tiêu dùng ở Singapore là nói KHÔNG với một sản phẩm có cái tên hư hỏng là Naughty G.

Thế nhưng, bắc thang lên hỏi ông trời, mấy ai đo được những tác hại văn hóa khôn lường đối với những đầu óc trẻ thơ trên đường đi học khi thấy những bảng hiệu quảng cáo treo đầu dê bán thịt chó với những từ ngữ đầy tính “chiến đấu” của người lớn như: “Work hard, play harder”.

Vì lý do kỹ thuật, xin độc giả miễn cho việc dịch các từ ngữ này ra tiếng Việt.

Chẳng hạn như Horny Goat Weed, không lẽ dịch là “Cỏ dê có sừng”?

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

HÔM NAY LÀM NHÀ BĂNG, NGÀY MAI LÀM… NHÀ GIÁO

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu, trong sáu tháng đầu năm 2009 tại Singapore đã có gần 20.000 trường hợp bị mất việc và trong đó ngành tài chính – ngân hàng chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Nhưng trong trường hợp bạn đang làm trong ngành tài chính – ngân hàng mà bị thất nghiệp thì cuộc đời bạn chưa phải là dấu chấm hết.

Đó là thông điệp phát ra từ một diễn đàn của Hiệp hội Phụ nữ làm việc trong ngành tài chính Singapore (FWA) được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2009 nhằm tìn ra những giải pháp giúp đỡ những phụ nữ gặp khó khăn trong việc tìm công ăn việc làm trong ngành tài chính – ngân hàng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Khách mời danh dự của  diễn đàn là bà Lim Hwee Hua, nữ bộ trưởng duy nhất của Singapore phụ trách Văn phòng Thủ tướng kiêm Thứ trưởng Tài chính và Giao thông cho biết trong cơ cấu nhân lực của nền kinh tế Singapore,  ngành tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng khá đáng kể với con số 5,4%.

Bà Lim nói:

“Nếu những thay đổi trong hoạt động kinh tế chỉ mang tính chu kỳ thì công ăn việc làm sẽ tăng cùng nhịp với mức độ phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu những thay đổi hiện tại mang tính cơ cấu thì có nhiều khả năng có những người không phù hợp với bối cảnh làm việc mới mặc dù kinh tế có phục hồi.”

Theo bà Chan Ee Lin, chủ tịch FWA và cũng là giám đốc khu vực Đông Nam Á phụ trách bộ phận tư vấn quản lý tài sản cá nhân của ngân hàng RBS, những ai đã có kinh nghiệm nhiều năm và được trả lương cao sẽ gặp khó khăn vì nói chung  các định chế tài chính – ngân hàng giờ đây muốn tuyển người trẻ và trả tiền lương thấp hơn.

Một “xu hướng” đáng sợ khác:

Phụ nữ nghỉ hộ sản cũng là những người dễ bị mất việc.

Tại Singapore đã có nhiều trường hợp phụ nữ sau khi sinh con đã nghỉ phép quá lâu và khi quay lại cơ quan thì đã có người khác “làm dùm” công việc trước đây của mình.

Ngoại trừ những vị trí rất quan trọng không thể thay thế được, nhiều phụ nữ  sau khi sinh con thường cảm thấy nguy cơ mất việc là chuyện tất yếu.

Theo đánh giá của bà Lorraine Boon, phó chủ tịch FWA và cũng là giám đốc nhân sự của công ty săn đầu người Garner International, nếu muốn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này, phụ nữ trong ngành tài chính ngân hàng Singapore phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và học hỏi các kỹ năng mới hay tìm cơ hội làm việc ở các ngành nghề khác.

Một lựa chọn khá lý tưởng khác là làm việc trong một lĩnh vực có liên quan đến ngành tài chính hay mở một cơ sở kinh doanh cho riêng mình.

Điều thú vị là tại diễn đàn cũng có nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp “phi tài chính” như công ty bất động sản Mapletree Investment, công ty tư vấn quản lý Bain & Company và hãng tin Reuters.

Các đại biểu này tranh thủ cơ hội “tiếp thị” hình ảnh doanh nghiệp của mình với môi trường làm việc hấp dẫn và vẫn tiếp tục sử dụng những ai đã có kỹ năng chuyên môn trong ngành tài chính ngân hàng.

Ngoài ra, bà Boon còn cho biết còn có nhiều cơ hội làm việc trong các tổ chức phi chính phủ hay từ thiện quốc tế có trụ sở đóng tại Singapore.

Một lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời khác dành cho cho phụ nữ hiện đang làm việc trong ngành tài chính ngân hàng đó là trở thành một nhà giáo trong tương lai.

“Bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi thấy các nhà ngân hàng thật ra là giáo viên giỏi.

Với kiến thức thực tiễn và những kinh nghiệm đa dạng trong cuộc sống nghề nghiệp, họ sẽ mang đến cho học sinh những buổi học hấp dẫn và lý thú.”, bà Boon khẳng định sau khi đại biểu khách mời đến từ Bộ Giáo dục Singapore trình bày các cơ hội nghề nghiệp trong ngành giáo dục và đào tạo.

Theo nữ bộ trưởng Lim, “nguy cơ sa thải có thể xảy ra đối với bất cứ ai, tuy nhiên, không nên xem đó là một thất bại cá nhân mà đây chính là cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.”

Người ta có thể đồng tình hay không đồng tình với ý kiến của bà Lim.

Nhưng không ai phủ nhận một thực tế rất giản đơn: kinh tế suy thoái, đi xuống thì sẽ đến lúc phục hồi và đi lên.

Việc chuẩn bị hành trang nghề nghiệp, không ngừng nâng cao kiến thức kỹ năng để tiếp tục trụ vững trong vị trí nghề nghiệp hiện tại của mình hay đủ sức “chiến đấu” trong một môi trường làm việc mới là điều cần thiết./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

XU HƯỚNG: HỌP TỪ XA

Kinh tế suy thoái, tiết kiệm chi phí đi lại nhưng công việc vẫn phải đảm bảo trôi chảy, nhiều doanh nghiệp trên đảo Sư Tử  đã chuyển sang phương thức họp từ xa, mà hiệu quả nhất là thông qua cầu truyền hình (videoconferencing).

Đây cũng là cơ hội làm ăn các công ty viễn thông hay cung cấp phần mềm hay dịch vụ có liên quan.

Chẳng hạn như  số lượng khách hàng của tập đoàn SingTel yêu cầu sử dụng dịch vụ videoconferencing đã tăng đến 20% trong vòng 12 tháng qua.

Telepresence, công ty giải pháp videoconferencing cao cấp thuộc tập đoàn Cisco bắt đầu hoạt động từ năm 2006 cho biết doanh số bán hàng của mình cũng tăng 100%. trong suốt 12 tháng vừa qua.

Còn hoạt động kinh doanh của Unified Communication Server thuộc tập đoàn Microsoft cung cấp dịch vụ hình ảnh, giọng nói và nhắn tin trên cùng hệ thống thì trong thời gian qua cũng tăng cường đáng kể, và không chỉ riêng ở Singapore mà cả các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với hơn 100 khách hàng mới là doanh nghiệp  đăng ký sử dụng dịch vụ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay muốn tiết kiệm chi phí cũng không nhất thiết phải trả quá nhiều tiền cho các công ty nói trên mà có thể sử dụng với chi phí rẻ thậm chí “xài chùa” như  Google Video Chat hay Window Live Messenger.

Những thông tin nói trên cho thấy xu hướng toàn cầu cho các hoạt động hội họp từ xa.

Hồi tháng trước, hãng nghiên cứu Gartner dự báo rằng đến năm 2012 các giải pháp sử dụng video có độ phận giải cao có thể thay thế 2,1 triệu chỗ ngồi trên máy bay hàng năm.

Qua khảo sát của nhật báo The Straits Times(TST), nhiều doanh nghiệp tại Singapore  cho biết việc hội họp từ xa như vậy đã giúp cho họ tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian đi lại.

Chẳng hạn như tập đoàn Opulent Group chuyên sản xuất các giải pháp về nhiệt (thermal solution) kể từ tháng 9 năm ngoái đã cắt giảm phân nửa ngân sách đi lại của cán bộ nhân viên và thay vào đó là các cuộc họp qua vầu truyền hình.

Điều này có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp này vì một phần ba trong số 100 cán bộ nhân viên của họ phải thường xuyên đi lạii trong khu vực châu Á hay một nước châu Âu ít nhất mỗi tuần 3 đến 4 lần.

Mới đây, Opulent đã quyết định bỏ ra 10.000 USD để mua hệ thống của Microsoft, chủ yếu dùng kết nối băng tần rộng hiện tại sẵn có của doanh nghiệp để vận hành.

Ngoài chi phí đi lại, Opulent còn tiết kiệm được điện thoại viễn thông quốc tế vì hàng tháng họ thường phải tốn kém trên dưới 5000 đô Sing (SGD).

Có thể nói những tiến bộ về công nghệ  đã làm cho videoconfencing dễ dàng và hấp dẫn hơn.

Theo ông Nagi Kasinadhumi, tổng giám đốc Datacraft, một công ty tư vấn về công nghệ thông tin toàn cầu, videoconferencing ngày càng có  nhiều lựa chọn hơn, rẻ hơn và giúp người sử dụng có những trải nghiệm lý thú.

Một thuận lợi khác:

Videoconferencing  cũng giúp người sử dụng trao đổi và trò chuyện cùng một lúc với các khách hàng của mình ở các quốc gia khác nhau.

Ông Nagi cho biết Datacraft thường xuyên có các cuộc họp  tay ba giữa các đối tác và khách hàng ở Singapore, Bangalore và London mà nếu muốn gặp gỡ tận mặt thì mất vài vài tháng mới bố trí được.

Nếu không có gì thay đổi, , Datacraft sẽ cắt giảm một phần ba chi phí đi lại của mình trong tương lai không xa, ông Nagi nói.

Vả lại videconferencing không những giúp giảm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian đi lại.

Với các doanh nghiệp ngân sách còn hạn hẹp hay muốn xài đồ miễn phí thì có thể dùng Google video chat hay Skype để giao dịch với đối tác hay khách hàng.

Theo Justin Lee, giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ cung cấp các giải pháp trên trang web, các công cụ giao tiếp qua mạng ngày càng dễ sử dung hơn và thậm chí anh không còn cảm giác cách biệt về thời gian hay không gian giữa các nước có múi giờ khác nhau.

Còn nữa, với những ai hay bị say tàu xe hay dễ bị mệt mỏi sau khi bay  thì videoconferencing giúp tránh những phiền toái về sức khỏe.

Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định rằng videoconferencing không phải là giải pháp tốt nhất trong giao tiếp kinh doanh, nhất là chưa hiểu rõ đối tác hay khách hàng trong giai đoạn  mới làm quen nhau và khi tiến tới ký kết hợp đồng làm ăn.

Nói gì thì nói, con người vẫn cần gặp gỡ trực tiếp, mặt đối mặt, bắt tay nhau, cảm nhận và chia sẻ về văn hóa, ngôn ngữ và tình người.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

QUẢN GIA LỄ CƯỚI

Cách  đây chừng 10 năm, khi giúp một cô bạn chuẩn bị lên xe hoa, không hài lòng với công ty dịch vụ lễ cưới cho cô bạn, Renee Leung quyết định tự  mình đứng ra làm mọi việc và từ đó cô đã bắt đầu bước vào một ngành kinh doanh mới:

Hoạch định và tổ chức lễ cưới cho các đôi tân lang và tân giai nhân.

Vào thời điểm đó, Renee hãy còn là một chuyên viên thiết kế thời trang.

Cô chia sẻ với phóng viên của nhật báo The Straits Times (TST):

“ Lúc đó, tôi và bạn tôi quyết định phải làm cho lễ cưới là một ngày hội chứ không chỉ đơn thuần là một bữa ăn tối có nhiều người mặc quần áo đẹp tham dự.”

Và như thế, chỉ mới có 24 tuổi, Renee quyết định bỏ công việc đang ổn định của một chuyên viên thiết kế thời trang và khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh nói trên và thành lập công ty hoạch định và tổ chức đám cưới mang tên The Wedding Butler (tạm dịch là Quản gia Lễ cưới).

“Tôi quyết định làm một cái gì đó khi mình còn trẻ và còn nhiều say mê và nhiệt huyết.”

Một thập niên đã trôi qua, Renee  cho biết cô vẫn còn yêu thích công việc hoạch định và tổ chức lễ cưới làm cho khách hàng hài lòng với nhiều hoạt động và sự kiện sôi động và hấp dẫn.

Ngoài The Wedding Butler, Renee còn có thêm bộ phận kinh doanh mang tên “PURE details” (tạm dịch là “Những chi tiết thuần khiết”) để thực hiện các sự kiện khác.

Nhờ có chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế thời trang, Renee cũng dễ dàng giải đáp các thắc mắc của khách hàng chẳng hạn như việc chọn một bộ đồ cưới cho cô dâu thế nào cho phù hợp.

Do đó, một phân khúc thị trường mới được hình thành và Renee lại  mở thêm bộ phận kinh doanh mới mang tên Renee L. Collections chuyên tư vấn và cho thuê quần áo cưới.

Từ một “công ty” kinh doanh tại gia  nhỏ bé với số vốn tiền mặt vỏn vẹn có 4.000 Đô-la Singapore (SGD) dùng để in danh thiếp, mua văn phòng phẩm, các vật dụng ban đầu cần thiết và chi phí quảng cáo, cuộc phiêu lưu của Renee đã trở thành một hành trình lý thú.

Renee cho rằng thành công của cô có được ngày hôm nay là nhờ lòng kiên nhẫn và tinh thần kỷ luật.

Cô tiết lộ:

“Thưở ban đầu tôi phải tự mình làm mọi việc, từ việc đi quảng cáo, tiếp thị, giao hàng, kế toán và cả đi thu tiền.

Tôi tự nhủ rằng mình không được nhút nhát và phải luôn luôn học hỏi không ngừng về mọi khía cạnh của công việc kinh doanh.”

Renee không ngần ngại tiết lộ rằng trong nhiều năm, cô phải làm việc tại nhà để tiết kiệm vì chi phí ban đầu quá lớn.

Thậm chí cô còn không dám bật máy lạnh ở nhà vì sợ cuối tháng hóa đơn tiền điện cao quá.

May mắn là gia đình đã ủng hộ và cho phép Renee tiếp khách hàng trong phòng khách.

Cái tưởng chừng bất lợi lại thành thuận lợi:

Khách hàng của Renee cảm thấy thích thú vì không gian thân mật và gần gũi khi tiếp xúc với bà chủ tại “văn phòng” của một công ty tại gia.

Renee cho biết nhiều khi các buổi tư vấn khách hàng kéo dài và có lúc cô phải phục vụ họ bữa tối.

Một đôi vợ chồng trẻ thậm chí còn hỏi liệu mẹ của cô có thể lo việc đãi tiệc cưới hay không.

Ngoài việc quản lý và điều hành kinh doanh, Renee còn phải dành thời gian cho con gái Calista năm nay 3 tuổi.

Cô bắt đầu một ngày mới với con gái rồi đến cửa hàng để kiểm tra việc giao hàng trong tuần với nhân viên trong công ty và sau đó kiểm tra email của khách hàng, trước khi đi mua vật liệu cần thiết cho từng đơn đặt hàng cụ thể.

Các buổi tối trong tuần thường bận rộn với việc thử quần áo và tư vấn lễ cưới cho khách hàng, và cô không bao giờ kết thúc công việc trước 10 giờ tối.

Cô cho biết những ngày cuối tuần cũng có nhiều hoạt động và sự kiện.

Lúc rảnh thì Renee tranh thủ thiết kế các bộ đồ cưới mới, giải quyết các công việc vụn vặt của một bà chủ, và đặc là đi giao lưu để quảng cáo cho doanh nghiệp của mình.

Theo nữ phóng viên Geraldine Tan của tờ TST, Renee là một phụ nữ có óc khôi hài, tính tình vui vẻ, với khả năng tổ chức công việc và quản lý thời gian rất tốt, nhất là cô đã biết cách cân bằng giữa cuộc sống và việc kinh doanh.

Renee cho biết cô đang có tham vọng phát triển họat động kinh doanh của mình sang các nước khác, thiết kế và kinh doanh quần áo thời trang cho trẻ em gái trong các dịp lễ hội và thậm chí xuất bản một quyển sách về hoạt động kinh doanh của mình.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

VĂN PHÒNG DI ĐỘNG

Đã lâu không liên lạc, tình cờ tôi gặp lại Lee, một anh bạn người Singapore trong một tiệm thức ăn nhanh McDonalds trên khu phố mua sắm Orchard Road.

Anh cho biết đã nghỉ việc ở công ty cũ và giờ đây mở một doanh nghiệp riêng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, tài chính và tiếp thị.

Anh gửi cho tôi tấm danh thiếp rồi xin lỗi vì bận bịu cùng với chiếc máy tính xách tay (laptop) tiếp chuyện với khách hàng.

Lee hẹn gặp lại tôi sau để trao đổi về khả năng hợp tác kinh doanh trong tương lai .

“Hay là tôi đến thăm anh tại văn phòng”, tôi đề nghị nhưng Lee cười:

“Mình biết cậu thích uống cà phê, tuần sau gặp nhau ở Starbuck Coffee đi”

Một tuần lễ sau đó chúng tôi gặp lại nhau và Lee rất đúng hẹn với quần áo chải chuốt gọn gàng và dĩ nhiên là đeo cả cà vạt trong tiết trời nóng bức.

Lee mở laptop ra giới thiệu cho tôi biết   về các sản phẩm và dịch vụ của công ty anh.

Laptop của anh theo đường truyền Internet vô tuyến và nếu muốn mua sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm thì tôi có thể ký hợp đồng ngay tại chỗ bằng chữ ký điện tử nối mạng với tập đoàn bảo hiểm mà anh làm tư vấn.

Anh dùng laptop để ghi chép lại nội trung các vấn đề đã trao đổi.

Lee cho biết anh có thuê một văn phòng nhỏ trong khu tài chính Raffles Place nhưng phần lớn thời gian anh đến thăm khách hàng tại văn phòng của họ hoặc tại một địa điểm nào đó thuận tiện và phù hợp với “khẩu vị” của khách hàng như với tôi là người thích uống cà phê chẳng hạn.

Lee tiết lộ:

Giờ đây với cái máy laptop, điện thoại đi động cùng với những tiện nghi văn phòng gọn nhẹ khác, tôi phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả buổi tuối nếu có yêu cầu.

Khái niệm cũ, phong cách mới

Lee là một trong những điển hình lý thú về cách tổ chức công việc trong một môi trường kinh doanh toàn cầu hóa như tại Singapore.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Phát triển Viễn thông Singapore (IDA), tính cho đến cuối năm 2002, đảo quốc thông minh này có trên dưới 390.000 người đang làm việc theo hình thức di động, tăng gấp ba lần chỉ trong vòng hai năm.

Nhưng thật ra, khái niệm về văn phòng đi động (mobile office) cũng  không có gì mới.

Lee cho biết văn phòng của anh thuê có đến hai nhân viên đều làm việc theo hình thức di động.

Các cô thư ký kiêm chuyên viên tiếp thị này không nhất thiết phải ngồi làm việc trong văn phòng mà có thể ngồi ở nhà nhận điện thoại và thực hiện các công việc của sếp giao cho trên máy laptop có nối mạng.

Các cuộc hẹn với khách hàng hay đối tác kinh doanh tùy thuộc quan hệ và mức độ quan trọng mà được bố trí ở những địa điểm thích hợp.

Làm việc tại nhà

Nhưng Lee cho biết cũng có khi anh chủ yếu làm việc ở nhà và chỉ đến công ty mỗi tuần một lần để trao đổi công việc với nhân viên.

Cũng có khi nhân viên của anh đến nhà anh làm việc rồi kéo nhau đi ăn tối.

Điều thú vị là Joanne, bà xã của anh, một chuyên viên máy tính cũng làm việc theo hình thức tương tự.

Buổi sáng, Joanne đưa con đến trường rồi quay về nhà làm việc, tham gia các cuộc họp trên mạng máy tính của công ty.

Buổi trưa đón con đi học về rồi đến văn phòng công ty làm việc với đồng nghiệp hay tiếp khách hàng.

Cũng như Lee, vật bất ly thân của Joanne là chiếc máy laptop nặng không quá 2kg và điện thoại di động có chức năng chụp ảnh.

Ảo mà không ảo 

Người ta thường ví cách làm việc theo kiểu của Lee là kiểu văn phòng “ảo” (virtual office) nhưng nếu xét về tính hiệu quả và năng suất lao động thì lại không “ảo” chút nào.

Lee tiết lộ rằng cách thức làm việc như anh đã cho phép giảm được 50% chi phí dư định ban đầu cho công tác kinh doanh.

Anh trả lương cho nhân viên trên cơ sở một mức căn bản cộng với hoa hồng hàng tháng hay hang quý dựa trên doanh số phát sinh của công ty.

Khi có phát sinh công việc mới thì anh tuyển cộng tác viên hay thuê nhân viên làm việc theo giờ hoặc bán thời gian.

Anh có một mạng lưới cộng tác viên trong những ngành nghề đa dạng và có cả các giáo sư hay giám đốc ngân hàng nay đã về hưu.

Tuy nhiên anh cũng phải dành thời gian huấn luyện nhân viên và hướng dẫn họ làm việc sao cho hiệu quả và đảm bảo tính chuyên nghiệp cao để  đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đổi mới tư duy

Nhưng làm việc theo phương thức di động như trên thật ra cũng không phải dễ dàng và đòi hỏi nỗ lực rất nhiều từ chủ doanh nghiệp và nhân viên trong đó tinh thần tự giác và tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu.

Lee cho biết trong thời gian đầu công ty hoạt động thì nhiều người hàng xóm cứ nghĩ là anh đang thất nghiệp vì chỉ thấy anh ngồi ở nhà cả ngày.

Khi đó anh cứ trả lời họ là đang học lấy bằng MBA để khỏi giải thích gì thêm.

Thách thức lớn nhất vẫn là phải đổi mới tư duy của chính anh và của nhân viên để mọi người đều tập trung vào công việc.

Lee cho biết anh cũng phải tin tưởng nhân viên và hiểu rằng họ đang “làm việc” mặc dù không có mặt trong văn phòng.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

HẠ LONG KẾ

Du khách nước ngoài đến Singapore trong mùa Giáng sinh và đón mừng Năm mới sẽ bắt gặp nhiều chú voi con bằng nhựa thủy tinh được sơn phết và trang hoàng công phu, đẹp mắt trên các đường phố trung tâm, khu mua sắm lớn.Những chú voi nói trên là một phần của cuộc triển lãm không gian mở mang tên Elephant Parade (tạm dịch là cuộc diễu hành voi) diễn ra lần đầu tiên trên đảo Sư Tử và cũng là lần đầu tiên tại châu Á từ ngày 11-11 đến 12-1-2012.Thông qua sinh hoạt văn hóa đầy tính giáo dục này, người dân Singapore, nhất là trẻ em có cơ hội hiểu thêm về những khía cạnh mới trong việc bảo tồn động vật và các họa sĩ hay nhà thiết kế của Singapore có dịp thi thố tài năng với nghệ sĩ nước ngoài.Từ  độc chiêu tiếp thị đón năm rồng bằng voi của Singapore, tôi chợt nghĩ ngành du lịch Việt Nam sẽ làm gì trong năm mới Nhâm Thìn sau sự kiện vịnh Hạ Long được bầu chọn trong số 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới?Theo thiển ý của người viết, biểu tượng du lịch của Việt Nam cho năm 2012 (và nhiều năm kế tiếp) phải là những chú rồng đậm đà bản sắc dân tộc, linh hoạt uyển chuyển và thể hiện Thế và Lực của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.Việc quảng bá và cổ động cho vịnh Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung ngoài yếu tố kỳ quan thiên nhiên, cần xoáy sâu vào những yếu tố lịch sử và nhân văn.Thí dụ, câu chuyện về nguồn gốc con người Việt Nam như  con rồng cháu tiên nên gắn với hình ảnh của Hạ Long:

Khi người Việt lập nước đã bị giặc ngoại xâm.

Ngọc Hoàng sai rồng mẹ mang theo đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc.

Thuyền giặc từ  ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn rồng hạ giới.

Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của giặc.

Giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, rồng mẹ và rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới.

Vị trí rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi rồng con đáp xuống là Bái Tử Long

và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ, đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15km…

Tôi tin rằng câu chuyện Hạ Long sẽ khiến du khách nước ngoài thích thú khi được biết ngoài cảnh quan thiên nhiên, trí tưởng tượng của người Việt Nam phong phú và đa dạng như vậy.

Sau khi thưởng lãm và chụp ảnh kỳ quan thiên nhiên, hiểu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam, chắc hẳn họ không ngại bỏ thêm chút tiền mua vài món quà lưu niệm, trong đó có tượng con rồng – biểu tượng cho Hạ Long, cho sức sống và khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người Việt Nam.

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, người viết xin góp vài ý kiến cho chiến lược tiếp thị du lịch năm con rồng, dựa trên 6 chữ  cái trong từ  tiếng Anh DRAGON (rồng), như  sau:

– DESTINATION (điểm đến của thiên niên kỷ):

Vịnh Hạ Long có thể cụ thể hóa khẩu hiệu du lịch:

“Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ”

để du khách nước ngoài dễ hình dung hơn.

Sự háo hức đến với vịnh Hạ Long sẽ lan tỏa đến những vùng du lịch khác và trong trường hợp chưa có điều kiện đi Hạ Long, du khách sẽ “thử” đến một điểm tham quan nào thuận tiện nhất.

– REPOSITIONING (tái định vị):

Với vị trí của một kỳ quan thiên nhiên được khẳng định đẳng cấp, Hạ Long có thể giúp chúng ta điều chỉnh vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.

Du lịch tại Hạ Long không nên nhắm vào giá rẻ mà phải là thể hiện đẳng cấp, tạo giá trị gia tăng cao.

Để làm được điều này không chỉ dừng ở những khách sạn, nhà hàng đắt tiền, mà còn đi vào chiều sâu qua những trải nghiệm nhân văn của từng du khách khi đến với vịnh Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thí dụ khẩu hiệu:

“Việt Nam, một trải nghiệm phiêu lưu rất rồng”

sẽ thuyết phục du khách, để khi nghĩ về Hạ Lọng họ lại càng gắn bó với Việt Nam hơn.

– AMBASSADORS (đại sứ du lịch):

Ngoài việc bầu chọn một đại sứ du lịch chính thức và xứng đáng, ngành du lịch nên xây dựng thêm mạng lưới cộng tác viên hay tình nguyện viên là những đại sứ du lịch quảng bá không những cho vịnh Hạ Long mà cho địa phương mình, hay bất cứ  danh lam, thắng cảnh nào trên mọi miền đất nước.

– GIFTS (quà kỷ niệm):

Quà kỷ niệm cho vịnh Hạ Long không chỉ giới hạn trong những chiếc thuyền buồm, bưu thiếp hay bộ sưu tập ảnh mà phải có thêm tượng những chú rồng nhỏ (và cả rồng mẹ).

Quà lưu niệm này giống như du khách nước ngoài đến Singapore thường mua về những tượng sư tử đầu cá – biểu tượng của đất nước Singapore.

– ONLINE (internet):

Cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long vào 7 kỳ quan thiên nhiên  thế giới mới chủ yếu dựa vào internet.

Vì thế ngành du lịch cần tiếp tục tận dụng và phát huy thế mạnh của truyền thông xã hội.

Các cá nhân, doanh nghiệp mặc dù không trực tiếp hoạt động du lịch cũng nên mở trang web cá nhân hay đường dẫn về vịnh Hạ Long hay các danh thắng khác để lượng thông tin về Việt Nam dồi dào và dễ truy cập hơn.

– NETWORK (mạng lưới):

Nếu vịnh Hạ Long trở thành điểm đến không thể bỏ qua thì cũng phải nối kết với các vùng du lịch phụ cận và tạo thành mạng lưới tỏa đi các nơi khác.

Nói cách khác, du khách đến Hạ Long có thể sau đó kéo dài thời gian của mình ở Việt Nam lâu hơn để tranh thủ tham quan những nơi khác.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính số Xuân Nhân Thìn 201

MỤC TIÊU PHONG THỦY

Cách đây 2 năm, nhiều chuyên gia phong thủy tại Singapore cho rằng năm Thổ Ngưu (Earth Ox) qua đi sẽ nhường chỗ cho Kim Hổ (Metal Tiger) với nhiều khó khăn, bạo tàn, nghiệt ngã.

Về âm dương ngũ hành, năm con cọp bị mất cân đối vì Kim sẽ triệt Mộc, trong khi Thủy (nước) lại ít quá làm sao đưa Mộc đi chỗ khác nhằm phục vụ cho việc phát triển.

Sang năm thỏ (năm Mão – mèo – ở ta), họ lại nói 2 yếu tố xung khắc Kim và Mộc đi đôi với nhau, kéo theo năng lượng xấu nên đây là năm không tốt.

Nhưng rồi người Singapore vẫn đón mừng năm mới trong niềm lạc quan và gọi năm 2010 là năm con hổ vàng và năm ngoái 2011 là năm con thỏ vàng.

Tôi không rõ bạn có tin những lời dự báo phong thủy như trên hay không.

Với tôi chẳng có năm nào là xấu và 2011 là một năm tốt lành.

Nhưng như một cậu học trò được thầy cô trao cho bảng thành tích cuối năm học, những ngày cuối cùng năm Tân Mão là dịp để tôi đánh giá lại những gì mình đã học tốt và những gì còn kém cỏi.

Tôi bắt đầu cho điểm những hoạt động của mình trong các lĩnh vực cụ thể và tự xếp mình hạng cao nhất là AAA.

Về kinh doanh, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng doanh nghiệp nhỏ của tôi vẫn hoạt động tương đối hiệu quả.

Tôi được khách hàng và đối tác ưu ái, làm nghề báo thì được tòa soạn báo và độc giả quan tâm đến những bài viết của mình.

Về gia đình, tôi có người bạn đời lúc nào cũng thông cảm, động viên và khuyến khích tôi làm những điều có ích cho cộng đồng và xã hội.

Con gái tôi học lớp 5 mặc dù không xuất sắc nhưng đã biết nói tiếng Việt nhiều hơn và biết chia sẻ với bạn học người Singapore những điều lý thú về đất nước Việt Nam.

Sức khỏe, tinh thần của tôi vẫn tốt với bầu nhiệt huyết Việt Nam tràn đầy.

Tài chính thuộc loại thường thường bậc trung nhưng tôi vẫn hy vọng biết đâu một ngày nào đó mình trở thành triệu phú đô la.

Về tâm linh, tôi đã bắt đầu suy tư nhiều hơn về cái chết nhưng có lẽ nhờ vậy mà tôi biết trân trọng cuộc sống của mình hiện nay.

Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm ơn tạo hóa đã cho tôi có mặt trên cõi đời này để làm những điều có ý nghĩa…

Bạn có thể bảo tôi có vẻ tự hào quá đáng với những gì đã có nhưng xin được nói rõ thang xếp hạng AAA nói trên của tôi dựa trên viết tắt của ba từ tiếng Anh là

Attitude (thái độ)


A
vailability
 (khả năng sẵn sàng có mặt)

Aim (mục tiêu)

Trong năm con mèo tôi đã làm được nhiều thứ nhờ vào thái độ tích cực luôn nhìn vào những mặt tốt của vấn đề.

Những dự án kinh doanh thất bại hay những vấp ngã trong cuộc sống gia đình và giao tế xã hội là những bài học giúp tôi trưởng thành hơn.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, bạn bè hay người thân tôi luôn cố gắng sẵn sàng để xử lý hay đáp ứng mọi yêu cầu phát sinh.

Với SGGP – Đầu tư Tài chính, ngoại trừ những lúc quá bận bịu hay sức khỏe không cho phép, tôi đều cố gắng viết bài mỗi khi tòa soạn yêu cầu hay gợi ý.

Nhưng tất cả những điều đó chắc chắn không thực hiện được nếu như tôi không đặt mục tiêu cụ thể.

Thật vậy, với trải nghiệm và cảm nhận của bản thân, một trong những nhân tố tiên quyết dẫn đến thành công trong một năm là việc đặt mục tiêu trong thời điểm đầu năm mới.

Bởi lẽ, sau khi đánh giá những việc đã làm, nếu không đưa ra những mục tiêu mới chúng ta sẽ không biết mình đi đến đâu.

Việc xác định mục tiêu cho phép biến tầm nhìn của mình thành những kế hoạch khả thi cụ thể và bắt bạn phải đạt được những điều mình muốn làm.

Mục tiêu sẽ là động lực huy động tất cả nguồn lực mà bạn có, sắp xếp thời gian và tạo cảm hứng cho chúng ta tập trung vào những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu.

Bạn có thể xác định mục tiêu với những hoạt động đa dạng trong cuộc sống như việc làm, kinh doanh, tài chính, phát triển cá nhân, gia đình, bạn bè, sức khỏe, tinh thần hay cộng đồng.

Bạn có thể chia sẻ với những người xung quanh, bạn bè hay người thân để xem mục tiêu nào có thể thực hiện được và mục tiêu nào quá xa vời.

Sau khi xem xét bức tranh tổng thể, bạn đi vào những lĩnh vực cụ thể và xem liệu mình có thể làm được những gì.

Theo nhiều nhà tư vấn, để xác định mục tiêu một cách hiệu quả, bạn có thể ghi nhớ 5 điểm trong từ SMART (khôn ngoan) là viết tắt của những chữ  Specific (cụ thể),Measurable (đo được), Achievable (đạt được), Realistic (thực tế) và Timely (có thời hạn)

Trong không khí “tống Mão nghinh Thìn” đón mừng năm mới 2012, tôi xin được chia sẻ với độc giả những cảm nhận, suy nghĩ và trải nghiệm của một doanh nhân làm nghề tư vấn, sinh sống và làm việc xa nhà với trái tim luôn hướng về quê cha đất tổ cho dù đi bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào.

Trong năm mới, nếu muốn hưởng Phúc-Tài-Lộc, bạn có thể tham khảo ý kiến của các nhà tư vấn “gió nước”.

Nhưng với riêng tôi Phúc-Tài-Lộc đâu cũng có và chẳng ở đâu xa.

Một trong những câu thần chú các nhà phong thủy thường đưa ra tư vấn khách hàng là phải đảm bảo hài hòa ngũ hành Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ.

Tuy nhiên, thông điệp tôi muốn chia sẻ với bạn là hãy tổ chức cuộc sống cân bằng với gia đình, cộng đồng, xã hội cùng với 3 chữ A nói trên:

Thái độ tích cực

Khả năng sẵn sàng có mặt

Quyết tâm xác định mục tiêu trong năm mới

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

THÁCH THỨC TIỀN LƯƠNG

Giữ đúng lời hứa trong buổi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã giao cho một ủy ban độc lập gọi là Ủy ban xem xét lương bộ trưởng nhằm điều chỉnh lại cơ chế trả lương tổng thống, thành viên nội các và đại biểu quốc hội.

Và chuyện phải đến đã đến:

Sau bảy tháng làm việc nghiêm túc, Ủy ban này đề nghị giảm 51% lương hàng năm của tổng thống  xuống còn 1,54 triệu SGD, thủ tướng chỉ còn 2,2 triệu SGD (-36%) , bộ trưởng còn 1,1 triệu SGD (-37%)

đồng thời bãi bỏ hoàn toàn chế độ trả lương hưu cho quan chức cao cấp chính phủ từ trước đến nay.

Theo các nhà quan sát, đây là động thái chính trị của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) nhằm tranh thủ lá phiếu của người dân trong kỳ bầu cử lần tới trong bối cảnh kinh tế  Singapore phát triển chậm lại, chênh lệch giàu nghèo càng lớn, nhà cửa giá sinh hoạt đắt đỏ…

Thật ra, cho dù bị cắt giảm đáng kể, xét về giá trị tuyệt đối lương của quan chức cao cấp Singapore  vẫn còn cao hơn nhiều nước khác trên thế giới.

Theo báo Wall Street Journal, sau khi cắt giảm, lương của Thủ tướng Lý Hiển Long (tương đương 1,7 triệu đô la Mỹ/năm vẫn cao gấp bốn lần lương Tổng thống Mỹ Barack Obama(400.000 đô la Mỹ/năm) và nhiều hơn lương của các thủ tướng Anh, Đức, Pháp cộng lại.

So với mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi quốc gia thì lương của tổng thống Mỹ cao gấp chín lần trong khi lương của thủ tướng Singapore cao gấp 40 lần.

Như vậy, vấn đề đặt ra là ở chỗ, lương trả cho “đầy tớ” của dân bao nhiêu là hợp lý, xứng đáng với giá trị lao động và công bằng với sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của quốc gia?

Trước khi đưa ra các công thức tính toán, Ủy ban xem xét tiền lương bộ trưởng đưa ra ba nguyên tắc xác định lương:

Một là, đồng lương phải mang tính cạnh tranh cao để thu hút người tài.

Hai là, đồng lương phải thể hiện sự hy sinh của người muốn trở thành “đầy tớ” của dân.

Và cuối cùng, lương phải được trả trọn gói (clean wage) tức là không có bổng lộc gì khác ngoài những phúc lợi thông thường như  y tế.

Nguyên tắc thứ nhất có nguồn gốc từ một chính sách ban hành năm 1994, dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, thân phụ của Thủ tướng Lý Hiển Long hiện nay, thgeo đó tiền lương của các bộ trưởng không thấp hơn  mức thu nhập bình quân của 48 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở đảo quốc này.

Ông Lý (cha) cho rằng, có được như vậy mới thu hút được vào guồng máy nhà nước những người giỏi nhất, tốt nhất và ngăn ngừa được nạn tham nhũng.

Trong được giảm lương lần này, tiền lương bộ trưởng được tính dựa vào thu nhập trung bình của 1.000 người có thu nhập cao nhất từ tất cả các ngành trong khu vực tư nhân ở Singapore và trừ đi 40% để thể hiện sự hy sinh vì lý tưởng cao cả của những người làm chính trị.

Về nguyên tắc “trọn gói”, ít ai biết được rằng ở  Singapore chỉ có tổng thống là có xe công vụ đưa đón còn tất cả các quan chức khác, kể cả thủ tướng hay bộ trưởng đều đi làm bằng xe hơi do mình bỏ tiền ra mua và nhiều bộ trưởng tự lái xe.

Những chiếc xe limousine sang trọng đón tiếp các phái đoàn chính phủ từ các nước hay Việt Nam sang hầu như được Bộ Ngoại giao Singapore…thuê của các công ty tư nhân.

Trong cơ cấu lương của bộ trưởng có phần cố định (fixed pay) mà ta có thể gọi là phần “cứng”, và phần biến đổi (variable pay) tạm gọi là phần “mềm” tùy thuộc vàotỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm và các chỉ tiêu kinh tế chính trị xã hội khác.

Đáng lưu ý trong kỳ điều chỉnh lương lần này là lương của tổng thống thấp hơn thủ tướng đến 30% với lý luận tương tự chủ tịch hội  đồng quản trị không trực tiếp điều hành doanh nghiệp thì lương phải thấp hơn tổng giám đốc.

Nhưng người viết bài này chưa thật sự hiểu tại sao những “đầy tớ” làm việc bán thời gian (part-time) cũng được lương cao.

Cụ thể như chủ tịch quốc hội Singapore được hưởng 550.000 SGD/năm sau khi bị cắt giảm 50%, còn đại biểu quốc hội cũng được 192.000 SGD (giảm 3%).

Mọi sự  so sánh về giá trị thật ra cũng chỉ mang tính tương đối.

Theo các nhà phân tích, sự không hài lòng của người dân Singapore đối với việc trả lương cao cho bộ trưởng không hẳn do  ghen tức mà đây là đòi hỏi trách nhiệm giải trình (accountability) cao hơn về mặt chính trị.

Ông Manu Bhaskara, một học giả tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu nhận định:

“Người Singaporenói chung không phản đối chuyện trả lương cao vì thực tế này đã tồn tại từ 20 năm rồi.

Vấn đề là ở chỗ, mong muốn và ước vọng của họ có được chính phủ Singapore đáp ứng hay không”.

Thật vậy, mặc dù có những ý kiến đa chiều nhưng phần lớn người dân Singapore đều hiểu rằng những người được trả lương cao là đại diện cho quyền lợi của mình.

Những ai được giao trọng trách quản lý điều hành đất nước đều là những người có tài, đã chứng tỏ được năng lực của mình trong những lĩnh vực cụ thể trước khi được trở thành đại biểu quốc hội thông qua những cuộc bầu cử  sòng phẳng và dân chủ.

Tuy nhiên, tình trạng suy giảm của nền kinh tế, cộng với những sự cố gần đây như lũ lụt, tàu điện tê liệt vì mất điện, khan hiếm nhà ở, dịch vụ y tế và viễn thông kémđã là gia tăng sự bất bình của người dân Singapore.

Động thái “tự xử” của chính đảng cầm quyền PAP thông qua việc cắt giảm lương lần này có thể chưa thu phục được nhân tâm như  nhận định của các nhà quan sát.

Nhưng nó thể hiện bản lĩnh của một chính đảng đã tồn tại và cầm quyền hơn 50 năm liên tục, chấp nhận thách thức và những cuộc chơi sòng phẳng, lắng nghe nguyện vọng của người dân để có bước điều chỉnh thích hợp xứng đáng là lực lượng lãnh đạo ưu tú, xứng đáng với đồng lương cao trả từ tiền thuế của người dân./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

KINHNGHIỆM PHIÊN DỊCH

Một trong những sự cố nghề nghiệp đầu đời mà tôi vẫn chưa bao giờ quên là lúc vừa mới tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn Pháp và tập tễnh làm trong ngành ngân hàng cách đây hơn 20 năm.

Chưa đầy một tháng sau khi bắt đầu công việc, tôi được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Ban Giám đốc tiếp một đoàn ngân hàng Pháp.

Với các kỹ năng ngôn ngữ được đào tạo bài bản từ trường đại học, tôi dịch tương đối trôi chảy và không gặp bất cứ trở ngại gì sau những phần trao đổi xã giao, tình hình kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, đến lúc một nhà ngân hàng Pháp dùng chữ “dettes arriérées” (nợ quá hạn) thì tôi bí và được một bậc trưởng lão trong ngành dịch giúp để cuộc nói chuyện không bị gián đoạn.

Mặc dù vậy, tôi vẫn được mọi người đánh giá cao vì một sinh viên mới tốt nghiệp chỉ mới 21 tuổi mà đã “cơ bản hoàn thành” công việc được giao phó.

Sau đó không lâu, tôi được Ban Giám đốc quan tâm tạo điều kiện đi học tập huấn, được các anh chị đi trước dìu dắt để nắm bắt nghiệp vụ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao hơn của hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nhưng sự cố “đau thương” nhất xét cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đó lại diễn ra ba năm sau đó khi tôi đã trở thành một phiên dịch viên có uy tín trong ngành.

Tôi được Ngân hàng Nhà nước mời làm phiên dịch cho một chương trình đào tạo cho cán bộ ngân hàng do các ngân hàng Pháp tài trợ.

Trở lại Sài Gòn sau chuyến đi tham quan xuyên Việt lần đầu tiên trong đời trong suốt ba tuần, tôi lao ngay vào công việc được giao mà không có sự đầu tư kỹ càng.

Công bằng mà nói, tôi không được biết trước về nội dung chương trình vì cứ nghĩ là giỏi tiếng Pháp thì mọi thứ  OK.

Khỏi phải nói, tôi dễ dàng bị “đuối” khi phải trình bày những thuật ngữ  chuyên sâu, những công thức, mô hình, khái niệm.

Trong khi đó, một chuyên gia phiên dịch khác của ngân hàng trung ương nắm bắt chương trình rất rõ và nghe đâu đã dịch chương trình này nhiều lần trước cho các học viên ở Hà Nội.

Chị giỏi đến mức dịch trước khi diễn giả kết thúc câu và đã thể hiện đẳng cấp vượt hẳn tôi và cuối cùng tôi trở thành trò hề trước học viên của chương trình.[1]

Tôi không tiện nói tên nhưng chuyên gia phiên dịch này sau này đã trở thành một viên chức cao cấp của ngân hàng trung ương.

Còn đối với tôi, phải chăng vì sự cố đớn đau đó và cũng do sự “thoái trào” của tiếng Pháp, cơ hội dịch tiếng Pháp của tôi cũng không còn nhiều như trước và tình thế buộc tôi phải trau dồi tiếng Anh và trui rèn trình độ nghiệp vụ.

Và cũng từ đó trở đi, tôi rất ghét được giao nhiệm vụ phiên dịch bởi lẽ, khi mọi việc thành công thì chẳng ai để ý, đến lúc có trục trặc xảy ra thì người ta lại thường quy vào đầu mối là anh phiên dịch.

Tuy nhiên, chính nhờ những lần vấp ngã như trên mà tôi đã trưởng thành rất nhiều trong công việc và cuộc sống.

Sang đến Singapore, cứ mỗi lần làm việc gì thì tôi lại nhớ đến kinh nghiệm đau thương nói trên và chuẩn bị cho thật kỹ mà người Singapore hay dùng câu “do your homework” (làm bài tập ở nhà trước).

Tôi rút ra một chân lý rất đơn giản là một khi chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo thì những chuyện chẳng đặng đừng nếu xảy ra thì tác hại sẽ ở mức thấp nhất.

Và rồi, do yêu cầu công việc và được khách hàng tin tưởng, tôi cũng trở thành phiên dịch tiếng Anh cho nhiều hội thảo, hội nghị, chương trình đào tạo tại Việt Nam và Singapore.

Chất lượng công việc của tôi xin hãy để cho khách hàng hay đại biểu đánh giá, nhưng đã từ lâu tôi đã có thói quen nếu không rõ hay không biết thì cũng phải hỏi lại cho rõ  để diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và mạch lạc bằng tiếng Anh hay tiếng Việt.

Bạn có thể không tin nhưng có khi một số đại biểu người Việt than phiền là họ không hiểu Nội dung tôi muốn truyền đạt, đơn giản là tôi nói giọng miền Nam mà họ là người gốc Bắc.

Không rõ chuyên gia phiên dịch khác sẽ có thái độ như thế nào nhưng tôi vẫn luôn đón nhận với thái độ tích cực và nếu mình có dịch sai hay không rõ thì cũng phải hiểu tại sao để lần sau tốt hơn.

Xét về góc độ kỹ thuật, phiên dịch là một nghề tổng hợp và đòi hỏi người làm công việc này phải có đầu óc luôn tỉnh táo, nhanh nhạy và biết cách xử lý tình huống.

Cái khổ nhất là phải dịch những lời nói bông đùa, hay những câu chơi chữ văn hóa thâm thúy cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Không hiếm khi người diễn giả nước ngoài nói xong, khách nước ngoài cười ầm lên mà cử tọa Việt Nam không biết tại sao họ cười mặc dù anh phiên dịch đã “cơ bản hoàn thành nhiệm vụ”.

Phiên dịch viên nào đến Singapore thì phải chịu khó nghiên cứu nhiều từ viết tắt rất thông dụng như CPF (Quỹ Tiết kiệm Xã hội Bắt buộc), HDB (Cục Nhà ở Tập thể), Mindef (Bộ Quốc Phòng)… và có khi các quan chức hay doanh nhân Singapore khi phát buổi thường chen vào các phương ngữ khác như tiếng Phúc Kiến hay tiếng Mã Lai.

Dù sao đi nữa, nếu so với ở Việt Nam, có lẽ do là nước nói tiếng Anh trên một đất nước đa sắc tộc, mặc dù đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, các cuộc họp hay hội nghị cần phiên dịch đều diễn ra trong không khí thoải mái.

Và nếu có sự cố trục trặc nhỏ thì người ta cũng không quá nặng nề chỉ trích người phiên dịch mà thường thể hiện sự động viên và cám ơn sự cố gắng tối đa của người phiên dịch.

Nói như vậy không có nghĩa là người Singapore quá dễ dãi với nghề phiên dịch mà điều quan trọng là họ đặt yêu cầu công việc lên trên hết.

Chung quy lại, phiên dịch viên không phải là ngôi sao điện ảnh Hồng Kông hay Hollywood mà là người tham gia vào guồng máy công việc.

Thỉnh thoảng tôi có dịp làm phiên dịch cho một số cơ quan nhà nước Singapore khi đón tiếp các đoàn khách từ Việt Nam sang và cũng có dịp “đụng độ” với các “chiến hữu” làm nghề phiên dịch.

Không rõ nhận định sau đây có chủ quan không nhưng một bộ phận không nhỏ người làm phiên dịch của ta vẫn còn nặng tâm lý “văn mình, vợ người”, vô tình hay hữu ý đã làm cho cuộc gặp gỡ mang tính hình thức và không đi sâu vào nội dung vì người phiên dịch chỉ thích “lướt sóng”, không chịu dừng lại, lắng nghe để cho hai bên đối tác gắn bó và hiểu biết nhau hơn.

Điều thú vị của nghề phiên dịch là có khi bạn mắc một lỗi lầm nào đó trong quá trình dịch, hay bạn phải hỏi lại cho rõ  và có khi thú thật là không dịch được vì quá khó thì lại được sự cảm thông và đánh giá cao hơn là một người “hồn nhiên” làm cho xong công việc.

Cho dù bạn có là nhà phiên dịch giỏi, việc tôn trọng người nói và người nghe phải đặt lên trên hết.

LÊ HỮU HUY

[1] Tình huống này liên quan đến hình thức dịch nối tiếp (Consecutive Interpretation), tức là diễn giả nói một vài câu, hay một đoạn và dừng lại thì người phiên dịch mới mở miệng, khác với Simultaneous Interpretation (Dịch đuổi hay dịch cabin)

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI

Khi còn là học sinh dưới mái trường phổ thông, phải học ngoại ngữ và vật lộn với văn phạm tiếng Pháp như cách chia động từ theo quy tắc và bất quy tắc, nhớ danh từ giống đực giống cái, tính từ phải theo danh từ, rồi cách sắp xếp bố trí các thì hay trình tự thời gian trong câu, phát âm các từ theo giọng mũi…, đã có lúc tôi có mơ ước là nếu mình sinh ra là người Pháp thì đâu phải vất vả như thế.

Rồi đến khi tốt nghiệp đại học, chuyển sang học thêm một ngoại ngữ khác là tiếng Anh, lại có lúc tôi thấy thèm được như người Anh vì tôi nghĩ có lẽ họ không cần học ngôn ngữ khác: cả thế giới đều nói tiếng Anh, người Anh đi ra ngoài lập nghiệp chắc chắn không có trở ngại…

Không biết bạn có chê cười những suy nghĩ ngô nghê và ấu trĩ của tôi hay không.

Nhưng quả thật, chính nhờ có kỹ năng ngoại ngữ  mà khởi đầu là tiếng Pháp mà tôi có cơ hội làm việc ở một ngân hàng đối ngoại hàng đầu Việt Nam sau khi mới tốt nghiệp đại học vào năm 1990.

Nhờ có tiếng Anh, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao của một đại diện ngân hàng thương mại Việt Nam ở nước ngoài.

Thông qua tiếng Anh, tôi được biết thêm những ngôn ngữ khác như tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Mã Lai… và tiếp cận với nhiều nền văn hóa, nâng cao kiến thức qua việc đọc sách và giao tiếp.

Và cũng nhờ có tiếng Anh, tôi có may mắn học lên đến thạc sĩ tại một trong những trường đại học có uy tín trên thế giới và trong khu vực.

Giờ đây, với công việc của một nhà tư vấn, đối với tôi, kỹ năng ngoại ngữ là một trong những “vũ khí chiến đấu” mang tính sống còn trên đảo quốc Singapore đa ngôn ngữ, đa sắc tộc và là nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa đến từ khắp năm châu bốn biển.

Thế nhưng, có một “vũ khí” công hiệu khác đã giúp tôi tồn tại và vươn lên trong suốt hơn mười năm sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người, một thứ vũ khí mà rất nhiều người Việt Nam chưa nhận thức rõ giá trị tuyệt vời của nó, đó là tiếng Việt.

Tôi vẫn còn nhớ bữa ăn trưa xã giao đầu tiên tại Singapore với một cán bộ cao cấp của Ngân hàng United Oveseas Bank.

Sau những thông tin về kinh tế, tài chính, ông này hỏi tôi về văn hóa Việt Nam, về tiếng nói và chữ viết của người Việt, về nghệ thuật, về ẩm thực… để rồi tôi cảm thấy rất xấu hổ khi không thể giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của người đối diện, vì hóa ra đất nước tôi có nhiều điều rất lý thú, nhiều chân giá trị mà tôi lại chưa hiểu hết.

Ba tôi theo nghiệp nhà giáo nhưng số phận đưa đẩy tôi trở thành một nhà kinh doanh.

Còn nhớ vào buổi đầu khởi nghiệp, trong lúc thương thảo hay chờ ký kết hợp đồng tư vấn hay dịch thuật, một vài khách hàng của tôi lại muốn học tiếng Việt.

Ám ảnh về cái nghèo của một gia đình giáo viên trong thời gian khó khăn sau năm 1975 đã khiến tôi từng xem việc dạy học chẳng qua chỉ là nghề tay trái, với suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài.

Nhưng rồi như cái nghiệp gia truyền, tôi trở thành giáo viên dạy tiếng Việt bất đắc dĩ, ngoài việc làm dịch vụ tư vấn và đại diện thương mại.

Sự quan tâm của những học viên người nước ngoài tại  Singapore đối với ngôn ngữ và văn hóa của đất nước tôi không cho phép tôi từ chối mong muốn được học tiếng Việt của họ.

Nhưng niềm tự hào của tôi trong việc “xuất khẩu” ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trên đảo Sư Tử cũng xen lẫn sự tủi hổ về những cái xấu rất phổ quát của một bộ phận người Việt ở nước ngoài.

Cái tên Việt Nam nhiều lúc rất gần với những địa chỉ “đỏ đèn” như Geylang, Joo Chiat;

Phụ nữ Việt Nam thường xuất hiện trên các tin tức giật gân của nhật báo chính thống The Straits Times hay báo lá cải;

Không ít học sinh sinh viên Việt Nam cũng tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng cảnh sát Singapore và giúp cho các phóng viên tại Singapore có thêm nhiều bài “ký sự pháp đình” khi tham gia bán thuốc lá lậu hay làm tay sai cho giới giang hồ.

Một anh bạn của tôi trong lúc trà tư tửu hậu cho rằng “thương hiệu” Việt Nam trên đảo quốc này thật là đáng thương khi nó phải mang quá nhiều “vết thương”.

Vậy nhưng vẫn thương.

Biết làm sao được, dân Việt mình có bài hát “Giận thì giận mà thương thì thương” đó mà!

Tôi viết những điều này khi vừa xem xong chương trình ca nhạc “Tôi yêu tiếng nước tôi” do sinh viên Việt Nam tổ chức tại Hội trường Trung tâm Văn hóa thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhằm gây quỹ từ thiện cho trẻ em cơ nhỡ trên quê hương.

Chương trình có khách mời là nhạc sĩ Phạm Duy và trưởng nam của ông – ca sĩ Duy Quang bay từ Việt Nam sang.

Khán phòng chật ních, vé đã bán sạch và mặc dù có vài trục trặc nho nhỏ nhưng đây là một chương trình thành công trên tinh thần trọng nghĩa khinh tài của người Việt.

Với tư cách là một trong những đại diện nhà tài trợ chương trình, tôi bắt tay các em sinh viên chúc mừng thành công của đêm diễn và cám ơn các em đã đem đến đảo quốc này những lời ca, điệu múa, nụ cười và những tà áo dài rất Việt Nam.

Tôi tranh thủ đến bắt tay nhạc sĩ Phạm Duy.

Người nhạc sĩ của tình yêu đa đoan trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 90, tác giả của những bài hát làm hành trang cho tôi trong những tháng ngày sinh sống và làm việc xa quê hương.

Số phận đã cho tôi được làm người Việt Nam và ngôn ngữ đầu tiên tôi có được trong đời là tiếng Việt.

Nếu bây giờ có sự lựa chọn, tôi vẫn sẽ lại chọn là người Việt Nam với tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt.

Do yêu cầu của công việc tôi vẫn phải luôn trau dồi tiếng Anh, tiếng Hoa và một số ngoại ngữ  khác.

Thế nhưng, càng biết thêm các ngôn ngữ khác, tôi càng cảm thấy hiểu rõ hơn về tiếng mẹ đẻ của mình, đó là “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi”…

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

KỲ VỌNG THỜI GIAN

1. Cách đây hơn ba năm tôi có khách hàng là một chuyên gia ngân hàng người Thụy Sĩ gốc Việt.

Mặc dù nói được tiếng mẹ đẻ nhưng S. vẫn cần học thêm tiếng Việt để có thể đọc được sách báo và tiếp cận thông tin về thị trường Việt Nam.

Mỗi tuần tôi đến văn phòng của S. sau giờ làm việc để hướng dẫn và cập nhật tình hình thị trường.

Nhỏ hơn tôi bốn tuổi nên S. gọi tôi bằng anh và tiếng mẹ đẻ đã làm chúng tôi gắn bó và chia sẻ nhiều điều ngoài công việc.

Thông minh, chịu khó,  sau hơn sáu tháng S. đã có thể đọc được sách báo và tài liệu chuyên môn bằng tiếng Việt.

Nhưng rồi vì yêu cầu công việc, S. được ngân hàng gọi về Geneva để nhận nhiệm vụ và buổi gặp gỡ cuối cùng để chia tay, S. mời tôi ăn tối.

Cám ơn về sự  giúp đỡ trong thời gian vừa qua, S.  cho biết anh đánh giá rất cao về tính chuyên nghiệp của tôi.

Nhưng anh không khen tôi về khả năng nói tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa hay những nhận định hay phân tích về tình hình Việt Nam hay Singapore mà chỉ nói về sự  đúng giờ của tôi mỗi khi hẹn gặp.

S. tiết lộ trong suốt thời gian sống và làm việc ở Hongkong và Singapore, anh chưa bao giờ gặp được người Việt Nam nào, kể cả Việt kiều đẳng cấp giáo sư tiến sĩ hay chuyên gia tài chính ngân hàng đến từ năm châu bốn biển, tỏ ra đúng giờ.

S. chia sẻ:

“Ở Thụy Sỹ, người ta rất ghét những người đi trễ vì những người này cho là thời gian của mình quan trọng hơn những người khác…”

Lời khen nói trên của S. làm cho tôi hơi nhột vì “thành tích” đúng giờ  của tôi  với chuyên gia ngân hàng Thụy Sĩ chỉ là may mắn.

Theo thông lệ giao tiếp ởSingapore, chuyện trễ hẹn năm mười phút là chấp nhận được và tôi phải thú thật là bản thân tôi cũng thỉnh thoảng đi trễ.

Bù lại, tôi cũng chẳng bao giờ đòi hỏi bạn bè, đối tác hay khách hàng người Singapore đến đúng giờ cả.

Trong suốt hơn mười năm sinh sống và làm việc trên đảo Sư Tử, tôi hiếm khi thấy hội nghị hay hội thảo nào bắt đầu đúng với thời gian dự tính.

2. Trong một nghiên cứu cách đây không lâu, giáo sư Philip Zimbardo của trường Đại học Stanford cho rằng thái độ về thời gian (attitude towards time) ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Thái độ về thời gian cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách, hành động và quan hệ của con người với nhau.

Để dễ hình dung, vị giáo sư gốc Ý này  chia thế giới thành sáu khu vực thời gian (time zone) khác nhau trong đó có những người hướng về quá khứ (past-oriented), hiện tại (present-oriented) và tương lai (future-oriented).

Những người thích nhớ về thời hoàng kim trong quá khứ hay kỷ niệm đẹp là những người nhìn nhận quá khứ một cách tích cực (Past Positive) còn những  ai hay hối hận, gặm nhấm thất bại là những người nhìn quá khứ một cách tiêu cực (Past Negative).

Những người sống cho hiện tại có hai thành phần.

Một bên muốn tận hưởng những thú vui sung sướng trong cuộc sống được gói gọn trong chữ hedonistic trong tiếng Anh.

Còn bên kia thì cho rằng cuộc sống không cần phải hoạch định gì cả vì mọi thứ đều do trời hay số mệnh hay hoàn cảnh định đoạt.

Phần lớn con người chúng ta đều sống cho tương lai, học tập đế làm việc và vượt qua cám dỗ xấu.

Nhưng cũng có những người, tùy theo tôn giáo của mình, tin rằng cuộc sống chỉ bắt đầu khi thể xác này không còn nữa.

Những người này tin tưởng vào Thượng đế và tương lai của họ có thể là ở thế giới bên kia.

Theo giáo sư  Zimbardo, GDP của những quốc gia có nhiều người theo đạo Tin Lành thường cao hơn các nước khác vì người dân có lòng tin vào Thượng Đế giống như ngân hàng được người dân tín nhiệm gửi tiền vào.

Người dân ở những nước nằm gần Xích Đạo thời tiết nóng quanh năm nên không có cảm nhận nhiều về thay đổi thời gian và thường có xu hướng sống cho hiện tại (present-oriented).

Ông cũng cho biết người dân ở vùng đảo Sicilia quê hương ông sống cho quá khứ và hiện tại  và phương ngữ người Sicilia không có thì tương lai…

Nói một cách ngắn gọn, thái độ và cảm nhận về thời gian ảnh hưởng đáng kể đến số phận của một con người, của một dân tộc và một quốc gia.

3. Có những người bỏ ra hàng chục nghìn đô-la để mua đồng hồ Thụy Sỹ đeo để thể hiện sự thành đạt (hay hướng đến thành đạt) của mình.

Có thể bạn cho đó là xa xỉ nhưng trong giao tiếp kinh doanh, những người đeo đồng hồ thương hiệu Thụy Sỹ dường như có cơ may thành công cao hơn.

Nhưng bạn không nhất thiết phải đeo đồng hồ Thụy Sỹ để gây ấn tượng với  đối tác hay khách hàng.

Thành công trong cuộc sống, thương trường , chiến trường hay tình trường thật ra bắt đầu những điều tưởng chừng như đơn giản.

Tôi không dám xem bản thân mình đã thành công hay thành đạt.

Nhưng nếu cần bí quyết tồn tại trên đảo quốc Sư Tử này thì với tôi đó là “thành tích” đúng giờ khi làm việc.

Và những ai chiến thắng trên thương trường hay tình trường hẳn phải là người biết cách quản lý thời gian và trân trọng thời gian của người khác.

 LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

CHUẨN VÀ KHÔNG CHUẨN

Theo quan điểm cực đoan cái gì cũng phải thống nhất và chuẩn hóa thì chuyện sử dụng ngôn ngữ ở cái đảo Sư Tử nơi tôi đang sinh sống và làm việc từ hơn mười năm nay quả là loạn và chưa có hồi kết.

Quốc ngữ là tiếng Mã Lai nhưng  Singapore có đến ba thứ  tiếng chính thức khác là tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tamil.

Nhờ môi trường xã hội đa sắc tộc và nền giáo dục song ngữ, người Singapore có thể nói được nhiều thứ tiếng.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

Ngoài Singlish, tức là cách nói chuyện dùng cấu trúc ngôn ngữ của tiếng Hoa hay tiếng Mã Lai và chen vào các phương ngữ khác của Trung Quốc, người Singapore gốc Hoa có cách phát âm tiếng Anh theo kiểu “riêng” của họ.

Ví dụ như phụ âm V thì đọc thành giống như W, hoặc R thành L.

Một số khách hàng của tôi không phát âm được chữ N mà chỉ có thể nói được âm L mà cụ thể là  “Việt Nam” thì nói thành Việt Lam, chẳng khác gì tình trạng “lờ nờ” mà ở nhà chúng ta gọi là “nói ngọng”.

Nhưng nếu “nói ngọng” có nghĩa là phát âm không “chuẩn” thì tôi đành phải thú thật rằng bản thân tôi là một điển hình sống động của “thực trạng” nói trên.

Ngoại ngữ đầu tiên mà tôi học là tiếng Pháp với bằng cử nhân văn chương cách đây hơn 20 năm.

Nhưng giờ đây, mặc dù đọc báo và nghe tiếng Pháp trên đài Radio France International mỗi ngày, nhưng cách phát âm của tôi  khi có dịp nói tiếng Pháp đã không còn “chuẩn” nữa vì môi trường giao tiếp của tôi chủ yếu  bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và… tiếng Việt.

Sau tiếng Nga, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ ba tôi được học và tôi vẫn cảm thấy là món khó nuốt nhất.

Người học  tiếng Anh phải nói đúng trọng âm, ngữ điệu, âm điệu và đảm bảo các nguyên tắc ngữ pháp.

Sinh sống và làm việc trong một môi trường đa sắc tộc, hình như tiếng Anh của tôi ngoài nước mắm tỏi ớt còn  pha trộn thêm mấy gia vị bột cay hay dầu mỡ của người Mã Lai và người Hoa.

Cách đây vài năm có dịp công tác ở Hà Nội, cầm điện thoại nói chuyện với một đối tác người Singapore, có lẽ do thỉnh thoảng tôi dùng những câu có từ cảm thán cuối câu như “Ô-kê là” (OK, lah!), cô nhân viên tiếp tân người Bắc không quan tâm đến chuyện vi phạm đến quyền riêng tư của người khác mà nhìn tôi có vẻ xem thường và bảo:

“Anh nói tiếng Singlish à?”.

Bây giờ lấy “chuẩn” phát âm tiếng Việt làm tham chiếu, tội nói ngọng của tôi còn lớn hơn nữa. Tôi là người miền Nam nên không nói “chuẩn” những từ có vần “t” hay “n” ở cuối câu: “thịt” phát âm như “thịch”; “nan” và “nang” cũng không có gì khác.

Thật ra, từ lúc tốt nghiệp đại học ra trường đi làm nhờ điều kiện giao tiếp khá nhiều với người Bắc nên cách phát âm và ăn nói của tôi cũng  được điều chỉnh đôi chút.

Trong giao tiếp thỉnh thoảng tôi cũng cố gắng đổi giọng nói và phát âm sao cho chính xác trong ngữ cảnh cụ thể.

Nhưng thật tình mà nói, lúc đó tôi không còn là tôi nữa và tự nhủ rằng cuộc đời chỉ  là một vở kịch mà mỗi người phải cố gắng làm tròn vai…

Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, nhờ mặc cảm “lệch chuẩn” nói trên và nỗ lực cố gắng nói sao cho người khác hiểu, tôi đã được khách hàng ưu ái và được trả thù lao xứng đáng cho những công việc liên quan đến tiếng Việt và các ngoại ngữ mình đã học.

Ngẫm ra ông trời có luật bù trừ, cái bất lợi cũng có khi trở thành cái thuận lợi.

Nhờ nói giọng miền Nam, nhiều lần tôi được mời tham gia đọc cho các chương trình quảng cáo bằng tiếng Việt sản xuất tại Singapore.

Trong lúc đó, những “đối thủ” khác của tôi có giọng Bắc hay giọng Nam quá “chuẩn” thì lại quá nghiêm trang nên không thể thuyết phục khách hàng.

Dù nói năng không “chuẩn”, nhưng tôi vẫn tồn tại được trên đảo quốc Sư Tử từ hơn mười năm nay có lẽ là nhờ văn hóa thực dụng của người Singapore.

Mặc dù nhiều thứ ở Singapore được xem là đẳng cấp mẫu mực của thế giới nhưng quan niệm về “chuẩn” của người Singapore cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Họ thường khen xã giao bất cứ người nước ngoài nào nói tiếng Anh khi đến với đảo quốc nhỏ bé của họ.

Họ luôn cố gắng lắng nghe người khác nói gì và những từ  gì không hiểu thì họ hỏi lại.

Và chính nhờ cái văn hóa đầy khoan dung về mặt ngôn ngữ  mà Singapore là một miền đất có khả năng dung nạp nhiều nền văn hóa khác nhau, cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng.

Đến Singapore, bạn phải làm quen với cách nói tiếng Anh của người Hoa, người Mã Lai, người Ấn, người Myanmar, người Indonesia và cũng chẳng có gì xấu hổ nếu phát âm tiếng Anh theo cách của người Việt Nam, nghĩa là chưa “chuẩn”.

Chính phủ Singapore vẫn luôn mời gọi tài năng nước ngoài đến đây sinh sống lập nghiệp và những người biết tiếng Anh và giỏi về ngôn ngữ giỏi sẽ có lợi thế.

Tuy nhiên, những ai có tư  duy xem nặng bằng cấp sẽ có ngày trả giá.

Bởi lẽ, những tiến sĩ hay thạc sĩ Havard hayOxfordmột ngày nào đó không chứng tỏ được khả năng làm việc  cũng sẽ được mời đi chỗ khác.

Điều quan trọng hơn hết là chính phủ Singaporeluôn muốn tạo ra những luật chơi sòng phẳng trên một sân chơi công bằng, chuẩn hay chưa chuẩn đều được miễn sao là có tài năng và có đóng góp.

Viết tới đây, tôi bỗng nhớ đến bạn bè, khách hàng hay đối tác người Singapore của tôi khi thuyết phục hay làm người đối diện thoải mái thì hay vỗ vai người đối diện và nói “Ô-kê là!”./.

 Lê Hữu Huy

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

GIÁ TRỊ “MỀM” CỦA BẤT ĐỘNG SẢN

Cách đây không lâu, để nắm bắt tâm lý và nhu cầu người mua nhà, hãng nghiên cứu và tư vấn bất động sản Savills ở  Singapore đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với 220 người mua nhà ở các độ tuổi, quốc tịch, giới tính, nơi cư trú về tình trạng nhà ở hiện tại.

Kết quả khảo sát cho thấy những thông tin khá thú vị:

57% trong số những người được hỏi cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là nhà phải có sân vườn và không gian xanh; dịch vụ xe buýt đi đến các khu mua sắm (53%); dịch vụ quản gia, giặt giũ, lau chùi xe và trông trẻ (45%) và nhiều chỗ đậu xe hơn (43%).

Thực tế những khu nhà ở hay căn hộ có cảnh quan xanh luôn được người mua ở Singapore ưa chuộng và đó cũng là lý do tại sao có nhiều dự án bất động sản lấy cảm hứng từ màu xanh.

Với những cái tên rất gần gũi với thiên nhiên như  The Tree House, Park Natura, Meadows@Pierce, Nassim Park Resident… những dự án nhà ở này càng có giá trị gia tăng cao nhờ phối cảnh tự nhiên bên ngoài hoặc những khu sân vườn trên tầng thượng, cộng với sự yên tĩnh và thanh nhã.

Ngoài ra, các dự án đều muốn tạo sự khác biệt với vật liệu nội thất cao cấp, tiện nghi như hồ bơi, phòng tập thể dục thể hình, mát xa hay spa thư  giãn, lò nướng BBQ lộ thiên có chất lượng và thiết kế mới nhất.

Tuy nhiên, những yếu tố “cứng” này có vẻ không tạo ấn tượng với người mua.

Chỉ có 20% số người được hỏi cho biết họ thích căn hộ có lát đá cẩm thạch và sàn gỗ; 23% thích tiện ích spa và 23% thích ban công to, rộng hơn.

Nhiều nhất là 35% cho biết họ thích có không gian tự do để có thể tự thiết kế và bố trí căn hộ theo ý mình.

Vì thế, những bất động sản, nhà ở trông rất cao cấp, hoành tráng và thậm chí có cảnh quan xanh nhưng đi lại bất tiện và thiếu dịch vụ gần gũi với người dân sẽ không thu hút được nhiều khách hàng.

Đặc biệt những dự án bất động sản chỉ nhấn mạnh đến yếu tố giá và không tạo nên giá trị thiết thực và gần gũi, càng làm cho người vào ở cảm thấy bơ vơ, thiếu sự gắn bó với nơi mình sinh sống.

Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người dân về môi trường sống, nhiều năm gần đây các chủ xây dựng nhà ở  Singapore luôn quan tâm đến giá trị “mềm” của bất động sản.

Chính vì thế, nhiều căn hộ bình dân của  Singapore xây cho người dân (gọi tắt là HDB) vẫn không bao giờ xuống giá vì cái “hồn” sống động của nó.

Có dịp đến tham quan một khu HDB, bạn sẽ không có cảm giác choáng ngợp khi đứng trước những kiến trúc hoành tráng và ấn tượng của khu căn hộ hay biệt thự tư nhân.

Thay vào đó là sự đơn giản, thoải mái và gần gũi với cuộc sống thường nhật.

Theo quan điểm của các nhà quản lý quy hoạch Singapore, khu đô thị HDB mới hay cũ không chỉ là những tòa nhà mà phải là những cộng đồng gắn bó mà cư  dân cảm thấy mình là một thành viên, được đối xử bình đẳng và không phân biệt giàu nghèo.

Khu đô thị HDB cũng là “trận địa” của đại biểu Quốc hội để giành được lá phiếu tín nhiệm của cử tri trước và sau các kỳ bầu cử.

Và phải chăng, những yếu tố “mềm” khác về thể chế, luật pháp và trách nhiệm giải trình của những người được xem là công bộc của dân cũng làm cho giá trị nhà ở HDB luôn được giữ vững?

Lê Hữu Huy

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

ĐƯA TIẾNG VIỆT RA THẾ GIỚI

Dân Việt Nam có dịp du lịch Đảo Quốc Sư Tử thường cảm thấy thoải mái hơn nơi khác.

Bởi lẽ, ngoài chuyện thưởng lãm cảnh quan đô thị và môi trường xanh sạch đẹp, du khách Việt còn được người Singapore chào hỏi và hướng dẫn bằng tiếng Việt.

Người Việt đang học tập, sinh sống tại Singapore khi nhớ những món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc thường đến khu phố Joo Chiat, nơi có thực đơn bằng tiếng Việt và được phục vụ miễn phí nhạc Việt.

Trong một siêu thị tại khu chợ Thái Lan Golden Mile Complex có bày bán các sản phẩm “Made inVietnam”.

Một số đại lý lữ hành cũng quảng cáo bằng tiếng Việt.

Tiếng Việt có mặt nhiều nơi tại Singapore và trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân nước này.

Xây dựng thương hiệu Việt ngữ

Có một sản phẩm chính hiệu Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng tại Singapore.

Đó là chương trình dạy tiếng Việt của Công ty tư vấn Vietnam Global Network, Singapore (VGN), được nhiều người nước ngoài biết đến thông qua thương hiệu Vietnam Language Centre (VLC).

Ý tưởng mở một trung tâm dạy tiếng Việt nảy sinh khi vài khách hàng của VGN cho biết muốn học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam.

Tuy nhiên, VGN luôn xác định hoạt động kinh doanh chủ yếu là tư vấn tiếp thị và đại diện thương mại, nên VLC được xem là dự án phụ.

Dù nhu cầu học có thật, nhưng tiếng Việt chưa phải là ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như các thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha… nên phạm vi phổ biến còn hạn chế.

Nhưng ngạn ngữ có câu: “Đâm lao thì phải theo lao”, VLC cứ thầm lặng với những lớp tiếng Việt nhỏ không quá 8 học viên vào buổi tối và đôi khi giảng viên của VLC được mời đi giảng dạy ngay tại trụ sở của khách hàng.

Ngay từ ban đầu VGN xác định, tuy số lượng học viên không nhiều và tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng thông qua đó có thể tiếp thị được dịch vụ tư vấn của VGN.

Và hơn nữa, đây cũng là cách quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam một cách thiết thực nhất.

Kể từ khi chúng tôi tổ chức lớp dạy tiếng Việt đầu tiên cho học viên (chủ yếu là người Singapore), đến nay tính ra đã hơn 5 năm.

Hiện nay sự phát triển của Internet giúp VLC dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn trước.

Số lượng học viên đã lên đến hơn 300, trong đó có cả khách hàng là chủ tịch, giám đốc của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Một số học viên lúc đầu than phiền tiếng Việt khó học, nhưng sau một thời gian kiên trì tham dự các khóa học, họ cảm thấy thích thú.

Nhiều học viên cho biết chính sự đa dạng về thanh âm, về ngữ nghĩa của câu từ… và đặc biệt là văn hóa của người Việt Nam, như cách xưng hô thể hiện sự trân trọng quan hệ gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Nhờ biết tiếng Việt, nhiều học viên của VLC đã thăng tiến trong nghề nghiệp hoặc kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Giá trị của tiếng Việt

Tôi đã không ít lần tự hỏi và tìm câu trả lời:

Phải chăng tiếng Việt đã trở thành hàng hóa đặc biệt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

Mãi đến khi VLC thực hiện hợp đồng dạy tiếng Việt tại một nhà máy ởJ ohore, Malaysia của một tập đoàn đa quốc gia, tôi mới phần nào giải tỏa được thắc mắc này.

Từ đầu năm 2011 đến nay đã có 6.664 lao động tại Malaysia, trong đó có gần 50 công nhân Việt Nam đang làm việc tại nhà máy tôi đang dạy tiếng Việt.

Lãnh đạo nhà máy đặt yêu cầu VLC giúp CBCNV và công nhân người Malaysia có thể nói được tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt, qua đó giao tiếp hiệu quả với công nhân người Việt Nam làm việc tại đây.

Thời gian dạy 2 tháng, mỗi tuần 1 buổi 3 tiếng.

Và như vậy, chương trình tiếng Việt của VLC bắt đầu bước vào cuộc hành trình xuyên biên giới.

Johore (tiếng Ả Rập nghĩa là hòn ngọc quý) là một trong những tiểu bang quan trọng và phát triển nhất của Malaysia, nằm ở cực Nam của bán đảo Mã Lai.

Singapore nhập khẩu nước ngọt từ Johore.

Tôi và cô đồng nghiệp ngồi trên xe bon bon trên đường cao tốc, hai bên đường là những đồi cọ hay đồng cỏ xanh rì.

Nhà máy tôi và đồng nghiệp đến dạy tiếng Việt nằm ở Senai, một thị xã cách thủ phủ Johor Bahru của Johore 25km về phía Tây Bắc.

Nơi đây có sân bay quốc tế Senai và nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử hay thiết bị công nghiệp của các tập đoàn quốc gia.

Học viên của chúng tôi lần này chủ yếu là công nhân người Malaysia, trong đó có một số người gốc Hoa.

Do học viên tham gia đến 20 người – đông hơn so với lớp nhỏ tại Singapore- nên điều này ảnh hưởng phần nào cách giảng dạy của chúng tôi.

Dù họ có thể nói được tiếng Anh nhưng để hiệu quả, giảng viên thỉnh thoảng phải dùng thêm tiếng Mã Lai và tiếng Hoa.

Điều thú vị là tiếng Mã Lai và tiếng Việt có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc ngôn ngữ và từ vựng, nên đôi bên khá thoải mái trong việc trao đổi, học tập.

Nhờ vậy, chỉ sau vài buổi học giảng viên và học viên đã cởi mở hơn.

Một số học viên có vợ hay bạn gái là người ViệtNam, một số chưa đi Việt Namlần nào, trong giờ giải lao họ hỏi tôi về ẩm thực, về những điểm du lịch hấp dẫn của ViệtNam.

So với giới trí thức và thương gia nước ngoài tôi có dịp tiếp xúc, học viên tại đây không biết nói những lời xã giao về những cái hay cái đẹp của Việt Nam, nhưng vẻ mặt thích thú, háo hức và nỗ lực của họ trong buổi học sau những giờ làm việc căng thẳng đã thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa và con người Việt Nam.

Qua họ, tôi được biết công nhân Việt Nam sang đây làm việc khá vất vả nhưng được đãi ngộ thỏa đáng.

Sau 2 tháng học tập, học viên của chúng tôi đã biết giao tiếp bằng tiếng Việt với những người bạn đồng nghiệp của mình từ Việt Nam sang.

Dạy tiếng Việt cho CBCNV và công nhân của nhà máy nhưng tôi chưa có cơ hội được gặp gỡ công nhân ViệtNamtại đây.

Chúng tôi đã tính đến việc lên kế hoạch đưa tiếng Anh, tiếng Mã Lai và kỹ năng giao tiếp cho công nhân trong môi trường sống tại Malaysia, qua đó trực tiếp giúp công nhân Việt Nam thành công hơn trong thời gian lao động tại nước bạn, đồng thời trở thành cầu nối hữu hiệu đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt ra thế giới./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư Tài chính

ĐẠI SỨ DU LỊCH

Trong chừng mực nào đó, bạn có thể xem tôi là một “đại sứ du lịch” của Singapore vì trong hơn mười năm qua tôi đã có công đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành du lịch nước này.

Do đặc thù công việc và cũng có  khi có bạn bè hay người thân nhờ cậy,  tôi đã giúp cho nhiều người Việt Nam sang Singapore cảm thấy thoải mái từ việc từ đăng ký khách sạn, ăn uống, vui chơi giải trí, du học, chữa bệnh và tìm tòi những chuyện mới lạ của một đất nước Singapore.

Nhưng nói vui vậy thôi.

Đại sứ du lịch chính thức của Singapore mà tôi biết là ca sĩ trẻ nổi tiếng Stephanie Sun, nhưng chỉ “toàn quyền” trong khu vực các quốc gia nói tiếng Hoa như Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Cô ca sĩ này chuyên hát tiếng Hoa nên cô rất phù hợp cho việc thu hút du khách người Hoa từ các vùng lãnh thổ nói trên.

Dư luận và báo chí Singapore cũng chẳng quan tâm đến việc ca sĩ Stephanie Sun có bằng đại học, chân dài hay ngắn, ăn mặc có phản cảm hay bị lộ… gì hay chăng.

Ngoài ca sĩ  Stephanie Sun, Singapore còn có nhiều Đại sứ  du lịch chính danh khác mà nhiều người trong số đó không phải là dân bản địa.

Vào tháng 4 năm 2008, Cục Du lịch Singapore (STB) tung ra một chương trình mang tên “Những người bạn Độc đáo Singapore”  (Uniquely Singapore Friends) nhằm tuyển mộ tình nguyện viên hay đại sứ  du lịch (tourism ambassador) làm công tác giới thiệu, hướng dẫn và tư vấn du khách tại các trung tâm hướng dẫn du khách có tên là Singapore Visitors Centre (SVC).

Ngoài các chức năng vừa đề cập, những vị sứ giả du lịch này còn cho du khách biết sự kiện gì đang và sẽ diễn ra hay chia sẻ với họ những trải nghiệm cụ thể của mình.

Hai tuần sau khi quảng cáo về chương trình có 60 ứng viên nộp đơn xin tham gia.

Sau vòng sơ tuyển bằng cách phỏng vấn, STB chọn ra được  30 người dựa trên các tiêu chí về thời gian mà ứng viên này có thể đóng góp, nhân cách và kỹ năng giao tiếp.

Điều đáng nói là trong số 30 ứng viên được chọn, chỉ có 12 người là dân Singapore.

Con số 18 còn lại là người nước ngoài, một số đang làm việc tại Singapore, còn một số là các bà vợ theo chồng sang đây công tác, tuổi trung bình từ 22 đến 56.

Tất cả các tân đại sứ này đều phải trải qua một chương trình huấn luyện có thời lượng tổng cộng 74 tiếng đồng hồ diễn ra trong 9 ngày để có một cái nhìn khái quát về ngành du lịch, chức năng của SVC và kỹ năng phục vụ khách hàng.

Họ được tham gia các chuyến tham quan để làm quen với thực tế.

Các đại sứ này có thể làm việc theo thời gian linh họat nhưng mỗi năm họ phải phục vụ 96 tiếng, hay là mỗi tháng 8 tiếng  tại các SVC đặt tại phố mua sắm Orchard hay sân bay Changi.

Các đại sứ  du lịch này không có lương nhưng  bù lại, họ được phiếu giảm giá đặc biệt khi tham quan và được vào cửa miễn phí ở một số điểm tham quan hấp dẫn.

Theo bà Neeta Lachmandas, giám đốc chất lượng dịch vụ của STB, đây là những đại sứ lý tưởng cho ngành du lịch bởi họ có được sự nhiệt tình mạnh mẽ, cùng những trải nghiệm cá nhân tích cực về Singapore và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp tốt.

Những người này thể hiện lòng say mê về Singapore như một điểm đến du lịch hấp dẫn và sẵn sàng chia sẻ sự phấn khích và nhiệt thành này với du khách nước ngoài…

Chia sẻ với độc giả ở nhà về những trải nghiệm ở Singapore, tôi không rõ sáng kiến trên đây của STB đã được Tổng Cục du lịch hay ngành du lịch các tỉnh thành địa phương Việt Nam tham khảo và áp dụng chưa.

Nhưng có lẽ sau khi mất thời gian và tiền bạc cho việc tiến cử Vịnh Hạ Long vào 7 kỳ quan  thế giới mới, ngành du lịch cần phải nghĩ đến bước kế tiếp đó là làm sao Vịnh Hạ Long cũng như nhiều danh thắng của Việt Nam trở thành những trải nghiệm sống động về con người và nhân văn.

Theo thiển ý của người viết, dư luận và báo chí nên chấm dứt vạch lá tìm sâu trước những chuyện đã rồi vì có trắng đen rõ ràng thì cũng chẳng đi đến đâu.

Thay vì tranh cãi chuyện đúng sai trong việc bầu chọn Vịnh Hạ Long vừa rồi, có lẽ mỗi người Việt Nam chúng ta hãy cố gắng trở thành đại sứ  du lịch cho địa phương mình, đất nước mình.

Với sự  phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng truyền thông xã hội như  hiện nay, thiết nghĩ đề nghị trên đây hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Nếu bạn đã dành thời gian nhấp chuột để bình chọn cho Vịnh Hạ Long thì giờ đây hãy nghĩ đến động tác tiếp theo là làm một trang web cá nhân, hay làm thêm một đường dẫn trên trang web doanh nghiệp để quảng bá không những cho Vịnh Hạ Long mà còn bất cứ điểm du lịch nào ở địa phương bạn đang làm việc hay sinh sống.

Nếu bạn có dịp tham quan  một nơi nào đó, trong nước hay ngoài nước, hãy cố gắng chia sẻ thông tin về nơi mà mình đang sống.

Việc thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam ngẫm ra cũng đơn giản như  chuyện bạn mời tôi vào nhà bạn.

Điều mà tôi thích thú không hẳn là ngôi nhà hay căn hộ của bạn đang ở có lọt vào kỳ quan hay không.

Nếu tôi là người nghèo thì tôi muốn đến nhà bạn để học cách làm giàu.

Nếu tôi giàu hơn bạn thì tôi cũng muốn đến học hỏi về sự hạnh phúc của gia đình bạn, tôi sẽ rất ấn tượng về sự sạch sẽ, ngăn nắp trong gia đình bạn.

Và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu bạn mời tôi những món ăn hay thức uống độc đáo mà nhà hàng không có, cũng như chia sẻ với tôi những câu chuyện vui buồn để rút tỉa những bài học đầy tính nhân văn giúp cho cuộc sống này thú vị và có ý nghĩa hơn./.

 LÊ HỮU HUY

 Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở khu lao động nghèo quận 4.

Không biết câu thành ngữ vui “Ăn quận năm, nằm quận ba, hát ca quận một, trấn lột quận tư” có chính xác không nhưng quả thật, khu xóm mang tên Lò Bún phía sau nhà tôi là điểm hẹn của giang hồ, trộm cướp và tệ nạn xã hội.

Cái vũ khí giúp chín anh chị em chúng tôi không bị tiêm nhiễm bởi thói hư tật xấu như chửi thề, đánh nhau là những giá trị truyền thống gia đình mà trên hết là tính kỷ luật qua tấm gương của ba tôi, một nhà giáo nổi tiếng nguyên tắc, nghiêm khắc và đức độ.

Nhờ cái “mác” con giáo viên, tôi đi đâu cũng được thầy cô và bạn bè thương mến hay giúp đỡ.

Và cũng vì “danh hiệu” con nhà giáo, tôi luôn cố gắng không làm điều gì sai trái để không gây tiếng xấu cho gia đình.

Nghề giáo, trong tâm khảm thời ấu thơ của tôi là một hình ảnh cao quý và thiêng liêng và đã có lúc tôi mơ ước sẽ có ngày nối nghiệp cha…

Nhưng chính ba tôi lại là người đã ngăn ước mơ nói trên khi tôi được có cơ hội tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm nhờ đạt giải ba trong kỳ thi tiếng Pháp lớp 12 toàn quốc.

Ông khuyên tôi không nên theo nghề giáo vì thu nhập giáo viên không đủ nuôi bản thân nói chi đến việc nuôi sống gia đình, mà  bằng chứng là cả gia đình chúng tôi đều phải “tự cứu lấy mình”.

Kể từ lúc lên lớp bốn, mặc dù là con trai út, tôi cũng đã trở thành một thành viên tích cực trong hoạt động kinh tế đa dạng của gia đình như bán kem hay bán mì, kinh doanh bán sỉ và lẻ nước ngọt, rượu bia.

Có lẽ đó là hình ảnh đặc thù của nhiều gia đình Việt Nam trong thời bao cấp:

Cả nhà tôi là một doanh nghiệp đầy âm thanh và mùi vị với những đàn heo con chờ người đến mua, tiếng chim cút đẻ trứng, tiếng nước bập bõm trong hồ cá rô phi, tiếng chơi banh bàn, tiếng rao bán vé số, mùi tương cà mắm muối trong tiệm tạp hóa mở tại nhà…

Vâng lời cha, tôi nộp đơn thi vào Đại học Tổng hợp ngành Pháp văn và may mắn nằm trong số chín sinh viên trúng tuyển.

Lời khuyên của ba tôi và ám ảnh về cái nghèo của gia đình giáo viên cùng những trải nghiệm thời sinh viên và sau khi tốt nghiệp đại học đã làm cho tôi có một cái nhìn khác hơn về nghề giáo.

***

Tôi đã được hưởng những tháng ngày đẹp nhất của thời sinh viên.

Nhưng đất nước vào buổi giao thời không cho phép thầy cô tôi sống bằng thu nhập chính thức.

Cú sốc đầu tiên mà tôi vẫn còn nhớ như in đó là lúc gặp thầy N. dạy môn văn phạm ở một cơ sở sản xuất nước giải khát bia lên men trên đường Pasteur gần Đại học Kiến trúc.

Thầy và trò ngỡ ngàng nhìn nhau vì cả hai cùng đến đó mua sỉ về bán lẻ.

Sau đó, tôi còn biết thêm một vài thầy cô ở trường phải kiêm cả chuyện giữ xe của sinh viên hay làm những ngành nghề, mà theo quan niệm của tôi vào thời gian đó, nhà giáo không nên làm…

Tuy nhiên, dù hình ảnh lý tưởng về nghề giáo không còn như xưa, tôi vẫn luôn biết ơn và kính trọng ơn các giáo sư, giảng viên đã dạy dỗ mình.

Sau khi tốt nghiệp, tôi phơi phới vào làm ngành ngân hàng và hiểu được rằng mọi thứ chỉ mới là bắt đầu.

Tôi lao vào học nghiệp vụ ngân hàng, lấy thêm chứng chỉ về tài chính và kinh tế, học thêm tiếng Anh trong lúc tiếng Pháp đã đến lúc thoái trào.

Với suy nghĩ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tôi xem tất cả những ai đã hướng dẫn và truyền đạt kiến thức cho tôi là Thầy.

Cho dù đó là bác lao công quét dọn trong cơ quan kể cho tôi nghe những câu chuyện về thực tế cuộc sống hay những anh chị các phòng ban chỉ bảo tôi về nghiệp vụ hay kinh nghiệm xử lý công việc.

Tôi cũng cám ơn cả những người vô tình hay hữu ý khai thác sự nhiệt tình và năng nổ của một sinh viên vừa tốt nghiệp và sai tôi làm nhiều việc có lúc không liên quan đến công việc chính thức.

Sang  Singapore, tôi lại may mắn có thêm những ông bạn già giúp tôi tự học tiếng Hoa, chia sẻ với tôi kinh nghiệm sinh sống, lập nghiệp và làm ăn của người Hoa.

Rồi học thạc sĩ, những người thầy của tôi là giảng viên hay giáo sư đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Tôi cảm nhận ở họ sự khiêm tốn và luôn đón nhận cái mới.

Sau một thời gian học tập, làm việc và sinh sống tại Singapore, tôi nghiệm ra rằng cái đảo quốc bé nhỏ này phát triển thịnh vượng có lẽ nhờ quan niệm thầy-trò của họ không giống như nhiều nước châu Á khác.

Trong một phát biểu chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của Singapore, ông Ngiam Tong Dow, một cựu viên chức cao cấp đã từng lãnh đạo nhiều bộ ngành chủ chốt của chính phủ  Singapore cho rằng một xã hội học hỏi (learning society) là nơi mà tất cả là mọi người nên là Thầy – Trò của nhau.

Nếu người này biết lĩnh vực này nhiều hơn người khác, thì người đó là Thầy.

Có lẽ trong bối cảnh và môi trường như vậy mà tôi có vinh dự làm “thầy” của nhiều người Singapore, trong đó có cả giáo sư đại học, tiến sĩ và thậm chí chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn.

Cái mà họ quan tâm không phải là chuyện tôi có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mà chính là kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống cùng với văn hóa và ngôn ngữ Việt.

Dĩ nhiên, trong cuộc chơi Thầy – Trò này, tôi phải thể hiện được bản sắc và nhân cách của một người Việt, gầy dựng được lòng tin trên cơ sở hợp tác lâu dài.

***

Dù sao đi nữa, giấc mơ nhà giáo của tôi rồi cũng trở thành hiện thực khi tôi làm trở thành giáo viên dạy văn bán thời gian cho một trường trung học quốc tế có gần 40% học sinh từ Việt Nam sang.

Dù không quá câu nệ hình thức nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy “sướng” vì được học sinh Việt Nam gọi bằng “Thầy” chứ không phải  là“teacher” hay “laoshi” trong tiếng Anh hay tiếng Hoa.

Tôi thật sự có niềm vinh hạnh khi gặp các em trong bộ đồng phục tinh khôi và khoanh tay cúi đầu chào và như được sống lại những giây phút của thời học sinh cách đây hơn 20 năm.

Ngoài chuyện dạy các tác phẩm văn học theo yêu cầu của chương trình tú tài quốc tế (IB), tôi tranh thủ chia sẻ với các em về kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Singapore và khuyến khích các em phát biểu, thậm chí phê bình và góp ý cách dạy của tôi.

Thời buổi kỹ thuật số và phương tiện nghe nhìn làm cho chuyện giảng dạy của tôi dễ dàng hơn.

Tôi cố gắng dùng hình ảnh cũng những thông tin mới nhất trên mạng Internet để giải đáp những thắc mắc của các em và cũng đề nghị các em không nên xem những ý kiến của tôi là hoàn toàn đúng mà luôn luôn đặt câu hỏi.

Nhưng rồi, theo cách nói của người Mỹ, không có bữa ăn trưa nào miễn phí, một hôm tôi phải trả giá cho việc thể hiện phong cách giảng dạy mới.

Trong một tiết học có liên quan đến cách làm một bài luận và biện pháp tu từ, khi tôi còn đang cố gắng giải thích một thuật ngữ và từ tương đương Việt – Anh, N., một học sinh nữ nói thẳng với tôi là tại sao cái gì thầy cũng thích lên mạng “Google”, tại sao thầy là “thầy” mà sao thầy lại không biết.

Tôi hơi ngớ người ra một chút nhưng cũng trả lời rằng Internet là một trong những công cụ tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập thời nay.

Tuy nhiên, N. cứ khăng khăng:

“Thầy là thầy mà! Thầy phải biết chứ!”

Tôi đỏ mặt nhưng cũng bình tĩnh và thú thật rằng tôi chỉ là một giáo viên dạy văn tay ngang chứ cũng không qua trường lớp sư phạm gì cả.

Tuy nhiên, tôi cũng nói một cách chân tình với N. và tất cả các học sinh có mặt trong tiết học hôm đấy rằng:

“Nếu các em cảm thấy rằng thầy đã dạy sai hay không truyền đạt đầy đủ kiến thức thì thầy thành thật xin lỗi.

Theo tôn ti trật tự trong xã hội và văn hóa giao tiếp của người Á đông, các em phải gọi thầy là “thầy”.

Nhưng kể từ giờ trở đi, thầy xin hứa sẽ luôn cố gắng để trau dồi kiến thức văn học để được xứng đáng được các em gọi bằng “thầy”.

Nói là làm, kể từ hôm đó, trong nỗi đau của một người thầy bị học trò phê bình, tôi đã xem lại tất cả cách bài giảng của mình để có điều chỉnh thích hợp.

N. cùng nhiều bạn khác trong lớp đã đạt điểm cao nhất trong kỳ thi IB môn tiếng Việt.

Điểm 7 là cao nhất và tất cả các em học sinh Việt Nam học văn với tôi trong suốt hơn 3 năm qua cho đến nay chưa có em nào “bị” dưới 6.

Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi và tôi cũng không quan tâm lắm chuyện các em có nhớ đến cái mà người ta hay gọi là “công ơn” dạy dỗ của thầy hay không.

Nhưng quả thật, tôi thật sự biết ơn các em học sinh vì các em đã biết lắng nghe và đặt câu hỏi thách thức thầy trong bài giảng.

Nếu không có những câu hỏi và thách thức đó, có lẽ tôi chỉ là một con vẹt nhai đi nhai lại những ý tưởng của của người khác và chỉ là một người thầy trên danh nghĩa.

Nhờ các em, tôi đã học hỏi được những cái nhìn mới, những cách tiếp cận mới giúp tôi ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh nghề tư vấn.

***

Nếu có dịp nào lang thang trên mạng, bạn sẽ bắt gặp một câu chuyện về một cậu bé người Do Thái mỗi lần đi học về thì được mẹ hỏi:

“Hôm nay, con trai của mẹ đã HỎI thầy được bao nhiêu câu hỏi rồi?”.

Ngược lại, người mẹ Trung Hoa sẽ hỏi:

“Hôm nay, con trai của mẹ đã HỌC thầy được những gì rồi”.

Theo một số nhà phân tích, hai câu hỏi này thể hiện hai nền văn hóa khác nhau.

Trong Kinh thánh, Moses và các nhà tiên tri khác đều lập luận hãy tranh cãi với Thượng Đế.

Trong khi đó, thí sinh trong các kỳ thi Trạng nguyên của Trung Hoa thì phải học thuộc lòng và trích dẫn lời dạy của Khổng tử như  chân lý có sẵn.

Tôi không rõ các bậc cha mẹ thời nay muốn đặt câu hỏi theo cách nào,  Do Thái  hay Trung Hoa nhưng đối với tôi, sẽ là điều đáng sợ nếu học sinh của tôi chỉ muốn học với tôi chỉ vì có cơ hội đạt điểm cao.

Tương lai của các em cũng như của đất nước chúng ta có sáng sủa hơn chắc chắn không phải là nhờ điểm cao trong các kỳ thi hay bằng cấp của trường này trường nọ.

Người Việt của chúng ta có cụm từ rất hay đó là HỌC-HỎI.

Ngoài chuyện đến trường hay một cơ sở đào tạo nào đó để tiếp thu kiến thức mới, nhiều người trong chúng ta quên một vế thứ hai rất quan trọng đó là đặt dấu chấm hỏi cho những gì mình đã học.

Và để cho cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội này tốt hơn, có thể chúng ta nên cố gắng bỏ bớt đi cái mệnh đề giải thích:

“Tại vì” mà thay vào đó là câu hỏi

“Tại sao?”

hay

“Tại sao không?”.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/66038/Nhung-nguoi-thay-cua-toi.html

——————————————–

XUẤT HÀNH ĐẦU NĂM

Đâu nhất thiết phải làm một đòn bánh Tét nặng hai tấn mới có tên vào sách kỷ lục Guiness, chỉ cần một chút quảng cáo, tổ chức quản lý theo thông lệ quốc tế thì theo tôi, xe buýt của Việt Nam sẽ nhanh chóng được cả thế giới biết đến vì giá vé rẻ.

Thử hỏi có thành phố lớn nào trên thế giới mà người ta có thể di chuyển từ Đông sang Tây bằng phương tiện công cộng chỉ tốn có 10 xu Mỹ (2.000 đồng)?

Nếu so sánh với cước phí xe buýt một cuốc trung bình khoảng 1 Đô-la Singapore (tương đương 10.000 đồng) ở Singapore thì  chi phí tham quan thành phố Hồ Chí Minh theo kiểu City Tour cho một du khách nước ngoài theo kiểu Tây ba lô chắc hẳn không có nơi nào thấp hơn.

Nhưng tôi không phải là du khách nước ngoài Tây ba lô mà là một doanh nhân Việt Nam về Sài Gòn ăn Tết.

Không còn cảm giác bỡ ngỡ của lần đầu tiên khi bước lên xe buýt ở quê nhà trong chuyến công tác hồi tháng tư năm ngoái.

Giờ đây tôi đã biết rõ hơn đường đi nước bước nhất là trong tay có Sơ đồ 89 tuyến xe buýt mới của Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, mặc dù từng lang thang khắp ngõ ngách Đông – Tây Âu và nhiều thành phố Đông Nam Á bằng xe buýt và xe điện ngầm, tôi thật vất vả khi xem chỉ dẫn bằng tiếng Việt trên sơ đồ này.

Hướng dẫn trên báo chí như tờ Tuổi Trẻ ngày 2/2/2006 về tuyến xe buýt Cảng Quận 4 – Bến Thành – Bình Quới tương đối rõ ràng nhưng cũng chỉ cho tôi biết những tuyến đường sẽ đi qua chứ không nói rõ là dừng ở đâu.

Xe buýt “phong cách” Sài Gòn?

Không rõ xe buýt của ta có quy định về việc lên cửa trước xuống cửa sau hay không nhưng ở Sài Gòn mọi người đều có thể lên xuống bằng cả hai cửa.

Mấy cái chuông trên xe cũng vô dụng vì hành khách muốn dừng thì phải nói lớn cho bác tài và tiếp viên xe buýt biết nơi mình muốn xuống.

Cái bản chất ồn ào của con người Sài Gòn bỗng trở lại trong tôi, và chợt nghĩ thành phố quê hương mình thật là năng động và linh hoạt.

Nếu so với Việt Nam thì xe buýt Singapore quả là đơn điệu và máy móc; không có tiếp viên và tài xế xe buýt kiêm cả vai trò kiểm soát vé và quét dọn.

Với du khách thì xe buýt ở Sài Gòn có lẽ còn hấp dẫn về mặt nhộn nhịp và sôi nổi với nhiều sắc thái âm thanh và ngôn ngữ.

Tôi tự nhủ rằng hãy tạm quên những cái gọi là “thông lệ quốc tế” khi ngồi trên xe buýt ngắm nhìn thành phố thân yêu của mình.

Cảm nhận một cái gì đó vừa vui vừa buốn vì có lẽ Sài Gòn không giống bất cứ một thành phố nào khác về phương diện quản lý đô thị, số lượng xe gắn máy và phong cách đi xe buýt.

Chuyến xuất hành đầu năm bằng xe buýt của tôi từ trạm xe buýt gần tiệm bánh ngọt Đức Phát ở đường Cao Thắng đến bùng binh Sài Gòn để gặp một khách hàng ở quán phở 24 nằm bên hông chợ Bến Thành chỉ tốn có 2.000 đồng.

Không rõ anh bạn doanh nhân của tôi sẽ nghĩ sao về việc đối tác đến gặp mình đầu năm mới bằng phương tiện công cộng là xe buýt chứ không bằng taxi hay xe hơi riêng.

Nhưng biết đâu một ngày nào đó sẽ không còn là chuyện lạ khi người ta thấy doanh nhân Sài Gòn ăn mặc chỉnh tề đeo cà vạt, xách cặp samsonite hay máy laptop bước xuống xe buýt để đến nơi làm việc hoặc gặp gỡ nhau bàn chuyện làm ăn.

Trung tâm thành phố sẽ thoáng đãng hơn vì có nhiều chỗ đi bộ và thay vào các bãi giữ xe máy ở khu vực ngoại vị là siêu thị, các cửa hàng lớn nhỏ cùng với các dịch vụ đô thị văn minh chất lượng cao đi kèm.

 Xe buýt chất lượng cao

Nếu người Sài Gòn chấp nhận trả giá gấp đôi để ăn một tô phở chất lượng cao như Phở 24 thì chắc hẳn  là sẽ có nhiều người sẵn sàng chọn lựa xe buýt như một phương tiên lịch sự, tiết kiệm và an toàn như lời cổ động “Nào ta cùng buýt” xuất hiện nhiều hơn trong thành phố.

Ngoài chuyện phục vụ cho các nhu cầu đến trường, đi làm, mua sắm, đi dạo, biết đâu sau này sẽ có cả xe buýt hai tầng trên đó phục vụ cà phê máy lạnh, ca nhạc và Internet băng tầng rộng không dây dành cho doanh nhân.

Trong thời gian đầu, do cung còn ít hơn cầu, xe buýt chất lượng cao cùng với các dịch vụ cao cấp đi kèm có lẽ là thú vui thời thượng của một bộ phậ người có thu nhập cao hay khách hàng ham vui và thích những gì mới lạ.

Tuy nhiên, về lâu về dài, nếu được tổ chức tốt và đều đặn những dịch vụ mới này sẽ tạo lập những thói quen và nếp sống đô thị văn minh cho người dân.

Ngoài những đóng góp tích cực nói trên, đơn vị cung cấp dịch vụ còn thu được nhiều lợi nhuận từ tiền vé và các dịch vụ ăn uống hay giải trí đi kèm.

Nếu được nhà nước khuyến khích và cho phép, các hãng xe buýt sẽ có thêm thu nhập từ quảng cáo và một khối lượng thanh khoản dồi dào nếu thu bằng tiền mặt trước hàng tháng, hàng quý hay hàng năm.

Chưa hết, còn phải kể đến một số lượng đáng kể du khách nước ngoài đến Sài Gòn mà chưa có cơ hội tiêu tiền.

Trong lúc Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt,  các hãng xe buýt còn có thể kết hợp với các ngân hàng thương mại làm vé xe buýt theo dạng thẻ từ (magnetic card) hay thẻ thông minh (smart card).

Những thẻ từ này không chỉ dùng để thanh toán tiền vé xe buýt mà còn có thể thanh toán ở các cửa hàng, siêu thị, sân bay, nhà hàng, khách sạn, vân vân.

Với du khách nước ngoài, hãy thử làm cho họ một tấm vé xe buýt thật đẹp, đắt hơn so với vé thường để họ giữ làm kỷ niệm như một thứ minh chứng hùng hồn về  chuyến đi kỳ thú ở đất nước hình chữ S.

Những tấm thẻ xe buýt du lịch này có thể sản xuất theo từng đợt hay theo các bộ sưu tập nhân dịp các ngày lễ lớn.

Và nhờ số lượng hành khách đông đảo, các hãng xe buýt còn có thể thu thêm lệ phí từ việc cho các doanh nghiệp khách quảng cáo trên vé xe buýt bằng thẻ từ hay thẻ thông minh của mình.

Chia sẻ với độc giả về ý tưởng xe buýt chất lượng cao, tôi xin đính kèm tấm ảnh trên nhật báo  Straits Times, Singapore mà nếu không giải thích, người ta dễ lầm tưởng là ảnh của tiếp viên hàng không phục vụ hành khách trên máy bay.

Doanh nhân ở Singapore và Malaysia từ trước đến nay thông thường đi công tác bằng máy bay từ Singapore sang Kuala Lumpur.

Giá vé khứ hồi  là 300 SGD và mặc dù giờ bay chỉ có 45 phút nhưng tính ra thời gian chờ đợi để làm thủ tục và kiểm tra an ninh tại sân bay mất khá nhiều thời gian.

Trong khi đó, từ Singapore đi Kualar Lumpur bằng đường bộ hay xe buýt thì chỉ mất 4 tiếng và giá vé thông thường là 30SGD/lượt.

Do đó, các hãng xe buýt tại Singapore và Malaysia đã nảy ra ý tưởng cạnh tranh với hàng không với giá vẻ chỉ khoảng 80SGD cùng với chất lượng dịch vụ không thua kém hàng không.

Đây là những xe buýt hạng sang phù hợp với túi tiền của doanh nhân hay người có thu nhập cao và cung cấp những dịch vụ “trên mây” này.

Xe thường có hai tầng, tầng dưới là gian vệ sinh và có uống nước và hâm nóng đồ ăn, một số xe buýt còn có khu vực để hát karaoke.

Như ảnh đính kèm, ghế  của hành khách rộng và khách hàng có thể ngồi duỗi chân thoải mái không thua kém chỗ ngồi trên ghế hạng thương nhân trên máy bay.

Phần lớn các xe buýt có chỗ cắm điện cắm điện để sạc pin điện thoại di động hay laptop.

Trong cuộc hành trình dài 4 tiếng từ Singapore đi Kuala Lumpur hay ngược lại, hành khách sẽ được phục vụ ăn nhẹ và xem phim tự chọn theo danh mục.

 LÊ HỮU HUY

Viết tại Singapore, ngày 13 tháng 2 năm 2006

TẢN MẠN CHUYỆN XE BUÝT

Có thể độc giả không tin, nhưng cuộc hành trình bằng xe buýt công cộng loanh quanh Sài Gòn lại là một trong những giây phút thú vị nhất của tôi trong chuyến công tác kết hợp thăm gia đình vừa rồi.

Có lẽ Sài Gòn là thành phố có cước phí công cộng  rẻ nhất thế giới với giá vé xe buýt chỉ có tương đương 10 xu tiền Mỹ (2.000 đồng) không phân biệt khoảng cách đi xa hay gần.

Hầu hết xe buýt đều có máy lạnh, nhân viên phục vụ tuy không tươi cười niềm nở nhưng theo tôi thái độ phục vụ cũng chấp nhận được.

Ông Lee, du khách người Singapore đi theo tôi thì thắc mắc không hiểu làm cách nào cô nhân viên thu tiền có thể nhớ chính xác đến từng hành khách đã trả tiền vé hay chưa.

Không như ở Singaporehay nhiều quốc gia phát triển khác, xe buýt ở Việt Nam ta không có những quy định như hành khách phải lên cửa trước (entrance) và xuống cửa sau (exit); hành khách muốn ngừng thì cũng không cần bấm chuông mà phải nói lớn cho bác tài biết là nơi mình muốn xuống.

Lee nói vui rằng đi xe buýt ở Sài Gòn ồn ào và nhộn nhịp hơn vì Singapore chỉ có một tài xế kiêm cả việc theo dõi thu tiền bằng thẻ điện tử hay tiền xu.

Tuy nhiên, có lẽ du khách nước ngoài  nếu không biết tiếng Việt thì không ai dám bước lên xe buýt vì không có những hướng dẫn bằng tiếng Anh.

Hơn nữa, với mức giá bù lỗ như vậy thì nhà nước có thể duy trì dịch vụ này được bao lâu.

Theo Lee, muốn có hiệu quả, cần phải làm cho những dịch vụ như thế này mang ý nghĩa kinh doanh, tức là phải có lãi và phục vụ cho người dân những tiện ích tốt nhất.

Tại Singapore, dịch vụ xe buýt không được nhà nước bù lỗ mà còn mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Với chính sách hạn chế xe hơi, 90% người dân Singapore không còn cách nào khác là phải sử dụng phương tiện công cộng.

Hệ thống xe buýt ở Singapore mỗi ngày chuyên chở khoảng 3 triệu lượt hành khách còn hệ thống tàu điện ngầm (MRT) thì vào khoảng 900.000 lượt mỗi ngày.

Tuy nhiên, để được hưởng những tiện nghi tốt nhất ngày hôm nay, người dân Singapore cũng phải chấp nhận vất vả khi đi xe buýt trong thời gian đầu.

Trong đầu những năm 1960, tại Singapore có một công ty nhà nước (Singapore Traction Company) và 11 công ty tư nhân tham gia điều hành hệ thống xe buýt.

Lee cho tôi biết ông vẫn không quên hình ảnh những chiếc xe buýt bẩn thỉu và cũ kỹ trên đường phố Singapore vào thời kỳ đó.

Cũng có hiện tượng tranh giành khách giữa các công ty với nhau, tài xế tự tiện dừng bất cứ điểm nào rồi cả việc băng nhóm xã hội đen can thiệp vào các hoạt động kinh doanh xe buýt.

Dư luận xã hội đã buộc nhà nước Singapore vào cuộc:

Năm 1973, chính phủ ra lệnh sáp nhập tất cả các công ty tư nhân vào một cơ chế duy nhất là Công ty Dịch vụ Xe buýt Singapore(Singapore Bus Services – SBS).

Theo tài liệu lưu trữ của tờ Straits Times, nhà nước Singapore khi đó cử 40 cán bộ trong đó có cả công an để hỗ trợ cho SBS về mọi mặt kể cả việc tiểu trừ xã hội đen.

Vài năm sau đó, SBS thoát khỏi nguy cơ phá sản, hoạt động có lãi và trở thành một trong những công ty có uy tín.

Vốn đầu tư cho kinh doanh xe buýt cũng nhiều hơn trước.

Giờ đây, SBS là công ty cung cấp dịch vụ xe buýt chính của Singapore với gần 3.000 đầu xe lăn bánh trên gần 200 tuyến đường.

Ngoài SBS, còn có Trans-Island Bus Services (TIBS) với 520 đầu xe chạy trên 46 tuyến đường.

Và điều đáng quan tâm là các công ty xe buýt ở Singapore đều thuộc các tập đoàn kinh doanh đa dạng trong các lĩnh vực khách như taxi, cho thuê, bảo trì xe hơi.

SBS trước đây trực thuộc tập đoàn Delgro Corporation Limited nhưng sau đó lại tách riêng để tự niêm yết giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán Singapore.

Còn TIBS là công ty con 100 vốn của tập đoàn TIBS Holdings và giờ đây lại trở thành một công ty con của SMRT – công ty kinh doanh và điều hành hoạt động của tàu điện ngầm (MRT).

Chính sách ưu tiên phát triển giao thông công cộng, cùng với những mô hình và cơ chế tài chính thích đáng đã giúp cho Singapore có một hệ thống phương tiện giao thông công cộng hiện đại nhất (và cũng đắt nhất) Đông Nam Á.

Mô hình nào cho xe buýt Sài Gòn?

Thật tình mà nói, tôi không mơ đến ngày Sài Gòn sẽ có một hệ thống MRT hiện đại và tốn kém như Singapore.

Chính phủ của đảo quốc bé nhỏ 700 km2 này đã phải mất trên dưới 10 năm để tập trung bàn về việc thiết kế và xây dựng MRT.

Ngoài việc quy hoạch lại hệ thống đường xá, cầu cống với cơ sở hạ tầng theo cách quản  lý của người Anh, nhà nước còn phải tính toán hiệu quả tài chính, có lãi và thuyết phục các nhà đầu tư.

Việc thiết kế và xây dựng MRT ở Sài Gòn chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.

Hơn nữa, nhìn vào thực trạng giao thông và đường xá của ta hiện nay, một mô hình kinh doanh xe buýt thành công như SBS quả là một thách thức.

Thế nhưng, kinh nghiệm phát triển giao thông công công tại Singaporechắc hẳn đáng được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia quy hoạch của ta quan tâm.

Việc ưu tiên các tuyến đường lớn cho xe buýt, nếu phản đối của người đi xe gắn máy bắt buộc là điều phải làm.

Trước mắt, các tuyến xe buýt “mẫu” hiện nay nên tiếp tục làm tốt và phát huy hơn nữa những khả năng vốn có của mình và có những quy định theo thông lệ quốc tế và có hướng dẫn bằng tiếng Anh cho khách nước ngoài.

Các công ty xe buýt có thể thu tiền trước hàng tháng hay hàng năm kể cả việc bán cổ phần cho công chúng.

Ngoài tiền vé, các công ty xe buýt nên có thêm cả thu nhập bằng quảng cáo từ các nhà tài trợ thể thao đại chúng như bóng đá.

Việc quảng cáo trên xe buýt sẽ rất hiệu quả không những về phương diện kinh tế và cả xã hội.

Tôi không rõ tiền vé xe buýt tối thiểu phải là bao nhiêu để có thể giúp cho các công ty kinh doanh hoàn vốn và sau đó có lãi.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng tôi, ông Lee cũng như nhiều du khách nước ngoài khác không ngại ngần bỏ ra 1 USD (15.000 đồng) để được ngồi trên xe buýt đi một vòng tham quan ngắm thành phố.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam dĩ nhiên chấp nhận cái nắng nóng, bụi bặm và những sắc thái muôn màu của Sài Gòn.

Thích hay không là quyền của họ nhưng chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm mà họ nên trải qua.

Nếu tổ chức dịch vụ tốt và biết cách tiếp thị với lời mời gọi:

“Touring Saigon for Just 1 Dollar”

(Tham quan Sài Gòn chỉ với 1 USD)

để cho bất cứ du khách nào đến Sài Gòn cũng ngôi trên một chuyến tham quan như vậy thì có thể thấy ngay hiệu quả kinh doanh xe buýt như thế nào.

Các công ty xe buýt cũng có thể kết hợp với các hãng hàng không và lữ hành bán kèm vé xe buýt loại này vào vé máy bay hay chương trình du lịch.

Ngoài tiền vé, dĩ nhiên có cả quảng cáo trên vé cho doanh nghiệp Việt Nam nào muốn giới thiệu thương hiệu của mình cho nước ngoài.

Còn nữa, các công ty lữ hành còn có thể thiết kế cách chương trình tham quan bằng xe buýt có từng chủ đề riêng biệt.

Trong lúc chờ đợi các nhà đầu tư và kinh doanh thiết kế những ý tưởng cụ thể, mời độc giả xem website http://www.ducktours.com.sg/ giới thiệu về chương trình tham quan các điểm du lịch tại Singapore bằng xe lội nước (amphibious craft).

Điều đáng nói là chiếc xe hơi lội nước này, theo quảng cáo đơn vị tổ chức, được phục chế lại từ chiến tranh Việt Nam./.

LÊ HỮU HUY

Viết tại Singapore, ngày 25 tháng 4 năm 2005

KHỞI ĐẦU NAN – ĐỪNG VỘI NẢN

“Em vừa mới nghỉ việc ở công ty sau bốn tháng làm việc, bởi vì ở đây công việc và môi trường không được tốt đẹp cho lắm.

Mọi người phải đi làm mỗi sáng thứ bảy, công việc không phải giao dịch trực tiếp với khách hàng như bưu điện, ngân hàng mà là tiếp thị và hành chính.

Nên thông thường thứ bảy mọi người đều miễn cưỡng đến và chờ đến 12 giờ 30 trưa để được đi về, vì không có việc gì làm cả.

Tỷ lệ nghỉ việc ở công ty này rất cao, nên nhân lực thường hay thiếu hụt, nên có những lúc em phải ra siêu thị và chợ ướt đứng làm nhân viên tiếp thị (promoter), có lúc phải đi theo xe tải, đẩy trolley để đi giao hàng…

Theo hợp đồng lao động, bốn tuần trước Tết Âm lịch công ty  bắt buộc phải đi làm cả ngày chủ nhật nữa, nếu không sẽ không được tiền thưởng.

Phép năm chỉ có 7 ngày, nên khó lên kế hoạch đi nghỉ phép.

Ông chủ năm nay 67 tuổi, rất khó chịu và bảo thủ, mọi công sức nhân viên bỏ ra đều không được trân trọng.

Ông luôn luôn tìm cách bắt lỗi, sau đó phê bình trước mặt tất cả mọi người trong công ty, làm cho nhiều người cảm thấy rất mất mặt.

Hơn nữa, ông ấy thường hay gài người này theo dõi người kia, sau đó báo cáo lại, tạo nên không khí nghi hoặc và thù địch trong công ty.

Em cảm thấy công sức và tiền bạc bốn năm bỏ ra để học đại học, sau đó lại được công việc như thế này thì thật sự không thỏa đáng.

Và em cũng sẽ không học hỏi được gì nhiều từ công việc này, nên em quyết định đi tìm việc khác…”

Đó là chia sẻ của T., một nam sinh viên Việt Nam với người viết về kinh nghiệm mà em cho là “khủng khiếp” sau khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập có uy tín của Singapore.

Tôi không biết em đã tìm hiểu kỹ nhà tuyển dụng trước khi xin việc và đọc kỹ hợp đồng lao động trước khi ký không.

Nhưng với riêng bản thân tôi, những điều em chia sẻ cũng không khác những kinh nghiệm đau thương mà tôi đã từng trải qua sau khi lấy bằng thạc sĩ cách đây 9 năm.

Khi đó, mang tiếng là “Giám đốc Bán hàng” của một tập đoàn lớn nhưng tôi được “giao phó” đủ thứ công việc không nằm trong hợp đồng lao động.

Thời gian làm việc là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng không có hôm nào tôi có thể về trước 6 giờ. Còn chuyện ông chủ lớn tiếng, bơi móc nhân viên rồi họp hành đến tận khuya cũng là chuyện thường ngày ở huyện.

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có ít nhiều tự ái dân tộc, tôi đã nghỉ việc sau hơn một năm.

Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy hơi tiếc vì lẽ ra tôi nên chịu khổ nhục thêm một vài năm nữa để có thể học hỏi thêm những điều mà trong trường lớp chẳng ai dạy.

Có lẽ tuổi thơ vất vả và nhận thức về giá trị giúp tôi xem bản thân mình, một tân thạc sĩ NUS và cũng từng làm trưởng đại diện của một ngân hàng lớn coi chuyện đứng bán hàng trong siêu thị là kinh nghiệm quý báu vì đó là cơ hội tiếp cận khách hàng một cách sinh động và cụ thể nhất.

Bạn có thể cười và bảo:

Vậy anh học cử nhân hay thạc sĩ, thông thạo nhiều ngoại ngữ để làm gì?

Không lẽ phải ra bán hàng ngoài siêu thị và làm những công việc mà không phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

Tôi không rõ thái độ của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở trong và ngoài nước hiện nay như thế nào.

Với riêng tôi, vào thời điểm đó, có  việc làm, lương đủ nuôi sống bản thân và gia đình và tích lũy được đôi chút là điều diễm phúc.

Tôi tâm đắc với câu châm ngôn của đại văn hào Victor Hugo:

“Quand on n’a pas ce qu’on aime, on aime ce qu’on a”

(Khi không có cái mà ta thích, hãy thích cái mà ta có).

T. cho tôi biết, sau khi nghỉ việc, em đã nộp đơn cho khá nhiều vị trí ở các công ty khác trong đó có một vị trí mà em thích nhất vì  nó hợp với sở thích và kinh nghiệm của bản thân.

Nhưng thời gian không phải là người bạn tốt của em vào lúc này vì tình trạng cư trú của em ở Singapore sau khi tốt nghiệp chỉ là Giấy phép Làm việc (EP-Employment Pass) gắn với doanh nghiệp tuyển dụng.

Khi nghỉ việc, EP cũ của T. đương nhiên mất hiệu lực và quy định về di trú cho phép T. được ở lại Singapore thêm một tháng.

Nói một cách khác, nếu không tìm được việc làm mới một tháng sau “kinh nghiệm khủng khiếp” nói trên thì T. phải khăn gói về nước…

Trong lúc ngồi viết bài này gửi cho độc giả ở nhà thì tôi cũng vừa nhận được email của T. cho biết em đã đi phỏng vấn một nơi và đang chờ kết quả.

Theo cách nói của người ViệtNam, nếu có duyên thì T. sẽ tiếp tục có mặt ở Singapore để làm việc.

Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy không công bằng vì với mảnh bằng đại học uy tín trong tay sau bao nhiêu đèn sách mà giờ đây T. vất vả xin việc để có thể khẳng định mình nơi đất khách quê người.

Thật tình mà nói, đối với tôi chuyện T. có kiếm việc làm ở Singapore hay không cũng không phải là điều quan trọng lắm.

Bởi lẽ, nếu T. bị buộc phải về nước thì âu cũng là một điều hay vì cơ hội dành cho một cử nhân tốt nghiệp đại học nước ngoài biết tiếng Anh và tiếng Hoa sẽ nhiều hơn.

Có lẽ mức lương khởi điểm của em sẽ thấp hơn so với các nhà tuyển dụng tại Singapore nhưng chắc chắn về lâu về dài thu nhập và triển vọng thăng tiến nghề nghiệp của em tươi sáng hơn nhiều.

Tôi chỉ hơi tiếc là em bỏ việc sớm quá vì kinh nghiệm bốn tháng không cho phép em có một cái nhìn bao quát và khách quan về công việc đã làm.

Với góc độ của nhà tư vấn, đối với tôi,  kinh nghiệm làm việc “khủng khiếp” là “hàng hiệu”  cho một bản lý lịch đầy ấn tượng mà mà  ứng viên xin việc làm nên có.

Người Anh Mỹ gọi lễ tốt nghiệp đại học là Commencement, tức là một khởi đầu mới.

Anh bạn trẻ T. của tôi đã có một khởi đầu khá vất vả và nhiều đớn đau…

Nhưng em hãy xem đó là hành trang không thể thiếu trên con đường sự nghiệp cho dù phải về Việt Nam hay tiếp tục “chiến đấu” nơi đất khách quê người./.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn 10/11/2011

————————————————–

Khát vọng trên đất khách

Một buổi tối trung tuần tháng 8 tại hội trường East India của khách sạn Raffles Singapore, lễ khai trương kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng.

Chương trình văn nghệ có các vũ công Việt Nam sang.

Khách mời rất thích thú với tiếng đàn bầu điêu luyện của một nghệ sĩ đến từ quê nhà thể hiện bản sắc văn hóa và tâm hồn ViệtNam.

Tìm thị phần xứ người

Nghi thức cắt băng khánh thành được tiến hành có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu và Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình.

Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi trong buổi lễ này không phải là những hình ảnh hào nhoáng mà chính là người thanh niên tuổi trên dưới 30, vóc dáng nhỏ nhắn, tiếng Anh lưu loát, thái độ niềm nở với nụ cười luôn trên môi.

Anh tên là Trần Tuấn Phong, Giám đốc FPT-IS tại Singapore, doanh nghiệp mới ra đời thuộc sở hữu của Tập đoàn FPT hoạt động theo luật Singapore với số vốn ban đầu 500.000 USD.

Khi bắt tay chào hỏi, Phong cho tôi biết anh đã có mặt tại Singapore từ hơn 3 năm nay để thành lập văn phòng đại diện FPT-IS.

Được đào tạo bài bản sau 7 năm sinh sống và học tập tại Anh, ngay sau khi bước chân lên đảo Sư tử, Phong nhanh chóng tiếp cận và kết nối với nhiều khách hàng quan trọng như HP, Orange, Microsoft, TFS…

Anh cùng đồng nghiệp tiến hành  các dự án thuê ngoài công nghệ thông tin (IT Outsourcing) và cung cấp các kỹ sư có trình độ chuyên môn cao để triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc vận hành, quản trị các hệ thống từ xa cho khách hàng quốc tế.

Phong không muốn nói nhiều về mình mà chỉ say sưa nói về các dự án tiêu biểu chuyển đổi hệ thống phần mềm email từ Lotus Note sang Exchange hỗ trợ trên 900 người sử dụng của Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore.

Rồi các dự án về ERP (Enterprise Resources Planning – Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) như bảo trì ứng dụng SAP (AMS – Application Maintance Service) với các khách hàng lớn như Tyco Global, Brenntag, Hitachi Roll-out.

Theo đánh giá của Phong, Singapore là một trong những điểm kết nối thị trường quan trọng nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu hóa của tổng công ty.

Giờ đây, với  pháp nhân của một công ty có trụ sở kinh doanh tại Singapore, FPT-IS sẽ tiếp cận gần hơn với khách hàng bản địa, trong đó dịch vụ công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng 40% với tổng kim ngạch 2,7 tỷ USD vào năm 2014.

Phong tiết lộ FPT-IS Singapore sẽ trực tiếp tham gia đấu thầu và hướng đến tổng thầu các dự án tích hợp và ERP lớn trong khu vực, đặc biệt là ở những lĩnh vực thế mạnh truyền thống như ngân hàng, viễn thông, dầu khí, tài chính công.

Đây là quyết tâm của Tập đoàn FPT trong việc tạo nên một làn sóng xuất khẩu mới trong chiến lược toàn cầu hóa, xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt ở nước ngoài.

Cuộc gặp gỡ ấn tượng nói trên và những chia sẻ của Giám đốc FPT-IS Trần Tuấn Phong thật sự là niềm khích lệ và động viên tinh thần cho bản thân tôi, một doanh nhân người Việt đang phải cố gắng tồn tại và khẳng định mình nơi đất khách quê người.

Hình ảnh trẻ trung của Phong làm cho tôi hồi tưởng lại những ngày này cách đây đúng 14 năm.

Khi đó, tuổi chưa tròn 28, với hành lý nặng 60 ký, tôi bước lên chuyến bay VN741 của Hàng không Việt Nam để sang Singapore làm Trưởng đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại đối ngoại hàng đầu của ta lúc bấy giờ.

Trình độ tiếng Anh của tôi lúc đó có lẽ không bằng Phong hay các bạn trẻ được đào tạo bài bản như bây giờ mà chỉ đủ để giao tiếp và xử lý các công việc liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng.

Nhưng vũ khí giúp tôi “chiến đấu” vào thời điểm đó có lẽ là khát vọng cống hiến vì sự nghiệp của ngân hàng mà mình có niềm vinh dự và tự hào được phục vụ.

Tự thân lập nghiệp

Nhiệm vụ của tôi đến Singapore khi đó là tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với các định chế tài chính ngân hàng nước ngoài, giải quyết các vướng mắc về thanh toán và cung cấp thông tin cho khách hàng tại Singapore và các nước trong khu vực.

Vì một số lý do chủ quan và khách quan, tôi đành phải chia tay với Vietcombank để ở lại Singapore tiếp tục chương trình cao học về nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore mà trước đó tôi là sinh viên bán thời gian.

Vừa học vừa làm, tôi lăn lóc với đủ nghề, từ tiếp thị và bán sản phẩm Việt Nam như bánh kẹo, chả giò và cà phê đến tư vấn bảo hiểm, bất động sản, tư vấn du học hay dịch thuật…

Sau khi tốt nghiệp với bằng thạc sĩ, tôi làm việc cho nhiều tổ chức tài chính và công ty tại Singapore và cuối cùng mở một doanh nghiệp tư vấn nhỏ.

Có những đêm tôi trằn trọc và ngậm ngùi suy ngẫm về mục tiêu và sứ mệnh cao cả của mình đã đặt ra từ lúc chân ướt chân ráo có mặt trên hòn đảo Sư tử trong khi chuyện ưu tiên hàng đầu vẫn phải làm là đảm bảo kinh tế gia đình, ổn định nơi ăn chốn ở và chuyện học hành cho con cái.

Nhưng có lẽ khát vọng âm ỉ và cháy bỏng đó đã lại bùng lên khi những doanh nghiệp lớn bé mà tôi cùng thành lập với đối tác hay các dự án phục vụ khách hàng đều bắt đầu bằng chữ V và ít nhiều liên quan đến giáo dục hay quảng bá cho hình ảnh Việt Nam.

Gặp lại Phong lần thứ hai trong buổi chiêu đãi nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2-9 do Đại sứ quán nước ta tại Singapore tổ chức, tôi không ngần ngại chia sẻ những quan điểm về hình thức kinh doanh và cách tiếp cận khách hàng ở Singapore.

Giải đáp thắc mắc của tôi về những chữ viết tắt của tên doanh nghiệp, Phong giải thích rằng FPT trước đây là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực – thực phẩm với tên giao dịch tiếng Anh là Food Processing Technology (Công nghệ Chế biến thực phẩm).

Sau đó, công ty đổi tên thành Financing Promoting Technology (Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ).

Tôi nói vui với Phong rằng tôi nhìn FPT với một góc độ khác:

F là viết tắt của từ Faith trong tiếng Anh có nghĩa là sự trung thành, lòng chung thủy.

Cả Phong và tôi đều là người Việt nên đều có chung một điểm là khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước.

P là viết tắt của từ Professionalism tức là tính chuyên nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Nói cách khác, doanh nghiệp của Phong và tôi có lấy được hợp đồng từ khách hàng là do khẳng định được tài năng chuyên môn chứ không phải là quan hệ hay thân thế gì cả.

Và cuối cùng T là viết tắt của chữ Trust, tức là xây dựng được niềm tin của con người với con người, từ quan hệ đồng nghiệp trong công ty, giữa cấp trên và cấp dưới đến sự tin cậy của khách hàng.

Nếu kết hợp được ba yếu tố F-P-T nói trên, cho dù thực tế thử thách như thế nào, doanh nghiệp sẽ thành công, biến khát vọng của mình thành hiện thực.

Tác giả: Lê Hữu Huy

Nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20111013/Khat-vong-tren-dat-khach.aspx

Tổng thống Singapore có quyền gì?

Chiến thắng sít sao của cựu đảng viên Đảng Hành động Nhân dân (PAP), ông Tony Tan trong cuộc bầu cử tổng thống (Presidential Election – PE) diễn ra vào thứ bảy tuần rồi (27-8) với 35,2% số phiếu bầu, chỉ cao hơn 0,4% so với đối thủ của mình là ông Tan Cheng Bock được 34,8% là tin vui cho chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Vị tân tổng thống (TT) được bầu trực tiếp này từng là phó thủ tướng Singapore trong một thời gian dài và đã nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong bộ máy chính quyền và cả hoạt động doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Thế nhưng, trong một thể chế dân chủ đại nghị (parlimentary democracy) theo kiểu của người Anh với quyền hành pháp thuộc thủ tướng  thì ông Tony Tan sẽ đóng vai trò ảnh hưởng gì của một TT, mà theo quy định của Hiến pháp là không đảng phái và nắm quyền quản lý dự trữ quốc gia?

Thật ra, từ lúc trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965 cho đến năm 1991, TT Singapore hầu như không có quyền lực gì đáng kể mà chỉ giữ vai trò biểu tượng và nghi lễ.

Dưới thời thực dân Anh, người đứng đầu Singapore được gọi là Thống đốc (Governor – TĐ) được Nữ hoàng bổ nhiệm.

Năm 1959, khi Singapore giành được quyền tự chủ chính quyền, chức danh Thống đốc được chuyển thành “Yang di-Pertuan Negara” (trong tiếng Mã Lai có nghĩa là “Nguyên thủ Quốc gia”).

Tương tự Thống đốc, Yang di-Pertuan Negara cũng được Nữ hoàng bổ nhiệm, nhưng sau khi có sự tham vấn của chính phủ.

Trong thời gian chuyển giao thuộc địa cho chính quyền tự trị, TĐ Singapore, ông William Goode phải từ chức và giao quyền lại cho ông Yusof bin Ishak và đây là vịYang di-Pertuan Negara gốc Mã Lai đầu tiên và từ trước đến nay của Singapore.

Khi Singapore gia nhập Liên bang Malaysia vào năm 1963, Yang di-Pertuan Negaravẫn được duy trì và chỉ được thay thế bằng chức danh tiếng Anh là“President”(Tổng thống) sau ngày độc lập 9-8-1965.

Yusof bin Ishak, vị TT đầu tiên của quốc gia Singapore độc lập mất vào năm 1970 và người kế nhiệm ông là bác sĩ phụ khoa nổi tiếng Benjamin Henry Sheares và ông này cũng qua đời khi đương chức vào năm 1981.

Tổng thống thứ ba là thủ lĩnh nghiệp đoàn Devan Nair từ chức vào năm 1985 và được thay thế bởi nhà báo Wee Kim Wee từ năm 1986 đến 1993.

Ông Wee là tổng thống không có quyền hành (non-executive) cuối cùng và cũng là tổng thống đầu tiên “được bầu” (elected) với người kế nhiệm là ông Ong Teng Cheong.

Tổng thống Nathan “được bầu” lần đầu tiên vào năm 1993 và lần thứ hai vào năm 2005 mà không có đối thủ tranh cử (uncontested).

Năm 1984, Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu đã đưa ra ý tưởng bầu tổng thống nhưng phải đến năm 1988 thì mới có một Sách trắng (White Paper-  dưới đây xin được viết tắt là ST) về vấn đề này được đưa ra.

Tháng 8 năm 1990, một ST thứ hai với những đề nghị cụ thể đã được công bố cùng với Dự luật Điều chỉnh Hiến pháp (Constitution Amendment Bill) đưa ra bàn cãi sôi nổi trong quốc hội để đến tháng Giêng 1991, Hiến pháp Singapore mới được điều chỉnh cho phù hợp.

Một trong những lý lẽ mà ST thứ nhất đưa ra như sau:

a) Thực tiễn cho thấy đã có nhiều chính phủ vô trách nhiệm điều hành kém và phá hoại nền kinh tế bằng cách chi tiền hay trợ cấp để mua phiếu của dân;

b) Singapore may mắn có một chính phủ có trách nhiệm, nhưng với 30 tỷ đô-la dự trữ quốc gia, sự cám dỗ cho một chính phủ vô trách nhiệm trong tương lai là rất lớn và biết đâu chừng chính phủ này lại dùng tiền dự trữ vung tay quá trán hay mua phiếu của dân;

c) Ngành công vụ của  Singapore được xem là thành công với việc bổ nhiệm những người có đức và có tài nhưng bộ máy này có thể bị phá hủy do nguy cơ gia đình trị hay tham nhũng;

d) Trong Hiến pháp không có điều nào ngăn cản chính phủ chi tiêu hoang phí nguồn dự trữ quốc gia cũng như chưa có cơ chế ngăn chặn việc bổ nhiệm công chức cao chức và quyền của thủ tướng và nội các hầu như là vô hạn;

e) Do đó, trong Hiến pháp phải có điều luật bảo vệ nhằm đảm bảo tương lai của người dân Singapore và ngăn ngừa một chính phủ vô trách nhiệm phá hoại Singapore…

Đồng thời, ST này cũng đưa ra các cân nhắc mang tính sống còn như sau:

a) Vẫn phải duy trì hệ thống dân chủ đại nghị và thủ tướng cùng nội các phải giữ những sáng kiến riêng của mình;

b) Có cơ chế bảo vệ nhưng phải cho phép xử lý nhanh chóng và kiểm soát được tình trạng xấu nhất có thể xảy ra;

c) Tổng thống phải có quyền chính danh thông qua bầu cử;

d) Tổng thống được bầu phải có kinh nghiệm làm bộ trưởng, quản lý cao cấp  để “cân đối yêu cầu chính trị cấp thiết và quyền lợi của người dân;

d) Hiến pháp đòi hỏi ứng viên tổng thống phải có kinh nghiệm và phẩm chất như đã nêu.

Sau khi ST trắng đầu tiên được công bố, chính phủ Singapore đã xem xét một số lựa chọn như lập ra một cơ quan lập pháp (legislative body) cao hơn, trao quyền phủ quyết (veto power) cho Hội đồng TT phục vụ cho quyền lợi của sắc tộc thiểu số (Presidential Council for Minority Rights) hay một cơ quan tương tự như Ủy ban Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board) của Hoa Kỳ, hoặc yêu cầu những quyết định về tài chính liên quan đến dự trữ  quốc gia phải được sự đồng ý của cử tri thông qua trưng cầu dân ý (referendum)…

Tuy nhiên, những giải pháp này được xem là không phù hợp và sau đó chính phủ quyết định chức vụ TT phải được người dân bầu chọn và có quyền tay hòm “chìa khóa thứ hai” a (second key) đối với dự trữ tài chính quốc gia.

Quyền lực của vị này bị giới hạn trong hai lĩnh vực: chi tiêu của chính phủ và việc bổ nhiệm những vị trí chủ chốt trong guồng máy công vụ.

ST thứ hai năm 1991 đưa ra quyền kiểm soát của Tổng thống đối với nguy cơ phía hành pháp lạm dụng việc bắt giữ người không cần xét xử chiếu theo Đạo Luật An ninh Nội chính (Internal Security Act).

Ngoài ra, TT cũng có quyền đưa ra các lệnh cấm trong Luật Duy trì Hài hòa Sắc tộc (Maintenance of Religious Harmony Act) và nhất là để đảm bảo tính liêm khiết trong nội các, Cục trưởng Cục Điều tra Tham nhũng phải báo cáo trực tiếp cho TT.

Một thay đổi nữa liên quan đến ban tư vấn tổng thống với tên gọi mới là Hội đồng Cố vấn TT (Council of Presidential Advisors –CPA) gồm có 6 thành viên thay vì trước đây chỉ có 5.

TT, Chủ tịch Ủy ban Công vụ và Thủ tướng mỗi người có quyền đề cử 2.

Ngoài ra, vai trò của CPA được định nghĩa là  tư vấn cho TT tất cả mọi vấn đề có liên quan đến quyền lực hạn chế của mình, mặc dù về mặt luật pháp, TT chỉ bị bắt buộc phải hỏi ý kiến của CPA khi phát sinh các vấn đề liên quan đến ngân sách của chính phủ, của cục tác nghiệp (statutory board) thuộc quyền quản lý của các bộ hay các doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Cuối cùng, một điều khoản mới cho phép Quốc hội có thể biểu quyết gạt bỏ quyền phủ quyết của TT.

Chưa hết, còn có những điều khoản quy định rõ việc xác định phẩm chất của ứng viên tổng thống, nhiệm kỳ 6 năm, những cục tác nghiệp hay doanh nghiệp nhà nước nào chịu sự  giám sát của Tổng thống.

Sau một thời gian bàn cãi gay gắt, tháng Giêng 1991, Quốc hội Singapore đã thông qua các điều khoản trên trong Hiến pháp để quy định rõ quyền của TT như  đã trình bày ở trên.

Những thông tin trên đây có thể hơi dài dòng nhưng đáng được tham khảo để cho thấy một quốc gia bé nhỏ như  Singapore, mặc dù đã tận hưởng di sản hệ thống chính trị khá hoàn chỉnh của người Anh, phải cố gắng rất nhiều trong việc thay đổi  thể chế phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và phục vụ cho sự sống còn của quốc gia.

Thế nhưng, cũng như cơ thể của con người bất cứ cơ thể guồng máy nhà nước nào cũng có chỗ yếu và “gót chân Achilles” trong hệ thống chính trị có vẻ như toàn bích của Singapore chính là chức vụ Tổng thống.

Theo Hiến pháp Singapore,  để được tranh cử tổng thống, ứng viên phải hội đủ các tiêu chuẩn như sau:

a) Là công dân Singapore;

b) Tuổi từ 45 trở lên;

c) Không tham gia đảng phái chính trị nào vào ngày ứng danh (Nomination Day – ND);

d) Có tên trong danh sách cử tri;

e) Là cư dân thường trú tại Singapore vào ngày ND và cư trú trên lãnh thổ Singaopore trong thời gian tổng cộng không dưới 10 năm;

f) Nhân thân trong sạch không bị tiền án hay tì vết.

Ngoài ra, ứng viên tổng thống phải được đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban Bầu cử Tổng thống (Presidential Elections Committee – PEC)  rằng bản thân là “người có liêm khiết, có đức tính tốt và nổi tiếng” (person of integrity, good character and reputation).

Ứng viên tổng thống phải có kinh nghiệm ít nhất ba năm nắm giữ các cương vị như:

a) Bộ trưởng;

b) Chánh án tòa tối cao;

c) Chủ tịch quốc hội;

d) Tổng chưởng lý;

e) Chủ tịch ủy ban công vụ;

f) Tổng kiểm toán;

g) Tổng trưởng (Permanent Secretary);

h) Chủ tịch hay tổng giám đốc (TGĐ) một trong những cục tác nghiệp hàng đầu;

i) Chủ tịch hội đồng quản trị  hay tổng giám đốc của một trong những công ty theo luật doanh nghiệp Singapore có vốn góp không dưới 100 triệu đô-la Singapore (SGD) hay ngoại tệ có giá trị tương đương;

j) Bất cứ chức vụ nào trong bất cứ có thâm niên và trách nhiệm tương tự cho dù đó là cơ quan công quyền hay khu vực tư nhân.

Điều lý thú là nếu như phần lớn yêu cầu kinh nghiệm của ứng viên tổng thống là người ít nhiều dính líu đến guồng máy công quyền thì hai cái tiêu chí cuối cùng (i) và (j) lại là cánh cửa mở rộng cho ứng cử viên của khu vực tư nhân vì hiện Singapore có chừng 800 công ty có vốn góp trên 100 triệu SGD; mỗi công ty đều có chủ tịch HĐQT và TGĐ và sẽ có khả năng “đóng góp” 1.600 ứng viên.

Đáng lưu ý là trong PE vừa qua, trước ngày ND, trong lúc không ai nghi ngờ về phẩm chất và năng lực của ba ứng viên là:

– Cựu thủ tướng Singapore ông Tony Tan, 71 tuổi

– Cựu đảng viên PAP và đại biểu quốc hội ông Tan Cheng Bock, 71 tuổi,

– Cựu TGĐ tập  đoàn bảo hiểm NTUC ông Tan Kin Lian, 63 tuổi

thì có nhiều người đặt dấu hỏi về nhân thân của cựu thành viên Đảng Dân chủ Singapore là ông Tan Jee Say, 57 tuổi đã thất bại trong cuộc bầu cử  quốc hội tháng 5 vừa rồi.

Ứng viên tổng thống trẻ nhất này từng là thư ký riêng cho cựu thủ tướng Goh Chok Tong và sau đó làm việc cho nhiều tập đoàn tài chính khác nhau.

Ông này khai trước PEC là bản thân mình đã từng quản lý vốn liếng không dưới 100 triệu SGD, tức là nằm trong con số lý thuyết 1.600 ứng viên như đã trình bày ở trên.

Lập trường tranh cử của ứng viên Tan Jee Say làm cho người ta hình dung ra một tổng thống mang tính đối trọng với chính phủ cùng với thông điệp “kiểm tra và cân đối” dự  trữ  quốc gia.

Phải chăng chính sự có mặt của ứng cử viên Tan Jee Say đã khiến cho cựu thủ tướng Tony Tan phải ra khỏi PAP vào tháng 6 và vào cuộc chơi tranh cử tổng thống?

May mắn cho PAP là ông Tony Tan đã chiến thắng trong ván bài cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của mình với sự thật phũ phàng của một tổng thống thuộc phe thiểu số (minority president) vì ông chỉ lấy được 35,2% số phiếu của người dân.

Không tính số phiếu bầu không hợp lệ (1,8%), đại đa số người dân Singapore  (63%) không tín nhiệm cựu đảng viên PAP Tony Tan.

Một thông tin đáng lo khác là ứng viên Tan Jee Say  bị không ít người Singapore đánh giá là “phần tử cơ hội” (opportunist) và có lúc phát biểu trước công chúng không khác gì găng-xtơ lại lấy được 25% phiếu bầu.

Có thể có nhiều phân tích khác nhau về sự tín nhiệm của một phần tư dân chúng Singapore đối với ứng viên Tan Jee Say, nhưng rõ ràng là thông điệp tranh cử của ông này đã đánh đúng chỗ ngứa của một bộ phận không nhỏ của người dân Singapore là muốn có một nhà nước được giám sát nhiều hơn nữa và lắng nghe nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.

Nếu đứng trên quan điểm của PAP thì con số phiếu bầu cho cựu đảng viên Tony Tan là một sự thất vọng vì nó cho thấy lòng tin của người dân đối với chính đảng cầm quyền đã luôn theo xu hướng giảm sau các cuộc bầu cử quốc hội hay tổng thống trong thập niên qua.

Thế nhưng, nếu nói theo tuyên bố của tân tổng thống Tony Tan trong cuộc họp báo diễn ra chỉ trong 10 tiếng sau khi có kết quả bầu cử chính thức, người thắng cuộc trong PE lần này là cả đất nước Singapore.

Thật vậy, PE vào ngày thứ bảy vừa qua đã diễn ra một cách lặng lẽ nhưng nghiêm túc và tôn trọng các luật chơi, dù rằng còn khiếm khuyết, về thể chế và dân chủ.

Nhờ số lượng ứng viên tranh cử mang tính kỷ lục từ trước đến nay và sự tham gia tranh luận sôi nổi của mọi tầng lớp xã hội, giờ đây người dân Singapore đã hiểu rõ hơn vai trò và quyền lực của tổng thống và sử dụng lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm vì nó gắn bó với quyền lợi của bản thân mình.

Thách thức của tân TT Tony Tan, với bề dày kinh nghiệm của mình và mối quan hệ khăng khít với PAP là ông phải trở thành tâm điểm đoàn kết mọi người dân Singapore, tạo sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, là biểu tượng xứng đáng cho một đất nước Singapore phát triển thịnh vượng nhưng đầy nhân bản./.

LÊ HỮU HUY

Viết tại Singapore, ngày 29 tháng 8 năm 2011

————————————————————————

VIỆC LÀM: CHỌN LỰA VÀ SO SÁNH

Tốt nghiệp đại học ngân hàng tại Việt Nam và với kinh nghiệm làm việc không đầy hai năm trong một ngân hàng thương mại Việt Nam, B. tìm được việc làm ngay sau khi học xong chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của một trường đại học nước ngoài có cơ sở liên kết đào tạo tại Singapore.

Lương tháng của B. là 2.500 đô la Singapore (SGD) – có vẻ không hấp dẫn nếu so với những chuyên gia tài chính hay ngân hàng nhiều kinh nghiệm và có bằng thạc sĩ tại Singapore.

Nhưng thật ra cũng không tệ lắm vì lương khởi điểm của một sinh viên tốt nghiệp những trường đại học nổi tiếng tại Singapore như  NUS hay NTU cũng chỉ từ 1.800-2.200 SGD.

Xét đến nhiều yếu tố so sánh tương quan, mức lương mà B. nhận được là thỏa đáng.

Thế nhưng không đầy hai tháng sau khi nhận việc, B. than thở với tôi và thú thật rằng vì áp lực tìm việc làm ngay sau khi lấy bằng MBA, cô đã chấp nhận một công việc không phù hợp.

Theo B., cô phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, phải học về kỹ thuật dệt hay vải sợi và điều này chẳng dính dáng gì đến kinh nghiệm và chuyên môn mà cô đã học là tài chính và ngân hàng.

Công việc của B. chỉ là xử lý chứng từ xuất nhập khẩu và theo dõi việc mua bán nguyên liệu dệt với thị trường Việt Nam.

B. cho biết cô đã hứng chịu một cú sốc quá lớn trong môi trường làm việc ở Singapore.

Hơn nữa, B. có cảm tưởng là cô không được các sếp cũng như các bạn bè đồng nghiệp của mình tôn trọng.

Tuy không nói thẳng nhưng dường như ý B. muốn nhấn mạnh rằng người có bằng MBA và kinh nghiệm làm việc về ngân hàng thì phải được tôn trọng so với những người khác trong môi trường làm việc công ty?

B. cứ một mực nhờ tôi tư vấn để tìm việc trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Tôi không có cái may mắn như B. là tốt nghiệp đại học ngân hàng, làm việc theo đúng ngành nghề mà mình đã học rồi nhanh chóng lấy được bằng thạc sĩ ở nước ngoài.

Cách đây 16 năm, với bằng cử nhân ngoại ngữ tiếng Pháp trong tay, xin được việc làm trong một ngân hàng thương mại, tôi phải bắt đầu mọi thứ từ đầu.

Học thêm nghiệp vụ ngân hàng, nắm bắt thuật ngữ kinh tế đối ngoại bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và không từ chối làm bất cứ việc gì được cơ quan giao.

Như thế có được gọi là làm việc đúng ngành nghề được đào tạo hay không?

Nhưng khi đó, đối với tôi có được việc làm, có điều kiện học hỏi trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là điều may mắn.

Tôi còn vất vả hơn B. sau khi lấy bằng thạc sĩ tại một trường đại học lớn của Singapore cách đây bốn năm mặc dù đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành ngân hàng.

Ở một đảo quốc không có tài nguyên thiên nhiên và quy tụ nhân tài từ khắp năm châu bốn biển thì bằng cấp, kinh nghiệm làm việc cũng chỉ là những thông tin tham khảo.

Nhà tuyển dụng tại Singapore rất thực tế:

Họ cần người có khả năng làm được việc và tạo giá trị mới chứ không phải cần bằng cấp để “đánh bóng” cho doanh nghiệp.

Một nhà quản trị ở Singapore đòi hỏi phải thông thạo tiếng Anh, giao tiếp được bằng tiếng Hoa cũng như một vài ngôn ngữ Đông Nam Á khác.

Ở nhiều công ty không có chuyện trả lương làm thêm giờ và yêu cầu nhân viên phải mở điện thoại di động liên tục kể cả ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ.

Nếu như ở Việt Nam ta, bằng thạc sĩ hay MBA có thể được xem là “hàng hiệu” thì trên đảo quốc Sư Tử, trong bối cảnh các trung tâm đào tạo MBA mở như nấm, một trong những câu hỏi mà nhà tuyển dụng hay dành cho ứng viên là:

“Anh/chị có thể đóng góp gì được cho doanh nghiệp chúng tôi?”.

Mới đây, Tay, một khách hàng của tôi, cho biết đã mất hơn bốn tháng mới tìm được ứng viên phù hợp biết nói tiếng Việt cho một vị trí làm việc ở Việt Nam.

Điều thú vị là ứng viên cuối cùng lại có bằng cấp và kinh nghiệm không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà công ty của ông đang kinh doanh.

Một trong những lý do mà ứng viên này được chọn là vì anh này là người Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là ý chí học hỏi và động lực của ứng viên này muốn chấp nhận thử thách công việc và tạo dựng tương lai cho gia đình con cái tại Singapore.

Trường hợp này có lẽ đúng với B. vì mặc dù cô có bằng cử nhân ngân hàng và MBA tài chính nhưng vẫn được tuyển vào một công ty hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu dệt.

Phải chăng nhà tuyển dụng đã nhìn xa hơn khi nhắm đến việc mở một văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam trong tương lai.

Khi đó, kiến thức và kinh nghiệm về ngân hàng và tài chính của B. sẽ được phát huy và nhờ lợi thế ngôn ngữ và văn hóa, B. sẽ được công ty giao cho nắm giữ những trọng trách cao hơn.

Nhưng ý kiến và suy nghĩ trên đây của tôi có lẽ cũng không còn cần thiết nữa vì cuối cùng B. đã quyết định về Việt Nam không đầy hai tuần sau khi trao đổi với tôi.

Gọi điện thoại chia tay với tôi từ sân bay Changi, B. cho biết sẽ về Việt Nam làm ăn hay mở doanh nghiệp chứ không trở về làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng.

Thành thật mà nói, tôi thật sự tiếc rẻ cho quyết định quá vội vàng vì cho dù như thế nào đi chăng nữa B. nên dành thêm thời gian để cọ xát và học hỏi những kinh nghiệm quý báu tại đảo quốc Sư Tử.

Nhưng biết đâu đây là một lựa chọn đúng đắn vì chỉ có làm việc cho mình thì B. mới phát huy và tận dụng hết năng lực.

Là một doanh nhân, B. sẽ có quyền chọn lựa lĩnh vực nào phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình.

B. sẽ có nhiều lợi thế khi bắt đầu khởi nghiệp ở quê nhà với tấm bằng MBA trong tay, khả năng Anh ngữ và đã ít nhiều hiểu biết về thế giới bên ngoài.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nếu có dịp gặp lại B. ở Singapore hay Việt Nam, tôi sẽ cho B. biết rằng cô đã rất may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam, kể cả những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hay nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng người Singapore bị sa thải mà tôi biết hay có dịp tiếp xúc.

Ở Singapore thì ngoại trừ một số ngành nghề quá chuyên môn như bác sĩ hay kỹ sư, không ai dám nói là mình làm đúng chuyên môn được đào tạo.

Nhưng trong bối cảnh Chính phủ Singapore khuyến khích nhân tài nước ngoài và áp lực điều chỉnh cơ cấu trong một nền kinh tế có thị trường nội địa bé nhỏ, ai dám nói bác sĩ, kỹ sư là nghề nghiệp an toàn?

Tờ Straits Times số ra gần đây cho biết một số bác sĩ người Singapore mở phòng mạch tư cũng vất vả để tồn tại vì chi phí thuê mướn trụ sở hay số lượng khách hàng có hạn.

Ngành sản xuất phần cứng máy vi tính (hardware) có nhiều thay đổi cũng làm cho nhiều kỹ sư Singapore phải chuyển ngành.

Người thì đi dạy học, bán bảo hiểm, môi giới chứng khoán, bất động sản và kể cả kinh doanh hàng đa cấp.

LÊ HỮU HUY

(Bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 21/8/2006)

——————————-

THỜI GIỜ LÀ TIỀN BẠC

Mới sang Singapore làm việc được gần 5 năm nay với mức lương tháng không dưới 2.000 Đô-la Singapore (S$), cô bạn Qu. của tôi hy vọng sẽ có ngày trúng số để trở thành triệu phú.

Để thực hiện mong ước đó, Qu. quyết định mỗi tuần dành riêng 50 S$ mua vé số hay tham gia các cuộc chơi có tính may rủi.

Theo suy nghĩ của Qu., nếu mua vé số thì mới có cơ hội trúng thưởng; còn không mua thì chẳng bao giờ thành triệu phú cả.

Và trong lúc chờ đợi ông thần may mắn nở nụ cười đợi, Qu. định kỳ đóng góp tiền cho  công ty xổ số Singapore Pools tiếp tục phát triển.

Dưới con mắt của nhà tư vấn, với thu nhập hiện nay ít nhất 2.000 S$ mỗi tháng, ước mơ trở thành triệu phú của Qu. hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bảng dưới đây cho thấy số tiền tích lũy ứng với từng mức lãi suất nếu Qu. để dành mỗi tuần 50 S$.

Như vậy, với mức lãi suất 10%/năm thì Qu. cần 40 năm nữa để trở thành triệu phú mà chỉ cần trích không quá 10% thu nhập của mình.

Lãi suất/năm

10 năm

25 năm

30 năm

40 năm

5%

33.700 S$

129.230 S$

180.610 S$

331.170 S$

7%

37.550 S$

175.450 S$

264.060 S$

567.360 S$

10%

44.570 S$

289.190 S$

493.020 S$

1.381.315 S$

40 năm có thể hơi lâu nhưng và có lẽ nếu để dành mỗi tuần 100 SGD thì 30 năm nữa, khi chuẩn bị về hưu vào năm 60 tuổi, giấc mộng triệu phú Đô-la của Qu. sẽ trở thành sự thật:

Lãi suất/năm

10 năm

25 năm

30 năm

40 năm

5%

67.400 S$

258.470 S$

361.200 S$

662.300 S$

7%

75.100 S$

350.900 S$

528.120 S$

1.134.720 S$

10%

89.130 S$

578.380 S$

986.040 S$

2.762.630 S$

Để giúp Qu. không trở tnành kẻ nô lệ của ông thần may rủi, nhà tư vấn có thể giải thích thêm cho Qu. hiểu về điều kỳ diệu và sức mạnh giá trị thời gian của đồng tiền, ứng dụng khái niệm đó trong việc mua bán, thuê mướn hay phân tích những lựa chọn đầu tư cho bản thân mình.

Ví dụ như bây giờ vì lý do nào đó Qu. phải về lại Việt Nam và muốn bán chiếc xe hơi  Toyota hiện nay của mình với giá 70.000 S$. Có một người sẵn sàng mua nhưng chỉ trả tiền mặt 50 ngàn và một năm sau mới trả tiếp cho sẽ trả cho Qu. 25 ngàn.

Liệu đây có phải là một lời đề nghị hấp dẫn?

Nếu lấy toàn bộ bằng tiền mặt 70 ngàn và tính theo lãi suất 5%/năm thì sang năm sau Qu. sẽ có trong tay 73.500 S$.

Ngược lại, nếu chấp nhận lời đề nghị trả làm hai lần thì Qu. sẽ có trong tay 77.500 S$ – giá trị tương lai của 50 ngàn cộng với 25 ngàn trong vòng 1 năm nữa.

Đây quả là thương vụ hấp dẫn với điều kiện người mua thực hiện lời hứa thanh toán cho Qu. số tiền 25 ngàn còn lại trong năm sau.

Khái niệm về giá trị thời gian của đồng tiền không chỉ giúp cho nhà đầu tư biết được mình sẽ lãi bao nhiêu mà còn hiểu được những thiệt hại phát sinh, nhất là do lạm phát.

Có bao giờ bạn để ý đến mức lương của mình mỗi năm tăng được bao nhiêu phần trăm chưa?

Nếu lạm phát là 5% / năm và lương/thu nhập của bạn tăng hơn 5% thì liệu bạn có thể an tâm về giá trị đồng tiền của mình.

Bạn có thể không lo lắm nếu cách đây 5 năm mình có thể uống ly cà phê 5 ngàn đồng và một tô phở đặc biệt chỉ có 10 ngàn đồng và giờ đây thì phải chi gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền đó.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bạn sẽ không thể “vô tư” khi học phí của con cái ngày càng cao, chi phí sinh hoạt gia đình liên tục “tăng trưởng” trong khi thu nhập của mình còn dẫm chân tại chỗ.

Không cần phải nói nhiều, đến đây thì ai cũng hãy luôn nhớ đến chuyện làm cho đồng tiền của mình tiếp tục tăng trưởng và không để lạm phát bào mòn.

Trong đầu tư cá nhân có một quy tắc rất thú vị liên quan đến khả năng tăng trưởng của đồng tiền mà trong tiếng Anh người ta chỉ gọi đơn giản là Rule of 72 (Quy tắc 72), tức là thời gian để một khoản đầu tư tăng giá trị gấp đôi theo những mức lãi suất hàng năm khác nhau.

Để xác định thời gian cho trị giá khoản đầu tư tăng gấp đôi, người ta lấy 72 chia cho lãi suất như bảng tính dưới đây:

Lãi suất hàng năm (%)

Số năm để làm khoản đầu tư tăng gấp đôi

3

24

4

18

5

14,4

6

12

8

9

10

7,2

12

6

14

5,1

16

4,5

18

4

20

3,6

Mới đây, anh bạn người Singapore của tôi Kevin Teo năm nay 48 tuổi cho biết anh muốn về hưu trong vòng 10 năm nữa và sắp sửa dành một ngân khoản chừng 100.000 S$ để đầu tư vào Việt Nam.

Nếu đổi số tiền này ra tiền đồng Việt Nam và gửi vào một ngân hàng ở Việt Nam với lãi suất không dưới 7,2% một năm và chờ đến 10 năm nữa, thì giá trị đầu tư của Kevin tại Việt Nam ít nhất sẽ tăng gấp đôi.

Còn nếu TTCK Việt Nam tăng trưởng lành mạnh với mức tăng trưởng 15-20% hàng năm như nhận định của một số chuyên gia, thì Kevin không cần đợi đến một thập kỷ mới có thể về hưu mà anh chỉ cần 4 đến 5 năm là có thể biến mục tiêu tài chính của mình thành hiện thực.

Tuy nhiên, nếu đến Việt Nam làm việc thì Kevin thuê nhà ở và trả tiền thuê, ví dụ khoảng 1.000 USD tháng.

Nếu lạm phát hàng năm tại ViệtNamlà 6%, áp dụng quy tắc 72, chúng ta có thể biết được chi phí nhà ở của Kevin tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng 12 năm nữa.

 LÊ HỮU HUY(*)

 (*) Viết tại Singapore tháng 10 năm 2007 

Nguồn: TBKTSG

——————————————–

SINGAPORE: CƠ HỘI RỘNG MỞ

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1990 với bằng Cử nhân Ngoại ngữ ngành tiếng Pháp, ước mơ du học nước ngoài của tôi vẫn là đến Kinh thành ánh sáng Paris để đào sâu nghiên cứu về ngôn ngữ và văn minh Pháp.

Bao nhiêu cơ hội lấy học bổng đi Pháp đều bỏ lỡ, và để bù lại nỗi buồn đó tôi chỉ còn biết cách tự trau dồi tiếng Anh để đáp ứng đòi hỏi công việc tại Phòng đối ngoại của một ngân hàng.

Số phận đã đưa tôi đến Singapore, một hòn đảo chỉ bé bằng đảo Phú Quốc của ta, vừa đi làm vừa đi học, chấp nhận gian nan thử thách để trưởng thành trong cuộc sống nghề nghiệp và tích lũy thêm vốn sống.

Kinh nghiệm của tôi tại Singapore có lẽ cũng không khác gì nhiều du học sinh khác.

Chỉ có điều tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa và Singapore cũng không xa lắm, chỉ cách Sài Gòn không quá hai giờ bay.

Thời tiết nóng quanh năm, dân số chủ yếu gốc Hoa và văn hóa mang nhiều sắc thái Á Đông tuy ngôn ngữ  giao tiếp chủ yếu là tiếng Anh.

Giờ đây, Singapore không chỉ là trung tâm tài chính ngân hàng của khu vực Đông Nam Á và trên thế giới mà còn mở rộng cửa đón học sinh sinh viên nước ngoài đến học tập.

Không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có con người là vốn quý nhất, từ  lâu Singapore đã xem giáo dục là quốc sách với những mục tiêu rõ ràng để gầy dựng một quốc gia non trẻ, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo.

Vài nét về hệ thống giáo dục Singapore

Thật ra, không cần phải đọc bài viết này, độc giả chỉ cần nhấp chuộc vào địa chỉ của Bộ Giáo dục Singapore www.moe.edu.sg là đã có thể hiểu một cách khá rõ nét về hệ thống giáo dục Singapore (kể cả việc xin học bổng của chính phủ Singapore trực tiếp trên mạng).

Mặc dù có những nhận định khác nhau, hệ thống giáo dục Singapore chủ yếu tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao.

Ngoài ra,  Singapore cũng muốn thấm nhuần những giá trị văn hóa truyền thống của các sắc tộc chính trên đảo quốc 4 triệu dân.

Singapore là một trong số ít các quốc gia trên thế giới mà học sinh phải bắt đầu học ngoại ngữ ngay từ nhỏ với tiếng Anh vẫn được xem là trọng tâm.

Giai đoạn tiểu học kéo dài trong sáu năm với các môn cơ sở là Anh ngữ, tiếng mẹ đẻ và toán cùng với các môn khác như âm nhạc, thủ công, công dân giáo dục, văn thể mỹ, vv.

Chương trình tiểu học tại Singapore có lẽ cũng không khác gì các nước khác trong khu vực nhưng điều lưu ý là cái gọi là tiếng mẹ đẻ (Mother Tongue) thật ra chỉ có ý nghĩa tương đối vì đối với nhiều học sinh Singapore gốc Phúc Kiến thì tiếng Hoa phổ thông (tiếng Quan Thoại) cũng không thể được xem là tiếng mẹ đẻ.

Ngoài ra, chính sách giáo dục đa ngôn ngữ tại Singapore cũng kéo theo nhiều hệ lụy mà cụ thể là “Singlish”, các sử dụng tiếng Anh theo phong cách của người Singapore mà người nước ngoài kế cả người Anh Mỹ cũng không hiểu.

Chính vì vậy hàng năm Singapore đều phải tổ chức các chiến dịch nói tiếng Anh hay tiếng Quan Thoại chuẩn để giúp người dân ăn nói cho đúng ngữ pháp hơn.

Điều thú vị là sau bậc tiểu học, học sinh Singapore đã sớm làm quen với những khái niệm căn bản về quản trị hay kinh doanh qua các môn học như  Elements of Office Administration hay Home Economics.

Ở những năm cuối cấp trung học, học sinh còn được tiếp cận thêm những kiến thức về kinh doanh hay kinh tế học.

Với một quốc gia sống chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ như  Singapore thì việc sớm đưa các môn học về quản trị kinh doanh hay kinh tế thị trường cũng là điều tất yếu.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục cơ sở Singapore cũng đang là đề tài gây tranh cãi vì học sinh phải học rất nhiều môn và phải vượt qua các kỳ thi sát hạch đầy căng thẳng.

Không rõ ở Việt Nam ta thì sao chứ học sinh Singapore phải dành gần chín tiếng đồng hồ mỗi ngày ở trường và cuối tuần thứ bảy cũng khoảng năm tiếng.

Hiện nay chính phủ  Singapore đang xem xét khả năng cải cách giáo dục để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, nhưng với một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên thì có lẽ thanh thiếu niên Singapore chỉ có một lựa chọn duy nhất là HỌC, HỌC, và HỌC.

Nếu bạn có nguồn tài chính dồi dào và muốn cho con em sang Singapore học ngay từ bậc tiểu học hay trung học thì tôi xin chúc may mắn vì thật ra cánh cửa vào đại học tại  Singapore đối với chính học sinh Singapore rất khó khăn.

Chính vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ tại Singapore đã phải gửi con đi du học ở nước ngoài để lấy bằng đại học.

Điều may mắn là với chính sách biến Singapore trở thành trung tâm giáo dục của toàn khu vực Đông Nam Á, chính phủ Singapore đã quyết định “nâng cấp” Đại học Công nghệ Nangyang (NTU) thành một trường đại học dạy tất cả các chuyên ngành tương tự như Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Ngoài ra, kể từ tháng 8-2000, Singapore còn mở thêm Đại học Quản lý Singapore (SMU) với chương trình học tương tự như của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.

Singapore hiện có năm trường cao đẳng là Ngee Ann Polytechnic, Singapore Polytechnic, Nangyang Polytechnic, Temasek Polytechnic và Republic Polytechnic.

Tại Singapore, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng dễ kiếm việc làm vì các trường này chủ yếu dạy về kỹ năng phục vụ cho các ngành kỹ nghệ ứng dụng.

Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam có lẽ sẽ không quan tâm đến các trường này vì nếu lấy bằng cao đẳng, cũng không dễ kiếm việc làm tại Singapore sau khi tốt nghiệp vì mình là người nước ngoài.

Ngược lại, nếu về Việt Namthì không được xem là tốt nghiệp và cũng sẽ bị thiệt thòi vì ở ta cơ quan tuyển dụng nào cũng đòi hỏi bằng đại học.

Đại học và Cao đẳng: cánh cửa mở rộng cho sinh viên Việt Nam

Với một bằng tốt nghiệp trung học và khả năng Anh ngữ ở mức chấp nhận được bạn sẽ sẽ có cơ hội trở thành sinh viên tại trường đại học cao đẳng nói trên tại Singapore.

Bạn cũng có thể đăng ký học tại các trường đại học nước ngoài có cơ sở tại Singapore với chi phí cao hơn mặc dù không “oai” lắm so với sinh viên các trường như NUS hay NTU.

Nhưng điều này có lẽ sẽ không còn quan trọng trong tương lai vì tấm bằng đại học hay cao đẳng suy cho cùng cũng chỉ là tờ thông hành cho bạn bước vào đời.

Còn bạn có đi đến đích trên hành trình của mình trong cuộc đời hay không thì lại là chuyện khác.

Điều đáng nói là rất ít sinh viên Việt Nam hiểu được rằng mình đã có một lợi thế tương đối khi đã vào học tại một trường đại học ở  Singapore vì những gì bạn đã học được từ Việt Nam sẽ có một giá trị công thêm (added value) tại Singapore.

Tiếng Anh của bạn có lẽ không lưu loát bằng sinh viên Singapore hay các nước khác nhưng dĩ nhiên là không ai có thể nói tiếng Việt giỏi bằng bạn.

Ngoài ra, định hướng nghề nghiệp của sinh viên Việt Namcó lẽ cũng là đề tài đáng quan tâm vì tư tưởng làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp vẫn còn đè nặng.

Thật ra, nhiều sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên quốc tịch Malaysia gốc Hoa có suy nghĩ hoàn toàn khác.

Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì sau khi ra trường miễn sao được trả công xứng đáng và có cơ hội học hỏi thêm.

Trong khi đó, một số sinh viên Việt Namvẫn thường nghĩ rằng có một bằng đại học trong tay sẽ là đảm bảo chắc chắn cho tương lai nghề nghiệp.

Sau hơn năm năm vừa học vừa làm tại Singapore, tôi chợt nghiệm ra một điều rằng trường học cũng chỉ là nơi cung cấp những kiến thức nền tảng còn việc áp dụng trong thực tiễn cuộc sống lại là chuyện khác.

Nhất là trong thời buổi nền Kinh tế Mới, mọi người đều phải luôn học hỏi nâng cao trình độ thì mới có thể tồn tại trong cuộc sống nghề nghiệp

Những công việc như bán hàng, đi dạy thêm, tham gia các hoạt động cộng đồng … đã giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này.

Đại học dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong khuôn viên campus, giảng đường hay thư viện, nếu có một đầu óc cởi mở, suy nghĩ tích cực và động cơ đúng đắn, chắc chắn bạn sẽ làm cho mảnh bằng đại học của mình tại Singapore trở nên sống động và nhiều ý nghĩa hơn.

Học ăn, học nói…

Nói về sinh hoạt tại Singapore, về chuyện ẩm thực, các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc con em của mình du học tại Singapore sẽ sinh sống ra sao, nhất là ăn uống có phù hợp hay không.

Cách đây không lâu, tôi gặp một chị bạn có con gái đang học ở NUS.

Chị đề nghị là nên có một dịch vụ nấu cơm Việt Nam cho sinh viên  của mình.

Cũng may là lời đề nghị đó không khả thi chứ nếu không thì sinh viên Việt Nam sau vài năm trở về nước cũng chỉ biết có cơm Việt Nam mà thôi.

Tôi hoàn toàn không có ý định phản đối việc lập một ký túc xá cho sinh viên Việt Nam theo đó các em có thể thưởng thức những món ăn của quê nhà và có đầy đủ sức khỏe và thoải máivề tinh thần để học tập tốt.

Tuy nhiên, có cơ hội sinh hoạt trong một môi trường đa văn hóa, sinh viên Việt Nam cũng nên tranh thủ tìm hiểu những món ăn của xứ người và chính điều này sẽ giúp các bạn trong việc tiếp cận thị trường sau này nếu tìm được việc làm trong lĩnh vực kinh doanh.

Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên đến Singapore, lạ nước lạ cái, tiếng Anh còn lõm bõm, vào các cửa hàng ăn uống, không biết gọi món gì.

Thế là tôi quyết định mỗi ngày chọn một món ăn bằng cách chỉ hình chụp quảng cáo trước cửa quán.

Và cũng nhờ vậy mà tôi hiểu thêm đôi chút về văn hóa ẩm thực của người Phúc Kiến, Triều Châu, Mã Lai hay Ấn Độ.

Kế đến là chuyện nói, nếu tiếng Anh của bạn có bị ảnh hưởng bởi “Singlish” thì cũng không sao.

Nhưng tôi nghĩ là cho dù bận đến mấy, bạn cũng sẽ dành thời gian học thêm tiếng Hoa hay tiếng Mã Lai để có thể hội nhập vào môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc tại Singapore.

Nếu nắm vững tiếng Anh và biết thêm tiếng Hoa thì khả năng kiếm việc làm dĩ nhiên cao hơn.

Và nếu bạn có máu kinh doanh thì lại càng thuận lợi vì ở đâu cũng có doanh nhân gốc Hoa.

Nhưng để được như vậy thì có lẽ sinh viên Việt Nam nên chịu khó sống “chung đụng” với du học sinh các nứơc khác.

Tôi đã từng biết một số sinh viên Việt Nam sau nhiều năm học tập ở nước ngoài chỉ ăn món ăn Việt Nam, chỉ có bạn là người  Việt Nam và thậm chí đọc báo tiếng Việt và đọc tiểu thuyết Việt Nam mượn ở thư viện.

Lẽ đương nhiên, bạn có quyền chọn cách sống theo ý muốn của mình nhưng tôi mạo muội nghĩ rằng thời gian sống và học tập nơi xứ người cũng không lâu.

Nếu bạn nhìn vấn đề trên tinh thần học hỏi và cầu tiến, cách ứng xử của mình sẽ khác.

Làm thuê hay làm chủ?

Tác giả bài viết này đã từng đi bán chả giò và cà phê đá tại các siêu thịSingapoređể kiếm vài trăm đô-la trang trải chi phí.

Nếu bạn muốn đi làm thêm cũng không khó, chỉ cần lân la tại một số tiệm ăn, làm quen với chủ tiệm thì cũng tìm được ít ra là chân phụ bếp (nếu là chủ tiệm người Việt thì càng tốt).

Bạn cũng có thể làm dịch vụ phiên dịch, hay đi dạy tiếng Việt bằng cách quảng cáo trên nhật báo The Straits Times (TST) hoặc trên mạng.

Tôi được biết có một số sinh viên đã làm gia sư dạy toán, lý, hóa cho học sinh phổ thôngSingapore.

Một số bạn còn tham gia hướng dẫn du lịch hay tư vấn kinh doanh hay đầu tư  cho doanh nhân Singapore.

Cơ hội vẫn có, miễn sao bạn biết cách giới thiệu mình cho người khác biết.

Đừng đợi khi tốt nghiệp mới chuẩn bị làm sơ yếu lý lịch (CV) để nộp đơn xin việc.

Tại Singapore, bạn có thể vào trang web www.jobs.com.sg để xin việc và với CV được lưu trữ sẵn, bạn có thể nộp 30 đơn mỗi ngày.

Với bằng cấp tại Singapore có giá trị toàn cầu, bạn còn có thể xin việc tại các nước khác như Malaysia, Philippine hay Australia.

Nếu không thích vào mạng, bạn nên chịu khó mua nhật báo TST vì các công ty tại Singapore chủ yếu quảng cáo tìm người ở đây, nhiều nhất là số ra ngày thứ bảy hàng tuần.

Tuy nhiên, tôi được biết có nhiều sinh viên cũng có đầu óc kinh doanh và muốn sau này mở doanh nghiệp cho riêng mình trong tương lai.

Muốn giàu nhanh bạn nên chịu khó mua vé số vì cơ hội trúng thưởng có thể lên đến 1 triệu đô-la.

Bằng không thì bạn hãy dành thời gian đi chơi, ăn uống, thư  giãn với bạn bè thuộc mọi quốc tịch mà bạn đã có dịp gặp ở Singapore.

Những người này biết đâu sau này sẽ là đồng nghiệp, đối tác hay thậm chí là là đối thủ kinh doanh của bạn trong tương lai.

 LÊ HỮU HUY (*)

 (*) Viết tại Singapore vào năm 2002 sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Đông Nam Á học tại NUS)

 Nguồn: Cẩm nang Du học, NXB TP. HCM năm 2003

——————————————-

GIỌT NƯỚC MẮT SAU GIỜ VĂN

Cái tò mò vốn dĩ của một doanh nhân làm nghề tư vấn đã khiến tôi trở thành giáo viên dạy văn bán thời gian cho học sinh Việt Nam tại một trường quốc tế.

Kể cũng khá thú vị:

Học sinh Việt Nam sang Singapore không chỉ học tiếng Anh mà còn cần có cả tiếng Việt.

Đây không phải là môn bắt buộc nhưng học sinh có quyền chọn học và thi lấy điểm trong tổng số bảy môn học cho phép lấy bằng tú tài quốc tế  (International Baccalaureate – IB).

Tôi được trường giao dạy học sinh lớp 5 và lớp 6, tương đương lớp 11 và 12 ở Việt Nam.

Yêu cầu của nhà trường là giáo viên phải giúp học sinh Việt Nam đạt kết quả cao trong kỳ thi IB.

Buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi với các em trong lớp chủ yếu để làm quen và hướng dẫn cách học tập trong năm học.

Ngoài các vấn đề liên quan đến cá nhân như định hướng nghề nghiệp và ước vọng trong tương lai, tôi còn yêu cầu các em suy nghĩ và trả lời các câu hỏi như:

Văn là gì?

Học văn có cần thiết không?

Tại sao các em lại chọn học môn văn mà không phải là một môn khác trong chương trình IB…

Thời gian trôi nhanh, các em và tôi đã trở thành những người bạn đồng hành qua các tác phẩm văn học nổi tiếng như “Ông già và biển cả” của đại văn hào Mỹ Hemingway, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, “Chí Phèo” của Nam Cao, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du…

Nhưng trong quá trình giảng dạy, tôi chợt nhận ra một điều là có nhiều kiến thức và khái niệm mà các em có thể phát biểu hay trình bày rất hay nhưng lại hết sức mù mờ về ý nghĩa.

Đối với những em hay dùng từ tiếng Anh trong lúc phát biểu, tôi yêu cầu các em diễn đạt lại bằng tiếng Việt và giải thích những từ ngữ tương đương trong cả hai thứ tiếng.

Trong cái nhìn có phần ngứa ngáy nghề nghiệp của mình, quan hệ của chúng tôi không những là thầy trò mà còn có cả vai trò của nhà tư vấn đối với khách hàng.

Đã có lúc tôi tâm sự trong lớp rằng tôi xem các em như khách hàng mà đối với nhà tư vấn thì tôi luôn phải lắng nghe và đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

Chuyện cũng không có gì đáng nói cho đến một hôm tôi yêu cầu cả lớp viết một bài luận theo dạng mở với câu hỏi:

“Cái đẹp là gì?”.

Đây là bài làm ở nhà nên các em có thể đánh máy và gửi cho tôi bằng thư điện tử.

Tôi thích thú đọc bài viết của các em trong cái tĩnh lặng của đêm khuya sau một ngày làm việc vất vả.

Tôi phát hiện nhiều ý tưởng khá độc đáo và sâu sắc về cái đẹp của lứa tuổi hoa niên mà tôi nghĩ bản thân tôi khi ở tuổi của các em bây giờ không thể viết được như thế.

Nhưng có một vài bài văn “lạ” khiến tôi nghi vấn vì có những từ ngữ quá cao siêu cùng với văn phong rất người lớn.

Tôi chọn ra vài bài viết và chép vài đoạn ngẫu nhiên đưa lên Google thì hóa ra đây là sản phẩm “nguyên đai nguyên kiện” của một số nhà văn hay nhà phê bình có tên tuổi.

Đến ngày phải trả lại bài làm cho các em, tôi cho các em biết định nghĩa thế nào là đạo văn.

Giới thiệu các em biết một số phần mềm hay trang web hiện nay có thể kiểm tra đạo văn, tôi lấy một vài bài văn ra làm ví dụ nhưng không cho biết tên tác giả bài viết.

Cả lớp thích thú với việc phát hiện ra những đoạn văn được xem là “chôm” của người khác và ồ lên khi có bài văn có yếu tố “đạo” đến hơn phân nửa.

Tôi hướng dẫn các em về cách thức trích dẫn trực tiếp hay gián tiếp, thế nào là viết diễn giải (paraphrase) cũng như những kỹ năng cần thiết để viết một bài văn hay và quan trọng là phải thể hiện cá tính của mình trong bài viết.

Sau khi chuông reo kết thúc buổi học và tất cả học sinh đã ra khỏi lớp, D.T., tác giả bài văn “đạo” hơn phân nửa nói trên đã gặp tôi với dòng nước mắt chứa chan.

Em nói là tôi đã hạ nhục em vì mặc dù thầy không nêu tên nhưng em đã chia sẻ bài viết này với nhiều bạn trong lớp, nên giờ đây trước mắt các bạn, em là kẻ “ăn cắp”.

Tôi hơi áy náy vì tình huống không hay này nhưng cũng kịp trấn tĩnh và cho em ấy biết rằng thầy không có ý bêu xấu nhưng thầy thành thật xin lỗi.

Nhưng D.T. vẫn khóc, không thèm chào tôi, bước ra khỏi lớp và đóng sầm cửa lại.

Tôi hủy tất cả các cuộc hẹn kinh doanh cả ngày hôm đó và ngồi lì một mình trong văn phòng.

Tôi lên mạng đọc tin tức và tán gẫu với bạn bè gần xa nhưng đầu óc thì cứ nghĩ mãi về quan hệ thầy trò thời hiện tại.

Phải chăng tôi đã trả giá cho nghề giáo khi chuốc lấy thái độ xấc xược và hỗn láo của học trò?

Phải chăng, về nghiệp vụ sư phạm, tôi đã sai?

Nhưng có lẽ, quan điểm của nhà tư vấn xem học trò là khách hàng đã giúp tôi bình tĩnh và có một thái độ tích cực.

Tôi tự nhủ, dù sao đi nữa, hãy biết trân trọng những giọt nước mắt của D.T. vì em đã biết xấu hổ và nói thẳng cho tôi những suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Hơn nữa sự kiện vừa xảy ra là một bài học kinh nghiệm quý giá giúp cho những bài giảng sau của tôi thành công hơn.

Cơn bão nào rồi cũng qua đi, một tuần sau đó D.T. gửi e-mail cho tôi không đề cập gì đến chuyện đã qua mà chỉ gửi một tập tin đính kèm và nói rằng đây là bài làm của em.

Bài viết có thể không hay bằng bài trước và bắt tôi phải dành thời gian nhiều hơn để sửa, nhưng tôi thật sự trân trọng vì đó chính là “sản phẩm” của em.

Qua e-mail tôi chỉ viết dòng chữ “Cám ơn em”

nhưng trong lòng cảm thấy thực sự hạnh phúc

vì mặc dù chỉ là một giáo viên dạy văn tay ngang,

tôi đã bước đầu thành công trong sứ mệnh truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho thế hệ đi sau.

D.T. và hầu hết bạn cùng lớp đạt được điểm cao trong môn tiếng Việt cho kỳ thi IB năm nay và người chủ thuê tôi (là trường quốc tế) cũng hài lòng về kết quả đạt được của học sinh Việt Nam.

Nhưng thật tình mà nói, đối với tôi, những điểm số và lời khen của trường sẽ là vô nghĩa nếu tôi không thể chia sẻ và truyền đạt những giá trị nhân cách làm người trong quá trình giảng dạy.

Nói một cách thẳng thắn, bố mẹ học sinh Việt Nam bỏ tiền cho con em đi học trường quốc tế để có bằng cấp nước ngoài và sự thoải mái vui vẻ chứ không phải là những giọt nước mắt.

Nhưng tôi vẫn luôn nói với học sinh của mình là hãy công bằng với những di sản văn hóa truyền thống và ngôn ngữ của cha ông để lại.

Tiếng Việt là công cụ tốt nhất để người Việt chia sẻ tình cảm và tiếp thu kiến thức, trước khi tiếp cận những ngôn ngữ hay nền văn hóa mới.

Và với riêng tôi, dường như môn văn đã làm cho tôi trở thành con người đa cảm, nhiều lần đã phải cố gắng không để nước mắt rơi trong những giây phút đầy xúc cảm của một giáo viên dạy văn nơi đất khách quê người.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(Viết nhân ngày khai giảng năm học mới 2011-2012)

Nguồn: TBKTSG

———————————————————————

 THÓI QUEN LÀ GÌ?

Theo định nghĩa của một số chuyên gia tâm lý, thói quen là những hành vi đã được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Nói như ngạn ngữ  Pháp, thói quen là bản năng thứ hai.

Đã là bản năng thì nó đã trở thành một phần của cuộc sống.

Không có nó thì không được.

Có những thói quen được xem là tốt và có những thói quen được nhiều người đồng ý cho là xấu nhưng không phải ai cũng bỏ được.

Những thói quen xấu của con người có thể kể là hút thuốc, ăn uống quá độ, đi trễ, nói xấu người khác, bào chữa cho lỗi lầm của mình, vv.

Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thói quen đối với cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta, bạn có thể liệt kê một danh sách gồm hai cột.

Cột bên trái là những thói quen xấu và bên phải là phản đề của nó tức là những thói quen tốt.

Ví dụ như  sau:

Bạn hãy thử đặt câu hỏi:

Khi phát triển những thói quen tốt hay xấu nói trên bạn sẽ trở thành con người như thế nào?

Tiếp theo đó, mời bạn tham khảo đồ thị dưới đây:

Nhìn vào đồ thị này, bạn sẽ thấy trục tung là những hành động và nếu chúng được lặp đi lặp lại qua trình tự thời gian thì sẽ trở thành thói quen.

Những hành động tích cực nằm ở phía trên của trục tung là những thói quen tốt còn những hành động tiêu cực thì nằm ở phía dưới, tức là những thói quen xấu.

Và như vậy là sau khi liệt kê các thói quen tốt/xấu và đối chiếu với đồ thị này, quyền quyết định là ở bạn nếu bạn muốn cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn và theo hướng đi lên của đồ thị.

Nhân vô thập toàn, thật ra nói bao giờ cũng dễ hơn làm, người viết bài này phải tự thú nhận rằng mình còn rất nhiều thói quen xấu mình biết được mà chưa thể bỏ; mà biết đâu chừng có nhiều thói quen xấu khác mà bản thân mình chưa nhận thức đầy đủ.

Dù sao đi nữa, phi tiểu nhân bất thành quân tử, có lẽ chúng ta hãy bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu vì yêu cầu công việc bạn phải uống bia rượu hàng ngày thì cố gắng hạn chế chỉ uống một ly trong một chầu nhậu để còn sức khỏe tối về với gia đình và vợ con và ngày hôm sau làm việc.

Bạn chưa có thói quen đọc sách thì hãy cố gắng làm bạn với những người thích sách và mỗi ngày đọc một vài trang sách mà mình cảm thấy dễ tiếp thu.

Bạn chưa nói tiếng Anh giỏi thì mỗi sáng sau khi thức dậy đọc lớn vài từ hay câu mà mình nhớ được hoặc viết trên bàn việc vài từ mới mình đã học.

Dân gian có câu: trăm hay không bằng tay quen, cho dù  bạn là một cá nhân kiệt xuất có chỉ số thông minh (IQ) hay cảm xúc (EQ) như thế nào đi chăng nữa, cơ hội thành công chỉ đến với những ai rèn luyện và tu dưỡng bản thân thường xuyên.

Để kết thúc bài viết ngắn này, xin chia sẻ với độc giả câu nói của người Mỹ, không có bữa ăn trưa nào là miễn phí (There is no free lunch).

Với kinh nghiệm bản thân của người viết bài này, cuộc sống có khởi đầu mới tốt hơn chỉ đơn giản bằng thói quen bỏ mệnh đề

“Tại vì…”

Và thay nó bằng câu hỏi

“Tại sao lại không?”

 Tác giả: Lê Hữu Huy

———————————————————

KINH NGHIỆM TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC CỦA CÁC DOANH NGHIÊP5 SINGAPORE

Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc và những thành công ban đầu đã giúp cho các doanh nghiệp Singapore ngày càng tự tin hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Ví dụ cụ thể là thương hiệu giày dép bán lẻ Charles & Keith được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng hiện đã có 8 cửa hàng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc nay dự định sẽ tăng con số này lên 100 trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Một doanh nghiệp khác là Osim, thương hiệu ghế mát-xa nổi tiếng tại Singapore và Hồng Công không ngần ngại cho báo giới biết kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng của mình đến con số 500 trên thị trường Trung Quốc trong 5 năm tới và vươn đến 40 thành phố từ nay đến cuối năm 2011.


Và nhiều tên tuổi khác đến từ đảo quốc Sư Tử  như  chuỗi nhà hàng khách sạn và nghỉ dưỡng  Banyan Tree, thịt nướng Bee Cheng Hiang, bánh mì Breadtalk và quần áo bán lẻ M)phosis.

Có thể lý giải cho quyết tâm nói trên của các doanh nghiệp Singapore bằng sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc cả về quy mô lẫn nhu cầu, nhất là của tầng lớp trung lưu tại những thành phố lớn  từ thập niên 1990.

Theo ước tính, số người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc hiện nay là 150 triệu và không ngừng tăng lên.

Trong suốt 5 năm qua, GDP đầu người tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi và đạt mức 4.500 USD trong năm ngoái.

Theo nhận định của Cục Phát triển Doanh nghiệp Quốc tế Singapore (IE Singapore), tổng doanh số bán lẻ  trên thị trường Trung Quốc có thể lên đến 40,5 tỷ tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 9 tỷ USD.

Còn theo ước tính của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), chỉ trong 10 năm tới, sẽ xuất hiện thêm 200 triệu người tiêu dùng trung lưu từ các thành phố nhỏ khác.

Đây là những con số đầy hứa hẹn, tuy nhiên, theo bà Liane Ong, Giám đốc khu vực của IE Singapore hiện đang làm việc tại Thượng Hải, các doanh nghiệp Singapore cần phải biết cách gắn kết mô hình kinh doanh của mình với những đòi hỏi  về văn hóa đặc thù của người tiêu dùng Trung Quốc.

Thật vậy, hiểu biết thấu đáo về văn hóa và nắm bắt xu hướng tiêu dùng là chìa khóa thành công trên thị trường Trung Quốc.

Theo bà Ong, các doanh nghiệp Singapore nên dành thời gian nghiên cứu về những nhu cầu không chỉ đơn thuần về vật chất mà còn cả trên phương diện cảm xúc của người tiêu dùng Trung Quốc; luôn có thái độ cởi mở trong các chuyến viếng thăm và tranh thủ cơ hội giao lưu với người tiêu dùng và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường.

Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp Singapore hiểu được các phân khúc tiêu dùng mục tiêu và điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp.

Bà Ong đơn cử ví dụ như bánh mì BreadTalk vào Trung Quốc thì không còn hương vị đặc trưng của nó như ở Singapore.

Biết cách chuyển đổi công thức làm bánh của mình hợp với khẩu vị của người Trung Quốc là bí quyết thành công của BreadTalk  kể từ khi bắt đầu thâm nhập vào thị trường này cách đây 8 năm.

Chuỗi nhà hàng khách sạn nghỉ dưỡng Banyan Tree tại thành phố Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam là một điển cứu cần tham khảo:

Người Trung Quốc có dịp làm khách hàng của Banyan Tree cảm nhận sự tuyệt vời của di sản văn hóa Trung Hoa ngay tại địa phương mình với những món ẩm thực thể hiện niềm tự hào của người dân Lệ Giang và cơ sở nghỉ dưỡng của Banyan Tree làm cho họ đắm chìm trong không khí đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất Ngọc Long Tuyết Sơn.

Một điểm khác mà doanh nghiệp Singapore cần lưu ý đó là tìm được quan hệ đối tác có thể bổ sung vào những điểm yếu hay chưa hoàn thiện trong mô hình hoạt động kinh doanh, cho dù đó là nghiên cứu, làm thương hiệu, mạng lưới phân phối mà mục tiêu trên hết vẫn là nắm bắt được thị phần, cho dù là rất nhỏ, nhưng lại rất có ý nghĩa trên một sân chơi rộng lớn.

Ví dụ như đầu năm nay, Charles & Keith đã ký kết một thỏa thuận đối tác với L Capital Asia thuộc tập đoàn hàng tiêu dùng cao cấp Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH).

Nhờ đó, thương hiệu giày dép này của Singapore có thể vươn đến những phân khúc thị trường cao cấp hơn tại Trung Quốc thông qua các mối liên kết đối tác chiến lược, bổ sung hình ảnh thương hiệu và chủng loại sản phẩm của Charles & Keith.

Không chỉ áp dụng phương thức kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp Singapore cũng không thể bỏ qua tầng lớp tiêu dùng trẻm độ tuổi từ 21 đến 40, sống trong những thành phố cấp 1 và cấp 2 có thu nhập hàng tháng từ 1.500 USD đến 7.500 USD, biết sử dụng Internet, biết cách chọn lựa những gì tốt nhất cho cuộc sống vật chất của mình.

Những thanh niên này có thể mua sắm trên mạng bằng máy tính, laptop và cả điện thoại di động.

Thật vậy, sự phát triển về công nghệ thông tin kỹ thuật số đã làm cho tỷ lệ tăng trưởng mua bán trên mạng tăng 104% từ năm 2004 cho đến cuối năm 2010.

Trong năm ngoái, tổng doanh số mua sắm trên các siêu thị điện tử lớn của Trung Quốc như taobao.com là 60 tỷ USD, gấp đôi amazon.com.

Và đề mở ngoặc thêm,360 buysamazon.cn (trước đây có tên là Joyo), Dangdang, Newegg và Taobao chiếm 80% thị trường bán lẻ Trung Quốc trong năm ngoái.

Khả năng quản lý hệ thống phân phối là bí quyết thành công trên thị trường này và người tiêu dùng Trung Quốc, mặc dù mua sắm trên mạng vẫn thích giao dịch với những thương hiệu có cơ sở kinh doanh nằm gần nơi cư trú của mình.

Nói tóm lại, theo bà Ong cho dù có những nhận định bi quan như thế nào đi chăng nữa, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng, có thể chậm hơn trước. nhưng điều quan trọng trên hết là họ đã chuyển từ  nến kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (export-led) để chuyển sang tăng trưởng nhờ tiêu dùng nội địa (domestic demand-driven).

Lẽ đương nhiên, theo cách nói của người Mỹ, không có bữa ăn trưa nào là miễn phí (There is no free lunch).

Muốn ăn thì phải lăn vô bếp, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nguồn, biết cách áp dụng mô hình kinh doanh của mình vào hoàn cảnh cụ thể, với thương hiệu phù hợp với bản sắc văn hóa Trung Quốc./.

LÊ HỮU HUY

17 thoughts on “Kinh nghiệm Singapore

  1. Tôi là kỹ sư xây dựng với kinh nghiệm 6 năm, hiện tôi sắp phỏng vấn cho 1 cty và có thể là sang Singapore để làm việc, tôi muốn hỏi mức lương có thể thỏa thuận được là bao nhiêu khi làm việc ở Singapore? Hiện tại mức lương của tôi là 1000usd ở vn, tôi có IELTS 6.5, đã có kinh nghiệm làm việc cho các dự án nhà cao tầng ở vn và singapore.

  2. Vì chi phí sinh hoạt ở Singapore khá cao nên mức lương 1.000 USD (tương đương 1.300 SGD) chỉ là một con số tham khảo chứ không thể dùng để làm cơ sở trả lương cho anh.

    Để anh tiện hình dung, chi phí sinh hoạt (nhà ở, ăn uống, đi lai) sẽ không dưới 2.000SGD/tháng.

    Nếu anh có gia đình và con nhỏ thì chi tiêu càng vất vả hơn.

    Trong trường hợp anh còn độc thân và muốn sang Singapore để tiếp cận và học hỏi môi trường làm việc bên này, anh có thể yêu cầu mức lương từ 3.500 SGD đến 5.000 SGD/tháng.

    Tuy nhiên, khi phỏng vấn, anh có thể yêu cầu nhà tuyển dụng cho biết mức lương (salary range) mà họ có thể trả cho anh là bao nhiêu, thời hạn hợp đồng, khả năng tăng lương sau một thời gian làm việc cũng như các phúc lợi, bảo hiểm và các phụ cấp có liên quan.

    Chúc anh may mắn.

    Lê Hữu Huy
    VBC Singapore

  3. xin chao VBC! toi da tot nghiep cu nhan kinh te, cu nhan Anh van. hien toi muon hoc tai truong chinh sach cong Ly Quang Dieu. dieu nay can nhung yeu cau, thu tuc gi. Xin cam on.

  4. Kinh gui anh Huy,
    Rat may toi duoc biet anh qua VBC.
    Hien toi lam cho mot to chuc Phi chinh phu o Vietnam.
    Toi dang co y dinh hoc khoa ngoai ngu o Singapore, sau do toi apply de hoc master o truong Chinh sach cong Ly Quang Dieu.
    Hien tai toi da tot nghiep nganh Quan tri va Sau dai hoc nganh Chinh sach cong o Vietnam.
    Kinh nho anh tu van giup hoc ngoai ngu o noi nao tot nhat, co the hoc 1 truong ben ngoai hay ngay tai dai hoc NUS co day ngoai ngu?

    Tran trong
    Nguyen Phuong Lam

    • Cám ơn chị đã quan tâm đến VBC tại Singapore.

      Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu không tổ chức dạy tiếng Anh nên nếu chị muốn học tiếng Anh thì phải đăng ký bên ngoài.

      Thật ra, chị không nhất thiết phải ra nước ngoài để học tiếng Anh, nhất là để học thạc sĩ.

      Chị lên kế hoạch học tiếng Anh ở nhà, tranh thủ đọc sách, báo tiếng Anh và tận dụng mọi cơ hội giao tiếp và LẮNG NGHE.

      Tuy nhiên, nếu chị có điều kiện tài chính và thời gian thì ra nước ngoài là rất tốt.

      Tôi đã biết rất nhiều người ra nước ngoài học tiếng Anh/tiếng Pháp mà khả năng cũng chẳng hơn gì người học trong nước là bao nhiêu.

      Chị có thể tranh thủ học tiếng Anh ngay bây giờ mà không đợi cho đến khi sang Singapore.

      Chúc chị nhiều may mắn.

      Thân mến.

      Lê Hữu Huy
      VBC Singapore

  5. Cám ơn anh Huy rất nhiều vê những gì đã tư vấn
    Kính chúc anh khỏe và mong có dịp gặp nhau!
    Phuong Lam

  6. Kính chào anh Huy !
    Em 34 tuổi, hiện đang là công chức nhà nước, em đã học master trong nước chuyên ngành kỹ thuật tại ĐH Bách khoa TPHCM. Hiện nay em được chọn đi học tiến sĩ theo đề án 165 của Ban tổ chức trung ương, em có nguyện vọng học chương trình tiến sĩ chính sách công tại Trường Lý Quang Diệu. Tiếng anh toefl 450 nhưng em sẽ được đào tạo 6-12 tháng tiếng Anh tại VN, để đảm bảo đạt chuẩn của Trường. Xin anh tư vấn cho em biết thông tin: em có thể liên hệ với GS Vũ Minh Khương để GS giới thiệu vào Trường học không? Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí. Cảm ơn anh rất nhiều !

    • Chuẩn tiếng Anh để học thạc sĩ/tiến sĩ theo yêu cầu của trường là TOEFL 580. Chị có thể bắt đầu học thạc sĩ của Trường Lý Quang Diệu trước, sau đó xin học lên tiến sĩ.
      Thông tin về chương trình tiến sĩ của trường: http://www.spp.nus.edu.sg/PHD_Admissions.aspx. Trường sẽ xét chọn dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp và khả năng tiếng Anh nên chị không nhất thiết phải nhờ GS Vũ Minh Khương. Tuy nhiên, nếu muốn chị có thể liên hệ trực tiếp với GS Vũ Minh Khương theo địa chỉ email trên trang web của trường. Về góc độ thăng tiến nghề nghiệp và phát triển cá nhân, chị có thể gửi resume hay gọi điện cho tôi để được tư vấn cụ thể. Chúc chị sức khỏe và may mắn. Lê Hữu Huy, VBC Singapore

  7. Cảm ơn ý kiến quý báu của anh Huy !
    Em đã học master trong nước rồi. Em apply chương trình tiến sĩ của Trường luôn thì được chứ?
    Hiện tại em đang ở một tỉnh của Việt Nam, điều kiện học tiếng Anh cũng là một thử thách, e dự kiến học tiếng Anh đến cuối năm 2012 sẽ gửi hồ sơ vào Trường. Em sẽ chuẩn bị resume để gửi cho anh. Em có khát vọng nhưng thiếu một sự dẫn đường, định hướng. Em tin mình sẽ tự tin, kiên nhẫn và mạnh dạn hơn khi có tư vấn của anh. Kính chúc anh sức khỏe!

  8. Xin chao anh Huy! Em rat kinh phuc y chi hoc hoi va tinh than bat khuat vuon len khong ngung cua mot nguoi con dat Viet cua anh. Anh that la mot tam guong xung dang de em hoc hoi va phan dau nhieu hon nua. Em da tot nghiep Truong DH Quoc gia Hanoi va Khoa Tai chuc ngoai ngu Tieng Anh cua Truong DH ngoai ngu Hanoi. Hien tai em dang muon tham gia khoa hoc chuyen nganh ve Thiet ke thoi trang tai Singapore. Anh la nguoi da tung song nhieu nam tai do, vi vay anh co the tu van giup em nen hoc tai truong nao co chat luong tot nhat ma chi phi khong qua cao. Thoi gian toi co the em se sang Singapore choi, anh co the cho em xin so dien thoai de khi sang do em se lien he voi anh de nho anh tu van giup em them mot so van de nua duoc khong ah…Em Kim Dzung.

  9. Huy ơi ,

    Các bài viết và quan sát của Huy rât thú vị , tinh tế và buộc người đọc phải suy nghi, trăn trở , tự vấn mình và những điều quanh mình, về chính môi trường quanh mình.

    Mỗii lần quay lại S’pore đều rất đỗi ngạc nhiên với những thay đổi chóng mặt về hạ tầng, các đường xe địện mới, các trung tâm thương mại, và các công trình đang tiến hành xây dựng . Có thể nói năng lực thay đổi và thích nghi của chính phủ, và xã hội S’pore nói chung rất tôt, doanh nhân của ho cũng rất năng động. Những gì chính phủ S’pore làm không phải là mới mẻ gì, nhưng họ đều làm đến nơi đến chốn và minh bạch. Đó là điều mình rất chịu , tâm phục, khẩu phục.

    Những quan sát và chia sẻ của Huy thật sự là một đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, từ góc nhìn của cá nhân minh. Hy vọng Huy có được thời gian rảnh và tiếp tục viết thường xuyên.

    Chúc cả nhà khỏe và vui

    PS. Huy xem đầu vào của các Junior college như Raffle, Hwa Chong Junior College, Anglo- Chinese ….để đảm bảo cho bé đủ 3-4 điểm để vào các chỗ hàng đầu ( vì nó dinh dáng đến diểm ngoại ngữ thứ 2 trong một bài viết mà Huy đề cập và tự dạy ở nhầ đấy. ) . All the best of luck !

    VHa ( 7 bis BCD )

    • Cám ơn những chia sẻ của anh. Về việc nhập học các trường công có tiếng ở Singapore, thông thường họ thường tổ chức các kỳ thi ở Việt Nam và các thông tin này cũng được báo chí ở nhà đưa tin. Học sinh ở Singapore muốn vào các trường như anh vừa nêu phải đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) và sau đó được học hệ cấp tốc và chương trình đặc biệt sau đó vào thẳng đại học. Anh có thể email riêng cho Huy theo vietnamcentre@gmail.com cùng với các thông tin liên quan để Huy có cơ sở có ý kiến thêm. Chúc anh và gia quyến luôn vui mạnh.

Leave a reply to Hương Lê Cancel reply